Kinh tế suy giảm khiến Trung Quốc áp dụng giọng điệu ngoại giao mềm mỏng hơn
Tránh cô lập kinh tế, Trung Quốc chuyển từ ngoại giao chiến lang sang mềm mỏng với Hoa Kỳ
Tân Ngoại trưởng Tần Cương (Qin Gang) của Trung Quốc đang thể hiện trước công chúng một phong cách ngoại giao “mềm mỏng” hoàn toàn trái ngược với giọng điệu cứng rắn của những người tiền nhiệm gần đây của ông.
Các nhà phê bình cho rằng sự thay đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận chính sách ngoại giao của Trung Cộng (ĐCSTQ) có thể là một nỗ lực của lãnh đạo Tập Cận Bình nhằm thoát khỏi tình trạng suy thoái hiện tại và giữ tư thái “im hơi lặng tiếng” khi đối mặt với Hoa Kỳ để tránh sự lúng túng của việc bị cô lập hoàn toàn về kinh tế và công nghệ.
Ông Tạ Điền (Frank Tian Xie), Giáo sư Trưởng Khoa Kinh doanh tại Đại học South Carolina Aiken, người nhận học bổng John M. Olin Palmetto, nói với The Epoch Times hôm 28/01 rằng nền kinh tế Trung Quốc từ lâu đã bị đảng cầm quyền đẩy vào tình thế tiến thoái lưỡng nan và hiện đã chìm xuống mức thấp nhất.
Trích dẫn tình hình địa chính trị và kinh tế hiện nay, ông Tạ nói, “ĐCSTQ không có cách nào để rút lui ngoài việc thay đổi chính sách ngoại giao chiến lang của mình,” Ví dụ, ông cho biết việc ĐCSTQ ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine của Nga là đi ngược lại với cộng đồng quốc tế.
Theo một bản tin ngày 21/01 của tờ Tinh Đảo Nhật Báo (Sing Tao Daily) có trụ sở tại Hồng Kông, tân ngoại trưởng 56 tuổi này sẽ được đề bạt làm một lãnh đạo cấp nhà nước khi ông được gia nhập Quốc vụ viện tại kỳ họp “lưỡng hội” của ĐCSTQ vào tháng Ba tới.
Ông Tần được bầu vào Ủy ban Trung ương tại Đại hội Đảng lần thứ 20 hồi tháng 10/2022, khi ông Tập tiếp tục bảo toàn nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là lãnh đạo ĐCSTQ. Hai tháng sau, ông Tần kế nhiệm ông Vương Nghị làm ngoại trưởng mới của Trung Quốc hôm 30/12/2022.
Tư thế ngoại giao mới của ĐCSTQ
Trong một bước ngoặt đột ngột so với chính sách ngoại giao gây chiến trước đây của ĐCSTQ, màn trình diễn của ông Tần dường như nhằm mục đích thúc đẩy một giọng điệu thân thiện hơn, với vẻ “ít phô diễn” và “mềm mỏng” của ông ta, như các hãng truyền thông ngoại quốc đã quan sát hồi cuối năm ngoái.
Hôm 04/01, The Washington Post đã đăng một bài báo của ông Tần khi ông sắp rời chức đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ và trở về Trung Quốc với tư cách là bộ trưởng ngoại giao mới. Ông Tần nói rằng ông đã xây dựng “mối quan hệ hợp tác tốt đẹp” với các quan chức Hoa Kỳ để giải quyết các vấn đề nhức nhối như Đài Loan.
Việc ĐCSTQ đứng về phía Nga khi nước này phát động chiến tranh với Ukraine và các hành động hiếu chiến của nhà cầm quyền này đối với Đài Loan đã gây ra những mối lo ngại nghiêm trọng trong cộng đồng quốc tế về an ninh của Đài Loan.
Ông Tần đã viết rằng “Mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc không nên là một trò chơi có tổng bằng không, trong đó bên này cạnh tranh vượt trội hơn bên kia, hoặc quốc gia này phát triển mạnh bằng cái giá phải trả của quốc gia kia. Thế giới đủ rộng để Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng phát triển và thịnh vượng.”
Cách tiếp cận mềm mỏng của ông Tần cũng được thể hiện trong một trận đấu NBA, khi giải đấu này phát một đoạn video ghi lại từ trước lời chúc Tết Nguyên Đán của vị quan chức Trung Quốc này, giúp thông điệp của ông đến được với hàng trăm ngàn người vào hôm 21/01. Theo Giáo sư Tạ, đây là một ví dụ điển hình về ảnh hưởng của Trung Cộng đối với các tổ chức như NBA để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Ông Tạ nói, đối diện với nhiều khó khăn ở trong và ngoài nước cũng như những thách thức về kinh tế, ông Tập cần hạ nhiệt căng thẳng với Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này với hy vọng các nước sẽ hạ thấp cảnh giác trước các mục tiêu bành trướng của ĐCSTQ.
