Đạo làm cha theo lời dạy của Khổng Tử
Cuộc sống hiện đại khiến nghĩa vụ làm cha trở nên khó khăn. Từ tỷ lệ ly hôn 50% cho đến sự nghiệp phải giam mình chốn công sở, có vẻ các ông bố thời nay hầu như không có cơ hội sống đúng với thiên chức của mình.
Xã hội dường như dành sự ưu ái, chia sẻ yêu thương nhiều hơn với những người mẹ. Theo số liệu thống kê từ Quỹ Bán lẻ Quốc gia Hoa Kỳ (National Retail Foundation), kể từ năm 2004, chi tiêu trong Ngày của Mẹ thường gấp đôi so với chi tiêu trong Ngày của Cha.
Từ thời cổ đại tại Trung Hoa, vai trò của người cha trong gia đình rất được xem trọng, người cha được tôn kính ngang hàng với các vị vua chúa hay thậm chí là các vị thần. Chữ “quốc vương” cổ của Trung Quốc có ký tự biểu tượng của chữ “cha”. Điều này xem ra có vẻ lạ kỳ với người hiện đại nhưng văn hóa truyền thống đã lưu truyền một số bài học về vai trò làm cha còn nguyên giá trị đến tận ngày nay.
Vai trò của người cha trong văn hóa truyền thống
Gia đình là tế bào, là đơn vị nhỏ nhất của của xã hội. Người cha không chỉ là người đứng đầu, chịu trách nhiệm về đời sống vật chất của gia đình mình, mà còn phải khắc sâu vào tư tưởng con trẻ những phong tục, tập quán, hành vi ứng xử phù hợp trong gia đình, để chúng tiếp tục kế thừa và truyền thụ cho những thế hệ tiếp theo.
Khổng Tử, nhà hiền triết nổi tiếng sống cách đây hơn 2,500 năm, đã dạy rằng lòng hiếu thảo (孝) là nền tảng trong việc vận hành một gia đình. Hiếu thảo dựa vào tính chất tương hỗ vốn có trong các mối quan hệ xã hội khác nhau – giữa bạn bè, anh chị em, cha và con, vợ và chồng, người cai trị và người bị cai trị. Bằng cách chấp nhận những mối quan hệ này, mọi người có thể chung sống và cùng nhau phát triển một cách hài hòa.
Đức Khổng Tử cho rằng tình phụ tử khác với tình mẫu tử; và trên hết, người cha phải được kính trọng theo đúng khuôn phép.
Giữ khoảng cách cha con đúng mực
Trong văn hóa truyền thống, người cha luôn phải đối xử tốt và hết lòng yêu thương con của mình nhưng vẫn phải duy trì một khoảng cách nhất định. Cha mẹ không phải cố gắng làm bạn với con như một lẽ thường. Cha mẹ cũng không có nghĩa vụ đắm chìm trong thế giới của trẻ em. Nhiệm vụ của cha mẹ là cung cấp cho con phương tiện phát triển tính cách và giúp chúng bước vào thế giới của người lớn.
Dù là trong các giao dịch kinh doanh hay trong vấn đề nội bộ của gia đình, người cha đều nhận thức được hình mẫu mà ông đang tạo dựng cho thế hệ kế tiếp noi theo và chỉ bảo chúng rõ ràng trong những tình huống thích hợp.
Người cha không thể hạ thấp tiêu chuẩn định rõ vai trò của mình. Việc tiếp xúc với con cái có thể bị hạn chế, nhưng ở cương vị làm cha với những ràng buộc trách nhiệm, ông cần phải để lại ấn tượng tốt đẹp nhất cho các thế hệ tiếp theo.
Cha không phải là người chuyên quyền
Cha không phải là người đưa ra quyết định cuối cùng trong mọi trường hợp. Nhà tư tưởng Trung Hoa ở thế kỷ thứ nhất đã nói:
“Con người đều là con của Thần và chỉ đơn thuần được tạo thành thân xác thịt thông qua linh hồn của cha và mẹ. Do vậy, cha không có quyền lực tuyệt đối đối với con”.
Khi con đã coi cha mình là hình mẫu, là tấm gương đạo đức thì chúng cũng sẽ biết giữ mình và tuân theo những nguyên tắc tương tự. Đây không phải là sự vâng lời một cách mù quáng – điều mà Đức Khổng Tử không ủng hộ.
Khi một trong những học trò của Khổng Tử khoe rằng anh ta đã chịu đựng được những trận đòn tàn bạo từ cha mình, Khổng Tử nghe xong liền khiển trách học trò: Bằng cách chịu đựng những trận đòn tàn bạo, con có thể giúp cha không làm điều sai trái sao?
Khổng Tử đã dạy, ở cương vị là một người con, không tuân theo cha mẹ một cách mù quáng, cần tiếp thu những bài học xây dựng nhân cách từ cha mẹ và giúp đỡ cha mẹ trong những thời điểm họ chưa tròn đầy về đạo đức.
Do vậy, vai trò làm gương của bậc làm cha mẹ rất quan trọng, chỉ khi người cha thể hiện được đức tính mạnh mẽ, ngay thẳng thì con trai mới có thể noi theo một cách đúng đắn.
Thực tế trong xã hội hiện đại
Những người cha hiện đại xem ra gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời gian dành cho con, thậm chí điều đó là một nhiệm vụ bất khả thi. Trong khi phụ nữ được nghỉ thai sản và doanh nghiệp miễn cưỡng chấp nhận tình trạng này của các bà mẹ, thì có rất ít khoảng thời gian nghỉ ngơi dành cho những ông bố coi trọng sự nghiệp.
Trong xã hội ngày nay, khi vai trò trụ cột của người cha trong gia đình đã giảm đáng kể so với trước, thì việc khiến thời gian dành cho con trở nên hữu ích quan trọng hơn nhiều. Mọi khoảnh khắc cha dành cho con đều giúp hình thành nên nhân cách của chúng khi trưởng thành, nên người cha cần tiết chế những ham muốn cá nhân, dạy dỗ con bằng sức mạnh chân chính của nhân cách và trở thành một mẫu hình xứng đáng cho thế hệ kế tiếp noi theo.
Leo Timm thực hiện
Minh Vi biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times