Gạo nếp là loại gạo bổ dưỡng, 4 nhóm người nên chú ý khi ăn
Nhắc tới gạo nếp, mọi người có thể sẽ nghĩ đến bánh chưng, xôi trộn, cũng như ăn gạo nếp nhiều sẽ không dễ tiêu hóa v.v… Kỳ thực, gạo nếp là thức ăn rất bổ dưỡng, có hiệu quả thực liệu.
Gạo nếp rất bổ dưỡng, có thể cải thiện chứng tiêu chảy và đi tiểu nhiều lần
Gạo nếp có màu trắng sữa, chứa tinh bột amylopectin, dễ hồ hóa, độ dính mạnh, được sử dụng rất rộng rãi. Gạo nếp có thể nấu cháo, làm bánh chưng, chè trôi nước, bánh mochi, còn có thể chưng cất thành rượu.
Lên men gạo nếp và mầm lúa mạch, nấu chín, có thể chế thành đường mạch nha, dùng ăn với lượng vừa phải thì có tác dụng trợ giúp tiêu hóa, bổ tỳ ích khí. Lấy gạo nếp cẩm ủ thành bã rượu đỏ, là “Thánh phẩm” bổ huyết trong Đông y. Gạo nếp nấu chín nóng còn có thể nhào trộn với vôi vữa, chế thành chất kết dính chắc chắn – gọi là vữa gạo nếp – thường được sử dụng trong xây dựng thời cổ đại. Vạn Lý Trường Thành có thể sừng sững đến ngày nay, thì không thể thiếu loại nguyên liệu này.
Không chỉ có vậy, gạo nếp còn có giá trị dùng làm thuốc. Rất nhiều phương thuốc dùng đến gạo nếp, ví như: Trong A Giao tán bổ phổi điều trị viêm khí quản mãn tính, thì dùng gạo nếp để bổ phổi; phương thuốc Thái Sơn Bàn Thạch tán có thể điều trị chứng sẩy thai tự phát, thêm gạo nếp vị ngọt tính bình có thể bồi bổ tỳ vị và an thai.
Ông Diệp Khải Dân (Ye Qimin), bác sĩ điều trị của phòng khám Đông y Duy Tâm cho biết, mọi người thường ngày hay ăn cơm gạo trắng (gạo tẻ hạt dài nhỏ và gạo tẻ hạt ngắn tròn) có thuộc tính ngọt bình, còn gạo nếp có tính ngọt ấm, có tính ấm và giá trị dinh dưỡng cao.
So với gạo tẻ, thì gạo nếp có tính bổ dưỡng nhiều hơn. Mặc dù có không ít phương thuốc dùng gạo nếp hoặc tẻ, nhưng gạo nếp dùng làm thuốc nhiều hơn.
Gạo nếp có thể làm ấm tỳ vị, bổ trung ích khí, còn có tác dụng se chát, có thể dùng điều trị tiêu chảy và đi tiểu nhiều lần. Ví dụ, nguyên nhân người già bị tiêu chảy, nếu là do dạ dày suy yếu, bị lạnh gây nên, mà không phải do nhiễm khuẩn, thì lấy gạo nếp nấu cháo để ăn, hiệu quả cải thiện rất tốt. Người cao tuổi thường hay đi tiểu đêm nhiều lần do khí hư bàng quang yếu, vậy thì dùng cháo hạt sen, gạo nếp, táo đỏ nấu chín để ăn, cũng có thể có tác dụng trị liệu hiệu quả.
Gạo nếp khó tiêu hóa, 4 nhóm người cần lưu ý
Gạo nếp có tính dẻo dính, không dễ tiêu hóa. Mặc dù gạo nếp bổ dưỡng hơn gạo trắng thông thường, nhưng mọi người không thể ăn thường xuyên, cho dù dạ dày khỏe hay yếu đều không thể ăn nhiều gạo nếp.
Gạo nếp không thể ăn nhiều, ngoài việc không dễ tiêu hóa, còn có một nguyên nhân khác. Bác sĩ Diệp Khải Dân chỉ ra rằng, trong Đông y, gạo nếp là loại thức ăn xác thực có tính bổ, làm tăng cao chỉ số đường trong máu, đặc biệt so với gạo trắng thì càng bổ hơn, sẽ làm lượng đường trong máu tăng nhanh hơn.
Có 4 nhóm người cần phải cẩn thận khi ăn gạo nếp: Trẻ nhỏ, người bệnh, người có tỳ vị yếu, người bệnh tiểu đường.
Trẻ nhỏ và người đang bị bệnh, người vừa khỏi bệnh, người có dạ dày tiêu hóa kém, không thích hợp ăn gạo nếp, nếu muốn ăn thì chỉ có thể ăn với lượng ít và phải nhai kỹ nuốt chậm. Những người bệnh dạ dày dễ trướng khí, ợ chua, viêm dạ dày, chức năng dạ dày kém, trào ngược dạ dày thực quản… cũng không nên ăn gạo nếp.
Người bị bệnh tiểu đường phải giảm lượng gạo nếp khi ăn, hơn nữa khuyến nghị không nên ăn món ăn chỉ có gạo nếp, tốt nhất là kết hợp với các loại ngũ cốc khác hoặc rau củ khác; hoặc là ăn theo trình tự thịt, rau, cơm gạo nếp, để đường huyết tăng lên từ từ. Người bị bệnh tiểu đường mà khó khống chế lượng đường trong máu thì không nên ăn gạo nếp.
Như vậy, người bình thường ngoài việc không nên ăn quá nhiều gạo nếp trong một lần, thì còn có những lưu ý khác không? Bác sĩ Đông y Diệp Khải Dân cho biết, khuyến nghị thông thường là không nên dùng gạo nếp làm thức ăn sáng, ví như các món xôi nắm, không dễ tiêu hóa. Tuy nhiên, những người có dạ dày khỏe, người có thân thể khỏe mạnh thì có thể ăn sáng bằng xôi gạo nếp.
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