Đàm luận về “Trinh Quán Chính Yếu” – Sách giáo khoa dành cho đế vương (P2)
Trong quản trị học, giới lãnh đạo Nhật Bản xưa nay chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng cốt lõi “ôn cổ tri tân” (học chuyện xưa mà biết chuyện nay) của Khổng Tử. Qua nghiên cứu các sách kinh điển của Trung Quốc, họ đã chứng tỏ sự thông minh, xuất chúng khi biết đem những lời giáo huấn và những kinh nghiệm của người xưa vận dụng vào thực tiễn hiện nay, nhằm giải quyết các vấn đề nan giải phát sinh.
Đây chính là lý do vì sao từ xưa đến nay ở Nhật Bản, từ Thiên hoàng, tướng quân Mạc phủ cho đến thủ tướng và các nhà kinh doanh hiện nay đều coi Luận Ngữ và Trinh Quán Chính Yếu là những cuốn sách kinh điển quan trọng nhất.
Trinh Quán Chính Yếu là sự vận dụng một cách hoàn hảo lý luận của Luận Ngữ vào thực tiễn
Luận Ngữ của Khổng Tử là một bộ lý luận tổng quát về nhân sinh, là tư tưởng cốt lõi về cách làm người được giảng giải từ các góc độ của người làm quân vương cho đến dân thường. Nhưng trong mắt người Nhật Bản, Trinh Quán Chính Yếu lại là cuốn sách mô tả cụ thể việc đế vương vận dụng những lý luận trong Luận Ngữ vào thực tiễn ra sao, hơn nữa đây là cuốn sách kinh điển vận dụng một cách hoàn hảo nhất lý luận của Luận Ngữ vào thực tiễn. Hai cuốn sách này giúp con người lý giải được rất nhiều vấn đề khúc mắc về nhân sinh, hơn nữa dù làm bất cứ nghề gì trong xã hội cũng có thể vận dụng được dễ dàng. Tại sao như vậy? Mấy nghìn năm nay, các sách kinh điển của Trung Quốc có rất nhiều, tại sao Nhật Bản lại xem trọng hai cuốn sách kinh điển này đến vậy? Đó là vì đây là hai cuốn sách chắt lọc được những điều tinh túy nhất.
Luận Ngữ là cuốn sách kinh điển nhất của Nho gia, là tôn chỉ cho mọi học thuyết của Nho gia, là giáo huấn chân chính làm người. Hậu thế cho dù có bao nhiêu chiêu thuật, xuất hiện bao nhiêu môn phái Nho gia, dù có nhiều người nổi tiếng thế nào đi nữa, chẳng qua chỉ là người đời sau ở các thời đại khác nhau sau khi nghiên cứu Luận Ngữ, áp dụng vào thực tiễn, qua trải nghiệm tự thân mà lĩnh hội được mà thôi.
Giống như Đường Thái Tông, tướng quân Mạc phủ Tokugawa Ieyasu người đã khai sáng thời đại phồn vinh nhất lịch sử Nhật Bản – thời đại Edo kéo dài 300 năm, cũng đã lĩnh hội sâu sắc tư tưởng Nho gia này. Tokugawa Ieyasu hiểu rõ rằng Nhật Bản muốn giàu mạnh, phồn vinh thì phải học tập, phải tiến hành giáo dục Nho gia cho “võ sĩ” – tầng lớp quản lý đất nước thời đó, họ coi cuốn “Luận Ngữ” của Khổng Tử là cuốn sách kinh điển quan trọng nhất. Cho đến nay, trong sách giáo khoa quốc ngữ của học sinh trung học ở Nhật Bản vẫn nhắc đến cuốn sách đầu tiên mà những võ sĩ thời xưa được học là cuốn Luận Ngữ, các sách khác chỉ dùng cho những người khác nhau ở các giai tầng khác nhau tham khảo, nếu không nắm vững tôn chỉ này thì sẽ không thể căn cứ vào tình hình thực tiễn của quốc gia, đặc điểm của dân tộc mà rút ra được những lĩnh ngộ của bản thân. Dù quốc gia nào, dân tộc nào, thời đại nào cũng đều có những giai đoạn khác nhau, hiểu biết của cả dân tộc hay cá nhân con người của dân tộc đó chắc chắn sẽ không giống nhau, nhưng nguyên tắc tôn chỉ sẽ không thay đổi. Chỉ có nắm vững cương lĩnh này mới không đi sai đường, mới không rơi vào giáo điều, mới có thể vận dụng linh hoạt cuốn sách kinh điển này vào những hoàn cảnh xã hội khác nhau.
Tokugawa Ieyasu cũng có điểm tương đồng với Đường Thái Tông, Đường Thái Tông tham gia vào sự nghiệp thống nhất Trung Quốc, xây dựng nên triều đại nhà Đường, triều đại phồn vinh nhất, đạt đến đỉnh cao văn minh của Trung Quốc cổ đại. Còn Tokugawa thống nhất Nhật Bản, khai sáng ra thời đại Mạc phủ Edo, cũng là đỉnh cao văn hóa cổ đại Nhật Bản. Triều Đường và Mạc phủ Edo đều đã trải qua khoảng 300 năm lịch sử. “Nguyên thủ” của hai quốc gia lớn này cũng đồng thời trải qua hai thời kỳ dựng nước và giữ nước, Tokugawa đặc biệt thích nghiên cứu Luận Ngữ và Trinh Quán Chính Yếu, những thành tựu đạt được về phương diện làm người và trị quốc của ông đều giống với Đường Thái Tông. Điều này không khỏi khiến người ta liên tưởng đến liệu đây có phải là kiếp luân hồi mà Phật gia nói, là an bài thiên định của lịch sử mà Đạo gia nói hay không? Nhờ vậy mà văn hóa Thần truyền của Trung Quốc vẫn luôn được bảo tồn ở Nhật Bản.
Khi thời đại chiến quốc của Nhật Bản kết thúc, Tokugawa cần chuyển từ dựng nước sang giữ nước, vấn đề đặt ra trước mắt là làm thế nào giữ vững cơ nghiệp. Chỉ có thể giành thiên hạ trên lưng ngựa, nhưng không thể cai trị thiên hạ trên lưng ngựa, nếu xử lý không tốt thì cơ nghiệp thống nhất đất nước khó khăn mới giành được này sẽ bỗng chốc tan tành. Trước Tokugawa có hai tướng quân thống nhất thiên hạ là Oda Nobunaga và Toyotomi Hideyoshi. Oda Nobunaga là người tôn sùng vũ lực, yêu thích kỹ thuật của phương Tây, bản tính tự cao tự đại, có tài nhưng vô đức, đối xử tàn nhẫn với người khác, người ta vì khiếp sợ vũ lực mạnh mẽ của ông mà nhất thời đành phải khuất phục, ông cũng không có kết cục tốt đẹp. Còn Toyotomi Hideyoshi xuất thân từ võ sỹ tầng lớp thấp, mười mấy tuổi đã đi phiêu bạt khắp nơi, nếm đủ mọi thống khổ cuộc đời, ông khá am hiểu lòng người, nhưng vì không được giáo dục Nho học chính thống mà chỉ những võ sỹ tầng lớp cao mới được học, không được học Luận Ngữ, nên ông không hiểu được căn bản của học vấn chính là nhân đức. Vì thế, biện pháp của ông chỉ là thu phục lòng người, khiêm tốn đối đãi với người khác, khi thành công thì bắt đầu xa hoa, hưởng lạc, ăn mừng chiến thắng, cuối cùng cũng hủy đi giang sơn.
Cho nên làm thế nào để bảo vệ cơ nghiệp, cai trị tốt đất nước là vấn đề lớn nhất, mà thực tiễn cụ thể của Đường Thái Tông, đạo quân thần, chắc chắn chính là bài học phù hợp nhất, là tham chiếu cụ thể nhất cho Tokugawa. Kinh nghiệm của Tokugawa và Đường Thái Tông không những tương tự nhau, mà sự phồn vinh thịnh vượng trước nay chưa từng có của thời đại Thái Tông cũng là tấm gương tốt nhất để Tokugawa học theo, như vậy Tokugawa chỉ cần học tập phương pháp cai trị mà Thái Tông lưu lại thì chính là con đường ngắn nhất và tốt nhất để trị quốc, để đất nước giàu mạnh. Vì thế hai cuốn sách này đã trở thành những cuốn sách kinh điển trong những cuốn kinh điển về trị quốc và kinh doanh ở Nhật Bản.
Kinh tế Nhật Bản bước vào thời kỳ giữ gìn thành quả
Trong cuốn Đế vương học giảng nghĩa, nhà nghiên cứu Hán học đương đại Moriya Hiroshi nói rằng Trinh Quán Chính Yếu là cuốn sách tâm đắc của những nhà lãnh đạo cao nhất trong thời kỳ giữ gìn thành quả. Đó chính là lý do vì sao nó trở thành cuốn sách giáo khoa dành cho bậc đế vương, được người Nhật Bản lưu truyền qua các thế hệ cho đến ngày nay. Ông nhắc đến những năm đầu thời đại Mạc phủ Kamakura, tướng quân Minamoto no Yoritomo khi đó đã đánh giá rất cao Trinh Quán Chính Yếu, ông đã cho người phiên dịch sang tiếng Nhật rồi say mê học tập. Đến tướng quân Tokugawa Ieyasu của Mạc phủ Edo, ông không chỉ mời nhà Nho học nổi tiếng Fujiwasa Seika đến giảng giải Chính Yếu cho mình mà còn lệnh cho trường học Ashikaga tiến hành xuất bản cuốn Chính Yếu để phổ cập ngoài xã hội. Vì thế, đa số lãnh chúa (tương đương tỉnh trưởng hiện tại) các nơi trong thời đại Edo đều thuộc làu cuốn Chính Yếu, cuốn sách này trở thành yếu lĩnh trị quốc phổ biến nhất thời đó.
Tiếp đó, các đời Thiên hoàng vẫn coi Trinh Quán Chính Yếu là cuốn sách giáo khoa dành cho bậc đế vương. Những Thiên hoàng được ghi chép đầy đủ trong lịch sử chỉ vẻn vẹn có mười mấy người. Vào thời đại Showa, cuốn sách một lần nữa lại được quan tâm. 30 năm trở lại đây, kinh tế Nhật Bản từ giai đoạn gây dựng sự nghiệp sau chiến tranh thế giới thứ II bước vào giai đoạn bảo vệ thành quả, một lô lớn những người khai sáng trong lĩnh vực kinh tế đã lùi về tuyến sau, làm thế nào để tuyển chọn những người kế tục, nên giao trọng trách này cho những người như thế nào, vì sao không thể đi theo lợi ích trước mắt, chỉ chú trọng tài trí, đây là những câu hỏi lớn đặt ra cho nước Nhật. Trước thực trạng đó, người ta lại một lần nữa quan tâm đến các cuốn sách kinh điển quan trọng này, cho nên ở Nhật Bản hiện nay, phong trào Đế vương học lại lên cao, đến nay, rất nhiều nhà kinh doanh vẫn tiếp tục nghiên cứu nó.
Qua những phân tích trên, chúng tôi nhận thấy một điểm, đất nước Nhật Bản khi có vấn đề xuất hiện đều quay trở lại nghiên cứu các sách vở kinh điển của Trung Quốc, quay trở lại quỹ đạo đúng đắn. Họ có thể nhất thời vì theo đuổi sự thành công mà phạm sai lầm, dẫn đến xuất hiện các hiện tượng đạo đức bại hoại trong lĩnh vực chính trị và kinh tế, nhưng chỉ cần nghe theo lời giáo huấn và kinh nghiệm của tổ tiên, chỉ cần văn hóa truyền thống không bị gián đoạn, bẻ cong và bị bôi nhọ, họ sẽ rất nhanh chóng nhận thức được vấn đề. Từ đó có thể phục hưng lại học vấn truyền thống, và đi theo con đường của tổ tiên, hiểu được làm sao để học chuyện xưa mà biết chuyện nay, quay trở về chính đạo, đưa đất nước phát triển lên.
Bắt đầu từ chương sau, chúng tôi sẽ tập trung phân tích cuốn sách kinh điển này, xem xem có thích hợp vận dụng vào thời kỳ bảo vệ thành quả hay không, có phải là sự vận dụng một cách hoàn hảo lý luận của Luận Ngữ vào thực tiễn hay không. Chúng ta nên lấy chuyện xưa vận dụng vào chuyện nay như thế nào để đưa dân tộc chúng ta phát triển hưng thịnh trở lại.
(còn tiếp)
Xem thêm:
Tác giả: Lưu Như
Theo Chanhkien.org
Vui lòng xem bản gốc tại đây