Chuyên gia kêu gọi Nam Hàn tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trước hành vi trộm cắp của Trung Quốc
Chương trình Ngàn Nhân tài của Bắc Kinh là bình phong cho hoạt động gián điệp công nghiệp của Trung Quốc
Trong những năm gần đây, các nỗ lực đánh cắp công nghệ của Bắc Kinh đã lần lượt bị phơi bày, chủ yếu thông qua chương trình thu hút nhân tài tên là “Kế hoạch Ngàn Nhân tài” của nhà cầm quyền này. Nhiều người trong số những người tham gia vào kế hoạch đó, cho dù là người Trung Quốc hay người ngoại quốc, đều đã phải chịu hậu quả pháp lý tại các quốc gia chịu thiệt hại.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng Nam Hàn nói riêng từ lâu đã thiếu cảnh giác trong việc ngăn chặn hành vi đánh cắp công nghệ.
Ngay khi chính phủ Nam Hàn tuyên bố hôm 07/06 rằng họ sẽ trừng phạt nghiêm khắc đối với hành vi đánh cắp công nghệ, một trường hợp đã được báo cáo cùng ngày hôm đó.
Sở Cảnh sát Seoul cho biết họ đã bắt giữ một nhà nghiên cứu gốc Trung Quốc với cáo buộc đánh cắp khoảng 10,000 tệp công nghệ robot y tế tân tiến khi đang hoạt động tại Nam Hàn.
Theo các công tố viên Nam Hàn, “ông A”, người có tên thật không được nhà chức trách tiết lộ, bị buộc tội vi phạm Đạo luật Chống Cạnh tranh Không lành mạnh.
Ông A bị cáo buộc đã đánh cắp dữ liệu trong quá trình làm việc tại một viện nghiên cứu trực thuộc một bệnh viện lớn ở Seoul từ năm 2015 đến 2020 và làm rò rỉ những dữ liệu này cho Trung Quốc. Các tập tin bị đánh cắp bao gồm các công nghệ như robot trợ giúp phẫu thuật can thiệp tim mạch.
Cảnh sát Nam Hàn tiết lộ ông A đã đánh cắp và rò rỉ dữ liệu cốt lõi của công nghệ robot y tế cho Trung Quốc. Công nghệ này được cho là sắp được thương mại hóa và có giá trị thị trường hơn 600 tỷ won (khoảng 4.7 tỷ USD). Chính phủ Nam Hàn được cho là đã đầu tư 10 tỷ won (khoảng 7.8 triệu USD) vào quá trình phát triển công nghệ này.
Ông A được cho là đã làm việc tại các bệnh viện và viện nghiên cứu liên quan đến khoa học robot hơn 10 năm. Ông bị bắt tại phi trường quốc tế Incheon hồi tháng Ba trong lần tái nhập cảnh của mình. Theo tin tức truyền thông địa phương, cảnh sát cũng đã áp dụng lệnh cấm đi lại và tiến hành điều tra không giam giữ đối với ông A.
Một báo cáo cho biết dữ liệu mà ông A làm rò rỉ không phải là một phần trong công nghệ cốt lõi quốc gia của Nam Hàn, vì vậy Đạo luật Bảo vệ Công nghệ Công nghiệp có thể sẽ không áp dụng trong trường hợp này. Do đó hình phạt đối với ông sẽ không nặng nếu chỉ là kết tội vi phạm Đạo luật Chống Cạnh tranh Không lành mạnh.
Kế hoạch ngàn nhân tài của Trung Quốc
Các nhà chức trách phát hiện ra rằng ông A là một thành viên trong Kế hoạch Ngàn Nhân tài (TTP) của chính quyền Trung Quốc và được cho là đã nhận trợ cấp từ Bắc Kinh. Chương trình này cung cấp các ưu đãi lên tới hàng trăm ngàn dollar cho các chuyên gia ngoại quốc đến nghiên cứu và làm việc tại Trung Quốc trong một thời gian mỗi năm. Chương trình này bị chỉ trích rộng rãi là bình phong cho hoạt động gián điệp hàng loạt của Trung Quốc đối với ngành công nghiệp sản xuất.
Cơ quan tình báo Nam Hàn cho biết họ “nghi ngờ rằng ông A đến Nam Hàn với ý định đánh cắp công nghệ [và làm rò rỉ] cho Trung Quốc.”
Đây không phải là trường hợp đánh cắp công nghệ đầu tiên ở Nam Hàn liên quan đến chương trình TTP.
Năm 2020, một giáo sư từ Viện Khoa học và Công nghệ Tân tiến Nam Hàn (KAIST) đã bị bắt và bị xét xử vì tội làm rò rỉ dữ liệu nghiên cứu liên quan đến Lidar, một công nghệ được sử dụng trong xe tự lái. Lidar được gọi là “con mắt của xe tự lái” và là công nghệ cốt lõi của xe tự lái. Vị giáo sư này bị phát hiện đã tham gia TTP và nhận được khoảng 3.3 tỷ won (khoảng 2.5 triệu USD) tiền tài trợ từ Bắc Kinh.
