4 loại trà thanh nhiệt, tiêu ẩm, giải trừ mệt mỏi trong mùa hè
Ghi chú của biên tập viên: Mùa hè nóng nực luôn khiến mọi người lười biếng. Ngoài việc phải chịu nắng nóng bởi nhiệt độ cao, cũng có thể là do cơ thể có quá nhiều khí ẩm. Trung y nhấn mạnh rằng “mùa hè dưỡng tim” là một trong những điểm mấu chốt trong việc dưỡng sinh. Mỗi khi đến mùa hè, đừng vội bật điều hòa hay uống nước đá để giải nhiệt, hãy cân nhắc việc tiêu ẩm cho cơ thể. Điều này sẽ giúp loại bỏ mệt mỏi tinh thần và khiến cơ thể nhẹ nhàng hơn.
Uống trà sau bữa ăn để giảm bớt hỏa khí, bài trừ khí ẩm
Khi nhiệt độ tăng cao vào mùa hè, mọi người phát hiện bản thân luôn cảm thấy lười biếng. Điều này là do cơ thể đang cố gắng điều chỉnh sự chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong và bên ngoài, máu sẽ tăng tốc vận chuyển. Khi tim và mạch máu chịu áp lực lớn hơn sẽ dễ có cảm giác chóng mặt, không có sức lực.
Khi cơ thể khá lạnh, không chống chọi được với nhiệt độ cao bên ngoài, thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa độ ẩm và quá trình tiêu hóa của tỳ vị. Vì thế khiến cơ thể có cảm giác nặng nề và mệt mỏi.
Để tránh tình trạng nêu trên, quý vị cần giảm bớt tâm hỏa vào mùa hè. Trung y thường nói, chăm sóc mùa hè nên bắt đầu từ “dưỡng tim,” giảm hỏa, giảm gánh nặng cho tim, đồng thời lưu ý tiêu ẩm để giúp cơ thể trở nên nhẹ nhàng hơn. Quý vị nên uống một tách trà sau bữa ăn để giúp cơ thể trừ ẩm, thúc đẩy quá trình tiêu hóa, loại bỏ mệt mỏi tinh thần, giúp thời gian mùa hè trở nên vừa ý hơn!
Dưỡng tim và giảm sưng tấy bằng trà đậu đỏ Ý nhân
Nguyên liệu: 50g đậu đỏ, 30g Ý nhân, 1000ml nước
Cách làm:
1. Cho đậu đỏ và ý nhân vào nồi sứ đáy bằng, rang trên lửa nhỏ cho đến khi dậy mùi thơm thì ngâm vào nước ở nhiệt độ phòng khoảng 1 tiếng.
2. Nấu trên lửa vừa, khuấy nhẹ (cố gắng không làm vỡ), sau khi hơi sôi thì vặn lửa nhỏ, đun trong 30 phút.
3. Sau khi tắt bếp, lọc lấy nước, để nguội là có thể uống.
Công hiệu dưỡng sinh: Trung y cho rằng mùa hè trong ngũ hành thuộc về tính hỏa, tạng phủ tương ứng là trái tim, vì thế chăm sóc sức khỏe mùa hè tập trung vào việc dưỡng tim trừ hỏa. Trong ngũ hành âm dương, “màu đỏ là hỏa, khi vào tim có thể bổ khí bổ huyết,” vậy nên vào mùa hè nên ăn nhiều thực phẩm màu đỏ, chẳng hạn như đậu đỏ, táo đỏ, gạo men đỏ, cà chua v.v…
Đậu đỏ có thể thanh nhiệt, thải độc, đồng thời có thể thúc đẩy tuần hoàn máu và làm da hồng hào. Ý nhân là một “công cụ lợi tiểu,” rất dồi dào vitamin và chất chống oxy hóa. Pha hai loại này với nhau không chỉ tăng cường khả năng trừ ẩm mà còn làm giảm viêm trong cơ thể và duy trì độ đàn hồi của da. Khi thức dậy vào buổi sáng và cảm thấy chân tay sưng tấy, nước da kém sắc, hãy uống một tách trà đậu đỏ ý nhân.
Lời khuyên nhỏ:
Trong quá trình nấu, nếu nước đặc dần là do đậu đỏ và lúa mạch bị vỡ, tinh bột bên trong chảy ra ngoài khiến nước súp bị đục. Những người muốn giảm phù nề nhớ đừng để chúng bị vỡ.
Thức uống tốt nhất để giải nhiệt, giảm mệt mỏi trong mùa hè là trà ô mai
Nguyên liệu: 35g ô mai nấu chín, 10g Lạc thần, 25g táo gai, 12.5g Trần bì, 7.5g cam thảo, 200g đường phèn, 2000cc nước
Cách làm:
1. Rửa sạch dược liệu, cho vào nước rồi đun sôi trên lửa lớn.
2. Vặn lửa nhỏ, đậy nắp nồi và nấu trong 1 tiếng, sau đó vớt dược liệu ra và để nguội trước khi uống.
Công hiệu dưỡng sinh: Nước uống mùa hè phổ biến “trà ô mai” còn được gọi là “trà mận chua.” Trà có vị chua ngọt tuyệt vời, không chỉ có thể loại bỏ dầu, giảm nhờn mà còn bảo vệ ruột và trợ giúp tiêu hóa. Bản thân ô mai đã hun khói là một dược liệu Trung y, chứa rất nhiều acid hữu cơ, có thể giúp làm giảm sự tích tụ acid lactic, đào thải các chất có hại làm lão hóa mạch máu, từ đó loại bỏ mệt mỏi.
