Chỉ cần con dùng thiện đức mà hiếu thuận
Người xưa tin rằng dạy con tu dưỡng phẩm chất đạo đức lương thiện mới là nền tảng vững chắc để gia đình kế thừa và phát triển hưng thịnh.
Cổ nhân có câu: “Lấy Đạo Đức làm báu vật truyền gia thì gia tộc hưng thịnh trên 10 đời. Lấy việc học hành (đọc sách) làm báu vật truyền gia thì đứng thứ hai, lấy kinh sách (Thi Thư) làm báu vật truyền gia thì đứng thứ 3. Lấy giàu sang phú quý làm báu vật truyền gia thì không quá 3 đời”.
Khi Vương Dương Minh bị Lưu Cẩn phái người truy sát, hay bị dân làng Long Trường công kích, đối diện với bao nguy hiểm nhưng tuyệt nhiên ông không làm gì trái với đạo nghĩa nhân tâm, vẫn một lòng tin vào sức mạnh của thiện lương. Sau này ông đã dùng đức báo oán, giúp nhân dân kiến lập nhà cửa trường học canh nông.
“Gieo mầm cây dâu, từ nhỏ đã phải thẳng, cây trưởng thành vẫn thẳng tắp”. Người xưa giáo dục con cái, từ lúc tuổi còn nhỏ đã bắt đầu phải thận trọng từng ngôn hành cử chỉ cho đến lễ nghĩa nói chuyện, thậm chí cả những lúc chỉ có một mình phải như thế nào, tất cả đều phải được dạy bảo cẩn thận tỉ mỉ.
Người mẹ hiền đức không cần con phải làm quan cao lộc lớn mà phụng dưỡng
Câu chuyện về Trần Thị, người mẹ hiền đức cảu Doãn Đôn, có lời dặn con nổi tiếng “Ta chỉ cần con dùng Thiện đức để hiếu thuận với ta, không cần con phải làm quan cao lộc lớn mà phụng dưỡng”, là tấm gương sáng cho các bậc cha mẹ ngày nay.
Vào thời nhà Tống có một triết học gia nổi tiếng tên là Trình Di, cũng được gọi là Y Xuyên tiên sinh. Ông có một người học trò, tên là Doãn Đôn (1071 ─ 1142).
Mẹ của Doãn Đôn tức Trần Thị xử lý các việc trong nhà từ trước đến nay đều nghiêm túc, chỉnh tề, mặc dù gia cảnh thanh bần kham khổ, nhưng trong nhà vẫn luôn sạch sẽ, gọn gàng. Cuộc sống của gia đình Doãn Đôn khá bình thản, người ta cũng không nhìn thấy người nhà Doãn mang nét mặt buồn bã lo lắng bao giờ. Doãn Đôn từ nhỏ được mẹ giáo dục ngôn hành cử chỉ phải đúng mực phù hợp lễ nghĩa. Doãn Đôn lớn hơn một chút, lại được mẹ dạy đọc sách Thánh hiền, học tập kinh sách.
Trần Thị nghe nói rằng, Y Xuyên tiên sinh Trình Di hết lòng dạy bảo các môn sinh, vì thế nên bảo con trai đến bái làm thầy.
Trước khi Doãn Đôn lên đường, mẹ ông khuyên bảo rằng, phàm là tìm cầu học hỏi thì nhất định phải học đến tận căn nguyên nguồn cội, nhất định phải học hiểu kinh sách, minh bạch rõ ràng mới được. Nếu như đọc sách mà không chú trọng lý giải ý nghĩa thì cũng giống như chỉ cày ruộng mà không đi thu hoạch vậy, đã khai khẩn đất hoang mà không dùng thêm phân bón, đây là không có thói quen chăm chỉ, bền lòng, đều là do cố gắng không đủ.
Sau này, Doãn Đôn có chút thành tựu trong học tập, cũng muốn tham gia kỳ thi. Lần đó, đề mục kỳ thi liên quan đến việc giết hại các Nguyên Hựu chư thần. Năm Sùng Ninh đời Tống Huy Tông, đại gian thần Thái Kinh sau khi phong tướng, kéo bè kết đảng mưu lợi kiếm chác, bài xích những người bất đồng chính kiến, tướng Tư Mã Quang, Tô Thức, Văn Ngạn Bác… 309 cái tên khắc trên bia đá, gọi là “Nguyên Hựu đảng tịch” bia. Đề mục kỳ thi nói về 309 người này. Doãn Đôn thấy rằng ý nghĩa đề tài này thật không tốt, vì thế khỏi cần viết bài, đi thẳng ra khỏi phòng thi.
Sau khi trở về nhà, Doãn Đôn đem việc này kể lại với mẹ. Bà nói: “Ta chỉ cần con dùng Thiện đức để hiếu thuận với ta, không cần con phải làm quan cao lộc lớn mà phụng dưỡng”.
Y Xuyên tiên sinh nghe được câu này của Trần Thị, tán thưởng nói rằng: “Trần Thị quả là một người mẹ hiền đức”.
Mặc dù, Doãn Đôn cả đời không tham gia thêm cuộc thi nào nữa, nhưng vì uy tín, danh vọng cao dày, vào năm đầu Tĩnh Khang, ông lại được vua Tống Khâm Tông triệu tới kinh thành ban danh “Hòa Tĩnh xử sĩ”, sau này đảm nhiệm Lễ bộ Thị lang kiêm thị giảng.
Từ tấm bé, Doãn Đôn đã được Tần Thị dùng lễ nghĩa để chỉ dạy, làm cơ sở cho lập thân lập thế, làm người và làm nên công danh sự nghiệp. Đến lúc trưởng thành, lại biết cẩn thận chọn thầy tốt cho con. Trong nhà có mẹ chỉ bảo, ngoài có thầy tốt dạy dỗ, con cái lớn lên cũng sẽ không bị chệch hướng.
Hạnh Thi