Gieo trồng những hạt giống để mọi thứ quanh ta trở nên tốt đẹp hơn
Mẹ Teresa đã từng nói, “Không phải tất cả chúng ta đều có thể làm nên những điều vĩ đại, nhưng mỗi người trong chúng ta đều có thể làm những điều nhỏ bé với một tình yêu to lớn.”
Thông thường, khi thực hiện các hành động thiện lương có chủ đích, chúng ta cũng đã trao đi một phần của chính mình cho những người ở xung quanh mà không nhận biết được.
Ví dụ như, một giáo viên, họ có thể truyền cảm hứng cho sinh viên trong khi hoàn toàn không hay biết gì về những hiệu quả tiếp diễn phía sau đó.
Nam diễn viên Colin Firth nổi tiếng bởi diễn xuất thiên tài trong những bộ phim như “Bridget Jones’s Diary – Nhật Ký Tiểu Thư Jones” và “The King’s Speech – Bài Diễn Văn Của Nhà Vua và đã được trao giải thưởng Oscar cho Diễn Viên Nam Xuất Sắc Nhất. Ông đã gọi cô giáo môn Anh Ngữ và huấn luyện viên kịch nghệ của mình, bà Penny Edwards, “là một trong những người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời của tôi.” Ông đã mời bà đến tham dự khi ông nhận giải thưởng đặc biệt được trao từ Nghị Viện Anh quốc.
Không có vẻ gì như là bà Edwards, khi đó đã nhận ra rằng bà đang đào tạo cho một ngôi sao Hollywood tương lai cả. Bà chỉ đơn giản là lan tỏa sự nhiệt huyết của mình cho cả lớp học mà thôi, và chàng trai Firth khi đó đã bị lôi cuốn theo.
Trong quyển sách “Meditations – Sự Suy Tưởng” của mình, triết gia và hoàng đế Marcus Aurelius bày tỏ sự tôn kính đối với ông nội, người đã dạy cho Ngài những nhân cách tốt đẹp và cách thức kiềm chế bản tính của mình, và đối với ông cố, người đã dạy cho Ngài bài học rằng chi phí bỏ ra cho việc giáo dục tại nhà là rất xứng đáng. Hoàn toàn không có gì chắc chắn rằng những vị tổ tiên này đã đoán trước được sự vĩnh cửu của những lời dạy được viết lại bởi con cháu của họ. Họ đã vô tình truyền lại cho hoàng đế Aurelius những món quà bổ trợ thêm cho sự vĩ đại của ông.
Ngay lúc này, bà ngoại Helen, người mẹ kế của mẹ tôi, hiện lên trong suy nghĩ của tôi. Cũng như rất nhiều người đương thời khi đó, bà ngoại đã sinh sống trong suốt thời kỳ Đại Khủng Hoảng*. Bà đã làm việc siêng năng cho đến khi già, nuôi dưỡng con cháu, và sống hầu hết cuộc đời mà không hề biết đến bất kỳ hưởng thụ xa hoa nào. Thông qua hành động, thay vì lời nói, bà đã dạy cho tôi nhiều bài học về chăm chỉ làm việc và chủ nghĩa khắc kỷ*, giá trị của sự hóm hỉnh trong những thời kỳ khó khăn, và cũng dạy cho tôi rất nhiều bài học về tình yêu.
Từ nụ cười của một người xa lạ, cho đến những bài học quý giá từ huấn luyện viên hoặc từ ông bà, chúng ta đã nhận được những chất bổ dưỡng cần thiết dành cho tâm hồn của mình.
Bóng tối bao phủ
Như những độc giả của thời báo The Epoch Times biết, chúng ta đang sống trong một thời kỳ phi thường. Có rất nhiều điều mà chỉ ba đến bốn năm trước đây chúng ta cho là hiển nhiên thì hiện nay đã không hề ổn định nữa. Lạm phát và suy thoái, sự khan hiếm của các loại hàng hóa thiết yếu, sự gia tăng đáng kinh ngạc của tội phạm bạo lực, sự chi tiêu điên rồ của chính phủ cấp tiến – và danh sách này ngày càng dài ra.
Có lẽ, thậm chí tệ hại hơn, có một cảm giác rằng ở đất nước chúng ta mọi thứ tốt đẹp đã lụi tàn, một số thứ đen tối và xấu xa đang dần thay thế mà chúng ta còn không thể xác định được. Ví dụ như, chỉ trong khoảng sáu tháng trước hoặc hơn, tôi đã gặp một vài người từ chối phỏng vấn, họ lo ngại về việc nói ra suy nghĩ và sở thích của mình, như một người trong đó đã nói với tôi rằng, hãy cúi thấp đầu xuống mà sống.
