Mật ong – Phương thuốc tự nhiên chống cảm cúm hữu hiệu
Mật ong được đánh giá là một trong những thực phẩm thơm ngon từ thiên nhiên, nhưng bạn có biết mật ong cũng có thể có hoạt tính chống cúm hiệu quả không?
Một nghiên cứu mới vô cùng thú vị được công bố trên trang Archives of Medical Research có tiêu đề “Những tác dụng chống virus cảm cúm trong ống nghiệm: Hoạt tính mạnh mẽ của mật ong Manuka” cho thấy rằng mật ong thực sự là một phương thuốc tự nhiên thay thế cho các loại thuốc chống cúm. Tuy nhiên, mật ong lại không mang đến các tác dụng phụ như những thuốc cảm cúm thông thường, bao gồm cả Tamiflu.
Nghiên cứu trên thực hiện với virus A/WSN/3, một chủng cúm H1N1 được nghiên cứu phổ biến. Virus A/WSN/3 được cho lây nhiễm ở tế bào biểu mô thận của chó MadineDarby (MDCK). Sau đó, họ cho những tế bào này tiếp xúc với nhiều dạng mật ong khác nhau, bao gồm mật cây manuka (L. scoparium), mật cây soba (F. esculentum; kiều mạch), mật kanro (dưa mật), mật cây keo (R. pseudoacacia), và mật hoa renge (A. sinicus).
Đặc tính chống virus cảm cúm hữu hiệu của mật ong
Tác dụng chống virus cảm cúm của các mẫu mật ong được đánh giá bằng cách nuôi cấy các tế bào MDCK ở các đĩa thí nghiệm 48 giếng. Sau đó, cho những tế bào này phơi nhiễm virus cúm, và đặt chúng vào các mẫu mật ong đã được pha loãng 2 lần. Hai ngày sau khi phơi nhiễm virus, các tế bào được cố định và nhuộm màu để xác định mức độ ngăn ngừa tác động của virus cúm đến tế bào (mức độ virus cúm lây nhiễm gây chết tế bào và rơi ra khỏi đĩa nuôi cấy).
Tất cả các mẫu mật ong được thử nghiệm đều cho thấy tác dụng kháng virus thông qua việc ức chế sự lây nhiễm virus (tùy theo liều lượng). Trong đó, mật ong manuka có khả năng kháng virus cao nhất.
Nghiên cứu cũng xem xét liệu mật ong manuka có thể ức chế trực tiếp sự phát triển của virus cúm thông qua xét nghiệm ức chế mảng bám [virus] với 4 phương pháp sau:
Tiền xử lý tế bào: Thêm mật ong manuka vào tế bào trong 1 giờ và sau đó rửa sạch trước khi cho tế bào phơi nhiễm virus.
Tiền xử lý virus: Trộn mật ong manuka vào huyền phù virus cúm trong 1 giờ trước khi cho tế bào phơi nhiễm virus
Điều trị trong quá trình lây nhiễm: Thêm mật ong manuka trong quá trình hấp phụ virus [vào tế bào chủ] trong 1 giờ và sau đó được rửa sạch
Điều trị sau khi nhiễm virus: Thêm mật ong manuka vào gel agarose [dùng để nuôi cấy tế bào]
Hiệu quả kháng virus mạnh mẽ nhất được quan sát thấy ở phương pháp tiền xử lý virus, cho thấy mật ong manuka có đặc tính chống virus hữu hiệu. Ở hai phương pháp điều trị tế bào trong và sau khi bị phơi nhiễm, các mảng virus rơi ra với số lượng vừa phải. Chỉ duy nhất ở phương pháp tiền xử lý tế bào là không cho thấy khả năng ức chế sự phát triển [của những mảng bám virus].
Nghiên cứu này cũng xem xét tác dụng hiệp đồng của mật ong manuka khi kết hợp với các loại thuốc chống virus thông thường trong nhóm các chất ức chế neuraminidase như Relenza (zanamivir) và Tamiflu (oseltamivir). Các nhà nghiên cứu đã nhận xét:
“Việc sử dụng kết hợp các hợp chất kháng virus bổ trợ mang đến các cơ chế tác dụng khác, có ưu thế hơn so với các phương pháp điều trị duy chỉ bằng đơn chất.”
Quy trình thử nghiệm [tác dụng] ức chế mảng bám [virus] đã được tái tạo, nhưng lần này các loại thuốc được thêm vào hỗn hợp mật ong. Kết quả là mật ong manuka làm tăng đáng kể hiệu quả chống virus của cả hai loại thuốc.
