ĐCSTQ chiêu mộ cho ‘Chương trình Ngàn Nhân tài’ tại Pháp
Trong vòng chưa đầy một tháng, các thành viên của Hội Cựu sinh viên Đại học Thanh Hoa tại Pháp đã nhận được hai lời mời tuyển dụng từ Trung Quốc. Thông báo đầu tiên tuyên bố rõ ràng rằng lời mời này là một phần của “Chương trình Ngàn Nhân tài” của Trung Quốc. Thông báo thứ hai cho biết lần tuyển dụng này sẽ tập trung vào các lĩnh vực then chốt chẳng hạn như nghiên cứu và phát triển vi mạch bán dẫn, những lĩnh vực mà Hoa Kỳ dẫn đầu hoặc bị Hoa Kỳ trừng phạt.
Nhà cầm quyền cộng sản này đã khởi xướng Chương trình Ngàn Nhân tài của Trung Quốc hồi tháng 12/2008, một chương trình tuyển dụng được xây dựng nhằm mục đích thu hút nhân tài đến Trung Quốc. Trong mười năm qua, một số học giả người Mỹ gốc Hoa tham gia chương trình này đã bị chính phủ Hoa Kỳ điều tra, một số bị kết án tù vì vi phạm pháp luật ở Hoa Kỳ.
Đầu tháng Hai, một thành viên nhóm WeChat của Hội Cựu sinh viên Đại học Thanh Hoa tại Pháp đã đăng một thông tin tuyển dụng cho Chương trình Ngàn Nhân tài của Trung Quốc, bảo đảm một quy trình hoàn toàn bí mật sẽ không ảnh hưởng đến công việc hay cuộc sống ở hải ngoại. Thành viên này cũng tuyên bố rằng thông báo tuyển dụng trên sẽ “có hiệu lực trong hơn mười năm.”
Thông báo này viết, “Cộng đồng cựu sinh viên chúng ta ơi, Chương trình Ngàn Nhân tài của quốc gia, vốn cung cấp đãi ngộ lớn nhất ở Trung Quốc, đã bắt đầu rồi! Tổng số tiền đãi ngộ cá nhân miễn thuế là khoảng 13 triệu nhân dân tệ (1.9 triệu USD), và chúng ta có thể đăng ký trực tuyến mà không cần về nước. Mọi người sẽ được kết nối trực tiếp với các nhà lãnh đạo của văn phòng nhân tài chính phủ thông qua WeChat, mà không có bên thứ ba, không qua trung gian, toàn bộ quá trình này là hoàn toàn bảo mật, và sẽ không gây ảnh hưởng gì đến cuộc sống và công việc của mọi người ở hải ngoại.”
Các ứng viên phải đáp ứng các tiêu chí cụ thể, chẳng hạn: Nếu ứng viên trên 40 tuổi, thì phải có bằng tiến sĩ, phải giữ chức vụ cao hơn hoặc ngang với chức giám đốc của một công ty nổi tiếng bên ngoài Trung Quốc hoặc phó giáo sư của một trường đại học; nếu ứng viên trẻ dưới 40 tuổi, thì phải có bằng tiến sĩ và có kinh nghiệm hơn ba năm làm việc sau khi nhận bằng.
Hôm 01/03, cũng là thành viên đó ở trong nhóm WeChat của hội cựu sinh viên này đã đăng một thông báo tuyển dụng khác. Anh giải thích rằng giáo viên cũ của anh ở Trung Quốc hiện là phó thị trưởng thành phố Trấn Giang, tỉnh Giang Tô. Anh đang giúp giáo viên của mình thay mặt thành phố Trấn Giang đăng thông báo này để thu hút nhân tài.
