Lòng hiếu thuận thấu đến cửu thiên
Trăm điều thiện thì hiếu đứng đầu. Ngoài “Nhị thập tứ hiếu” được nhiều người biết đến ra, từ xưa đến nay vẫn còn vô số các câu chuyện cảm động lòng người khác có liên quan đến chữ “hiếu”.
Chu Uyển nguyện chết thay cha
Vào những năm đầu triều Minh, ở Nam Kinh có một người tên gọi là Chu Uyển, là một người con chí hiếu. Năm anh 16 tuổi, phụ thân lúc đó làm quan ở Trừ Châu, sau vì đồng liêu liên lụy mà bị giam vào ngục, đồng thời còn bị phán tử hình. Cả nhà Chu Uyển sau khi biết được tin này thì đau khổ khóc lóc không thôi, không biết nên làm gì mới phải.
Sau đó Chu Uyển quyết định đi diện kiến Hoàng Đế, thỉnh cầu được chết thay cha. Trong sử sách có ghi chép về việc này “Khấu khuyết thỉnh đại phụ hình”. “Khấu khuyết” có ý nghĩa là kêu oan khiếu nại lên triều đình.
Minh Thái Tổ sai thị vệ đưa Chu Uyển đến trước mặt, nhìn thấy cậu tuổi còn trẻ, nghĩ rằng việc làm của cậu không nhất định là thành tâm thành ý, có lẽ có kẻ nào đó đã âm thầm dạy cậu ta làm như vậy mới mục đích đầu cơ trục lợi, bèn nói rằng: “Lôi xuống dưới, chém”. Chu Uyển nghe xong sắc mặt vẫn không hề thay đổi, Minh Thái Tổ trong lòng có ý thầm khen ngợi, bèn hỏi cậu ta vì lý do gì mà đến kêu oan cho phụ thân. Chu Uyển đáp rằng thân là con, đương nhiên phải lấy chữ hiếu làm đầu. Minh Thái Tổ bị tấm lòng hiếu thảo của cậu ta làm cho cảm động, vì vậy đã đổi tội danh tử hình của cha cậu sang thú biên (trấn thủ biên cương).
Tuy nhiên, Chu Uyển lại tiếp tục nói: “Thú biên với chém đầu đều là một cái chết, phụ thân chết rồi, người làm con như tôi sống còn ý nghĩa gì nữa. Tôi nguyện lấy cái chết để chuộc tội thay phụ thân”. Minh Thái Tổ rất tức giận, cho rằng Chu Uyển được đằng chân lân đằng đầu, liền hạ lệnh trói cậu đưa đến pháp trường, chuẩn bị chém đầu.
Ở trên pháp trường, nét mặt của Chu Uyển lộ vẻ vui mừng. Người hành hình hỏi cậu: “Người sắp chết có gì đáng để vui mừng chứ?” Chu Uyển nói: “Cái chết của tôi có thể đổi lấy việc phụ thân được miễn tội, sao tôi có thể không vui mừng cơ chứ?”
Minh Thái Tổ nghe vậy thì biết rằng tấm lòng chí hiếu của Chu Uyển là thật lòng thật dạ, vì vậy mà xá miễn tội cho hai cha con. Sau đó, còn đích thân viết 4 chữ “Hiếu tử Chu Uyển” lên bình phong, đồng thời phong cho cậu chức quan Binh khoa cấp sự trung.
Đinh Hạc Niên 70 tuổi túc trực bên linh cửu 17 năm
Đinh Hạc Niên (1335-1424), thi nhân và cũng là nhà dưỡng sinh vào cuối triều Nguyên đầu triều Minh, là một trong mười đại hiếu tử thời đầu triều Minh. Ông vốn là người tộc sắc mục Tây vực vào cuối triều Nguyên. Phụ thân của ông làm quan ở Vũ Xương. Sau khi phụ thân qua đời, ông xem quẻ chọn ngày dự định an táng phụ thân, tuy nhiên mưa lớn mười ngày không ngớt. Đinh Hạc Niên ngửa mặt lên trời khóc lóc thảm thiết, thỉnh cầu Thượng thiên khai ân. Ngày hôm sau, trời thật sự tạnh mưa. Đinh Hạc Niên đã có thể an táng phụ thân theo đúng nguyện vọng của mình. Đợi đến khi an táng xong, trời lại bỗng mưa trở lại.