Trên thị trường có rất nhiều nhãn hiệu trà ô mai với công thức pha chế khác nhau. Trà ô mai cầu kỳ hơn sẽ thêm hoa Lạc thần, táo gai, cam thảo, Trần bì và một ít đường phèn, hương vị phong phú nhiều tầng. Trà ô mai dưỡng sinh không chỉ làm dịu cơn nóng, giải khát mà còn có tác dụng làm đẹp, bởi vì hoa Lạc thần rất dồi dào polyphenol và anthocyanidin, có thể chống lại quá trình oxy hóa và viêm nhiễm. Uống một lượng thích hợp có thể giúp cải thiện khả năng giữ ẩm của da. Nếu lo lắng về việc uống phải trà ô mai làm từ mật ong cô đặc thì nên mua trà ô mai sử dụng dược liệu Trung y tự nhiên, không độc hại.
Lời khuyên nhỏ:
Nếu lo lắng lỗ rây ở nhà quá lớn không thể lọc hết cặn dược liệu đã nấu chín, có thể mua túi gạc có lỗ dày ở cửa hàng Trung y hoặc cửa hàng đồ kim khí. Sau khi rửa sạch các nguyên liệu thì cho tất cả vào túi gạc rồi đun sôi trong nước, hương vị sẽ ngon hơn.
Uống đúng loại trà để cảm thấy tràn đầy sinh lực, đừng bỏ lỡ trà sữa Địa hoàng
Nguyên liệu: 5g Địa hoàng, 1 lon sữa tươi nhỏ
Cách làm:
1. Đun nóng sữa tươi trên lửa nhỏ.
2. Cắt Địa hoàng thành từng miếng rồi cho vào sữa nóng.
3. Khi màu chuyển sang màu đen nhạt, hãy điều chỉnh theo tông màu yêu thích rồi uống.
Công hiệu dưỡng sinh: Nếu quý vị cảm thấy buồn ngủ khi làm việc vào buổi chiều, hãy pha ngay trà Địa hoàng và thêm sữa tươi. Nghiên cứu y học đã xác nhận rằng Địa hoàng chứa rất nhiều polysaccharide, glycan, acid amin, aucubin và nhiều loại vitamin. Loại trà này có thể tẩm bổ, lợi tiểu, trợ giúp thận trao đổi chất, cải thiện khả năng miễn dịch, tăng cường thể lực, đồng thời trừ ẩm cho cơ thể. Uống một tách trà sữa Địa hoàng thơm ngon bổ dưỡng mỗi ngày có thể bổ sung dưỡng chất và nâng cao tinh thần. Đây là cách dưỡng da tốt nhất cho cơ thể bạn.
Lời khuyên nhỏ:
Nhớ chọn Địa hoàng đã được hấp chín và phơi nắng chín lần, ít nóng và lạnh.
An định suy nghĩ hỗn loạn bằng trà hoa cúc Câu kỷ tử
Nguyên liệu: 5 đóa cúc trường thọ khô, 3 quả Câu kỷ tử, 500ml nước
Cách làm:
1. Cho cúc trường thọ vào nồi sứ đáy bằng, rang nhanh trên lửa nhỏ cho đến khi xuất hiện mùi thơm, khiến thuộc tính của hoa cúc chuyển từ lạnh sang ấm.
2. Cho cúc trường thọ cùng Câu kỷ tử vào nước nóng, đậy nắp ly, nấu trong 15 phút là có thể dùng.
Công hiệu dưỡng sinh: Con người hiện đại sống với nhịp độ nhanh nhưng đến lúc đi ngủ vẫn lướt điện thoại di động, dẫn đến đau mắt và chất lượng giấc ngủ kém. Lúc này, cần pha một tách trà hoa cúc Câu kỷ tử để trấn tĩnh an thần. Hương thơm của hoa cúc có thể hòa hoãn suy nghĩ, xoa dịu tâm trí.
Câu kỷ tử được mệnh danh là “trái thần tiên phương Đông.” Nghiên cứu y học hiện đại đã chứng minh rằng một quả Câu kỷ tử nhỏ có chứa 18 loại acid amin, một lượng lớn β-carotene, betaine, vitamin nhóm B, vitamin C, carbohydrate, polysacarit, calcium, phosphorus, sắt và các chất khác, không chỉ bảo vệ mắt mà còn nuôi dưỡng gan, cải thiện thị lực và giảm tam cao (Huyết áp cao, đường huyết cao và mỡ máu cao).
Lời khuyên nhỏ:
Hoa cúc rất nhẹ, động tác đảo cần rất nhanh để không bị cháy; hoa cúc cháy sẽ có vị đắng.
Nên uống loại trà này trước khi đi ngủ 2 tiếng để hạn chế chứng tiểu đêm.
Toàn Phong biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