Nghiên cứu: Những người sống nội tâm hạnh phúc hơn khi họ “hành động” như người hướng ngoại

Đối với người hướng nội, đôi khi hành động “ngoài tính cách” có thể mang lại lợi ích về mặt tài chính và tình cảm

Nếu bạn hào hứng với ý tưởng về một bữa tiệc ngày lễ hơn là một buổi tối đọc sách yên tĩnh, bạn có thể là người hướng ngoại. Nếu ngược lại, bạn có thể là người hướng nội.

Mặc dù việc phân loại như vậy có thể là quá đơn giản – thưc ra hầu hết mọi người ở đâu đó trên phạm vi giữa hướng nội và hướng ngoại – nhưng chúng vẫn có ích trong việc hiểu bản thân và những người xung quanh chúng ta.

Những đặc điểm hướng ngoại thường bao gồm hướng ra bên ngoài và nhiệt tình, bốc đồng, và nói nhiều. Mặt khác, những đặc điểm hướng nội thường bao gồm sống nội tâm, biết lắng nghe và kín đáo hơn.

Người hướng ngoại tìm kiếm sự kích thích của môi trường tràn đầy năng lượng xã hội, trong khi người hướng nội có xu hướng thích các nhóm nhỏ, tương tác trực tiếp và dành nhiều thời gian một mình.

Nhà tâm lý học Thụy Sỹ Carl Jung, người đầu tiên mô tả các đặc điểm của hướng ngoại và hướng nội vào những năm 1920. Ông ã quan sát thấy rằng những người hướng ngoại được tiếp thêm năng lượng thông qua tương tác xã hội, trong khi những người hướng nội nạp lại năng lượng tốt nhất trong sự cô độc yên tĩnh.

Trong khi cả hai loại tính cách đều có điểm mạnh và điểm yếu – sự nhiệt tình của người hướng ngoại có thể bị coi là hống hách, trong khi sự hướng nội của người hướng nội có thể được coi là xa cách – văn hóa Mỹ có xu hướng tôn vinh và khen ngợi những hành vi hướng ngoại. Các trường tiểu học nhấn mạnh việc giao tiếp xã hội và tham gia nhóm, trong khi các trường đại học khuyến khích hợp tác và làm việc theo nhóm – những kỹ năng có lợi cho học sinh hướng ngoại hơn.

Điều này hoàn toàn phù hợp với thế giới kinh doanh, nơi mà việc lên tiếng và nổi bật có nhiều khả năng dẫn đến sự thăng tiến hơn là hoàn thành công việc của bạn một cách lặng lẽ nhưng thành thạo. Jack Welch, cựu Giám đốc điều hành của General Electric, đã khuyên những nhân viên hướng nội của họ nên cải thiện triển vọng công việc của họ theo cách này. “Hãy ra ngoài, hòa nhập, nói chuyện thường xuyên hơn và kết nối với cả nhóm của bạn và những người khác, sử dụng tất cả năng lượng và tính cách mà bạn có thể tập hợp được.”

Và báo cáo của Tâm Trắc Học Truity về “Kiểu Tính cách và Thành tựu Nghề nghiệp” cho thấy những người hướng ngoại thường không chỉ kiếm được nhiều tiền hơn những người hướng nội mà còn báo cáo mức độ hài lòng trong công việc cao hơn.

Tác giả Susan Cain đã trình bày trong cuốn sách bán chạy nhất “Tĩnh lặng: Sức Mạnh Của Người Hướng Nội Trong Một Thế Giới Không Ngừng Nói” chi tiết về xu hướng văn hóa mạnh mẽ hướng về tính cách hướng ngoại và mô tả những điều mất mát, cả về mặt cá nhân lẫn tập thể, khi những người hướng nội bị đánh giá thấp. Cụ thể là, sự sáng tạo và đổi mới – thường được nuôi dưỡng tốt nhất trong môi trường yên tĩnh, đơn độc.

Hành động hướng ngoại

Người hướng nội và người hướng ngoại có thể học hỏi và hưởng lợi từ nhau. Người hướng ngoại có thể làm sâu sắc thêm các mối quan hệ cá nhân của họ bằng cách học cách lắng nghe cẩn thận hơn. Nhưng những người hướng nội cũng có thể hưởng lợi bằng cách đôi khi rời khỏi vùng thoải mái của họ và hành động khác với tính cách.

