Phổi thích thức ăn màu trắng: 5 loại thực phẩm có tác dụng dưỡng phổi
Khi dịch Covid-19 bùng phát, đã có rất nhiều bệnh nhân nhiễm bệnh do phổi và đường hô hấp bị virus tấn công, để lại nhiều di chứng như khô miệng, khô họng, dễ ho. Sau khi ông Cao Hạo Vũ (Gao Yuyu), bác sĩ Trung y của Bệnh viện Mã Giai tại Đài Loan, điều trị cho những bệnh nhân này bằng đơn thuốc có chứa Bách hợp, các triệu chứng của họ không chỉ đã được cải thiện mà chất lượng giấc ngủ cũng tốt hơn.
Trung y giảng “y thực đồng nguyên” (thức ăn và thuốc có cùng nguồn gốc), Bách hợp màu trắng là một trong những thực phẩm có tác dụng dưỡng phổi. Các thực phẩm khác có màu thiên về trắng cũng có tác dụng bổ phổi, bảo vệ đường hô hấp, y học hiện đại cũng đã khẳng định điều này.
5 loại thực phẩm màu trắng có ích cho phổi
Theo lý luận của Trung y, ngũ tạng “can, tâm, tỳ, phế, thận” (gan, tim, lá lách, phổi, thận) tương ứng với ngũ sắc “thanh, xích, hoàng, bạch, hắc” (xanh, đỏ, vàng, trắng, đen). Tiêu thụ nhiều thực phẩm có 5 màu sắc này sẽ có thể bổ dưỡng các cơ quan nội tạng trong cơ thể. Vì vậy, để dưỡng phổi thì cần phải dùng thức ăn có màu trắng.
Thức ăn màu trắng bao gồm Củ từ, Mộc nhĩ trắng, Củ sen, Bách hợp, Lê, v.v. Hầu hết những loại thực phẩm này khi sờ vào đều có cảm giác hơi trơn, một số còn có chất nhầy. Bác sĩ Cao Hạo Vũ cho biết, Trung y cho rằng “phế vi kiều tạng”,ý là đặc tính của phế (phổi) là tạng yếu, mỏng manh và dễ bị tổn thương, vì vậy cần được bảo dưỡng bằng phương thức tư nhuận (dưỡng ẩm). Y học hiện đại cho rằng những loại thực phẩm màu trắng này có chứa polysaccharid, sulfua hữu cơ và polyphenol, có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm, không chỉ có ích cho phổi mà còn cho toàn bộ cơ thể.
Mỗi loại thực phẩm cũng có những tác dụng nổi bật riêng:
-
Bách hợp
Bách hợp, một dược liệu của Trung y, đã có lịch sử làm thuốc hàng nghìn năm. Theo Trung y, Bách hợp quy về kinh tâm (hệ thống cảm xúc và tinh thần) và kinh phế (hệ thống hô hấp), có tác dụng nhuận phế giảm ho, thanh tâm an thần, hỗ trợ giấc ngủ.
Bác sĩ Cao Hạo Vũ cho biết, Bách hợp là một loại thảo dược được sử dụng rất phổ biến trong Trung y, trên thực tế lâm sàng, nhiều bệnh nhân phổi yếu đều được điều trị bằng Bách hợp.
Ngoài những bệnh nhân mắc hội chứng Covid-19 kéo dài, Bách hợp còn có thể dùng để cải thiện tình trạng ho do hút thuốc lá. Một thí nghiệm tại Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc, tiến hành cho những con chuột đã hít thuốc lá ăn một ít Bách hợp, kết quả phát hiện ra rằng Bách hợp có thể làm giảm đáng kể các tế bào miễn dịch bất thường ở chuột, và các chất gây viêm ở cơ thể chúng cũng đã được giảm bớt. [1]
Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng, Bách hợp có thể làm giảm viêm phổi và tăng chức năng phổi ở những con chuột hít thuốc lá.
-
Mộc nhĩ trắng
Mộc nhĩ trắng hay còn gọi là Ngân nhĩ, Trung y cho rằng nó có thể dùng để cải thiện các triệu chứng như ho nhiệt, ho khan, nóng ruột, táo bón v.v. Bệnh nhân khô miệng lưỡi thường là do phổi quá khô, bác sĩ Cao Vũ Hạo cho biết nếu dùng một chút Mộc nhĩ trắng thì sẽ thấy đỡ khô, tình trạng táo bón cũng được cải thiện.
