Đầu tư từ Á Châu thúc đẩy sự phục hồi sản xuất của Hoa Kỳ
Một đại công ty sản xuất vi mạch Đài Loan đang dồn nỗ lực mở rộng một nhà máy mà họ đang xây dựng ở phía bắc Phoenix. Điều này góp phần vào làn sóng đầu tư Á Châu vốn thúc đẩy việc làm trong lĩnh vực sản xuất đang phục hồi của Hoa Kỳ.
Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), nhà cung cấp vi mạch độc quyền của Apple, đặt mục tiêu sản xuất vi mạch silicon bằng quy trình sản xuất 5 nanomet tiên tiến tại khu đất rộng 1,129 mẫu Anh ở Arizona. Người sáng lập TSMC, ông Morris Chang, đã tiết lộ tại một cuộc họp báo hôm 21/11 rằng công ty đang lên kế hoạch cho một cơ sở chế tạo thứ hai sẽ tạo ra những con vi mạch 3 nanomet thậm chí còn nhanh hơn.
Khi đi vào hoạt động vào năm 2024, khuôn viên của TSMC dự kiến sẽ tạo ra 1,900 việc làm công nghệ cao và hỗ trợ thêm hàng ngàn việc làm cho các nhà cung cấp và đại lý. Bloomberg đã đưa tin trong tháng này rằng Apple đã sẵn sàng cung cấp vi mạch cho các thiết bị của mình từ nhà máy ở Arizona, giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhà máy của TSMC ở Đài Loan.
Giai đoạn đầu tiên của nhà máy khổng lồ, được công bố vào năm 2020, sẽ trị giá 12 tỷ USD và tiềm năng mở rộng sẽ thu hút thêm hàng tỷ USD đầu tư của công ty bán dẫn có giá trị nhất thế giới. Đặt cược của TSMC vào tiểu bang Grand Canyon xuất phát từ sự kết hợp giữa các ưu đãi của chính phủ và rủi ro chuỗi cung ứng toàn cầu — chẳng hạn như khả năng Trung Quốc xâm lược Đài Loan — chuyển các công việc sản xuất sang Hoa Kỳ.
Các công ty ngoại quốc đóng một vai trò quan trọng trong xu hướng này. Đầu tư trực tiếp ngoại quốc (FDI) dự kiến sẽ tạo ra hơn 129,000 việc làm trong lĩnh vực sản xuất tại Hoa Kỳ vào năm 2022, một mức cao kỷ lục, theo nhóm vận động Reshoring Initiative. Chuyển sản xuất về nước (reshoring) — quá trình chuyển hoạt động sản xuất hàng hóa từ ngoại quốc về nước — đang trên đà tạo ra hơn 219,000 việc làm khác, với tổng số gần 350,000 việc làm mới trong năm nay.
FDI gia tăng và chuyển sản xuất về trong nước đã giúp đảo ngược tình trạng suy giảm việc làm trong các nhà máy trong thời gian dài. Tự động hóa và thuê ngoài đã cắt giảm số lượng việc làm trong lĩnh vực sản xuất tại Hoa Kỳ từ mức cao nhất là 19.6 triệu vào tháng 06/1979 xuống chỉ còn 12.9 triệu vào tháng 10/2022. Tuy nhiên, ngành sản xuất đã tạo được khoảng 1.5 triệu việc làm kể từ mức thấp nhất vào tháng 03/2010. Theo Reshoring Initiative, việc làm vào cuối năm 2021 cao hơn khoảng 6 triệu việc làm so với dự báo trước Đại Suy Thoái (Great Recession).
Sự bùng nổ về pin tạo ra việc làm
Hầu hết các công việc sản xuất được tạo ra bởi FDI và reshoring là trong các sản phẩm công nghệ cao, nơi Hoa Kỳ có thâm hụt thương mại. Trong vài năm qua, một loạt các khoản đầu tư thực tế hoặc theo kế hoạch vào chất bán dẫn và pin xe điện (EV) đã thúc đẩy tăng trưởng việc làm dự kiến. Nỗ lực nội địa hóa chuỗi cung ứng pin EV đã biến Trung Tây và Đông Nam thành trung tâm đầu tư lớn vào lĩnh vực này.
