Những tiến bộ trong ngành ghép tạng
Những tiến bộ trong lĩnh vực cấy ghép mô và nội tạng đã trải qua một chặng đường phát triển lâu dài, từ ca ghép thận thành công đầu tiên từ người sang người vào năm 1954 cho đến cấy ghép bàng quang thay thế bằng tế bào tự thân và các bộ phận cơ thể nhân tạo khác như hiện nay.
Ca ghép thận đầu tiên ở người
Vào ngày 23/12/1954, Tiến sĩ Joseph Murray đã thực hiện thành công ca ghép nội tạng đầu tiên ở người trên một cặp song sinh cùng trứng, Richard Herrick và Ronald. Ông lấy quả thận từ Richard Herrick để ghép cho Ronald. Sau cuộc phẫu thuật, Richard đã sống sót, kết hôn và có hai con. Ông mất tám năm sau đó vì suy tim trong khi Ronald vẫn tiếp tục sống thêm 50 năm.
Sau đó, Tiến sĩ Murray đã cấy ghép thận trên một cặp song sinh khác trứng, và tiếp theo là giữa những người không có quan hệ huyết thống bằng các liệu pháp ức chế miễn dịch sớm vào năm 1961. Năm 1990, ông được trao giải Nobel về sinh lý học.
Ca ghép tim đầu tiên ở người
Vào ngày 03/12/1967, Tiến sĩ Christiaan Barnard đã thực hiện thành công ca ghép tim đầu tiên ở người trên thế giới tại Bệnh viện Groote Schuur, Cape Town, Nam Phi. Ca phẫu thuật được tiến hành trên bệnh nhân Louis Walsh Kansky bị bệnh suy tim giai đoạn cuối như một nỗ lực cuối cùng để cứu sống anh ấy.
Trái tim cấy ghép cho Louis đến từ cô Denise Darvall 25 tuổi. Cô đã bị thương nặng trong một vụ tai nạn xe hơi.
Ca phẫu thuật là một nỗ lực tổng thể xuất sắc của nhóm do Tiến sĩ Barnard dẫn đầu. Anh trở thành gương mặt đại diện cho sự đột phá trong lĩnh vực cấy ghép tim. Điều này đã giúp anh có mặt trên trang bìa của tạp chí Time và một số cuộc phỏng vấn trên truyền hình và báo in.
Wash Kansky chỉ sống được thêm 18 ngày. Các loại thuốc ức chế hệ miễn dịch để giữ cho cơ thể anh ấy không thải bỏ trái tim mới cũng làm giảm khả năng chống lại nhiễm trùng. Vì vậy anh ấy đã bị viêm phổi và tử vong sau đó.
Mặc dù Wash Kansky chỉ sống được thêm 18 ngày nhưng phẫu thuật ghép tim thực sự mang lại những kết quả tốt đẹp. Bốn trong số 10 bệnh nhân ghép tim đầu tiên của Tiến sĩ Barnard đã sống được hơn một năm, trong đó có hai người sống được 13 và 23 năm. Năm 1983, Tiến sĩ Barnard đã phải từ bỏ việc thực hiện phẫu thuật vì bệnh viêm khớp dạng thấp. Ông qua đời ở tuổi 78 sau một cơn hen suyễn tại một khu nghỉ mát nhỏ ven biển trên đảo Síp.
Nhưng nhiều thập kỷ trước khi được thử nghiệm trên người, quy trình này đã được thực hành trên động vật. Vào năm 1905, Tiến sĩ Alexis Carrel và Charles Guthrie tại Đại học Chicago đã thực hiện ca cấy ghép nội tạng đầu tiên một cuộc phẫu thuật ở chó. Tôi là một người yêu chó thuần túy và tôi thật đau lòng khi nghĩ đến cuộc phẫu thuật đó.
Đã có gần 3,552 ca ghép tim được thực hiện ở Hoa Kỳ vào năm 2019. Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là dưới 75%, dựa trên dữ liệu thu thập vào năm 2017. Nhưng cần nhớ rằng, những cuộc phẫu thuật này được thực hiện cho những bệnh nhân mắc bệnh tim giai đoạn cuối.
