Khổng Tử luận về quân tử
Quân tử là hình tượng về một nhân cách lý tưởng mà mọi người theo đuổi. Trong sách “Luận ngữ”, Khổng Tử đã nhiều lần nhắc đến từ “quân tử”. Ông đã giải thích nội hàm đạo đức của từ này ở nhiều khía cạnh và nhiều góc độ khác nhau: “Quân tử nghĩa dĩ vi chất, lễ dĩ hành chi, tôn dĩ xuất chi, tín dĩ thành chi. Quân tử tai!” (tạm dịch: Người quân tử lấy nghĩa làm gốc, dùng lễ để thực hành, lấy sự khiêm nhường để thể hiện, dùng chữ tín để thành tựu. Đó chính là người quân tử vậy!). Những điều này cho đến ngày nay vẫn còn mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
Người quân tử lấy nghĩa làm gốc
Đạo nghĩa là nguyên tắc đạo đức và chính nghĩa mà con người nên tuân theo, cũng là phẩm chất đạo đức cơ bản nhất mà một người quân tử phải có. Khổng Tử nói: “Quân tử hoài đức, tiểu nhân hoài thổ”, “Quân tử dụ vu nghĩa, tiểu nhân dụ vu lợi” (tạm dịch: “Người quân tử trọng đức, kẻ tiểu nhân trọng đất đai”, “Người quân tử chỉ nghĩ đến nghĩa, kẻ tiểu nhân chỉ nghĩ đến lợi”). Lòng dạ và tầm nhìn giữa người quân tử và kẻ tiểu nhân thì không cần tranh biện cũng rõ, đây cũng là chuẩn mực quan trọng để phân biệt quân tử với tiểu nhân.
Người quân tử nghiêm khắc với chính mình và khoan dung với người khác, luôn truy cầu cảnh giới đạo đức cao thượng, hoàn thiện nhân cách và tịnh hóa tâm hồn. Kẻ tiểu nhân chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt, vì thỏa mãn ham muốn cá nhân mà không từ thủ đoạn nào. Người quân tử “tu thân để mang lại bình an cho bách tính,” hành nghĩa khắp thiên hạ, trừ tà phò chính, tế thế an dân. Tất cả mọi hành vi của người quân tử đều vì mục tiêu làm sáng rõ luân thường đạo lý và làm gương cho dân chúng. Họ là người thực hành đạo nghĩa và là mẫu mực về khắc chế bản thân.
Khổng Tử một đời truy cầu chân lý và truyền bá đạo nghĩa với ý chí không hề thay đổi. Có một lần, học trò của ông là Tử Lộ nói: “Truyền đạo trong thời loạn thế như chúng ta thế này, quả thực rất khó!”
Khổng Tử nói: “Đã muốn truyền đạo thì trong lòng phải mãi mãi kiên trì giữ vững đạo nghĩa, trong bất kỳ tình huống nào cũng không thể dao động, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không đánh mất nguyên tắc đạo đức. Cũng giống như những cây tùng cây bách kia, cho dù thời tiết giá lạnh thế nào, sương tuyết băng giá ra sao, đều luôn xanh tươi không héo tàn.”
Tử Lộ nghe xong cảm khái nói: “Thì ra con thật sự không biết bầu trời cao bao nhiêu, đất dày bao nhiêu! Chỉ có đạo nghĩa mới có thể vươn tới trời cao, chỉ có nhân đức mới có thể gánh vác được hết thảy!”
Người quân tử dùng lễ để hành sự
Lễ được xem là “Kinh của trời, nghĩa của đất, hành vi của con người,” là nơi của thiên lý chính khí, là hành vi quy phạm cụ thể, lễ nghi phép tắc và chế độ mà con người cần tuân thủ. Khổng Tử nói: “Quân vương tượng quân vương, thần tử tượng thần tử, phụ thân tượng phụ thân, nhi tử tượng nhi tử, các an kỳ đạo, các chính kỳ vị” (tạm dịch: Vua ra vua, bề tôi ra bề tôi, cha ra cha, con ra con, mỗi người giữ yên đạo của mình thì đều đúng với địa vị của mình). Chỉ khi ai ai cũng giữ lễ thì mới có thể duy trì được trật tự xã hội an định, tạo ra môi trường xã hội trên dưới hài hòa.
