Nghiên cứu mới: Khoai tây không làm tăng nguy cơ tiểu đường nếu chế biến đúng cách
Các nhà nghiên cứu ở Úc đã bác bỏ những phát hiện trước đây rằng ăn khoai tây có hại cho sức khỏe và làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh như tiểu đường type 2.
Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Edith Cowan (EDU) ở Joondalup đã phát hiện ra rằng các vấn đề sức khỏe liên quan đến khoai tây thực sự có thể phụ thuộc vào cách chế biến và những gì ăn cùng sau khi phân tích một nghiên cứu trước đây về vấn đề này.
Nghiên cứu được công bố trên Tập san Diab Care, một Tập san được bình duyệt của Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ dành cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, xem xét mối quan hệ giữa lượng rau/khoai tây ăn vào và tỷ lệ bị bệnh tiểu đường type 2.
Hơn 54,000 người, trong độ tuổi từ 50-64, đã cung cấp thông tin về cách ăn uống của họ trong nghiên cứu dài hạn về Cách ăn uống, Ung thư và Sức khỏe của Đan Mạch thông qua bảng câu hỏi về cách ăn uống và lối sống trong 12 tháng.
Trong một phân tích của nghiên cứu, do Tiến sĩ Nicola Bondonno từ Viện Nghiên cứu Đổi mới Sức khỏe và Dinh dưỡng của ECU dẫn đầu, những người ăn nhiều rau nhất có nguy cơ bị bệnh tiểu đường type 2 thấp hơn 21% so với những người ăn ít rau nhất, sau khi điều chỉnh các biến số gây nhiễu về lối sống và nhân khẩu học.
Rau củ làm giảm nguy cơ bị bệnh tiểu đường
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng mặc dù khoai tây không làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2, nhưng cũng không có bất kỳ tác động tiêu cực nào.
“Ở Đan Mạch, mọi người ăn khoai tây theo nhiều cách khác nhau. Trong nghiên cứu của chúng tôi, chúng tôi có thể phân biệt giữa các phương pháp chế biến khác nhau,” ông Pratik Pokharel, nghiên cứu sinh tiến sĩ tham gia nghiên cứu, cho biết trong một thông cáo báo chí.
Ông Pokharel nói thêm: “Khi chúng tôi tách biệt khoai tây luộc với khoai tây nghiền, khoai tây chiên hoặc khoai tây chiên giòn, khoai tây luộc không còn liên quan đến nguy cơ bị bệnh tiểu đường cao hơn: chúng không có ảnh hưởng gì.”
Ông Pokharel lưu ý rằng trong số những người tham gia nghiên cứu, những người ăn nhiều khoai tây nhất cũng ăn kèm với các thứ khác bơ, thịt đỏ, và nước ngọt. Những thực phẩm này được biết là làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2.
Ông nói: “Khi tính đến các yếu tố đó, khoai tây luộc không còn liên quan đến bệnh tiểu đường nữa. Đó [nguy cơ] chỉ là khoai tây chiên và khoai tây nghiền, có thể là khoai tây nghiền vì thường được làm bằng bơ, kem và những thứ tương tự.”
Các nhà nghiên cứu tại EDU cho biết những phát hiện này cũng cho thấy rằng rau củ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm bệnh tiểu đường type 2. Những người tham gia nghiên cứu cho thấy nguy cơ bị bệnh thấp hơn đáng kể khi họ ăn nhiều rau lá xanh và các loại rau khác, đặc biệt là rau bina, rau diếp, bông cải xanh và bông cải trắng.
Khoai tây có thể giúp giảm cân
Ông Pokharel nói thêm: “Việc phát hiện ra rằng các loại rau làm giảm nguy cơ bị bệnh tiểu đường là rất quan trọng đối với các khuyến nghị về sức khỏe cộng đồng và chúng ta không nên bỏ qua điều này.”
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), hơn 37 triệu người Mỹ bị bệnh tiểu đường, tương đương khoảng 1 trên 10 người. Trong số hơn 37 triệu người có tình trạng các tế bào trong cơ thể không phản ứng bình thường với insulin, khoảng 90-95 phần trăm đã được chẩn đoán bị bệnh tiểu đường type 2.
Thông thường, bệnh tiểu đường type 2 phát triển ở những người trên 45 tuổi nhưng CDC ghi nhận số ca chẩn đoán ở trẻ em và thanh thiếu niên ngày càng tăng.
Các triệu chứng của bệnh tiểu đường bao gồm đi tiểu nhiều, đặc biệt là vào ban đêm; tăng cảm giác khát hoặc đói, ngứa ran ở bàn tay hoặc bàn chân, mệt mỏi, da khô và mờ mắt,… Có thể chẩn đoán bệnh thông qua xét nghiệm máu đơn giản.
Các chuyên gia khuyên nên quản lý bệnh tiểu đường bằng cách ăn uống lành mạnh và lối sống tích cực mặc dù trong một số trường hợp cần kê toa insulin và các loại thuốc chích khác.
Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times