Trong “phần lương thưởng và phúc lợi” mà anh đăng kèm với thông báo này, có một tuyên bố ở dưới cùng, “các khoản trợ cấp cụ thể có thể thay đổi một chút tùy thuộc vào các chính sách ở từng địa phương và có thể được thảo luận chi tiết để phù hợp hơn với mong muốn của nhân tài.” Từ đó có thể thấy rằng hoạt động tuyển dụng nhân tài ở ngoại quốc không chỉ giới hạn ở thành phố Trấn Giang mà là một sáng kiến cấp tỉnh hoặc toàn quốc.
Các lĩnh vực được quan tâm đặc biệt bao gồm “các loại vi mạch của máy điện toán tân tiến, siêu máy điện toán, phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử, trí tuệ nhân tạo, thông tin, và viễn thông,” thành viên nhóm đăng thông báo cho biết thêm.
Đây là một trong những lĩnh vực chính mà Hoa Kỳ ban hành các biện pháp trừng phạt công nghệ.
Các trường hợp gián điệp Trung Quốc ở Hoa Kỳ liên quan đến chương trình này
Kể từ năm 2013, một số vụ án tư pháp ở Hoa Kỳ đã nhắm mục tiêu vào các nhà khoa học và học giả có dính líu đến Chương trình Ngàn Nhân tài của ĐCSTQ.
Vào ngày 09/05/2022, Tiến sĩ Du Hiểu Dung (còn được biết đến với biệt danh là Shannon Du), một cư dân Michigan, người đã tham gia Chương trình Ngàn Nhân tài, đã bị kết án 14 năm tù với các tội danh bao gồm đánh cắp bí mật thương mại, tham gia vào các hoạt động gián điệp kinh tế, và gian lận. Ngoài án tù, bà Du còn phải đối mặt với ba năm quản thúc có giám sát và khoản tiền phạt 200,000 USD.
Bà đã đánh cắp bí mật thương mại về công thức điều chế lớp phủ “không chứa Bisphenol-A (không chứa BPA)” được sử dụng bên trong lon nước giải khát của hãng Coca-Cola. Bà Du có quyền tiếp cận các bí mật thương mại khi làm việc cho Công ty Coca-Cola ở Atlanta và Công ty Hóa chất Eastman ở Kingsport, Tennessee. Tổng chi phí Nghiên cứu & Phát triển (R&D) của công thức sơn phủ không chứa BPA lên tới gần 120 triệu USD.
Bà Du đã sử dụng các bí mật thương mại đánh cắp này để thành lập một công ty sơn phủ mới ở Trung Quốc và hợp tác với Tập đoàn Kim Hoằng Uy Hải (Weihai Jinhong Group Co., Ltd). Dự án mới của họ đã nhận được hàng triệu dollar tài trợ từ các cơ quan chính phủ của ĐCSTQ, bao gồm cả khoản tài trợ từ “Chương trình Ngàn Nhân tài.” Tập đoàn Kim Hoằng Uy Hải tự mô tả mình là trung tâm công nghệ doanh nghiệp quốc gia của Trung Quốc và là một trạm nghiên cứu khoa học hậu tiến sĩ của quốc gia.
“Hành vi bị cáo buộc trong bản cáo trạng ngày hôm nay minh họa cho hành vi cướp bóc, sao chép và thay thế phương pháp phát triển công nghệ,” Phụ tá Tổng Chưởng lý John Demers cho biết. “Bà Du Hiểu Dung bị buộc tội đánh cắp nghiêm trọng, có tính toán trước và chuyển giao bí mật thương mại trị giá hơn 100 triệu USD nhằm mục đích thành lập một công ty Trung Quốc có thể cạnh tranh với các công ty Mỹ dựa trên những bí mật thương mại bị đánh cắp này. Thật không may, Trung Quốc vẫn tiếp tục sử dụng các chương trình quốc gia của mình, như ‘Ngàn Nhân tài’, để thu hút và khen thưởng cho hành vi đánh cắp bí mật thương mại và sở hữu trí tuệ của quốc gia chúng ta, nhưng Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục ưu tiên các cuộc điều tra như thế này, để bảo đảm rằng Trung Quốc hiểu rằng hành vi phạm tội này không phải là một hoạt động phát triển kinh tế hoặc kinh doanh có thể chấp nhận được,” một đại bồi thẩm đoàn tuyên bố theo bản tin của DarkReading.