Ford đã hợp tác với SK On của Nam Hàn trong thương vụ lớn nhất trong số này vào năm ngoái, một nhà máy sản xuất pin EV trị giá 5.8 tỷ USD ở Glendale, Kentucky, đã bắt đầu xây dựng. Mùa hè này, Panasonic của Nhật Bản tiết lộ rằng công ty sẽ chi 4 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất pin ở DeSoto, Kansas. Và tháng trước (10/2022), Honda của Nhật Bản và LG của Nam Hàn cho biết liên doanh của hai công ty đang xây dựng một nhà máy pin trị giá 3.5 tỷ USD gần Jeffersonville, Ohio.
Nhà sản xuất xe hơi Việt Nam VinFast, một đơn vị của tập đoàn lớn nhất đất nước, Vingroup, đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy EV trị giá 4 tỷ USD tại quận Chatham, North Carolina, đánh dấu nhà máy xe hơi đầu tiên của tiểu bang và là dự án phát triển kinh tế lớn nhất từ trước đến nay của tiểu bang. Công ty đã bắt đầu xây dựng nhà máy lớn bên ngoài Raleigh và Durham, nơi sẽ lắp ráp xe điện và xe buýt điện cũng như sản xuất pin EV.
Một công ty Trung Quốc cũng đang tham gia vào hành động này. Gotion Inc., công ty con tại Hoa Kỳ của một nhà sản xuất pin có liên kết với Trung Quốc, đang đầu tư 2.36 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất linh kiện pin ở Big Rapids, Michigan, tiểu bang đã công bố vào đầu tháng Mười. Mặc dù các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào các lĩnh vực công nghệ của Hoa Kỳ thường gây ra các đánh giá về an ninh quốc gia của liên bang, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy thỏa thuận Gotion đã thu hút sự giám sát chính thức.
Dựa trên các thông báo công khai, năm khoản đầu tư này vào sản xuất pin EV trên khắp Trung Tây và Đông Nam dự kiến sẽ mang lại tổng cộng hơn 21,000 việc làm. Hầu hết hoạt động này đã được công bố trước khi Đạo luật Giảm Lạm Phát đáng ngờ được thông qua vào tháng Tám, cung cấp 369 tỷ USD khuyến khích cho năng lượng tái tạo, bao gồm tín thuế tiêu dùng cho xe điện được thiết kế để thúc đẩy sản xuất pin trong nước.
Ưu đãi cho sản xuất vi mạch
Reshoring Initiative lập luận rằng những nỗ lực của chính phủ là rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng reshoring. Ví dụ: Đạo luật CHIPS, được ký thành luật hồi tháng Tám, đầu tư gần 53 tỷ USD vào sản xuất, nghiên cứu, và phát triển chất bán dẫn. Trong một phân tích được công bố hồi tháng Bảy, chủ tịch của Reshoring Initiative, ông Harry Moser, lập luận rằng, mặc dù nguồn tài trợ chưa đến, nhưng dự luật được đề xuất đã khuyến khích các khoản đầu tư mới cho ngành này.
Ông Moser đề cập đến nhà máy vi mạch của TSMC ở Arizona, cũng như một nhà máy bán dẫn trị giá 17 tỷ USD đã được lên kế hoạch gần Austin, Texas, mà Samsung của Nam Hàn đã công bố vào tháng Mười Một năm ngoái. Kể từ đó, Samsung đã bắt đầu khám phá khả năng xây dựng thêm 11 nhà máy sản xuất vi mạch ở Texas với tổng chi phí lên đến 191 tỷ USD.
Sự đầu tư dồi dào vào sản xuất vi mạch có thể là một điều quá tốt. “Trong một vài năm tới, sẽ có tình trạng dư thừa nguồn cung vi mạch vì rất nhiều xưởng đúc đã được công bố trên toàn thế giới,” Reshoring Initiative lưu ý trong một báo cáo tháng Tám. “Hoa Kỳ có nguy cơ chuyển từ phụ thuộc vào Trung Quốc và Đài Loan về vi mạch sang phụ thuộc vào Trung Quốc để mua vi mạch đắt đỏ của chúng ta để lắp ráp vào hệ thống thông tin giải trí, thiết bị y tế và máy chủ để vận chuyển cho chúng ta.”
Theo dữ liệu của tổ chức này, Nam Hàn, Việt Nam, và Nhật Bản đang dẫn đầu làn sóng thông báo việc làm trong năm nay với tư cách là các quốc gia nguồn cho FDI và reshoring. Ví dụ, Nam Hàn được dự đoán là nguồn cung cấp hơn 35,000 việc làm sản xuất mới của Hoa Kỳ vào năm 2022, chủ yếu là do sự bùng nổ của các khoản đầu tư lớn vào sản xuất pin EV.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times