Hai cấp độ hạnh phúc
Hạnh phúc dường như là một ý tưởng đơn giản cho đến khi bạn nghiền ngẫm rằng hai từ này còn bao hàm các khái niệm đa dạng như sự mãn nguyện, thanh tĩnh và niềm vui sướng ngất ngây.
Cách chúng ta định nghĩa hạnh phúc sẽ quyết định cách ta tìm kiếm nó và không phải tất cả hạnh phúc đều đến cùng môt cách. Có con đường đưa chúng ta đến với hạnh phúc là sự mãn nguyện vô cùng, nhưng cũng có những niềm hạnh phúc thoáng qua để lại cho chúng ta một cảm giác khao khát nhiều hơn nữa.
Ông cha chúng ta thuở xưa thường thông qua những câu chuyện và các nhà hiền triết dạy cách sống hạnh phúc. Hiện nay, khoa học hiện đại đã thực hiện nhiều nghiên cứu nghiêm túc về hạnh phúc, khởi đầu bằng hiểu biết về cách chúng ta xác định cảm giác hạnh phúc như thế nào.
Đi tìm Hạnh phúc
Một cách rất phổ biến mà các nhà tâm lý học tin rằng chúng ta đánh giá thực tế của mình thông qua một thứ gọi là quy tắc đỉnh kết (peak-end rule).
Theo lý thuyết này, chúng ta đánh giá tất cả các trải nghiệm mà chúng ta cảm nhận được khi ở điểm mãnh liệt nhất – cảm xúc đỉnh điểm và việc chúng ta cảm thấy như thế nào ở điểm kết thúc. Thực tế là chúng ta ít quan tâm đến toàn bộ cảm xúc của mình trong suốt quá trình trải nghiệm cũng như cảm giác trung bình của mỗi thời điểm.
Thay vào đó, chúng ta chỉ tập trung vào những điểm nổi bật: giai đoạn tốt nhất, giai đoạn tệ nhất và những giai đoạn kết thúc. Những khoảnh khắc gây ấn tượng mạnh nhất trong suốt quá trình trải nghiệm cho chúng ta biết liệu điều đó là tốt hay xấu, và điều đó tốt hoặc xấu như thế nào.
Tiến sĩ Daniel Kahneman – nhà nghiên cứu,giáo sư tâm lý học của Đại học Princeton,ông đã được trao giải Nobel – là người đã đưa ra quy tắc Đỉnh kết này vào năm 1999 thông qua nhiều nghiên cứu chứng minh.
Nhưng đó chỉ là một phần của câu chuyện.
Hạnh phúc tiềm ẩn
Kahneman và nhóm của ông thực hiện một nghiên cứu áp dụng với 800 phụ nữ. Họ được hỏi về cấp độ hạnh phúc của họ trong các hoạt động hàng ngày cũng như một khía cạnh cụ thể của hạnh phúc: sự hài lòng của họ với cuộc sống.
Khoảng thời gian dành cho con cái được cho là một trong những hoạt động không mấy vui vẻ. Tuy nhiên khía cạnh này lại tồn tại một mâu thuẫn. Mặc dù có sự thất vọng liên quan đến việc nuôi dạy con cái nhưng các bà mẹ cho thấy mức độ hài lòng trong cuộc sống cao hơn so những phụ nữ không có con. Kahneman đã phát hiện ra điều này khi phân tích dữ liệu.
Tại sao quy tắc đỉnh kết không được duy trì? Tiến sĩ Talya Miron-Shatz, một nhà tâm lý học đã làm việc cùng với Kahneman chia sẻ: quy tắc này có những hạn chế. Một là điểm kết thúc chỉ có ảnh hưởng đến những trải nghiệm có một kết thúc rõ ràng. Điều khác nữa là quy tắc này chỉ áp dụng cho một mức độ hạnh phúc.