Khổng Tử từng ca ngợi phong thái quân tử của hiền tướng Tử Sản nước Trịnh: “Kỳ hành kỷ dã cung, kỳ sự thượng dã kính, kỳ dưỡng dân dã huệ, kỳ sử dân dã nghĩa” (tạm dịch: Làm người hành xử rất khiêm cung, phụng sự bề trên cung kính, dưỡng dân luôn có ân huệ, giáo hóa dân biết đến nghĩa). Khổng Tử còn nhấn mạnh quân tử nên “phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật động” (cái gì không hợp lễ thì không nhìn, việc không hợp lễ thì không nghe, việc không hợp lễ thì không làm), “hòa nhi bất đồng” (hài hòa với mọi người mà vẫn có kiến giải riêng), “thái nhi bất kiêu” (thư thái mà không kiêu căng), “căng nhi bất tranh” (cẩn trọng mà không tranh giành), v.v.
Huyện lệnh huyện Đan Phụ Mật Tử Tiện là học trò của Khổng Tử. Ông “minh cầm nhi trị” (nghe tiếng gảy cầm mà trị dân), khiến Đan Phụ có được an bình. Khi Khổng Tử đi qua huyện Đan Phụ nghe thấy trong thành truyền ra từng đợt âm thanh gảy đàn và diễn xướng thơ ca, ông cười hỏi Mật Tử Tiện: “Trị lý một huyện thành cũng dùng lễ nhạc để giáo hóa dân chúng sao? Con đã làm như thế nào?”
Mật Tử Tiện trả lời: “Thầy đã dạy chúng con về đạo giáo hóa thông qua lễ nhạc, tất nhiên con phải đem nó áp dụng vào thực tế. Con lấy lễ đối đãi với phụ thân để đối đãi với người già, lấy tấm lòng đối với con cái để đối xử với người trẻ, giúp đỡ lúc họ nguy khó, chiêu mời hiền tài và tín nhiệm người có năng lực. Mọi người đều có thể chung sống hòa hợp với nhau.”
Khổng Tử vui vẻ nói: “Tử Tiện đúng là bậc quân tử! Biết thuận theo mệnh trời, dùng lễ nhạc để quản lý dân chúng. Địa phương con cai quản tuy không lớn, nhưng phương pháp quản lý mà con đã dùng lại rất chính đại, có thể trị lý thiên hạ, chứ đừng nói là một huyện thành?”
Khổng Tử là người đặt nền móng cho tư tưởng lễ nhạc của Nho gia. Ông rất xem trọng việc thông qua bồi dưỡng thi ca, âm nhạc và lễ nghi để khiến đạo đức đi vào lòng dân.
Người quân tử thể hiện sự khiêm nhường
Quân tử còn được gọi là “Khiêm khiêm quân tử” (quân tử khiêm tốn). Khổng Tử cho rằng người quân tử nên thông qua tự mình tu dưỡng để hoàn thiện bản thân, không ngừng phản tỉnh bản thân và thực sự nhận thức được chỗ thiếu sót của mình. Đồng thời, trong khi truy cầu nhân đức, người quân tử nên kiên nhẫn không từ bỏ, mới có thể đạt tới cảnh giới của “nhân.”
Học trò của ông là Phàn Trì hỏi thế nào là “nhân,” Khổng Tử trả lời: “Ái nhân” (yêu thương con người). Nhan Hồi hỏi làm thế nào mới có thể làm được “nhân,” Khổng Tử nói: “Nếu như con có thể chiến thắng được ham muốn của bản thân mà quay về với thiên lý, thì người trong thiên hạ đều sẽ khen ngợi con là một người có lòng nhân.” Ở đây Khổng Tử đề xướng rằng người quân tử nên “úy thiên mệnh,” tức là phải kính sợ và tín ngưỡng đối với trời, “khắc kỷ phục lễ” (khắc chế bản thân để quay về với lễ), .v.v.
Chỉ khi thực sự tiết chế được bản thân, người quân tử mới có thể đối mặt với thế sự bằng lòng nhân đức, mới có thể đạt đến yêu thương người khác, yêu thương sinh mệnh, yêu thiên địa vạn vật, và thành tựu được lòng nhân ái rộng khắp “bác thi vu dân nhi năng tế chúng” (yêu thương rộng khắp dân chúng thì mới có thể cứu giúp được nhiều người).
Khổng Tử nói quân tử có thể “hướng nội phản tỉnh mà không hề cảm thấy hổ thẹn day dứt.” Kẻ tiểu nhân khi mắc lỗi lầm thì luôn muốn đổ lỗi cho người khác hoặc che đậy lỗi lầm của mình, không thể đối mặt với khuyết điểm của chính mình. Nhưng người quân tử thì khác, phạm lỗi lầm thì phải sửa chữa mới có thể đề cao bản thân.
