Các chuyên gia Đài Loan đánh giá kế hoạch mang công nghệ vi mạch bán dẫn 3 nanomet đến Hoa Kỳ của TSMC
Nhà sáng lập công ty, ông Trương Trung Mưu (Morris Chang), cho biết hôm 02/11, Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) — nhà thầu sản xuất vi mạch tân tiến nhất thế giới — đang đưa quy trình sản xuất vi mạch bán dẫn 3 nanomet tân tiến nhất của mình đến nhà máy mới sắp tới ở tiểu bang Arizona của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tuyên bố của ông Trương đã gây ra những lo ngại và chỉ trích rằng hành động này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh cốt lõi của ngành công nghiệp bán dẫn nội địa của Đài Loan và an ninh quốc gia của Đài Loan.
Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng khả năng cạnh tranh của Đài Loan trong công nghệ vẫn không thay đổi vì đội ngũ nghiên cứu và phát triển (R&D) hàng đầu của Đài Loan sẽ vẫn ở lại hòn đảo này.
TSMC, một nhà cung cấp chính cho Apple Inc., đang xây dựng một nhà máy trị giá 12 tỷ USD ở Arizona. Ban đầu, nhà máy được thiết lập để sản xuất vi mạch 5 nanomet kém hiệu quả hơn khi bắt đầu đi vào sản xuất.
Tuy nhiên, nói chuyện với các phóng viên ở Đài Bắc sau khi trở về từ hội nghị thượng đỉnh APEC ở Thái Lan, ông Trương cho biết nhà máy 3 nanomet sẽ được đặt tại cùng địa điểm ở Arizona với nhà máy 5 nanomet.
Sự thống trị lâu dài của Đài Loan trong lĩnh vực sản xuất vi mạch toàn cầu được gọi là “lá chắn silicon” của hòn đảo này trước sự xâm lược của Trung Quốc. Được dẫn dắt bởi TSMC, hơn 90% vi mạch tân tiến của thế giới được sản xuất tại hòn đảo tự trị này, cũng như hơn một nửa sản lượng đúc bán dẫn của thế giới.
Trung Quốc và phần còn lại của thế giới rất phụ thuộc vào khả năng sản xuất vi mạch tân tiến của Đài Loan. Từ điện thoại thông minh đến phi cơ, chất bán dẫn do Đài Loan sản xuất không thể thiếu trong hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống hiện đại. Là một nút thắt quan trọng đối với một mặt hàng quan trọng, bất kỳ sự gián đoạn nào đối với hoạt động của hòn đảo sẽ là thảm họa đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và nền kinh tế thế giới, bao gồm cả Trung Quốc.
Về vấn đề này, nhiều người lo ngại rằng kế hoạch sản xuất vi mạch hàng đầu tại Hoa Kỳ của TSMC sẽ làm suy yếu an ninh của hòn đảo. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng TSMC sẽ giữ những công nghệ tân tiến nhất của mình trên hòn đảo này.
Nguyên tắc ‘N trừ 1’
Ông Hsu Chin-Huang, một chuyên gia IT, nói với The Epoch Times hôm 25/11 rằng TSMC có chính sách “N trừ 1”, nghĩa là họ sẽ luôn giữ công nghệ vi mạch tân tiến nhất của mình ở Đài Loan. Ông Hsu cho rằng nguyên tắc này không thay đổi.
Ông cho biết nếu TSMC mang quy trình 3nm của mình đến Hoa Kỳ, điều đó có nghĩa là công ty cũng có khả năng sản xuất hàng loạt phiên bản tân tiến hơn ở Đài Loan, chẳng hạn như vi mạch 2nm hoặc 1nm.
Nói chung, trong chế tạo chất bán dẫn, quy trình công nghệ càng nhỏ thì vi mạch càng tân tiến. Nút công nghệ càng nhỏ, mật độ bóng bán dẫn càng cao và mức tiêu thụ điện năng của vi mạch càng thấp, dẫn đến hiệu suất cao hơn.
Tuy nhiên, quy trình sản xuất nhỏ hơn đòi hỏi vật liệu và thiết bị tân tiến hơn và sẽ phải chịu chi phí lớn hơn cho R&D và sản xuất.
Ông Hsu nói, “Theo cách bố trí của TSMC, việc sản xuất vi mạch 3nm tại Mỹ chủ yếu để cung cấp cho các sản phẩm mà Hoa Thịnh Đốn cho là nhạy cảm hơn và phải được sản xuất trong nước. Đài Loan sẽ vẫn duy trì năng lực sản xuất vi mạch 3nm của mình và chi phí sản xuất tại Đài Loan sẽ thấp hơn.”
“Giả sử đơn giá vi mạch do Đài Loan sản xuất thấp hơn do Hoa Kỳ sản xuất. Trong trường hợp đó, các quốc gia khác vẫn sẽ ưu tiên mua hàng từ Đài Loan để việc sản xuất của phía Hoa Kỳ sẽ không ảnh hưởng đến năng lực sản xuất tại địa phương của Đài Loan.”
‘Các nhóm R&D hàng đầu sẽ ở lại Đài Loan’
Ông Hsu cho biết thuộc tính quan trọng nhất của TSMC là khả năng nghiên cứu và phát triển, và các nhóm R&D mạnh nhất của họ đều ở Đài Loan. Và tất cả các quá trình phát triển phải trải qua các quy trình nghiêm ngặt và phức tạp liên quan đến việc lựa chọn thiết bị và vật liệu khác nhau.
