Bí quyết sức khỏe tâm thần trong tách trà của bạn
Bạn có thể làm được nhiều việc để giảm bớt gánh nặng cho sức khỏe tâm thần và sống hạnh phúc hơn
Để hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới 10/10, chúng tôi muốn cùng nhau nâng một tách trà cho tất cả những người đang cố gắng điều chỉnh cuộc sống của họ khi phải sống chung với các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, tâm thần phân liệt, sự lo âu, tâm trạng thất thường, và những biểu hiện khác của căn bệnh này.
Chúng tôi cũng xin gửi lời cảm ơn tới tất cả các chuyên gia sức khỏe tâm thần đã làm việc chăm chỉ để giúp đỡ những người đang phải nhờ đến sự trợ giúp ấy.
Trên hết, chúng tôi muốn nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc có được một sức khỏe tinh thần tốt và thảo luận về một số công cụ mà mọi người có thể sử dụng để giúp mọi người đạt được sức khỏe tâm thần tốt.
Vấn đề sức khỏe tâm thần trong thời đại ngày nay
Chủ đề của Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới là “Sức khỏe tâm thần và hạnh phúc cho tất cả mọi người là ưu tiên toàn cầu.” Trước sự căng thẳng và lo lắng xung quanh cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu gần đây thì vấn đề trọng tâm do Liên đoàn Sức khỏe Tâm thần Thế giới đặt ra này là một vấn đề đặc biệt sâu sắc và quan trọng trong thời đại hiện nay.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì những bệnh nhân tâm thần nặng sẽ tử vong sớm hơn 20 năm mà nguyên nhân bắt nguồn từ tình trạng thể chất có thể phòng ngừa được. Vào năm 2019, khoảng 970 triệu người (1/8) trên toàn thế giới sống chung với chứng trầm cảm và rối loạn lo âu hoặc các tình trạng sức khỏe tâm thần khác như rối loạn lưỡng cực, rối loạn căng thẳng sau chấn thương, rối loạn ăn uống, tự kỷ và tâm thần phân liệt. Hầu hết những cá nhân này không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiệu quả.
Tuy nhiên, có một số cách có thể cải thiện sức khỏe tâm thần và giải quyết các thách thức về sức khỏe tâm thần của bạn. Cuốn sách hướng dẫn của Hiệp hội Sức khỏe tâm thần với nhan đề “Our Best Mental Health Tips Backed by Research” (Những Lời Khuyên Tốt Nhất của Chúng Tôi về Sức Khỏe Tâm Thần đã được Các Nghiên Cứu Chứng Minh) đã đưa ra các phương pháp thực hành dựa trên các nghiên cứu có thể có hữu ích đối với các bạn. Các phương pháp đó là dành nhiều thời gian hơn cho thiên nhiên, nói chuyện với người mà bạn tin tưởng để được giúp đỡ, làm các công việc thiện nguyện và các hành động tử tế khác, nhận thức được việc sử dụng ma túy hoặc rượu, lên kế hoạch cho những công việc cần hoàn thành và áp dụng cách ăn uống lành mạnh.
Một tách trà?
Đôi khi, những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống lại có thể có ý nghĩa rất lớn. Như uống một tách trà chẳng hạn. Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã nghiên cứu, đánh giá về tác động của trà đối với sức khỏe, trong đó có cả sức khỏe tâm thần và đã có nhiều phát hiện quan trọng.
Theo bác sĩ tâm lý Andrew Scholey- giảng viên trường Đại học Công nghệ Swinburne ở Melbourne, Úc thì “Trà giúp thư thái thần kinh, nhưng đồng thời cũng giúp chúng ta tỉnh táo.”
Hiệu ứng nghịch lý này có nghĩa là các cá nhân có thể nhận được hai lợi ích dường như trái ngược nhau từ trà.
Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là trà là một loại thuốc kỳ diệu. Bác sĩ tâm thần Stefan Borgwardt của Đại học Basel ở Thụy Sĩ lưu ý rằng “điều quan trọng là không đánh giá quá cao các hiệu quả này.” Tuy nhiên, vì khoảng một phần ba số người bị trầm cảm và lo âu không bao giờ tìm được liệu pháp phù hợp với họ, nên việc bổ sung một phương thuốc tự nhiên có thể giúp làm giảm nhẹ các triệu chứng của căn bệnh là điều rất nên làm.
Lợi ích về sức khỏe tâm thần của trà
Các nhà khoa học đã tìm được một số kết quả tích cực giữa những người uống trà so với những người không uống trà. Trong một nghiên cứu trên gần 9,700 người trưởng thành, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng những người uống ít nhất ba tách trà xanh mỗi tuần có tỷ lệ bị bệnh trầm cảm thấp hơn 21% so với những người không uống trà.
Trong trà xanh có chứa một lượng lớn acid amin L-theanine (đặc biệt là matcha) và trà đen, trắng và ô long thì ít hơn. Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy những người uống 200mg L-theanine mỗi ngày (đó là lượng có trong 8 tách trà) có mức hormone gây căng thẳng cortisol thấp hơn và cảm thấy thoải mái hơn sau khi tham gia vào các nhiệm vụ căng thẳng so với những người dùng giả dược.
Bằng chứng về hiệu ứng thả lỏng được thể hiện trong điện não đồ cho thấy hoạt động của não liên quan đến vấn đề này. Lợi ích của L-theanine có thể liên quan đến khả năng đi qua hàng rào máu não và tác động trực tiếp đến trí óc. L-theanine cũng có ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh phản ứng với căng thẳng của cơ thể bằng cách giảm cortisol và có lẽ làm tăng nồng độ acid gamma-aminobutyric, làm giảm lo lắng.
Nếu bạn đang muốn có sự tập trung cao độ thì EGCG (epigallocatechin gallate) có trong trà xanh có thể giúp ích cho việc này. Nghiên cứu cho thấy rằng việc sử dụng EGCG có thể dẫn đến trạng thái tinh thần thoải mái nhưng vẫn có sự tập trung. Giống như L-theanine, EGCG có thể đi qua hàng rào máu não và tăng cường chức năng nhận thức.
Một số loại trà thảo mộc cũng đã được chứng minh là có ảnh hưởng đến tâm trạng, giúp thư thái và tập trung. Bạn nên cân nhắc bổ sung thêm một hoặc nhiều loại trà này vào thói quen hàng ngày.
1. Ashwagandha (Nhân sâm Ấn Độ)
Loại trà này có thể làm giảm các triệu chứng trầm cảm và lo âu. Loại trà thảo dược cổ xưa này cũng có thể làm giảm mức hormone gây căng thẳng (cortisol). Trong một thử nghiệm lâm sàng, các chuyên gia phát hiện ra rằng những người dùng ashwagandha có tác dụng giảm căng thẳng và mức cortisol thấp hơn so với những người không dùng ashwagandha.
2. Trà hoa cúc
Loại trà này có thể giúp giảm lo âu. Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy những người bị chứng rối loạn lo âu tổng quát uống trà hoa cúc đã giảm được các triệu chứng từ trung bình đến nặng.
3. Trà tía tô đất
Loại trà này dành cho chứng trầm cảm và lo âu. Cây tía tô đất thuộc họ bạc hà có tác dụng làm dịu thần kinh. Nghiên cứu năm 2014 cho thấy những người uống trà tía tô đất hoặc sữa chua có chứa tía tô đất cho thấy có sự cải thiện về tâm trạng và tình trạng lo âu.
Kết luận
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times