Cũng đã có những nhà khoa học ngoại quốc tham gia Chương trình Ngàn Nhân tài của Trung Quốc.
Ông Turab Lookman, nguyên là nhà vật lý máy điện toán tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, đã nhận tội tại tòa án liên bang ở Albuquerque vào ngày 24/01/2020 với cáo buộc khai man với một điều tra viên chính phủ về việc ông tham gia vào Chương trình Ngàn Nhân tài. Ông phải đối mặt với án tù 5 năm và khoản tiền phạt 250,000 USD.
Cựu giáo sư Đại học West Virginia, Tiến sĩ James Patrick Lewis, người đã nhận tội vào tháng 03/2020, chuyên nghiên cứu ứng dụng các phản ứng phân tử vào công nghệ chuyển hóa than. Ông đã ký hợp đồng lao động với Viện Khoa học Trung Quốc qua Chương trình Ngàn Nhân tài vào tháng 07/2017. Ông Lewis được đề nghị làm việc ở Trung Quốc trong ba năm liên tiếp — không dưới chín tháng mỗi năm — để đào tạo nghiên cứu và phát hành các bài báo cho sinh viên của Viện Khoa học Trung Quốc, đổi lại ông đã nhận được mức thù lao và trợ cấp khoảng 800,000 USD.
Hồi tháng 03/2018, ông Lewis đã đề nghị Đại học West Virginia cho phép ông thôi giảng dạy cho học kỳ mùa thu năm 2018, với lý do phải ở nhà chăm con mới sinh. Trên thực tế, ông Lewis đã đến Trung Quốc làm việc, còn Đại học West Virginia vẫn tiếp tục trả lương cho ông.
Hoạt động tuyển dụng ở ngoại quốc của ĐCSTQ vẫn tiếp diễn
Sau khi Hoa Kỳ tiến hành điều tra những người tham gia Chương trình Ngàn Nhân tài, đến cuối năm 2018, chế độ cộng sản Trung Quốc đã ra lệnh cho các quan chức không được phép đề cập rõ ràng và công khai đến Chương trình Ngàn Nhân tài này. Đến tháng 04/2020, thuật ngữ này đột nhiên biến mất không để lại dấu vết trên mạng Internet ở Trung Quốc.
Chuyên gia về Trung Quốc Hạ Nhất Phàm (Xia Yifan) nói với The Epoch Times hôm 04/03 rằng ông tin rằng ĐCSTQ sẽ tiếp tục tuyển dụng nhân tài bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt là từ các quốc gia phát triển.
Ông Tạ nói, “Có hai nguyên nhân căn bản để tôi đi đến kết luận này. Một là, ĐCSTQ đang có nhu cầu cấp thiết trong việc thiết lập quyền bá chủ kinh tế và giành được quyền bá chủ chính trị độc tài bằng cách đánh bại phương Tây. Hai là, các biện pháp chống đánh cắp bản quyền của các nước phương Tây quá yếu để chống lại vấn nạn đánh cắp bản quyền một cách hiệu quả.”
Ông cho biết thêm rằng mặc dù các nước phương Tây đã nhận ra những nguy hiểm mà chương trình tuyển dụng nhân tài này của ĐCSTQ gây ra, nhưng họ đã không thiết lập các biện pháp phòng ngừa có hệ thống và đáng tin cậy — cho dù đó là về mặt tư tưởng chỉ thị, thiết lập một hệ thống phòng ngừa, hay có phương pháp nào để đối phó với hành vi đánh cắp. Vẫn còn rất nhiều chỗ cần cải thiện.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times