Sau khi triều Nguyên diệt vong, Đinh Hạc Niên lánh nạn ở vùng Chiết Đông. Sau khi triều Minh thành lập, ông quay trở lại Vũ Xương, được tin mẫu thân qua đời. Nhưng bởi vì chiến tranh loạn lạc, không ai biết bà được an táng ở đâu. Ông đau khổ khôn xiết, đến tối nằm mộng thấy mẫu thân báo cho được biết nơi an táng. Người hàng xóm tên Hàn Trọng cũng có giấc mơ y hệt. Do đó, sau khi tìm được di hài của mẫu thân thì đem an táng ngay cạnh mộ phần của phụ thân. Vì lòng thành cảm động Thần linh này mà người ta gọi ông là “Đinh hiếu tử”.
Về sau, năm ông 73 tuổi đã túc trực bên linh cửu của phụ mẫu 17 năm, cho đến tận năm 90 tuổi thì qua đời, lúc đó đúng vào năm Vĩnh Lạc thứ 22 thời Minh Thành Tổ. “Đinh hiếu tử” và “Đinh hiếu tử thi” được thu thập trong “Tứ khố toàn thư” chính là sự tích về ông vậy. Khúc dạo đầu của bài thơ viết rằng: “Lòng thành của Đinh Hạc Niên trên thấu đến cửu thiên, lòng thành của Đinh Hạc Niên dưới thấu đến cửu tuyền”.
Đinh Hạc Niên học sâu hiểu rộng, tinh thông thi luật, ông có tập thơ truyền đời là “Đinh Hạc Niên tập”.
Vương Tân sau khi chết vẫn nhớ đến mẫu thân
Dưới triều nhà Minh, tại quận Ngô (nay là thành phố Giang Tô, tỉnh Tô Châu)có một người tên gọi là Vương Tân, tự là Trọng Quang. Ông từ nhỏ đã vô cùng thông minh, 7-8 tuổi thì đến trường học, chưa đầy 20 tuổi đã kiến thức uyên thâm, trên biết Thượng Cổ Nghiêu Thuấn, dưới biết Hán Đường Tống Nguyên; các sách có lịch sử trên dưới hàng trăm nghìn năm như Bách Gia Chư Tử, lịch số âm dương, Sơn Hải đồ kinh, binh chính hình luật và tiểu thuyết lịch sử, không có gì ông chưa đọc qua, hơn nữa, hỏi đến bất kỳ vấn đề gì thì cũng đều không làm khó được ông. Về phương diện y học ông lại càng đặc biệt tinh thông.
Nói đến việc học y của ông thì vẫn còn có một câu chuyện như vậy. Thầy giáo của Vương Tân là Kim Hoa Đới Tư Cung, Đới Tư Cung là danh y vào những năm đầu triều Minh, từng là Ngự y của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương và Minh Thành Tổ Chu Đệ, từng trị khỏi bệnh kí sinh trùng cho Chu Đệ. Năm Vĩnh Lạc thứ nhất (năm 1403) ông cáo lão hồi hương. Ba năm sau lại được mời vào triều, đến cuối năm thì lại cáo lão hồi hương, mười ngày sau thì qua đời vì bệnh, hưởng thọ 82 tuổi.
Một năm nọ, Đới Tư Cung xem bệnh tại quê nhà. Lúc đó Vương Tân đối với y thuật hoàn toàn không hiểu gì, nhưng thấy có nhiều người đến tìm Đới Tư Cung xem bệnh thì cũng tìm đến ông để thỉnh giáo về kiến thức y học. Đới Tư Cung nhẹ nhàng nói một câu: “Đọc thuộc lòng Tố Vấn”. “Tố Vấn” và “Linh Khu” là hai bộ sách làm nên “Hoàng Đế nội kinh” vốn được các thầy thuốc Trung y gọi là cội nguồn của Trung y, khuôn mẫu của nghề y. “Hoàng Đế nội kinh” có nội dung phong phú, có thể được phân thành bốn tầng, thứ đó là tu luyện, đạo đức, dưỡng sinh và trị bệnh.
