Ông Tim Cook xác nhận Apple sẽ sử dụng vi mạch bán dẫn sản xuất tại Hoa Kỳ lần đầu tiên sau một thập niên
CEO Apple Tim Cook đã xác nhận rằng đại công ty công nghệ này sẽ sớm bắt đầu sử dụng vi mạch bán dẫn sản xuất tại Hoa Kỳ lần đầu tiên sau gần 10 năm.
Ông Cook đã đưa ra thông báo này trong khi trình bày tại địa điểm nhà máy của Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) đang được xây dựng ở Phoenix, Arizona. TSMC là hãng đúc vi mạch bán dẫn độc lập chuyên dụng lớn nhất trên thế giới. Sự kiện có sự tham gia của Tổng thống Joe Biden và các giám đốc điều hành hàng đầu của các công ty sản xuất vi mạch bán dẫn.
CEO của Apple cũng cho biết công ty sẽ mở rộng mối quan hệ với TSMC khi nhà máy này đi vào hoạt động vào năm 2024, sau đó phần lớn vi mạch bán dẫn silicon của Apple sẽ được sản xuất tại nhà máy ở Phoenix này.
Theo Bloomberg, CEO Apple nói: “Như nhiều người trong quý vị đã biết, chúng tôi hợp tác với TSMC để sản xuất vi mạch bán dẫn giúp cung cấp sức mạnh cho các sản phẩm của chúng tôi trên toàn thế giới.”
“Và chúng tôi mong muốn mở rộng công việc này trong những năm tới… Nhờ công việc chăm chỉ của rất nhiều người, những vi mạch bán dẫn này có thể tự hào được đóng dấu ‘Made in America.’”
Tại Trung Quốc, chính quyền đã áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt về đại dịch, rốt cuộc khiến cho ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất iPhone tại các cơ sở của Foxconn, một trong những nhà cung cấp chính của Apple.
Một nửa số iPhone trên thế giới được sản xuất tại tổ hợp nhà máy của Foxconn ở Trịnh Châu, Trung Quốc. Tháng trước, khu vực này đã chứng kiến các nhân viên tham gia các cuộc biểu tình bạo lực do các chính sách nghiêm ngặt về COVID-19 và các vấn đề về thanh toán tiền.
Bằng cách tìm nguồn cung ứng vi mạch bán dẫn từ nhà máy Arizona của TSMC, Apple sẽ dịch chuyển khỏi chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Công ty này cũng có thể tự thoái lui khỏi những căng thẳng địa chính trị treo lơ lửng giữa hai siêu cường và dẫn đến những phức tạp trong kinh doanh.
Nhà máy TSMC, sự trợ giúp lạm dụng nhân quyền của Apple
Nhà máy Phoenix được thiết kế để sản xuất vi mạch loại 5 nanomet kém hiệu quả hơn khi mới đi vào sản xuất. Hôm 02/11, nhà sáng lập TSMC, ông Trương Trung Mưu (Morris Chang), đã tiết lộ rằng ông dự định sẽ đưa quy trình sản xuất vi mạch 3 nanomet (nm) tân tiến nhất đến nhà máy này.
Tuy nhiên, một số người lo ngại rằng một bước đi như vậy có thể là thảm họa đối với Đài Loan từ góc độ an ninh. Dẫn đầu bởi các công ty như TSMC, Đài Loan chiếm hơn 90% sản lượng vi mạch bán dẫn tân tiến của thế giới. Điều này về căn bản bảo vệ hòn đảo khỏi bất kỳ cuộc xâm lược hung hăng nào của Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 25/11, chuyên gia công nghệ thông tin Hsu Chin-Huang cho biết TSMC tuân theo chính sách “N trừ 1”, nghĩa là họ sẽ luôn giữ lại công nghệ vi mạch tân tiến nhất của chính Đài Loan.
Nếu TSMC mang sản xuất vi mạch 3 nm đến Hoa Kỳ, điều đó sẽ chỉ xảy ra khi các cơ sở của họ ở Đài Loan có khả năng sản xuất ít nhất là vi mạch 2 nm.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Josh Hawley (Cộng Hòa-Missouri) đã viết một bức thư ngỏ tới ông Tim Cook, cáo buộc công ty này giúp Trung Quốc hạn chế quyền tự do ngôn luận. Apple đã “hết lần này đến lần khác” hỗ trợ ĐCSTQ trong việc giám sát và đàn áp nhân quyền của người dân Trung Quốc.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times