Mối liên quan giữa hen suyễn và rối loạn lo âu được tìm thấy ở trẻ em
Các nhà khoa học Úc đã phát hiện rằng trẻ em bị hen suyễn có nhiều nguy cơ rối loạn lo âu sau này.
Tập san Pediatric Allergy and Immunology đã công bố một nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Queensland. Nghiên cứu đánh giá dữ liệu của 10,000 trẻ em được thu thập từ năm 2004.
Bà Diana Garcia Sanchez, trưởng nhóm nghiên cứu, đã nói trong một tuyên bố rằng các phân tích của họ cho thấy trẻ em 4 tuổi bị hen suyễn sẽ dễ bị rối loạn lo âu ở độ tuổi 6 đến 15 so với những trẻ không bị hen suyễn.
Bà Garcia Sanchez cho biết, “Chúng tôi phát hiện rằng trẻ bị hen suyễn có nguy cơ tăng 87% nguy cơ rối loạn lo âu. Chúng tôi cũng phát hiện các bé gái bị hen suyễn dễ bị rối loạn lo âu hơn các bé trai trong thời niên thiếu.”
Ở Úc, có khoảng 1/5 trẻ bị hen suyễn.
Lo lắng không liên quan đến thuốc điều trị hen suyễn
Theo các nhà nghiên cứu, thuốc được dùng để điều trị bệnh này không làm tăng nguy cơ bị rối loạn lo âu.
Bà Garcia Sanchez cho biết, “Trong nghiên cứu này, những trẻ em bị hen suyễn không điều trị bằng thuốc có tỷ lệ bị rối loạn lo lắng cao hơn những trẻ được điều trị bệnh hen suyễn.”
“Trẻ không dùng thuốc hen suyễn có nguy cơ bị rối loạn lo âu cao hơn 9% so với những trẻ không dùng thuốc.”
Bà Garcia Sanchez nói rằng có thể có một số yếu tố khác như gánh nặng thêm vào từ việc kiểm soát căn bệnh hoặc mối liên quan giữa rối loạn chức năng miễn dịch/viêm và sức khỏe tinh thần trong một số cơ chế mới.
“Các yếu tố khác có thể giải thích mối liên quan giữa hen suyễn và lo lắng, đồng thời các chuyên gia sức khỏe và cha mẹ nên thường xuyên theo dõi sức khỏe tinh thần của trẻ và giúp đỡ trẻ về tâm lý khi cần thiết,” bà nói.
“Điều này có thể giúp xác định những trẻ dễ có nguy cơ bị lo lắng sớm hơn và cải thiện khả năng kiểm soát căn bệnh này.”
Trong một nghiên cứu khác từ Bệnh viện Henry Ford, Detroit, Hoa Kỳ, đánh giá 38 bệnh nhân bị hen suyễn ở từ 14-17 tuổi, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng điểm số căng thẳng và lo lắng trung bình của họ đều cao hơn so với những người bình thường.
Tiến sĩ Cathryn Luria, trưởng tác giả nghiên cứu cho biết, “Bởi vì những bệnh nhân này có thể đặc biệt dễ bị căng thẳng và lo lắng, thông tin này có thể giúp ích cho các bác sĩ khi tư vấn cho bệnh nhân về tầm quan trọng của việc kiểm soát chứng hen suyễn.”
“Mặc dù chúng tôi đã tìm ra mối liên quan giữa các triệu chứng hen suyễn với căng thẳng và lo lắng, nhưng vẫn chưa rõ triệu chứng nào của căng thẳng và lo lắng sẽ xuất hiện trước. Cần phải nghiên cứu thêm để xác định điều đó.”
Điều quan trọng cần lưu ý là không phải tất cả trẻ em bị hen suyễn đều sẽ phát triển chứng lo lắng, và nhiều bệnh nhi hen suyễn vẫn sẽ có cuộc sống hạnh phúc và viên mãn. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn và cung cấp hỗ trợ cũng như các nguồn lực cho trẻ em bị hen suyễn để kiểm soát tình trạng và sức khỏe cảm xúc của trẻ.
Hen suyễn là gì?
Hen suyễn là tình trạng hô hấp kinh niên ảnh hưởng đến đường thở và có thể gây ra các triệu chứng như khò khè, ho, tức ngực, và khó thở.
Một số yếu tố có thể góp phần làm tăng nguy cơ lo lắng ở trẻ em bị hen suyễn:
Các triệu chứng thực thể: Trẻ em bị hen suyễn có thể có các triệu chứng thực thể gây khó chịu, như khó thở hoặc ho. Những triệu chứng này có thể gây sợ hãi và làm gia tăng lo lắng, đặc biệt là ở những trẻ còn nhỏ chưa hiểu được điều gì đang xảy ra trong cơ thể mình.
Căng thẳng cảm xúc: Kiểm soát một căn bệnh kinh niên như hen suyễn đòi hỏi phải dùng thuốc thường xuyên, theo dõi các triệu chứng và đôi khi cần điều chỉnh lối sống. Điều này có thể dẫn đến căng thẳng cảm xúc cho trẻ em, vì trẻ có thể cảm thấy mình khác biệt với các bạn cùng trang lứa hoặc bị áp lực bởi việc phải kiểm soát hen suyễn. Căng thẳng này có thể góp phần phát triển lo lắng.
Sợ các cơn hen suyễn: Trẻ em bị hen suyễn có thể sợ các cơn hen suyễn, có thể dẫn đến lo lắng về thời gian và địa điểm cơn hen có thể xảy ra. Nỗi sợ này có thể dẫn đến việc tránh một số tình huống hoặc hoạt động, có thể ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật của trẻ và gia tăng lo lắng.
Ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày: Hen suyễn có thể ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày của trẻ, như tham gia các hoạt động thể thao, vui chơi ngoài trời, hoặc các hoạt động thể chất khác. Sự hạn chế này có thể dẫn đến thất vọng, cô lập với xã hội và lo lắng về việc bỏ lỡ những trải nghiệm mà những trẻ bình thường khác có thể tận hưởng.
Lo lắng của cha mẹ: Cha mẹ của trẻ bị hen suyễn cũng có thể cảm thấy lo lắng về căn bệnh của trẻ. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe cảm xúc của trẻ, cũng như trẻ có thể cảm nhận được sự lo lắng của cha mẹ và bị ảnh hưởng bởi điều đó.
Các chiến lược để giúp trẻ em kiểm soát lo lắng
Trợ giúp trẻ em bị rối loạn lo âu đòi hỏi một cách tiếp cận khoan dung và toàn diện nhằm khắc phục sức khỏe thể chất, cảm xúc, và tinh thần của trẻ. Dưới đây là một số chiến lược có thể giúp trẻ đối phó với lo lắng:
Tạo ra một môi trường an toàn và cảm thông: Cung cấp một môi trường an toàn và nuôi dưỡng tại nhà, trường học và các môi trường khác có thể giúp trẻ cảm thấy an toàn và giảm lo lắng. Điều này bao gồm việc thiết lập các thói quen cố định và tạo ra một không gian êm dịu.
Xác thực cảm xúc của trẻ: Điều quan trọng là phải thừa nhận và xác thực những cảm xúc lo lắng của trẻ mà không xem nhẹ hoặc bỏ qua. Để trẻ hiểu được cảm giác lo lắng là bình thường và những cảm xúc này là hợp lý, có thể giúp trẻ cảm thấy được thấu hiểu và chấp nhận.
Dạy những kỹ năng đối phó: Dạy trẻ em các kỹ năng đối phó phù hợp với lứa tuổi để trẻ có thể sử dụng khi cảm thấy lo lắng. Các kỹ năng này có thể bao gồm các bài tập thở sâu, thư giãn cơ dần dần, các kỹ thuật hình dung, hoặc các kỹ thuật thư giãn khác có thể giúp trẻ kiểm soát lo lắng.
Khuyến khích vận động: Vận động được chứng minh là hiệu quả trong việc giảm lo lắng cho trẻ. Khuyến khích trẻ vận động thường xuyên qua các hoạt động như vui chơi ngoài trời, bơi lội, hoặc tham gia các môn thể thao, có thể giúp giảm căng thẳng và tăng cường sức khỏe tổng thể.
Nuôi dưỡng các thói quen ngủ lành mạnh: Ngủ đủ giấc rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần của trẻ và có thể giúp giảm lo lắng. Tạo lập các thói quen ngủ cố định, tạo thói quen ngủ không bị gián đoạn, và bảo đảm trẻ ngủ đủ giấc theo khuyến nghị về giờ ngủ cho trẻ.
Khuyến khích thói quen sống lành mạnh: Cách ăn uống lành mạnh, thường xuyên uống đủ nước, và tránh các món ăn chứa quá nhiều caffeine hoặc đường có thể góp phần nâng cao sức khỏe tinh thần ở trẻ em. Khuyến khích các thói quen sống lành mạnh có thể trợ giúp sức khỏe thể chất, từ đó có thể có tác động tích cực đến mức độ lo lắng của trẻ.
Khuyến khích giao tiếp cởi mở: Khuyến khích trẻ bày tỏ những suy nghĩ và cảm xúc của mình một cách cởi mở mà không phán xét. Tạo ra một không gian an toàn để trẻ chia sẻ những lo lắng, sợ hãi, quan tâm, đồng thời tích cực lắng nghe mà không ngắt lời hay gạt bỏ cảm xúc của trẻ.
Tìm kiếm sự trợ giúp của các chuyên gia nếu cần: Nếu sự lo lắng của trẻ vẫn còn hoặc tác động đáng kể đến hoạt động hàng ngày, hãy xem xét việc tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp từ một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đủ tiêu chuẩn, như bác sĩ nhi khoa, nhà trị liệu hoặc bác sĩ tư vấn. Họ có thể đưa ra đánh giá, trợ giúp, và các lựa chọn điều trị phù hợp với nhu cầu của con bạn.
Cách tiếp cận khác
Ngoài cách chăm sóc y tế thông thường, còn có những cách tiếp cận khác mà cha mẹ có thể áp dụng cho trẻ có dấu hiệu lo lắng.
Gần đây, đã có một sự bùng nổ trong các đơn thuốc tự nhiên, là một phần của phong trào đang phát triển gọi là “liệu pháp sinh thái” hoặc “liệu pháp xanh” và chuyên áp dụng cho các tình trạng sức khỏe tinh thần như căng thẳng, lo lắng, trầm cảm, và rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).
Nhấn mạnh mối liên quan giữa thiên nhiên và sức khỏe, các đơn thuốc từ thiên nhiên đề cập đến việc sử dụng các phương pháp can thiệp dựa vào thiên nhiên, như dành thời gian trong môi trường tự nhiên, như đi bộ, đi bộ đường dài, làm vườn, cắm trại, ngắm loài chim, hoặc chỉ đơn giản là dành thời gian ở công viên hoặc các địa điểm thiên nhiên khác.
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times