Một huyệt ở lòng bàn tay có thể giúp ngăn ngừa nhồi máu cơ tim
Ngày nay, độ tuổi mắc bệnh tim và nhồi máu cơ tim đang ngày càng trẻ hóa. Thường xuyên ấn huyệt Lao Cung ở lòng bàn tay sẽ giúp bạn bảo dưỡng tạng Tâm của mình.
Ấn huyệt Lao Cung có thể dưỡng tạng Tâm, giải tâm hỏa
Nhồi máu cơ tim thường xảy ra ở nam giới trên 45 tuổi và nữ giới trên 55 tuổi, tuy nhiên hiện đang ngày càng trẻ hóa.
Ông Sa Chính Bình (Sha Zhengping), Giám đốc Phòng khám Trung Y Đại Hán tại Đài Loan, cho biết: “Mạch máu của nữ giới có tính đàn hồi tốt hơn nhiều so với nam giới”. Ngoài ra, nam giới thường có một số thói quen sinh hoạt như uống rượu, thường xuyên hút thuốc lá… Vậy nên, tuổi phát bệnh nhồi máu cơ tim ở nam thấp hơn ở nữ, đặc biệt dễ phát tác vào thời kỳ tráng niên khi đang ở đỉnh cao của cuộc đời.
Khi rảnh rỗi, bạn có thể thường xuyên xoa bóp huyệt Lao Cung để chăm sóc bảo dưỡng tạng Tâm.
Nhẹ nhàng nắm ngón tay giữa và ngón tay áp út vào lòng bàn tay, vị trí giữa hai đầu ngón tay chạm vào chính là huyệt Lao Cung, nếu ấn mạnh hơn một chút thì sẽ có cảm giác hơi đau tê.
Huyệt Lao Cung là một huyệt vị đặc biệt trong việc trị liệu bệnh tim, có tác dụng thanh tâm tả hỏa. Huyệt này nằm trên kinh Tâm Bào, mà chức năng của kinh Tâm Bào là bảo vệ tạng Tâm. Ông Sa Chính Bình cho biết, việc ấn huyệt Lao Cung thích hợp cho những người hiện đại thường xuyên làm việc, để họ có thể tự chăm sóc bản thân.
Bên dưới huyệt Lao Cung có hai huyệt quan trọng là huyệt Nội Quan và huyệt Gian Sử, cũng nằm trên kinh Tâm Bào và cũng có thể xoa bóp.
Cách xác định huyệt Nội Quan: Ngửa tay ra, dùng 3 ngón giữa của bàn tay đối diện áp lên cổ tay sao cho ngón áp út nằm sát đường chỉ cổ tay. Lúc này, điểm nằm sát ngón trỏ, giữa hai đường gân cơ gan tay chính là vị trí huyệt Nội Quan. Đây là huyệt trị các bệnh về vùng ngực và bụng. Huyệt Gian Sử cũng nằm trên kinh Tâm Bào, cách cổ tay một khoảng bằng bề rộng của 4 ngón tay.
Ăn nhiều thức ăn có màu đỏ và vị đắng
Trung Y giảng rằng màu đỏ đi vào tạng tâm, nếu muốn dưỡng tạng tâm thì nên ăn nhiều thực phẩm có màu đỏ như táo, cà chua, hồng khúc và đậu đỏ.
Trong “ngũ vị”, vị đắng đi vào tim, mướp đắng và hạt sen đều là những thực phẩm có vị đắng, có tác dụng giải tâm hỏa. Những ai thường xuyên thức khuya, làm thêm giờ, khô miệng thì có thể bỏ thêm hạt sen vào trà để uống.
Uống loại trà bảo vệ tim
Nguyên liệu: Đan sâm, sơn tra, quyết minh tử.
Cách làm: Lấy các phần dược liệu bằng nhau sắc thành trà để uống.
Trung Y có một câu là “nhất vị đan sâm, công kiêm tứ vật” [nghĩa là Đan sâm có tác dụng ngang với bài thuốc quý Tứ vật – bài thuốc “bổ huyết điều huyết” kinh điển của y học cổ truyền]. Đan sâm có tác dụng rất tốt trong việc thúc đẩy quá trình lưu thông máu, loại bỏ huyết ứ, dưỡng huyết.
Bác sĩ Sa Chính Bình nói rằng, hầu hết các bài thuốc Trung Y điều trị bệnh tim đều có một ít đan sâm. Đa số những người mắc bệnh tim thường là có mỡ máu cao, mà sơn tra là vị thuốc có tác dụng giảm mỡ trong máu rất tốt. Quyết minh tử (hạt cây thảo tuyết minh) có tác dụng nhuận tràng, tốt cho tiêu hóa và giảm căng thẳng.
Mục Giản, Lý Thanh Phong thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