Cơ chế tác dụng của mật ong
Trong phần thảo luận của bài viết, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng, các đặc tính kháng virus của mật ong một phần có thể là do sự hiện diện hàng loạt của các hóa chất thực vật – phytochemical, đặc biệt acid phenolic và flavonoid. Một nghiên cứu độc lập đã xác nhận các đặc tính chống virus của rutin và chrysin được tìm thấy với nồng độ đáng kể trong hầu hết các loại mật ong từ kiều mạch và các loại mật ong acacia. Mặt khác, mật ong Manuka chứa hợp chất methylglyoxal, có nồng độ cao hơn khoảng 20-160 lần so với bất kỳ loại mật ong nào khác được thử nghiệm. Hợp chất này được chứng minh là có đặc tính chống virus gây bệnh chân tay miệng.
Các tác giả của nghiên cứu này nhận xét rằng chúng ta đang sống trong thời kỳ mà nhu cầu về các loại thuốc chống các chủng cúm mới đang rất cấp bách. Họ viết rằng: “Vì các hợp chất hoặc chiết xuất từ thực vật thể hiện hoạt tính diệt virus trên diện rộng, và có khả năng rằng hoạt tính kháng virus của mật ong manuka có hiệu quả trong việc đẩy lùi virus H5N1 và H7N9.” Đây là hai loại virus có khả năng gây bệnh cao.
Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những kết luận rất hứa hẹn:
“Tóm lại, các kết quả cho thấy mật ong nói chung và đặc biệt là mật ong manuka, có hoạt tính ức chế virus cúm mạnh mẽ, chứng tỏ tính khả thi về giá trị y học. Cần tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu hơn để xác định các thành phần kháng virus hoạt động trong mật ong manuka và tác dụng hỗ trợ của mật ong manuka khi dùng chung với các thuốc kháng virus.”
Những lựa chọn thay thế chống virus cúm tự nhiên
Nghiên cứu này là một trong hàng trăm nghiên cứu ngày nay về vai trò tiềm năng của các hợp chất tự nhiên trong việc ngăn ngừa lây nhiễm, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, và chống lại virus cúm. GreenMedInfo.com đã thu thập hơn 100 nghiên cứu chi tiết như trên về vai trò của các phương pháp can thiệp tự nhiên để đối phó với cúm mùa. Một số phương pháp phòng tránh bệnh được nhấn mạnh bao gồm:
- Vitamin D:
Tắm nắng rất quan trọng trong việc hỗ trợ khả năng miễn dịch tự nhiên để chống lại bệnh cúm. Trên thực tế, bệnh cúm còn được cho là “giả thuyết kích thích theo mùa” có thể bùng phát hàng năm trong các tháng mùa thu và mùa đông (đặc biệt ở các vùng nằm ở vĩ độ cao hơn và thấp hơn). Điều này là do lượng ánh sáng mặt trời thấp và sự suy giảm của các yếu tố miễn dịch phụ thuộc vào quá trình sản xuất vitamin D dưới tác dụng của ánh sáng mặt trời. Đối với giả thuyết trên, một nghiên cứu đã chứng minh rằng việc bổ sung vitamin D theo cách đơn giản này có hiệu quả trong việc ngăn ngừa cúm mùa A trong học sinh, giúp giảm đến 59% nguy cơ mắc bệnh. Trong khi, một nghiên cứu khác cho thấy 2 trong 12 trẻ được chẩn đoán hen suyễn trước đó đã lên cơn hen như một kết quả thứ yếu của việc không hấp thu đủ lượng vitamin D. Ngoài ra, cũng có bằng chứng cho thấy mức độ tia cực tím (và vitamin D) cao hơn là những yếu tố quan trọng góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong trong dịch cúm từ năm 1918-1919 tại Hoa Kỳ.
- Quả cơm cháy:
Quả cơm cháy, một thứ quả mọng màu tím, có thể cải thiện khả năng ngăn ngừa và phòng chống bệnh cúm. Một nghiên cứu vào năm 2004 cho thấy quả cơm cháy là một phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả đối với cả hai chủng cúm A và B, giúp cải thiện thời gian hồi phục sau khi mắc bệnh cúm. Có đến 93,3% những người được điều trị bằng quả cơm cháy khỏi bệnh trong vòng 2 ngày so với 91,7% người khỏi bệnh trong 6 ngày ở nhóm đối chứng. Một nghiên cứu khác vào năm 2004 đã phát hiện ra rằng quả cơm cháy giúp giảm bớt các triệu chứng cúm sớm hơn trung bình 4 ngày so với những người dùng giả dược. Nghiên cứu tế bào cũng đã chứng minh rằng flavonoids trong quả cơm cháy có thể gắn với chủng virus H1N1 và ngăn ngừa sự lây nhiễm.
Song Ngư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times