Có Hiếu sẽ thuận
Dân gian có câu: Mùng 1 tết Cha, Mùng 2 tết Mẹ, hàm ý rằng, dịp lễ tết cổ truyền của dân tộc là thời điểm sum họp của mọi gia đình, là dịp mọi người bày tỏ lòng hiếu kính đối với tổ tiên, cha mẹ, họ hàng, tình anh em hiếu đễ.
Trong tiếng Hoa, từ Gia (家) trong “Gia đình” (家庭), cũng chính là từ Gia (家) trong “Quốc gia” (国家). Mối liên kết giữa gia đình và quốc gia có nội hàm sâu sắc, bởi vậy Thánh nhân mới giảng phải “tề gia” rồi mới “trị quốc” và “bình thiên hạ”. Sự Hiếu trong gia đình là cái gốc để phát triển lòng Hiếu trong xã hội.
Khổng Tử nói: “Hiếu là cái gốc của đức, giáo hóa đức hạnh đều do Hiếu sinh ra. Thân thể, da tóc, là nhận được từ cha mẹ, không được hủy hoại, là khởi đầu của Hiếu. Lập thân hành Đạo, lưu danh hậu thế, để rạng danh cha mẹ, là tận cùng của Hiếu. Đạo Hiếu, bắt đầu bằng phụng sự cha mẹ, tiếp đến là phụng sự quân vương, cuối cùng là lập thân.”
Người xưa nói Hiếu có ba tầng thứ, thứ nhất là thân hiếu, thứ hai là tâm hiếu, và thứ ba là chí hiếu
Thân hiếu là cung phụng nuôi dưỡng cha mẹ, khiến cha mẹ được ăn no, mặc ấm, chăm sóc khi cha mẹ lâm bệnh, khiến cha mẹ không phải lo về cái ăn cái mặc, vui hưởng tuổi già.
Tâm hiếu chính là trong tâm luôn nghĩ đến cha mẹ, lời nói phải để cha mẹ thuận tai, làm việc phải để cha mẹ thuận mắt, hết thảy đều khiến cha mẹ vừa lòng.
Chí hiếu chính là làm người con có chí hướng lớn lao, khiến cha mẹ tự hào.
Việc hiếu cũng như mọi việc khác, quan trọng phải lấy lòng thành thực và cung kính
Người có hiếu trước hết phải nuôi cha mẹ. Nuôi thì phải kính, chứ không kính thì không phải là hiếu. Khổng Tử nói: “Hiếu ngày nay là bảo có thể nuôi được cha mẹ; đến như giống chó giống ngựa đều có người nuôi, nuôi mà không kính thì lấy gì mà phân biệt?”. Vậy nuôi cha mẹ thì cốt ở sự thành kính.
Cổ nhân cho rằng: “Hết thảy phúc báo đều từ lòng cung kính mà sinh ra.” Là kẻ làm con, nếu chỉ phụng dưỡng cha mẹ về phương diện vật chất ăn mặc thì còn cách đạo Hiếu rất xa. Hiếu kính phụng dưỡng cha mẹ, quan trọng nhất là phải có lòng cung kính.
Nho gia giảng: “Người hiếu thuận với cha mẹ, tôn kính anh chị, mà lại thích phạm thượng, chống đối cấp trên, thì rất ít. Người không phạm thượng, chống đối cấp trên mà lại thích tạo phản thì xưa nay chưa từng có. Người quân tử dốc sức tu dưỡng cái gốc. Cái gốc đã vững, thì nguyên tắc đạo đức mới hình thành. Hiếu thuận cha mẹ, tôn kính anh chị là cái gốc của đạo Nhân.”
“Bách thiện hiếu vi tiên” (Trăm nết thiện thì chữ Hiếu đứng đầu). Nho gia dạy mọi người làm người quân tử, quang minh chính đại, phụng sự quốc gia. Tiêu chuẩn cao nhất của Nho gia là chữ Nhân. Để trở thành người quân tử, thành bậc nhân đức, thì bước đi đầu tiên là phải làm tròn chữ Hiếu.