Cũng có thể chỉ có mỗi mình tôi đang phản ánh ra sự khó chịu của riêng mình, tuy nhiên mọi người đều nhận thấy rằng, những ngày gần đây, ở ngoài đường hoặc trong các cửa hàng dường như không hề có sự vui vẻ nào cả, ảm đạm hơn và suy nhược hơn, nhiều nhân viên bảo vệ hơn và nhiều lo sợ hơn so với trước đây.
Hãy thắp sáng những nơi mà bạn ghé qua
Trong một quyển tiểu thuyết cổ điển dành cho trẻ em có tên là “The Secret Garden – Khu Vườn Bí Mật,” chúng tôi đọc được một đoạn như sau:
“‘Liệu tôi có thể,’” cô bé Mary run rẩy nói, ‘Liệu tôi có thể … có một chút trái đất không?’
Với sự mong chờ háo hức của mình, cô bé đã không nhận ra rằng những từ ngữ mình phát ra nghe kỳ lạ như thế nào và đó cũng không phải là ý mà cô muốn nói đến. Ông Craven có vẻ bị giật mình.
“‘Trái đất!’ ông lặp lại lời cô bé. ‘Ý của cháu là gì?’
“‘Để trồng những hạt giống vào – làm cho những thứ phát triển lên – để nhìn thấy nhiều thứ sinh trưởng,’ Mary ấp úng.”
Mơ ước của Mary cũng là một bài học vô giá cho chúng ta. Bé gái mong muốn có một mảnh đất và hạt giống để trồng những bông hoa, “để nhìn hoa sinh trưởng.” Chúng ta cũng có thể làm điều tương tự, khi xung quanh chúng ta đều có thật nhiều đất đai, ý của tôi là có rất nhiều trái tim và tâm trí của những người trẻ tuổi cũng như người lớn tuổi, cầu xin để được chăm sóc, đặc biệt là trong thời đại ngày nay. Họ chỉ đơn thuần là thiếu các hạt giống, thiếu mặt trời và thiếu cả mưa để biến khu vườn trong mơ đó trở thành hiện thực mà thôi.
Khi chúng ta nhìn thấy được thông điệp ở trên, hầu như tất cả chúng ta đều có đầy đủ năng lực để trở thành một người làm vườn cho tâm hồn của chính mình, để gieo trồng các hạt giống yêu thương. Và cũng không hề có những yêu cầu về nhân lực hay dụng cụ để trồng hoa hồng, hoa nghệ tây, hoặc những thứ ưa thích khác như cà chua và bí đỏ, việc gieo trồng những hạt giống của sự hân hoan và thiện tâm là không cần bất kỳ nỗ lực nào và đó chỉ đơn giản là một nụ cười, một cái gật đầu nhẹ với một người khách xa lạ tại một cửa hàng tạp hóa, hoặc là một cái vỗ lưng chào hỏi nhẹ nhàng, và cũng có thể là lời an ủi dành cho đứa cháu học hành sa sút của mình.
Giả sử rằng, chúng ta – những độc giả của thời báo The Epoch Times, phát động một sự chuyển dịch mới ở Hoa Kỳ, một dự án làm vườn nhằm dự định vực dậy những tinh thần u ám trong khi chúng ta cũng đồng thời làm việc để bảo tồn nền tự do của đất nước mình. Chúng ta có rất nhiều người, và những nỗ lực của ta để mang ánh quang huy đến cho cả những người bạn lẫn người xa lạ có thể là sự bảo đảm cho quá trình lan tỏa này, để nhiều người hơn có thể hưởng lợi từ lời nói tử tế hoặc hành động tốt của chúng ta sau đó có thể chuyển điều ấy đến cho nhiều người khác hơn nữa.
Mẹ Teresa đã từng nói, “Không phải tất cả chúng ta đều có thể làm nên những điều vĩ đại, nhưng mỗi người trong chúng ta đều có thể làm những điều nhỏ bé với một tình yêu to lớn.”
Một số người sẽ cho rằng ý tưởng của tôi là điều duy tâm, phi thực tế, hoặc là điều ngốc nghếch. Cũng đều tốt cả, cũng có lẽ là như vậy.
Nhưng nói ngược lại, chúng ta có bị mất đi cái gì không?
Chú thích của dịch giả
*[ Đại khủng hoảng, là thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra hầu hết trong những năm 1930, bắt đầu ở Hoa Kỳ. Thời gian diễn ra cuộc Đại khủng hoảng khác nhau trên khắp thế giới; ở hầu hết các quốc gia, nó bắt đầu vào năm 1929 và kéo dài cho đến cuối những năm 1930.]
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times