Dinh dưỡng học hiện đại đã phát hiện ra rằng, Mộc nhĩ trắng rất giàu chất xơ hòa tan, có thể trở thành thức ăn cho lợi khuẩn đường ruột và thúc đẩy sự phát triển của các lợi khuẩn. Mộc nhĩ trắng còn có polysaccharide, không chỉ có thể cải thiện chức năng miễn dịch mà còn giúp chống lại bệnh ung thư phổi.
“Tạp chí quốc tế về các đại phân tử sinh học” (International Journal of Biological Macromolecules) từng công bố một thí nghiệm tế bào cho thấy, việc sử dụng polysaccharide của Mộc nhĩ trên tế bào ung thư phổi có thể ức chế sự phát triển không ngừng của tế bào ung thư. Bác sĩ Cao Vũ Hạo giải thích rằng các tế bào ung thư sẽ từ giai đoạn G0 và G1 mà không ngừng phát triển sang các giai đoạn tiếp theo, còn polysaccharide của Mộc nhĩ có thể làm cho tế bào ung thư dừng lại ở giai đoạn G0 và G1. [2]
-
Củ sen
Củ sen là thân rễ của cây hoa sen, là một trong những nguyên liệu bổ phổi, nhuận phổi vào mùa thu theo lý luận dưỡng sinh của Trung y. Do không khí hanh khô vào mùa thu dễ làm tổn thương phổi, phổi lại thông với mũi nên khi phổi yếu dễ gây dị ứng mũi, họng khô ngứa, vì vậy cần nhuận phổi (làm ẩm phổi).
Bản thân Củ sen rất giàu chất xơ, vitamin C và các hợp chất polyphenolic. Các nghiên cứu hiện đại đã xác nhận rằng Củ sen có hoạt tính chống oxy hóa, có tác dụng tăng cường miễn dịch, chống viêm và cải thiện tình trạng viêm nhiễm như dị ứng. Một nghiên cứu của Nhật Bản phát hiện rằng, sử dụng bột Củ sen có thể làm giảm dị ứng mũi ở chuột, chẳng hạn như rụng lông và mẩn đỏ quanh mũi, nguyên nhân có thể là do tiêu thụ bột Củ sen có liên quan đến việc ức chế sản xuất các chất gây viêm. Các nhà nghiên cứu cho rằng, kết quả này cho thấy Củ sen có thể được sử dụng để điều trị các triệu chứng dị ứng, như dị ứng phấn hoa hoặc dị ứng thực phẩm. [3] [4] [5]
-
Sơn dược (củ mài)
Củ mài vừa là thực phẩm vừa là dược liệu, trong các thực phẩm nhuận phổi cũng thường được nhắc đến. Củ mài có tác dụng bổ phế ích thận, cô đặc tinh chất và làm se lại. Đối với những bệnh nhân dễ bị dị ứng và có đờm thì tiêu thụ Củ mài sẽ rất hữu ích.
Bác sĩ Cao Hạo Vũ cho biết, sau khi một số bệnh nhân điều trị bằng thuốc tây, chẳng hạn như bệnh nhân ung thư sau khi hóa trị, thường sẽ bị tiêu chảy và thở khò khè. Sử dụng Củ mài kết hợp với các loại thuốc tăng cường khí lực như Nhân sâm v.v. có thể làm giảm bớt các triệu chứng này.
Ngoài ra, bệnh nhân tắc nghẽn phổi kinh niên sau khi dùng Củ mài kết hợp với Dâm dương hoắc trong 3 tháng có thể cải thiện đáng kể tình trạng khó thở, cải thiện năng lực vận động và chất lượng cuộc sống. [6]
Trong đợt bùng phát Covid-19, một số bác sĩ Trung y cũng sử dụng Thanh Phế Bài Độc Thang với Củ mài và Trần bì để điều trị cho bệnh nhân. Củ mài là một trong những dược liệu có tần suất sử dụng cao trong đợt dịch bệnh này. [7]
-
Lê
Trái lê có thể được chia thành hai loại: lê phương Tây và lê Á Châu. Lê mà Trung y sử dụng là lê Á Châu, Trung y cho rằng Lê có tác dụng nhuận phế, giảm nấc và giải đờm.