Ông nói thêm rằng ông Tập đang dựa vào chính sách ngoại giao uyển chuyển và những cử chỉ mềm mỏng của ông Tần để đạt được điều này. “[ĐCSTQ] phải hạ mình xuống để giảm bớt áp lực từ Hoa Kỳ.”
Ông Tần kế nhiệm ông Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) với tư cách là đại sứ thứ mười một của Trung Quốc tại Hoa Kỳ hồi tháng 07/2021.
Tuy nhiên, tư thế ngoại giao “mềm mỏng” của ông Tần không báo hiệu bất kỳ thay đổi đáng kể nào trong chính sách ngoại giao của ĐCSTQ.
Khi được hỏi về việc bổ nhiệm lại cựu phát ngôn viên Triệu Lập Kiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm 10/01 rằng đó là “phù hợp với nhu cầu công việc của ông ấy”, nhắc lại rằng chính sách ngoại giao của Trung Quốc vẫn không thay đổi.
Song song với chính sách ngoại giao chiến lang của ĐCSTQ, ông Triệu đã không xuất hiện trước công chúng kể từ đầu tháng Mười Hai năm ngoái.
‘Ngoại giao mềm’ bắt nguồn từ kinh tế yếu kém
Ngoài ông Tần, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cũng tuyên bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới hôm 17/01 rằng “cánh cửa của Trung Quốc sẽ ngày càng mở rộng hơn” và chào đón “nhiều khoản đầu tư ngoại quốc hơn.”
Ông Tạ tin rằng nền kinh tế suy thoái của Trung Quốc có thể là một trong những lý do chính khiến ĐCSTQ áp dụng thái độ mềm mỏng hơn đối với Hoa Kỳ.
Ông Tạ nói: “Nền kinh tế trì trệ của Trung Quốc, cùng với cuộc chiến Nga-Ukraine và việc Hoa Kỳ phong tỏa các sản phẩm công nghệ cao của Trung Quốc, đã khiến ĐCSTQ gặp phải những trở ngại chưa từng có trong môi trường quốc tế.”
Một yếu tố quan trọng khác là các chính sách “zero COVID” phi lý của ĐCSTQ đã đẩy nền kinh tế Trung Quốc lùi lại 20 năm, xuống mức trước khi Trung Quốc gia nhập WTO.
Ông Tạ nói thêm rằng, “Trong trường hợp này, ĐCSTQ rất cần vốn và các thị trường của Hoa Kỳ.”
Suy thoái kinh tế
Nền kinh tế Trung Quốc đang tiếp tục vòng xoáy đi xuống. Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 18/01, trong năm 2022 tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng xã hội đã giảm 0.2% so với năm trước, trong đó tháng Mười Hai năm ngoái chứng kiến mức giảm 1.8% so với cùng thời kỳ năm trước.
Ngoài ra, lĩnh vực địa ốc, một động lực chính của nền kinh tế nước này, vẫn suy giảm trong năm 2022. Dữ liệu chính thức được công bố hôm 17/01 cho thấy trong năm 2022, đầu tư vào địa ốc đã giảm 10% và đầu tư vào nhà ở giảm 9.5%.
Hoạt động xây dựng nhà ở đã giảm 7.2% so với cùng thời kỳ năm ngoái vào năm 2022. Lĩnh vực xây dựng nhà ở mới thậm chí còn giảm nhiều hơn nữa, giảm 39.4% so với năm trước, trong đó xây dựng khu dân cư giảm 39.8%. Về doanh số bán, doanh số bán địa ốc thương mại giảm 26.6% vào năm 2022, trong khi doanh số bán địa ốc nhà ở giảm 28.3%.
Tuy nhiên, nhiều người tin rằng dữ liệu chính thức của Trung Quốc không thể tin cậy được, do ĐCSTQ có lịch sử làm sai lệch các số liệu để đánh lừa công chúng. Tại thời điểm này, có khả năng dữ liệu chính thức đang che lấp thực tế rằng toàn bộ nền kinh tế đang suy thoái.
Một ví dụ gần đây là GDP của Trung Quốc đã tăng 2.9% so với cùng thời kỳ năm ngoái trong quý 4/2022, theo số liệu mà Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố — con số này cao hơn 0.4% so với quý 2/2022.
Nhưng ông Quý Đạt (Ji Da), một chuyên gia về Trung Quốc hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ, đã thách thức tính chính xác của dữ liệu chính thức này, khi nói với The Epoch Times hôm 25/01 rằng trong quý 2/2022, chỉ có thành phố Thượng Hải bị cách ly, trong khi hồi tháng 10/2022, về căn bản đã có sự phong tỏa luân phiên xảy ra trên khắp Trung Quốc kéo dài cho đến ngày 07/12/2022, thời điểm khi ĐCSTQ dỡ bỏ chính sách zero COVID.
Nhiều doanh nghiệp ở các thành phố và khu vực cũng ngừng hoạt động trong quý 4/2022.
Ông Quý nói: “Làm sao con số này (GDP ngày càng cao hơn, như các số liệu chính thức cho thấy) là khả dĩ được?”, khi kết luận rằng dữ liệu này ắt hẳn đã được làm giả.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times