Miron-Shatz cho biết: “Sự hài lòng với cuộc sống là một khái niệm cao hơn so với sự hạnh phúc được trải nghiệm hàng ngày. Khi nói đến việc đánh giá mức độ hài lòng trong cuộc sống, bạn nghĩ đến một bức tranh lớn: sự nghiệp, nhà cửa, hôn nhân, gia đình, v.v. Đó là hoạt động mang tính kiểm tra nhiều hơn”.
Hai cấp độ hạnh phúc
Khi gắn nhãn hai cấp độ hạnh phúc này, các nhà tâm lý học lấy cảm hứng từ Hy Lạp cổ đại. Mức độ hàng ngày được gọi là hạnh phúc khoái lạc (hedonic happiness) và mức độ rộng hơn được gọi là mức độ hạnh phúc ban phước ( còn có tên gọi khác là sống đức hạnh) (eudaimonic happiness).
Hạnh phúc khoái lạc (có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp “hedone,” có nghĩa là “khoái lạc hoặc niềm vui ” đề cập đến những cảm giác mà chúng ta nhận được từ sự thoải mái của sinh vật. Đó là cảm giác hồi hộp khi mua một đôi giày mới hoặc ăn một món tráng miệng suy đồi. Khoái lạc là bất cứ điều gì cảm thấy tốt trong thời điểm này.
Mặt khác, hạnh phúc ban phước đáp ứng nhu cầu về ý nghĩa và mục đích của chúng ta. Aristotle là người đầu tiên mô tả những theo đuổi đạo đức của Ban phước (Eudaimonia) – một từ dịch nghĩa là phù hợp với những vị thần tốt lành. Các triết gia sau này đã đề cao ý tưởng này như là mục tiêu cuối cùng của cuộc sống.
Có một số con đường dẫn đến Ban phước và cũng không có gì sai khi tận hưởng một số khoảnh khắc khoái lạc (miễn là chúng không trái đạo đức hoặc quá mức). Cả hai mức độ đều có thể mang lại cho chúng ta niềm vui, nhưng điểm quan trọng là chúng ta không bao giờ có thể thay thế cấp độ này bằng cấp độ khác.
“Nếu tôi cảm thấy hạnh phúc khi uống một cốc socola nóng thì điều đó sẽ không mang lại sự hài lòng mà tôi cần khi ở mức độ ban phước.” Miron-Shatz nói
Nhưng (lựa chọn) hạnh phúc ở mức độ ban phước không ngăn cản chúng ta thử những thứ khác trong cuộc sống. Trên thực tế, chúng ta đang sống trong một thế giới không ngừng được khuyến khích hướng tới sự phù phiếm. Quảng cáo kích thích sự mua hàng không chỉ là dừng lại ở việc một sản phẩm mà còn là cảm giác ưu việt hơn những người khác và sự tự trao quyền mà không món đồ trang sức nào có thể mang lại.
Chúng ta truy cầu hạnh phúc như một chiếc máy chạy bộ
Xét về số lượng và cường độ trải nghiệm khoái lạc theo ý của chúng ta, cuộc sống chưa bao giờ tốt hơn. Chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận nhiều thú vui mà ngay cả những vị vua vĩ đại nhất trong quá khứ cũng không thể đạt được. Vậy tại sao chúng ta không phải là nền văn hóa hạnh phúc nhất trong lịch sử? Tình trạng phiền muộn, lo lắng và trầm cảm hiện đại không chỉ liên quan đến việc thiếu Ban phước (eudaimonia). Đó cũng là vì chúng ta đã tận dụng triệt để tính khoái lạc.
Các nhà tâm lý học gọi nó là máy chạy bộ khoái lạc. Nó mô tả niềm vui ban đầu mà bạn có được từ một thứ hoặc hoạt động nào đó sẽ mất dần theo thời gian. Cuối cùng, chúng ta thích ứng, để kích hoạt một lần nữa cái hạnh phúc đáng tin cậy nhưng không còn mang lại cho chúng ta cảm giác hồi hộp này. Như thể trên máy chạy bộ, bạn đang chạy theo một cảm giác mà bạn sẽ không bao giờ đạt tới được. Những người nghiện thuốc gọi động lực này là đuổi theo con rồng. Nhưng cho dù đó là ma túy, đồ ngọt hay một số thứ ham muốn không kiểm soát khác mà chúng ta dựa vào vì cảm giác hạnh phúc của mình thì nguyên tắc đều giống nhau.
