Nhóm ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn kêu gọi Hoa Kỳ đầu tư thêm vào thiết kế vi mạch
Chính phủ Hoa Kỳ đã ban hành một dự luật lớn vào đầu năm nay rót hơn 52 tỷ USD đầu tư của liên bang vào nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn, với mục tiêu củng cố chuỗi cung ứng địa phương và chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao quan trọng này. Nhưng một nhóm ngành công nghiệp đang kêu gọi thêm hàng chục tỷ USD tài trợ, nói rằng cần phải đầu tư nhiều hơn nữa để củng cố vị thế thống trị của Hoa Kỳ về thiết kế vi mạch bán dẫn.
Trong một báo cáo gần đây, Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn (SIA) có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn và Boston Consulting Group đã lập luận rằng khoản đầu tư liên bang khoảng 20–30 tỷ USD vào thiết kế cùng nghiên cứu và phát triển (R&D) vi mạch bán dẫn đến năm 2030 sẽ giúp Hoa Kỳ duy trì vị trí dẫn đầu hiện tại trong ngành thiết kế vi mạch bán dẫn. Số tiền đó bao gồm 15–20 tỷ USD cho khoản tín thuế đầu tư tập trung vào thiết kế vi mạch bán dẫn.
Hiệp hội này cho biết trong một tuyên bố: “Ưu đãi hiện tại của Mỹ yếu hơn so với các ưu đãi do các đối thủ cạnh tranh toàn cầu của chúng ta đưa ra và cần được gia tăng.”
Thiết kế vi mạch bán dẫn là một phần quan trọng và tốn kém của chuỗi giá trị bán dẫn, bao gồm R&D, sản xuất, lắp ráp, thử nghiệm, và đóng gói. Theo báo cáo của SIA, tổng doanh thu ngành bán dẫn trên toàn thế giới đạt 556 tỷ USD vào năm 2021, trong đó thiết kế vi mạch bán dẫn chiếm khoảng một nửa tổng đầu tư vào R&D và giá trị gia tăng trong ngành này.
Mặc dù Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu truyền thống của ngành thiết kế vi mạch bán dẫn toàn cầu, nhưng vị trí dẫn đầu thị trường của quốc gia này đang bị xói mòn khi đối mặt với một số thách thức, trong đó có nhu cầu đầu tư gia tăng, nguồn cung nhân tài ngày càng giảm, và khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu bị gián đoạn.
Theo SIA, tỷ lệ doanh thu liên quan đến thiết kế của Hoa Kỳ đã giảm từ hơn 50% vào năm 2015 xuống còn 46% vào năm 2020, do các quốc gia khác như Nam Hàn và Trung Quốc tăng khả năng thiết kế tại địa phương của họ. Hiệp hội này dự đoán rằng tỷ lệ doanh thu thiết kế của Hoa Kỳ có thể giảm xuống 36% vào cuối thập niên này nếu xu hướng hiện tại tiếp tục.
Một trong những trở ngại mà ngành phải đối mặt là chi phí tăng cao; từ năm 2006 đến năm 2020, chi phí thiết kế vi mạch mới trên nút công nghệ mới nhất đã tăng hơn 18 lần. Mặc dù khu vực tư nhân của Hoa Kỳ đầu tư nhiều tiền vào R&D thiết kế hơn bất kỳ khu vực tư nhân nào khác trên thế giới, nhưng đầu tư công lại tụt lại phía sau.
Theo SIA, đầu tư công tài trợ 13% cho tổng thiết kế các vi mạch bán dẫn cụ thể và R&D ở Hoa Kỳ, so với mức trung bình 30% trên khắp Âu Châu, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, và Nam Hàn.
Đạo luật Vi mạch Bán dẫn (CHIPS) và Khoa học được Tổng thống Joe Biden ký thành luật hồi tháng Tám dành 280 tỷ USD cho một phạm vi rộng các dự án trong 5 năm, bao gồm khoảng 52 tỷ USD nhằm tăng sản xuất chất bán dẫn ở Hoa Kỳ. Hầu hết các quỹ liên quan đến chất bán dẫn sẽ đến từ các khoản tài trợ, bảo lãnh khoản vay, và tín thuế đầu tư 25% cho sản xuất vi mạch bán dẫn trong nước.