Chữ Hiếu của thường dân
Khổng Tử giảng như sau: “Dụng Đạo của Trời, phân chia cái lợi của đất, cẩn thận bản thân, tiết kiệm tiêu dùng, để phụng dưỡng cha mẹ, đó là cái hiếu của thứ dân.”
Điều này có nghĩa là những người dân thường, khi làm việc cần phải hợp với lẽ Trời. Con người phải giữ tròn bổn phận của mình, không được sinh lòng tham và làm những việc ngoài phận sự. Bậc thường dân coi việc an lạc của bản thân, gia đình và việc phụng dưỡng cha mẹ làm đạo Hiếu.
Chữ Hiếu của người quân tử
Chữ Hiếu của người quân tử là đại hiếu. Khổng Tử nói: “Giáo hóa của bậc quân tử là chữ Hiếu, không phải đến từng nhà hàng ngày nói về Hiếu. Giáo hóa bằng chữ Hiếu, do đó kính trọng các bậc cha mẹ trong thiên hạ. Giáo hóa bằng chữ Đễ, do đó cung kính các bậc huynh trưởng trong thiên hạ. Giáo hóa bằng chữ Thần, do đó tôn kính các bậc quân vương trong thiên hạ”.
Điều này nghĩa là đạo Hiếu mà người quân tử tuân theo không phải chỉ giới hạn trong những người nhà của mình. Mà trái tim người quân tử ôm trọn thiên hạ, nhân từ bác ái, coi tất cả người trong thiên hạ như cha mẹ và anh chị em của mình. Kiểu hiếu thuận này có thể khiến con người trở nên nhân từ và bác ái hơn, chứ không phải là sự ích kỷ và hẹp hòi. Cho nên chữ Hiếu của người quân tử là đại hiếu.
Chữ Hiếu của bậc thiên tử
Chữ Hiếu của bậc thiên tử, Khổng Tử giảng như sau: “Người yêu thương cha mẹ, sẽ không ác với người khác. Người kính trọng cha mẹ, sẽ không khinh nhờn người khác. Yêu thương kính trọng là ở việc hết lòng phụng sự cha mẹ, mà việc giáo hóa đạo đức được thực thi cho bách tính, làm khuôn mẫu cho bốn biển. Đó là cái hiếu của bậc thiên tử vậy.”
Nghĩa là con người có thể coi thiên hạ là nhà, coi dân chúng trong thiên hạ như cha mẹ và con cái mình mà thêm phần cung kính, mến yêu, nên không dám oán hận và coi thường người khác. Dùng nhân đức để giáo hóa và trở thành tấm gương cho tất cả người trong thiên hạ noi theo. Đây chính là đạo Hiếu của bậc Thiên tử (Thánh nhân, minh quân). Tức là, bậc Thánh nhân hiếu thuận dùng lòng nhân từ và tình yêu thương bao la để tạo phúc cho tất cả chúng sinh trong thiên hạ.
Do đạo Hiếu là quan hệ luân lý chủ yếu trong gia đình, nên rất dễ đem đến sự cộng hưởng về tình cảm của mọi người. Từ đó trong tình thân luân lý đã dẫn xuất ra quan niệm Hiếu trị (quản lý xã hội bằng chữ Hiếu); đó là đưa đạo Hiếu mở rộng đến cảnh giới trị quốc, bình thiên hạ.
Đạo hiếu là việc Thiên kinh địa nghĩa, là tình cảm chân thành nhất tồn tại ngay sau khi con người sinh ra. Chúng ta thường nói, hiếu thuận, hiếu thuận, tức là nói: có hiếu thì sẽ thuận. Người thiện sẽ thuận theo tình cảm chất phác nhất này để làm lên sự nghiệp lớn.
Đan Thư thực hiện