Ông Hsu nói, “Quan trọng hơn, Đài Loan là một môi trường độc đáo mà TSMC có chuỗi cung ứng địa phương lâu đời, cho phép công ty kiểm soát chi phí hiệu quả. Các nhà cung cấp địa phương đã cùng phát triển và hợp tác với TSMC trong nhiều năm. Lợi thế vô hình này là chỉ có hoạt động sản xuất tại Đài Loan mới có, và phần này không thể chuyển sang bất kỳ quốc gia nào khác.”
“Đồng thời, các nhà cung cấp của TSMC đã có đơn đặt hàng cho đến năm 2024 và các đơn đặt hàng của TSMC vẫn đầy đủ. Do đó, không cần phải lo lắng về triển vọng của ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan.”
Cân nhắc chính trị và ngoại giao
Về lý do TSMC đầu tư vào nhà máy sản xuất vi mạch 3nm tại Hoa Kỳ, ông Ngô Đại Nhậm (Wu Dachrahn), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Đài Loan thuộc Đại học Quốc lập Trung ương, lại có quan điểm khác.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 24/11, ông Ngô cho biết quyết định của TSMC có thể dựa trên những cân nhắc về chính trị hoặc ngoại giao hơn là các yếu tố kinh tế thuần túy.
Ông Ngô nói: “Từ quan điểm của mối bang giao đặc biệt giữa Hoa Kỳ và Đài Loan, có thể khó từ chối yêu cầu [của Hoa Thịnh Đốn về việc chuyển hoạt động sản xuất vi mạch tân tiến sang Hoa Kỳ] ngay cả khi chính phủ Đài Loan muốn giữ hoạt động này ở trong nước.”
“Với khoản đầu tư lớn như vậy từ cả hai bên, cả hai chính phủ hẳn đã cân nhắc rất nhiều và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ cũng có thể là một yếu tố không thể thiếu được khi cân nhắc.”
Từ quan điểm kinh tế, ông Ngô tin rằng sẽ có một số tổn thất về hiệu quả sản xuất vi mạch nếu TSMC sản xuất vi mạch hàng đầu tại Hoa Kỳ.
“Cho dù đó là về lợi suất hay chi phí sản xuất, Đài Loan đã hoạt động tương đối tốt. Trừ khi TSMC đưa tất cả các nhóm Đài Loan đến Hoa Kỳ, nếu không thì hiệu suất sản xuất trong tương lai của họ sẽ không thể so sánh được như tại Đài Loan.”
Ông Ngô nói thêm rằng không dễ để phá vỡ hoạt động của chuỗi cung ứng toàn cầu đã được thiết lập.
Ông Ngô nói thêm, “Việc chuyển các tấm wafer 3nm sang Hoa Kỳ có thể gây ra các vấn đề về hiệu quả, dẫn đến chi phí sản xuất trong tương lai tăng mạnh. Ngay cả khi chính phủ Hoa Kỳ có thể trợ cấp cho họ trong thời gian ngắn, họ sẽ thất bại nếu tiếp tục thua lỗ trong thời gian dài.”
Ông tin rằng vẫn còn những điều không chắc chắn liên quan đến kế hoạch của nhà máy sản xuất vi mạch 3nm tại Hoa Kỳ từ góc độ chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhà sáng lập TSMC, ông Trương đã tiết lộ hôm 19/04 rằng chi phí sản xuất vi mạch ở Hoa Kỳ có thể cao hơn 50% so với ở Đài Loan. Ông cho biết mặc dù Hoa Kỳ có khả năng thiết kế tốt nhất, nhưng chi phí đơn vị sản xuất sẽ cao, khiến việc cạnh tranh trên thị trường thế giới trở nên khó khăn.
Đáp lại phỏng đoán rằng TSMC có thể tiếp tục phân tán hoạt động sản xuất vi mạch của mình sang nhiều quốc gia hơn, hôm 21/11, ông Trương tái khẳng định rằng Đài Loan sẽ vẫn là cơ sở sản xuất hàng đầu của công ty hoạt động theo nguyên tắc “N trừ 1.”
Ông nói thêm rằng vì nhiều lý do như lo ngại về an ninh quốc gia và các yếu tố kinh tế, các quốc gia muốn có khả năng sản xuất vi mạch hàng đầu trong lãnh thổ có chủ quyền của họ và đã yêu cầu TSMC xây dựng nhà máy ở các quốc gia của họ. Tuy nhiên, ông Trương cho biết đơn giản là công ty không thể phân tán sản xuất ra nhiều nơi như vậy.
Bà Lưu Bội Chân (Liu Pei-Chen), một chuyên gia trong ngành bán dẫn và là giám đốc của Dịch vụ Kinh tế Công nghiệp Đài Loan, cho biết hôm 23/11 rằng nguồn cung vi mạch 10nm và dưới 7nm toàn cầu của TSMC lần lượt chiếm 69% và 78%. Trong khi đó, quá trình sản xuất hàng loạt vi mạch 3nm sắp tới của TSMC gần như có thể chiếm 98% thị trường toàn cầu.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times