Người giáo sư sau đó đã bị kết án hai năm tù giam và ba năm quản chế.
Trung bình có 1.6 vụ rò rỉ công nghệ mỗi tháng
Nam Hàn thường xuyên bị rò rỉ công nghệ, kèm theo những tổn thất lớn.
Theo dữ liệu do Liên đoàn Công nghiệp Nam Hàn (FKI) công bố hôm 08/06, trích dẫn Cơ quan Tình báo Trung ương Nam Hàn (KCIA), ít nhất 93 công nghệ đã bị rò rỉ ra ngoại quốc trong năm năm qua, với trung bình 1.6 vụ rò rỉ xảy ra mỗi tháng, chủ yếu là rò rỉ từ các ngành công nghiệp trọng yếu, chẳng hạn như chất bán dẫn, pin có thể sạc lại nhiều lần, và xe tự lái.
Hôm 27/10/2022, FKI đã công bố một cuộc khảo sát mà họ thực hiện đối với 26 chuyên gia bảo mật trong ngành. Khoảng 85% số người được hỏi cho biết mức độ bảo vệ công nghệ tân tiến của Nam Hàn là yếu hơn so với Hoa Kỳ, trong khi khả năng nghiên cứu và phát triển của nước này ngang bằng với các quốc gia đối thủ.
Dựa trên ước tính của các chuyên gia, báo cáo cho biết thiệt hại trung bình hàng năm do rò rỉ công nghệ công nghiệp, bao gồm cả rò rỉ ra hải ngoại, là khoảng 40 tỷ USD, tương đương với 2.7% GDP của Nam Hàn vào năm 2021 và 60.4% tổng chi tiêu nghiên cứu và phát triển (R&D) của nước này vào năm 2020.
Trong khi đó, 92.3% chuyên gia tin rằng Trung Quốc là quốc gia mà Nam Hàn nên cảnh giác nhất về rò rỉ công nghệ.
‘Hình phạt quá nhẹ’
Chính phủ Nam Hàn đã bị chỉ trích vì xử phạt nhẹ các vụ rò rỉ công nghệ.
Dữ liệu của FKI cho thấy vào năm 2021, đã có 33 phiên tòa hình sự sơ thẩm về vi phạm Đạo luật Bảo vệ Công nghệ Công nghiệp, trong đó 60.6% số vụ mà trong đó bị cáo được tuyên trắng án, 27.2% bị kết án quản chế, và 6.1% nhận án tù.
FKI cho biết mặc dù Nam Hàn đã quy định các hình phạt đối với các tội phạm liên quan đến hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ, nhưng hình phạt thực tế là không đủ nặng vì các tiêu chuẩn kết án thấp hơn các hình phạt theo luật định.
FKI cho biết trong báo cáo: “Cần phải nâng cao tiêu chuẩn kết án và thiết lập các tiêu chuẩn kết án khác nhau đối với hành vi rò rỉ công nghệ cốt lõi quốc gia và bí mật thương mại nói chung.”
Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), một chuyên gia về Trung Quốc và cựu giáo sư giáo dục lịch sử tại Đại học Sư phạm Thủ đô của Trung Quốc, đã lặp lại đánh giá của FKI.
“Lý do tại sao các công nghệ của Nam Hàn thường xuyên bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đánh cắp là do hình phạt quá nhẹ,” ông Lý nói với The Epoch Times hôm 09/06, đồng thời cho biết thêm rằng luật pháp và quy định của quốc gia về bảo vệ công nghệ còn lỏng lẻo.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng việc Bắc Kinh thường xuyên đánh cắp công nghệ của Nam Hàn cho thấy “Nam Hàn không thực sự hiểu bản chất của ĐCSTQ và thiếu cảnh giác” đối với những người có liên hệ với ĐCSTQ đang hoạt động tại Nam Hàn.
Ông cũng nêu ra rằng vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nam Hàn nên Nam Hàn luôn ưu tiên phát triển kinh tế và bỏ qua vấn đề đánh cắp công nghệ.
“Việc ngăn chặn hành vi đánh cắp công nghệ còn lỏng lẻo và hình phạt không đáng kể so với lợi nhuận dồi dào thu được. Điều này làm cho nạn đánh cắp trở nên tràn lan hơn,” ông Lý nói thêm.
Tuy nhiên, theo bài viết của JoongAng Daily hồi tháng Năm, chính phủ Tổng thống Yoon Suk-yeol dự định bắt đầu một cuộc đàn áp quy mô lớn đối với hoạt động gián điệp công nghiệp trong tương lai gần.
Bản tin có sự đóng góp của Trương Chung Nguyên
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times