Một bài đánh giá của Hàn Quốc đã liệt kê rất nhiều lợi ích của trái Lê như sau: [8]
Tiêu thụ nhiều Lê có liên quan chặt chẽ đến việc giảm tỷ lệ mắc các triệu chứng hen suyễn. Lý do Lê có thể phát huy tác dụng trong việc điều trị các bệnh đường hô hấp như hen suyễn v.v. có thể là liên quan đến tổ hợp độc đáo giữa polyphenol và flavonoid có trong Lê.
Lê có thể làm giảm đáng kể nguy cơ tắc nghẽn phổi kinh niên ở những người cai thuốc lá.
Lê Á Châu có tác dụng giảm đáng kể các dấu hiệu viêm khí quản.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng Lê Á Châu chứa nhiều phenolic, arbutin và acid chlorogenic hơn Lê phương Tây. Hơn nữa các chất dinh dưỡng của Lê chủ yếu tập trung ở phần vỏ. Ăn cả quả Lê sẽ tốt hơn là chỉ bổ sung các chất dinh dưỡng riêng lẻ, vì tác dụng chống viêm của Lê dường như có liên quan đến sự kết hợp của nhiều chất dinh dưỡng khác nhau.
Một nghiên cứu khác từ Đài Loan phát hiện rằng, các bài thuốc chăm sóc đường hô hấp lấy trái Lê làm chủ có tác dụng kích thích quá trình thực bào của các đại thực bào để loại bỏ các hạt PM2.5. Đồng thời, nó cũng cải thiện đáng kể các biểu hiện dị ứng, bệnh phổi và các gene liên quan đến sửa chữa DNA trong tế bào phổi, giúp ngăn ngừa ung thư. [9]
Thêm chút đường phèn và mật ong vào món điểm tâm
Các loại thực phẩm có màu trắng như Bách hợp, Mộc nhĩ trắng, Lê, Củ sen, Củ mài v.v. đều thích hợp để cho thêm đường phèn và mật ong nhằm tăng tác dụng nhuận phế. Trung y cho rằng cả đường phèn và mật ong đều có tác dụng nhuận phổi giảm ho. Bác sĩ Cao Hạo Vũ bổ sung thêm, mật ong cũng có thể cải thiện tình trạng đau bụng và giúp nhuận tràng, nhưng bệnh nhân trào ngược dạ dày cần lưu ý.
Bách hợp và Mộc nhĩ trắng có thể đun cùng nhau để tạo thành một món chè ngọt – chè Bách hợp Ngân nhĩ.
Cách làm: rửa sạch 50g Bách hợp, 1 bông Mộc nhĩ trắng và 100g hạt sen, ngâm cho mềm rồi cho vào nồi, thêm lượng nước thích hợp và nấu chín, cuối cùng cho thêm đường phèn lượng vừa đủ.
Bác sĩ Hồ Nãi Văn (Hu Naiwen) tại phòng khám Trung y Thượng Hải Đồng Đức Đường ở Đài Bắc cho biết, chè Bách hợp Ngân nhĩ có tác dụng bảo vệ phổi và phòng cảm lạnh rất tốt. Ông kiến nghị có thể đun lâu hơn để chất keo của Mộc nhĩ trắng tan vào trong chè, có tác dụng nhuận phổi tốt hơn.
Một món tráng miệng bảo vệ phổi khác được bác sĩ Hồ Nãi Văn khuyên dùng là Lê hấp đường phèn.
Cách làm: Bổ đôi trái Lê, khoét bỏ hạt và một phần thịt, thêm một ít đường phèn và các dược liệu Trung y như Xuyên bối và Hạnh nhân v.v., hấp trong nồi từ 40-50 phút là có thể dùng.
Sự kết hợp của đường phèn, Xuyên bối và Hạnh nhân không chỉ có tác dụng bổ phổi mà còn tăng cường tác dụng tiêu đờm, chữa trị chứng ho do đờm.
Bác sĩ Lâm Bội Trân (Lim Peizhen), Giám đốc Phòng khám Trung y Lý Tưởng tại Đài Loan cho biết, luộc Củ sen, thái nhỏ và rưới mật ong lên, hoặc pha bột Củ sen với mật ong, có thể cải thiện tình trạng đường hô hấp, nhuận tràng, trị táo bón và bảo vệ đường tiêu hóa.
Đối với Củ mài, có thể nấu cùng Táo đỏ, Quất và Đường phèn tạo thành món chè ngọt, hoặc cũng có thể thái lát, luộc để nguội rồi rưới mật ong lên trên và thưởng thức.
Lý Thanh Phong biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