TSMC sẽ mở nhà máy vi mạch bán dẫn thứ hai ở Arizona, tăng vốn đầu tư lên 40 tỷ USD
Nhà thầu sản xuất vi mạch bán dẫn lớn nhất thế giới sẽ mở một nhà máy chế tạo thứ hai ở Arizona để sản xuất công nghệ bán dẫn tân tiến, trong bối cảnh chính phủ Hoa Kỳ tìm cách củng cố chuỗi cung ứng sản xuất vi mạch bán dẫn của Mỹ.
Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), nhà cung cấp chính cho Apple, hôm nay đã thông báo rằng nhà máy chế tạo thứ hai (hay “fab”) này sẽ nâng tổng vốn đầu tư của công ty tại địa điểm sản xuất ở phía bắc Phoenix lên 40 tỷ USD. Nhà máy này đã bắt đầu khởi công xây dựng và dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất công nghệ xử lý 3 nanomet tân tiến vào năm 2026.
Nhà máy đầu tiên ở địa điểm này, được khởi công vào năm ngoái với khoản đầu tư theo kế hoạch là 12 tỷ USD, sẽ sản xuất vi mạch bán dẫn sử dụng quy trình 4 nanomet kém tân tiến hơn. Theo TSMC, khi hoàn thành, hai nhà máy sẽ tạo ra hơn 600,000 tấm wafer mỗi năm, tạo ra giá trị thành phẩm ước tính khoảng 40 tỷ USD.
Theo bản tin của The Wall Street Journal hôm 05/12, nhà máy đầu tiên dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024; nhưng một lá thư của TSMC gửi Bộ Thương mại Hoa Kỳ hồi tháng trước đã nêu ra những thách thức về chi phí xây dựng và sự không chắc chắn của dự án tại địa điểm này.
Công ty cho biết toàn bộ địa điểm sẽ tạo ra 10,000 việc làm công nghệ cao, bao gồm 4,500 việc làm trực tiếp với TSMC, bên cạnh hơn 10,000 việc làm xây dựng. Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ đến thăm cơ sở hôm nay cùng với người sáng lập TSMC, ông Trương Trung Mưu (Morris Chang).
TSMC cho biết khoản đầu tư 40 tỷ USD của họ vào địa điểm sản xuất này sẽ là khoản đầu tư trực tiếp từ ngoại quốc (FDI) lớn nhất vào Arizona trong lịch sử tiểu bang. Có trụ sở chính tại Công viên Khoa học Tân Trúc của Đài Loan, TSMC là công ty bán dẫn giá trị nhất thế giới, với mức vốn hóa thị trường hơn 415 tỷ USD. Các khách hàng chính cho vi mạch bán dẫn của TSMC bao gồm AMD, Apple, Broadcom, và Nvidia.
Đạo luật CHIPS và Khoa học trị giá 280 tỷ USD mà ông Biden đã ký thành luật hồi tháng Tám có thể đóng một số vai trò trong quyết định của TSMC trong việc tăng gấp đôi dự án Phoenix. Dự luật này rót khoản đầu tư liên bang trị giá hơn 52 tỷ USD vào nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn, với mục đích tăng cường chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ cho công nghệ quan trọng này và chống lại năng lực ngày càng tăng của Trung Quốc trong ngành.
Ông Ronnie Chatterji, điều phối viên của Tòa Bạch Ốc về khai triển Đạo luật CHIPS, nói với CNBC rằng 600,000 tấm wafer mà cơ sở của TSMC được thiết kế để sản xuất có thể đáp ứng nhu cầu hàng năm về vi mạch của Hoa Kỳ.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times