Các nghiên cứu đã liên tục chỉ ra rằng người hướng ngoại có mức độ hài lòng hoặc hạnh phúc cao hơn so với người hướng nội. Lý do cho điều này có thể có nhiều khía cạnh – có lẽ là do con người vốn dĩ là sinh mệnh có tính xã hội, hoặc có thể do dành thêm thời gian để tương tác với người khác mang lại cảm giác ý nghĩa và kết nối vốn cũng góp phần tạo nên hạnh phúc. Nhưng bất kể là lý do gì, các cuộc nghiên cứu lặp đi lặp lại đã đi đến một kết luận thú vị rằng có thể mang đến cho người hướng nội một công cụ khác trong kho kỹ năng sống của họ – chỉ cần cư xử hướng ngoại hơn thôi cũng có thể khiến bạn hạnh phúc hơn.

Nghiên cứu được công bố trên Tập san Tâm lý học Thực nghiệm vào năm 2020 có tựa “Thử nghiệm thao túng hành vi hướng nội và hướng ngoại và những ảnh hưởng với sức khỏe,” đã kiểm tra xem liệu những người tham gia có thực sự thay đổi mức độ mà họ cư xử theo cách hướng ngoại (“nói nhiều, quyết đoán, và tự phát”) hay hướng nội (“cân nhắc, im lặng, và dè dặt”) và những thay đổi trong hành vi đó ảnh hưởng như thế nào đến hạnh phúc.

Những người tham gia nghiên cứu được yêu cầu cư xử hướng nội trong một tuần, và sau đó cư xử hướng ngoại ở tuần tiếp theo. Vào cuối cuộc nghiên cứu, không chỉ cả những người tham gia hướng nội và hướng ngoại đều có khả năng cố ý “hành động” hướng ngoại hoặc hướng nội theo yêu cầu, mà cả hai nhóm đều báo cáo mức độ “tác động tích cực” – hay cảm xúc hay cảm giác tích cực – khi cố ý hành động hướng ngoại nhiều hơn.

Các tác giả nghiên cứu kết luận rằng “Những người tham gia báo cáo sự tăng trưởng rõ rệt về tác động tích cực trong tuần hướng ngoại và giảm rõ rệt tác động tích cực trong tuần hướng nội.” Nói cách khác, chỉ cần nỗ lực để hành động “ngoài tính cách” và bước ra khỏi vùng thoải mái để hòa đồng, thực sự sẽ khiến người hướng nội hạnh phúc hơn.

Như bà Cain giải thích trong Tĩnh lặng, “Người hướng nội có khả năng hành động như người hướng ngoại vì lợi ích của công việc mà họ coi là quan trọng, những người họ yêu thương hoặc bất cứ điều gì họ đánh giá cao (trang 209).” Bà tiếp tục giải thích rằng những người hướng nội thực hiện được điều này hoàn toàn có thể trở thành nhà lãnh đạo, giáo viên, thậm chí là diễn giả nổi bật.

Nhưng có một cảnh báo cho “công cụ” này – trong khi hành động “ngoài tính cách” trong thời gian ngắn có thể có lợi, dành quá nhiều thời gian cho “buổi diễn” có thể khiến một người hướng nội mệt mỏi. Trong trường hợp đó, việc tìm đến các “góc phục hồi” – hay nơi bạn đến để kết nối lại với “con người thật” của mình là điều cần thiết. Đó có thể là một cuộc đi bộ yên tĩnh, một buổi tối ở nhà, hoặc thậm chí chỉ là tắm thư giãn một mình..

Như đại văn hào Shakespeare nói với chúng ta trong vở kịch Hamlet, “Điều trên hết là: hãy hành động theo những điều mình coi là đúng đắn.” Là một xã hội, chúng ta có thể đã chấp nhận thông điệp này, nhưng đối với người hướng nội, đôi khi bước ra khỏi vùng thoải mái của chúng ta, để lên tiếng và tham gia xã hội nhiều hơn, cũng có thể mang đến những lợi ích đáng ngạc nhiên.

Ngọc Thuần biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Zrinka Peters
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Zrinka Peters là cây bút tự do thường viết các bài có chủ đề về sức khỏe, lối sống lành mạnh và giáo dục. Cô có bằng Cử nhân Văn học Anh của Đại học Simon Fraser và cô có nhiều bài viết được đăng trên báo giấy và trên các trang Health Digest, Parent.com, Today Catholic Teacher, và Education.com
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn