Đàm luận về ‘Trinh Quán Chính Yếu’ – Sách giáo khoa dành cho bậc đế vương (P1)
Ở Nhật Bản vẫn luôn có những nghiên cứu về Đế vương học (học vấn làm đế vương) và Tể tướng học (học vấn làm tể tướng). Trong đó, cuốn sách lịch sử Trinh Quán Chính Yếu được xem là cuốn sách giáo khoa điển hình nhất dành cho bậc đế vương, cuốn sách ghi chép về những bàn luận chính trị trong triều đình, thảo luận về cách trị quốc của Đường Thái Tông.
Đây không chỉ là cuốn sách gối đầu giường của gia tộc Thiên hoàng và tướng quân Tokygawa Ieyasu của Mạc phủ, mà còn là cuốn sách yêu thích của các học giả, doanh nhân Nhật Bản ngày nay. Trong thời đại “chiến tranh thương mại xuyên quốc gia” ngày nay, thời đại mà người người đều có thể trở thành “đế vương trong doanh nghiệp”, việc nghiên cứu các sách lịch sử Trung Quốc và các sách Hán học kinh điển, nhất là các sách lịch sử ghi chép những bàn luận chính trị và điển cố về đế vương và tể tướng chắc chắn vô cùng quan trọng. Đế vương học hay Tể tướng học, bản chất là phương pháp học làm lãnh đạo, cũng chính là phương pháp học quản lý cấp cao.
Từ nhà Nho học Masahiro Yasuoka, người được coi là người thầy của thủ tướng Nhật Bản cận đại, hay những nhà nghiên cứu Hán học đương đại, cho đến Shibusawa Eiichi – cha đẻ của doanh nghiệp cận đại và Kazuo Inamori – lãnh tụ giới kinh doanh đương đại, nhà kinh doanh nổi tiếng thế giới (nhà sáng lập hai tập đoàn lớn tầm cỡ thế giới là công ty Kyocera và công ty viễn thông KDDI), những người này đều đã lĩnh hội được trí tuệ tinh túy từ Đế vương học và áp dụng vào thực tiễn.
Kazuo Inamori trong tác phẩm có tên Cách sống đã thể hiện rõ triết lý kinh doanh của ông như sau: Lúc mới lập nghiệp, ông không được học quản trị kinh doanh, cũng không hiểu biết gì về kinh doanh. Khi gặp vấn đề khó khăn trong kinh doanh, ông nhớ lại những điều đầu tiên mà cha mẹ dạy bảo ông lúc còn thơ ấu: không nói dối, không tham lợi, thành thực, chính trực, suy nghĩ xem làm người thì việc nào nên làm, việc nào không nên làm. Cuối cùng ông phát hiện rằng khi áp dụng những nguyên lý này thì dù là việc quản trị kinh doanh hay việc chính sự quốc gia, thậm chí việc nhỏ trong gia đình, việc mâu thuẫn với hàng xóm, mọi việc đều trở nên rất đơn giản. Trong kinh doanh, dù phải đối mặt với vấn đề phức tạp như thế nào, biểu hiện bề ngoài rối loạn thế nào, mâu thuẫn đỉnh điểm thế nào, khiến người ta không biết làm gì, chỉ cần vứt bỏ chấp trước vào danh lợi, quay trở về nguyên tắc bất biến làm người tốt, thì sẽ tìm ra mấu chốt của vấn đề, sẽ rất nhanh chóng đưa ra quyết định, tìm ra phương án giải quyết.
Ông còn nói, những năm gần đây trong giới chính trị và thương nhân Nhật Bản đương đại xuất hiện hiện tượng trượt dốc không đáng có, làm đảo lộn mọi thứ. Họ chỉ coi trọng tài trí mà coi nhẹ đạo đức, tuyển chọn nhân sự dựa trên sự thông minh, tài trí, xem trọng sự thành công nhanh chóng và lợi ích trước mắt. Nhưng ông vẫn luôn tuyển chọn nhân sự dựa trên những nguyên tắc: thứ nhất là đạo đức, thứ hai là dũng cảm, thứ ba là tài trí, câu truyện “thần thoại” về sự nghiệp kinh doanh thành công bất bại của ông đã chứng tỏ những điều ông lĩnh hội là thuận theo thiên đạo, đây chính là bằng chứng cho tính đúng đắn của phương thức quản trị kinh doanh lấy đức làm gốc.
Ông đã chỉ ra trí huệ cốt lõi của Đế vương học, chính là bốn chữ “lấy đức làm gốc” của Khổng Tử. Đây là bí quyết trị quốc và kinh doanh, là nguyên lý then chốt trong việc ra quyết định và xử lý những vấn đề phức tạp.
Người có đức sẽ có tất cả, người không có đức thì không được gì. Từ 4000 – 5000 năm trước Thần sáng tạo ra chữ Hán, nội hàm của nó ngay từ đầu đã thể hiện rõ thiên cơ làm người. Mấy ai hiểu rõ được sự thâm sâu của văn hóa Thần truyền. Dân tộc Nhật Bản nhờ kế thừa được chữ Hán truyền thống mà lĩnh ngộ được bản chất, động chạm đến được thiên cơ ở tầng nông cạn, nhờ đó mà đạt được sự phát triển nhanh chóng và thịnh vượng.
Ở Trung Quốc đại lục, Đế vương học và Tể tướng học bị bóp méo thành phái âm mưu tàn khốc và vô tình. Dường như ai ai cũng đều là ngụy quân tử, để duy trì quyền lực mà không từ thủ đoạn tàn sát lẫn nhau, không phân biệt đúng sai, chỉ lo duy trì thể diện của vương thất. Từ điện ảnh, truyền hình đến các tác phẩm văn học, tất cả đều dùng những lý do “sâu sắc, hợp tình hợp lý, sinh động, hình tượng” để bôi nhọ tổ tiên và văn hóa vốn là niềm tự hào của Trung Quốc. May thay, tướng quân Tokygawa Ieyasu của Nhật Bản là người đam mê tìm hiểu chữ Hán, những sách vở kinh điển của Nho gia và những nghiên cứu lịch sử, ông vẫn luôn tuân theo và gìn giữ chữ Hán chính thống đời này qua đời khác. Khi được những người nổi tiếng trong các lĩnh vực áp dụng vào thực tiễn, những chân lý Nho học và hình tượng đế vương bị đảng cộng sản Trung Quốc bóp méo hiện nay đã dần dần khẳng định được tính đúng đắn, lưu lại những bằng chứng và tấm gương quý báu để cho các thế hệ sau học tập noi theo.
Hôm nay chúng tôi sẽ dùng những luận thuật trong cuốn Đế vương học giảng nghĩa của nhà Hán học đương đại Nhật Bản Moriya Hiroshi để giải thích cuốn sách Đế vương học kinh điển Trinh Quán Chính Yếu, với mong muốn khôi phục lại trí tuệ của nhà lãnh đạo trong Hán học.
Ngoài Đế vương học giảng nghĩa, chúng tôi cũng đề cập đến Đông Dương Tể tướng học của Masahiro Yasuoka và những tác phẩm liên quan mà tôi đã trình bày và phân tích trước đây như Luận ngữ giảng nghĩa của Shibusawa Eiichi, chúng ta hãy xem những nhà Hán học, tinh anh của Nhật Bản cận và hiện đại làm thế nào để “ngẫm chuyện xưa mà biết chuyện nay”, làm thế nào tiếp thu những phương pháp trong Đế vương học để trở thành bậc thầy trong các lĩnh vực. Mong rằng con cháu Viêm Hoàng chúng ta trải qua những thời kỳ gió tanh mưa máu đã bị tà linh cộng sản cắt đứt với văn hóa chính thống, chìm trong thù hận và đấu tranh suốt hơn 60 năm qua, sẽ sớm có ngày thoát khỏi sự tẩy não và lừa gạt của văn hóa đảng, khôi phục lại khí phách xưa kia.
Thế nào là Đế vương học
Đế vương học nghĩa hẹp là học vấn đối với người làm vua, làm thế nào tuân theo đạo lý làm người để xử lý việc chính sự, cai trị quốc gia. Tại sao lại nói như vậy?
Còn nhớ trước đây tôi đã mượn giảng nghĩa của Shibusawa Eiichi để giảng giải chương “Học nhi” – Luận ngữ của Khổng Tử, giảng về những lời chỉ dạy của Khổng Tử được tập trung thể hiện trong chương “Học nhi”, chương đó là luận điểm trọng tâm, đầu tiên giảng rõ mục đích của giáo dục để cho người đọc sách hiểu rõ mục đích của việc “học tập”, chính là học để hiểu rõ ràng, chính xác đạo lý làm người, sau đó liên tục thực hành, tập luyện trong cuộc sống, đó mới là đạo lý chân chính của việc học và tập. Tiếp đó, vẫn cần chú ý vận dụng đạo trung dung để tránh gặp vấn đề tốt quá hóa dở, mới có thể sống thanh bần vui với đạo, không bị ràng buộc bởi vật chất, dục vọng, công danh, như vậy bạn có thể sống một cuộc sống nhân sinh vui vẻ, thoải mái, đầy tự tin.
Nếu hiểu được đạo lý này thì bạn chính là một người quân tử trí tuệ chân chính, có ý chí hướng tu dưỡng và đạo đức của người quân tử bất động bất biến, vậy thì bạn mới có thể tạo phúc cho nhân dân. Đối với tất cả mọi người, từ quân vương đến thường dân thì việc giáo dục nhân cách căn bản là việc giáo dục bản tính hướng thiện của con người, không phân biệt cao thấp, sang hèn. Nhưng những người khác nhau có công tác xã hội và trách nhiệm khác nhau, vì thế, Nho học lại đưa ra những phân tích lý luận riêng từ các khía cạnh khác nhau. Thương nhân thực hành Nho học thì chính là đạo lý trong kinh doanh, thầy thuốc hành nghề y cũng sẽ hình thành đạo lý trong nghề y, và đế vương thực hành Nho học sẽ hình thành đạo trị quốc.
Mà nguyện vọng lớn nhất của Khổng Tử chính là quân vương có thể đưa mình vào khuôn phép, trên làm dưới theo, thì có thể nhanh chóng quy chính dân chúng, đây là mấu chốt và là con đường ngắn nhất để có được thiên hạ thái bình. Vì thế đầu tiên phải giáo dục thật tốt người đứng đầu, cũng chính là đế vương sau này, bề trên mà chính thì ắt toàn dân sẽ chính, bề trên mà không chính thì bên dưới sẽ nghiêng ngả. Vậy nên ông đã đi chu du các nước để khuyên nhủ các bậc quân vương lấy đức trị quốc. Đây là nguyện vọng lớn nhất của ông. Khi biết rằng nguyện vọng của mình trong thời gian ngắn không thể thực hiện được, Khổng Tử liền bắt đầu làm giáo dục, ông muốn bồi dưỡng tất cả mọi người hiểu được đạo trị quốc, mục đích là dùng đức để giáo hóa thiên hạ.
Vì thế sau chương “Học nhi” lập tức đến chương “Trị quốc”. Nói về đạo lý trị quốc thì cần phải lấy đức làm gốc, sau khi đã hiểu được căn bản của đạo lý làm người mới bắt đầu đứng từ góc độ của đế vương, người tham gia trị quốc, người triển khai cụ thể để thực hành lý luận lấy đức trị quốc. Cũng có nghĩa là bậc đế vương cần thực hành chính lý làm người trong thực tiễn trị quốc như thế nào, những học vấn này chính là Đế vương học. Đương nhiên những học vấn về tể tướng làm thế nào để giúp quân vương trị quốc chính là Tể tướng học. Ở đây tôi chỉ tập trung vào đề tài chính là Đế vương học. Trên thực tế, chỉ cần là quan chức tham gia chính trị hoặc người lãnh đạo doanh nghiệp, chỉ cần bạn đứng ở vị trí người quản lý dân chúng, thì đạo lý cơ bản là giống nhau, đều sẽ phải đối mặt với vấn đề chọn người và dùng người, làm thế nào dẫn dắt mọi người đồng lòng, tự nguyện hoàn thành một công việc nào đó. Đây là nghĩa rộng của Đế vương học.
Việc Đường Thái Tông thực hành đạo trị quốc chính là bằng chứng thực tiễn cho nguyên lý lấy đức trị quốc, đưa thời đại Trinh Quán trở thành đỉnh cao của văn minh nhân loại, tiếng lành của Thái Tông vì thế mà lưu danh thiên cổ. Ông cuối cùng đã hoàn thành lý tưởng của Khổng Tử, từ thực tiễn đã cho ra một bộ Đế vương học hoàn chỉnh, được ghi chép lại thành cuốn Trinh Quán Chính Yếu. Đường Thái Tông đã trở thành tấm gương cho các minh quân mọi thời đại và cũng trở thành chuẩn mực của người lãnh đạo trong thời hiện đại.
(còn tiếp)
Xem thêm:
Tác giả: Lưu Như
Theo Chanhkien.org
Vui lòng xem bản gốc tại đây