Theo Viện Y tế Quốc gia, cơ quan được cấy ghép phổ biến nhất hiện nay là thận, với gần 20,000 ca phẫu thuật được thực hiện mỗi năm. Cùng với đó là khoảng 3,500 người đang chờ ghép tim. Trong số này, nhiều người thậm chí phải chờ tới hơn sáu tháng mới có được quả tim phù hợp. Thật thương tâm khi một số người đã tử vong trước khi tìm thấy người cho phù hợp khi còn khá trẻ.
Mặc dù đã đi được một chặng đường dài kể từ cuộc phẫu thuật cấy ghép tim đầu tiên của Tiến sĩ Barnard. Nhưng chúng ta vẫn cần phát triển tiếp nữa.
Liệu pháp tế bào gốc
Liệu pháp tế bào gốc là một sự ra đời tương đối mới trong cuộc chiến chống lại bệnh suy tim.
Có rất nhiều dòng tế bào gốc khác ngoài phôi có khả năng phát triển thành các tế bào tim mới và sửa chữa quả tim bị tổn thương. Nhưng những vấn đề cốt lõi trong quá trình tái tạo tim vẫn còn là một bí ẩn. Chỉ có thời gian mới có thể cho chúng ta biết được câu trả lời.
Chúng ta sẽ phát triển tiếp như thế nào từ đây? Ghép tạng là phương pháp cuối cùng mà chúng ta biết. Liệu pháp tế bào gốc, trong khi đầy hứa hẹn, vẫn còn cần thêm nhiều năm nữa để hiểu rõ hơn. Chúng ta dường như đang tìm hiểu nhiều hơn về những thứ chúng ta không biết đối với mỗi bước phát triển, và từ đó học được những điều mới.
Chế tạo và nuôi cấy các cơ quan, bộ phận thay thế
Hiện nay đã có một vài cơ quan hoặc bộ phận cơ thể nhân tạo được sử dụng, chẳng hạn như khớp háng hoặc khớp gối nhân tạo. Những thiết bị này đã tạo ra một cuộc cách mạng và cải thiện chất lượng cuộc sống của hàng chục nghìn người. Chúng ta có thể thay thế các động mạch, kích thích các mạch máu mới và thậm chí phát triển các tế bào cơ mới. Chúng ta có thể phát triển hình ảnh 3D các cơ quan và kích thích sự phát triển của tế bào để hình thành một cơ quan mới, chẳng hạn như bàng quang.
Năm 2018, đài BBC đưa tin rằng Luke Massella 10 tuổi đã nhận được một bàng quang thay thế được tạo ra bằng tế bào của chính mình.
Anh bị tật nứt đốt sống bẩm sinh, một dị tật bẩm sinh ở cột sống. Bàng quang và thận của anh ấy đã bị hỏng. Tiến sĩ Anthony Atla tại Bệnh viện Nhi Boston đã lấy một mảnh nhỏ bàng quang của Luke và nuôi cấy thành một bàng quang mới trong phòng thí nghiệm trong hơn hai tháng. Vì cơ quan mới đến từ chính các tế bào của Luke, nên không có sự đào thải mô. Hiện anh ấy 27 tuổi và không có vấn đề gì với bàng quang. Anh thậm chí còn là huấn luyện viên đấu vật trong hệ thống trường học Connecticut.
Tương lai rất tươi sáng, và tất cả đều bắt đầu từ sự quyết tâm của những người tiên phong và những bệnh nhân kiên định đã cùng nhau bước những bước đầu tiên. Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài với các cơ quan phức tạp hơn nhưng chúng ta đang tiến đến đích gần hơn mỗi năm.
Những công nghệ sản xuất nội tạng này có thể cải thiện đáng kể chất lượng sức khỏe và tuổi thọ trung bình của con người. Những tiến bộ mà chúng ta đang thấy ngày nay có thể sẽ giúp ích cho những đứa trẻ của chúng ta. Thận, bàng quang, tim, giác mạc, gan, phổi, và hiện nay, thậm chí cấy ghép khuôn mặt ngày càng phổ biến hơn.
Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times