Chính bởi vì câu nói này, Vương Tân về nhà dành ba năm để đọc “Tố Vấn”. Sau đó ông lại đến thăm hỏi Đới Tư Cung với phong thái ngôn từ đĩnh đạc. Đới Tư Cung nghe xong thì vô cùng ngạc nhiên, hai người sau đó kết bái huynh đệ. Sau này, Vương Tân có được kinh nghiệm thực tế từ chính các bệnh án của Đới Tư Cung. Do đó, “ Y thuật của Vương Trọng Quang nổi danh khắp quận Ngô, ngành y của quận Ngô cũng chính nhờ ông mà hưng thịnh vậy”.
Sau khi trở thành danh y, người được Vương Tân chữa bệnh chủ yếu là người nghèo khổ và phương sĩ bên ngoài, ông thường đích thân đến tận nơi xem bệnh và cứu tế thuốc thang.
Vương Tân phụng dưỡng mẫu thân vô cùng hiếu thảo, ông không chịu ra làm quan, không kết hôn, sống cô độc một đời. Lúc Kiến Văn Đế lên ngôi, ông có một bài thơ nói rằng: “Sổ hành bạch phát loạn bồng tùng, vạn lí thiên sơ bất đắc thông. Kim nhật nhất sơ thông đáo để, nhậm giáo xuân tuyết vũ đông phong” (Tạm dịch nghĩa: mấy sợi tóc bạc buông xõa tung, trăm chải ngàn chải cũng không thông. Hôm nay chỉ chải một lượt đã thông từ gốc đến ngọn, tùy ý gió đông thổi tuyết xuân). Bài thơ đã tiết lộ ông tuyệt nhiên không phải là người tầm thường. “Ngô Trung vãng triết ký” đã sùng bái gọi ông là đệ nhất ẩn sĩ ở vùng đất Ngô Trung.
Quận Thú Diêu Quảng Hiếu có mối quan hệ thâm giao với Vương Tân, rất yêu thích tài hoa của ông, vì vậy mà đến tận nhà để thỉnh giáo. Lúc đến thăm hỏi vì quá phô trương, tiếng ồn kinh động đến mẫu thân của Vương Tân. Vương Tân đứng bên trong cách một cánh cổng mà nói vọng ra rằng: “Đừng làm phiền mẫu thân của ta”, nói rồi leo qua tường ở hậu viện mà ra ngoài, không đồng ý tiếp khách.
Diêu Quảng Hiếu biết rằng mình đã gặp được cao nhân thật sự, vì vậy mà lựa một ngày khác đến tiếp kiến, lần này không phô trương như trước nữa, một mình đợi ngay trước cổng nhà Vương Tân. Lần này Vương Tân mới đồng ý tiếp nhận lễ bái của Diêu Quận Thú, đồng thời giảng đạo cho ông ta. Diêu Quận Thú muốn tiến cử Vương Tân ra làm quan, nhưng nhìn thấy phong thái cô độc giữa thế gian của ông nên đành thôi.
Vương Tân vào năm 70 tuổi thì lâm trọng bệnh, lúc này mẫu thân của ông vẫn rất khỏe mạnh. Trước khi qua đời, ông quyến luyến ôm mẹ của mình. Sau khi ông chết được nửa ngày thì sống lại, luôn miệng gọi “mẫu thân ơi, mẫu thân ơi”, gọi xong thì trút hơi thở cuối cùng. Một đêm sau khi ông được an táng, vào lúc canh hai, trong phòng của mẹ ông vọng ra tiếng gậy cùng với tiếng người liên tục gọi “Mẫu thân ơi, mẫu thân ơi”. Người mẹ già đáp: “Mẫu thân ở đây”, liền sau đó lại nghe có tiếng người nói: “Mẫu thân ơi, mẫu thân ơi, con không nỡ xa mẫu thân”, tiếng nói sau đó thì biến mất.
Tài liệu tham khảo:
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