Và nó không chỉ áp dụng cho các tệ nạn. Giả sử bạn kiếm được một công việc được trả lương cao hơn, một ngôi nhà lớn hơn hoặc một chiếc xe hơi đẹp hơn. Sự nâng cấp những thứ này khiến bạn hài lòng trong một thời gian, nhưng sau đó chúng trở thành một điều bình thường mới. Bạn không còn nhận được cảm giác hài lòng từ chúng bởi vì nhận thức của chúng ta hướng đến việc nắm bắt những thay đổi. Hãy nhớ rằng – chúng ta nhớ lại những khoảnh khắc đỉnh cao – vì vậy, những mặt tích cực đã từng đánh dấu cuộc sống của chúng ta cuối cùng trở thành những điều ta coi là điều dĩ nhiên.
Hướng tới những điều cao cả hơn
Tuy nhiên, có những đỉnh cao mà chúng ta có thể tìm kiếm đã được chứng minh là bền vững và đáng tin cậy trong niềm vui mà chúng ta nhận được từ chúng. Trong một nghiên cứu riêng Miron-Shatz đã yêu cầu một nhóm phụ nữ từ Ohio báo cáo những điểm cao(phấn chấn) đáng chú ý trong ngày của họ. Khi nhóm của bà phân tích tất cả những đỉnh cao chung mà mọi người có: hoạt động tôn giáo, cầu nguyện và các sở thích được đưa ra đầu tiên.
“Tôi nghĩ đó là bởi vì những thứ này [tôn giáo, cầu nguyện] vượt trên bạn. Hoạt động tinh thần đưa bạn đi xa hơn mỗi ngày,” bà nói. “Một điểm chung khác là họ tự nguyện.”
Có một cảm giác về sự tự do được xếp hạng cao trong nghiên cứu về hạnh phúc. Có lẽ đó là lý do tại sao một thứ gì đó giam cầm – như đi làm – lại xếp hạng rất thấp. Việc quay lại làm việc hàng ngày là hoạt động mà mọi người cho biết là ghét nhất, báo cáo nghiên cứu của Kahneman ghi nhận.
Duy trì tinh thần tích cực
Một điều khác mà các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra trong khi đi tìm phương trình hạnh phúc là chúng ta bị ảnh hưởng bởi những trải nghiệm tồi tệ nhiều hơn so với những trải nghiệm tốt đẹp. Một bài báo năm 2001 trên Tạp chí Tâm lý học Đại cương, có tiêu đề “Bad is Stronger than Good,” ( Xấu mạnh hơn tốt), của các giáo sư tâm lý từ Đại học Case Western Reserve đã khám phá mô hình này.
“Điều này không có nghĩa là cái xấu sẽ luôn chiến thắng cái tốt, báo hiệu sự diệt vong và sự khốn khổ cho loài người. Đúng hơn, điều tốt có thể thắng điều xấu bởi lực lượng vượt trội của các yếu tố khác nhau: Nhiều sự kiện tốt có thể vượt qua những tác động tâm lý của một sự kiện xấu duy nhất. Tuy nhiên, khi các thước đo tốt và xấu ngang nhau, tác động tâm lý của những điều xấu sẽ lớn hơn những tác động của những điều tốt,” họ viết.
Một số nhà tâm lý học giải thích hiện tượng này như một cơ chế sinh tồn. Thật tuyệt khi cảm thấy tốt, nhưng cảm giác của chúng ta bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi những khoảnh khắc tồi tệ, vì vậy chúng ta chú ý và tránh sự đau đớn này trong tương lai.
Hiện tượng này cũng có thể liên quan đến khuynh hướng suy nghĩ tiêu cực hơn là tích cực. Khuynh hướng đó có thể mạnh hơn trong những thời điểm lo lắng, trầm cảm và xung đột cao độ.