Có một lần, nước Tống gặp thủy tai, nước Lỗ phái sứ giả đến thăm hỏi, Quốc quân nước Tống đáp: “Quả nhân bất nhân, bởi vì trai giới không đủ thành tâm, lao dịch làm nhiễu loạn đời sống của bách tính, cho nên Thượng thiên đã giáng xuống tai họa này, lại làm Quốc quân của quý quốc thêm bận lòng, dẫn đến tiên sinh phải nhọc công một chuyến.”
Sau khi Khổng Tử biết chuyện này, ông nói: “Xem ra nước Tống sẽ rất có hy vọng.” Học trò hỏi tại sao, Khổng Tử đáp: “Hồi đó, Kiệt và Trụ có lỗi lầm nhưng không thừa nhận, rất nhanh sau đó đã bị diệt vong. Vua Thành Thang của nhà Thương và Chu Văn Vương biết thừa nhận lỗi lầm của mình nên rất nhanh chóng trở nên hưng thịnh. Có thể sửa chữa lỗi lầm của mình, đó là đạo của người quân tử, không có gì tốt bằng.” Nước Tống sau này quả nhiên trở thành nước giàu dân mạnh.
Người quân tử dùng chữ tín để thành tựu
Khổng Tử đề xướng rằng quân tử cần giữ thành tín, “thành” thì sẽ không ngông cuồng, xằng bậy. Tâm của người quân tử cùng với Đạo của trời, tâm của Thánh nhân và tâm của thiên địa hòa làm một, cần đạt đến chỗ không còn tư tâm dục vọng, thản nhiên không lừa dối, vĩnh viễn không khinh mạn, v.v.
Tín là gốc lập thân của con người. Khổng Tử nhấn mạnh người quân tử “ngôn nhi hữu tín” (nói phải giữ chữ tín), “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã. Đại xa vô nghê, tiểu xa vô ngột, kỳ hà dĩ hành chi tai!” Nghĩa là, một người nếu như mất đi chữ tín, thì không biết họ làm người như thế nào. Cũng giống như xe lớn không có đòn ngang nối càng xe, xe nhỏ không có cái chốt càng xe, thì một bước cũng không thể đi nổi.
Khổng Tử còn nói “Ngôn tất hành, hành tất quả”, “Quân tử sỉ kỳ ngôn nhi quá kỳ hành.” Ý rằng, người quân tử phải nghiêm khắc giữ sự trung tín, lời nói phải đi đôi với việc làm, không hứa hẹn thì thôi, một khi đã hứa thì cần phải hành động khiến người khác phải vừa lòng. Bởi đối với người quân tử mà nói, việc không thực hiện được lời hứa, hoặc lời nói và việc làm không nhất quán là điều đáng xấu hổ nhất.
Khổng Tử rất xem trọng lý niệm về sự thành tín. Ông liệt nó vào một trong “tứ đại khoa mục” (Ngôn, Hành, Trung, Tín) để giáo dục học trò.
Có lần, Tử Cống hỏi nên thực thi chính sự như thế nào, Khổng Tử nói: “Làm cho lương thực đầy đủ, làm cho quân đội hùng mạnh, làm cho bách tính có chữ tín.” Tử Cống lại hỏi: “Nếu như bất đắc dĩ phải bỏ đi một điều, thì trong ba điều đó trước tiên nên bỏ điều gì?” Khổng Tử nói: “Bỏ đi quân đội.” Tử Cống lại hỏi: “Nếu như bất đắc dĩ lại phải bỏ đi một điều nữa, trong hai điều thì bỏ đi điều gì trước?” Khổng Tử đáp: “Bỏ đi lương thực. Con người không giữ chữ tín thì không thể đứng giữa đời.”
Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, người quân tử có tín niệm cao thượng, là tấm gương đạo đức tập hợp nhiều phẩm đức cao quý như “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” và luôn được mọi người tôn sùng từ trăm ngàn năm qua. Quân tử xem việc hoằng dương đạo nghĩa và giúp con người hướng thiện là trách nhiệm của mình. Họ có khí chất khiêm tốn và tâm hồn rộng mở, có thể gánh vác sứ mệnh và trách nhiệm trọng đại duy trì chân lý và chính nghĩa!