Khổng Tử dạy con những gì?
Khổng Tử, tự Trọng Ni, ông sinh trưởng tại ấp Khâu, thôn Xương Bình, nước Lỗ (nay là huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Ông là nhà tư tưởng, nhà giáo dục và là người sáng lập ra Nho giáo nổi tiếng vào cuối thời Xuân Thu ở Trung Quốc.
Khi ở tuổi ngũ tuần, ông đã từng làm quan và nhậm qua chức Tư Khấu, nhưng chẳng bao lâu vì bất đồng chính trị, ông rời nước Lỗ và đi chu du khắp các nước Tề, Ngụy, Tống, Trần, Thái, Sở và các nước khác. Cả một đời của ông, chủ yếu là dạy học bồi dưỡng nhân tài, số đệ tử nhập môn của ông đạt đến 3000 người, có thể nói là đệ tử khắp thiên hạ. Trong số đệ tử “thụ nghiệp tinh thông” của ông, có hơn 70 đệ tử có thể hiểu sâu sắc tư tưởng và học thức của ông. Sách “Luận Ngữ” gồm 20 thiên, chính là các ghi chép về hỏi đáp của thầy trò ông, trong đó lưu lại rất nhiều tư tưởng giáo dục trân quý của Khổng Tử, là di sản phong phú mà Khổng Tử lưu lại cho người đời sau.
Khổng Tử cả đời lấy việc giáo dục làm sự nghiệp, ông vô cùng xem trọng việc giáo dục. Tư tưởng giáo dục của Khổng Tử, bao hàm triết lý thiên nhân hợp nhất, thuận thiên ứng dân (thuận theo ý trời hợp với ý dân), lấp lánh ánh sáng trí tuệ nhìn xa trông rộng. Trong khi tận tụy vất vả bồi dưỡng cho đệ tử, ông cũng không quên dạy dỗ cậu con trai Khổng Lý (tự Bá Ngư) bất kỳ lúc nào.
Một ngày nọ, Khổng Tử đang đứng trong sân, và con trai Bá Ngư bước nhanh qua bên cạnh ông. Khổng Tử kêu Bá Ngư lại, quan tâm con hỏi: “Con học “Thi Kinh” chưa?”. Bá Ngư dừng bước, cung kính trả lời cha: “Con vẫn chưa học qua”. Khổng Tử nghe con nói vẫn chưa từng học, bèn giảng dạy cho con: “Con nhất định phải học tốt “Thi Kinh”, nếu không học “Thi Kinh”, thì ngay cả nói chuyện con cũng không biết nên nói như thế nào”. Dưới sự chỉ dạy của cha, Bá Ngư bắt đầu học “Thi Kinh”.
Vào một dịp khác, Khổng Tử lại tình cờ đứng trong sân, và Bá Ngư như lần trước, bước nhanh qua. Khổng Tử thuận tiện gọi con trai lại, hỏi con: “Con có học bộ sách “Lễ Ký” chưa?”. Bá Ngư khi đó chưa từng đọc qua “Lễ Ký”, nên đã cung kính chiểu theo tình hình thực tế mà trả lời cha: “Con vẫn chưa đọc qua”. Khổng Tử nói lời thấm thía chân thành khuyên bảo con: “‘Lễ Ký’ là dạy cho con người quy tắc hành xử, con nếu không học ‘Lễ Ký’, thì sẽ không biết con người nên làm những gì, cũng sẽ không cách nào đứng vững trong xã hội”. Bá Ngư nghe lời cha, liền nghiêm túc chăm chỉ học tập “Lễ Ký”.
Sau đó, Khổng Tử đặc biệt tranh thủ thời gian rảnh, dạy cho Bá Ngư: “Ta nghe nói: Điều duy nhất có thể khiến chúng ta thảo luận chăm chỉ cả ngày không mệt mỏi, thì chỉ có học vấn. Diện mạo bên ngoài, thân thể không đáng để nhìn; dũng khí và sức mạnh cũng không đáng để sợ hãi. Nếu như một người, không có tổ tiên đáng để tự hào, cũng không có dòng họ tông tộc đáng để nhắc đến, nhưng cuối cùng lại có thể dương danh tứ phương, đồng thời lưu truyền hậu thế, đó chẳng phải là kết quả của việc học hay sao? Vì vậy, người quân tử là không thể không học tập!”.
Những lời Khổng Tử dạy con, vô cùng sâu sắc, cho đến hôm nay, vẫn truyền cảm hứng và gợi mở cho chúng ta rất nhiều. Từ những lời dạy con của Khổng Tử cho đến yêu cầu Bá Ngư đọc sách, chúng ta có thể nhìn ra được: Khổng Tử vô cùng coi trọng văn hóa truyền thống, coi trọng tri thi đạt lễ (kiến thức văn thơ và lễ nghi), coi trọng việc học hành, coi trọng gia giáo, và coi trọng tri thức.
“Sử ký – Khổng Tử thế gia”, “Luận ngữ – Quý thị thiên”, “Khổng Tử gia ngữ”
Xem thêm:
Tác giả: Tân Khí Danh
Phụ trách biên tập: Vương Du Duyệt
Biên dịch: Cửu Ngọc