Dù lý do là gì, có những điều chúng ta có thể làm để đưa phương trình hạnh phúc có lợi cho mình.
Hướng tới hạnh phúc
Một điều quan trọng là lòng biết ơn. Miron-Shatz, tổng biên tập Buddy & Soul- một nền tảng trực tuyến để phát triển cá nhân- nói rằng: Học cách kiểm đếm số phước lành của bạn thực sự có thể giúp bạn nhìn thấy một ngày tươi sáng hơn. Vì vậy, ngay cả khi bạn gặp phải điều gì đó tồi tệ, hướng tới tất cả những điều tốt đẹp trong cuộc sống của bạn có thể xoa dịu những nỗi đau.
Nhưng đừng chỉ biết ơn khi gặp những thời điểm khó khăn. Với việc rèn luyện, chúng ta có thể học cách nâng cao năng lực vĩnh viễn cho nhận thức của mình.
“Với một quyển nhật ký về sự biết ơn, chúng ta tự tạo điều kiện để tìm kiếm những điều làm chúng ta biết ơn, thay vì tìm kiếm những điều chúng ta sẽ phàn nàn,” bà nói.
Một cách khác để hướng tới hạnh phúc mà nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng ta có thể giảm bớt gánh nặng dẫn đến sự bất hạnh là an ninh tài chính.
Điều này thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn với câu nói rằng: tiền không thể mua được hạnh phúc. Nhưng hãy cân nhắc rằng trò đùa này thực sự nói về bản chất không thỏa mãn của việc mua sắm theo chủ nghĩa khoái lạc. Sức mạnh thực sự của sự giàu có là nó có thể giúp bạn tránh khỏi những căng thẳng và những khoảng thời gian khó khăn có thể khiến tâm trạng của bạn suy sụp.
Thật tuyệt khi mua cho mình một chút gì đó khi bạn cảm thấy tâm trạng đi xuống. Nhưng nếu có ít tiền hơn, bạn cần hạn chế những thứ xa xỉ và mua sắm bốc đồng để hướng tới những mục tiêu thiết thực hơn. Có thể thanh toán các hóa đơn để không mắc nợ lớn hơn sẽ giúp bạn hạnh phúc hơn về lâu dài, hoặc ít nhất là bớt bất hạnh.
Một công cụ mạnh mẽ thứ ba để tạo ra một cuộc sống hạnh phúc hơn là học cách giải thích tốt hơn các sự kiện khi chúng diễn ra. Ví dụ, nếu bạn cảm thấy một ngày của mình bị hủy hoại chỉ vì một nhà hàng làm sai món ăn của bạn, hãy kiểm tra xem bạn đã đưa kết luận này như thế nào. Có khả năng đó là một sai lầm chứ không phải là cuộc tấn công cá nhân ( cố ý) mà bạn nhận thấy lúc đầu.
Nó cũng có thể giúp đưa các sự kiện tiêu cực vào một bối cảnh rộng lớn hơn. Ví dụ, một điều gì đó có vẻ khủng khiếp ở thời điểm hiện tại, như một dự án đầy thách thức trong công việc, có thể trở thành một niềm tự hào trong tương lai. Hoặc một sự cố đáng xấu hổ có vẻ sẽ nhỏ nhặt nếu chúng ta nghĩ về nó trong thời gian một năm.
Công cụ này không phải là thay đổi hiện thực chỉ đơn thuần là điều chỉnh lại nó và xem xét vấn đề từ một góc độ khác.
“Hãy tự hỏi bản thân, ‘Mình có thể nhìn [vấn đề] theo cách khác không?’ Bạn sẽ cảm thấy nó rất có ích nếu bạn làm vậy,” Miron-Shatz nói. “Bạn không cần phải tô điểm nó , nhưng cách bạn cảm nhận các sự kiện xung quanh mình – và nếu bạn có thể gạt đi những cách nghĩ tiêu cực – có thể tạo ra sự khác biệt lớn”.
Văn Thanh Bùi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times