Đàm luận về ‘Trinh Quán Chính Yếu’ – Sách giáo khoa dành cho đế vương (P11)
Nhắc đến đức, con người ngày nay cho rằng người xưa chỉ muốn tán dương những đạo lý tốt đẹp, người ta hoàn toàn không ý thức được rằng, muốn trở thành bậc trí tuệ hơn người thì từng phút từng giây đều phải nhớ kỹ chữ đức này, mới có thể ở vị trí cao, có con mắt tinh tường, nếu không tất sẽ luẩn quẩn trong giáo điều và bảo thủ, cũng tức là rơi vào đường cùng.
Xem lại:P1,P2,P3,P4,P5,P6,P7,P8,P9, P10
Nói về các khía cạnh luân lý, lễ giáo, trí tuệ, pháp luật, giáo dục và nghệ thuật mà không nhắc đến chữ đức thì đều đi đến cực đoan. Do vậy câu mở đầu của Trinh Quán Chính yếu đã đi thẳng vào chủ đề, dùng câu nói của Đường Thái Tông “Đạo của người làm vua, tất phải nghĩ đến bách tính trước tiên” để bắt đầu thảo luận với quần thần, định ra nguyên nhân tại sao toàn bộ cuốn sách này lại lấy đức làm tôn chỉ.
Điều này mục đích là giáo huấn những người quản lý đất nước đời sau khi làm việc chính sự trị quốc (gồm cả việc tề gia) chớ quên rằng đức là cốt lõi quan trọng. Dù tương lai gặp việc chính sự cụ thể nào, thì tôn chỉ này cũng sẽ trở thành cương lĩnh danh chính ngôn thuận nhất, sự việc dù phức tạp đến đâu nó đều có thể giúp con người tìm ra manh mối giải quyết, không đi theo giáo điều cực đoan, tránh cho bản thân bị cuốn theo sự phức tạp và hỗn loạn của sự việc hay các trường phái, học thuyết mà không thoát ra được, không biết phải giải quyết thế nào, cuối cùng mất đi phương hướng.
Lời giáo huấn trong Tư Trị Thông Giám
Thực ra, nhắc tới sách giáo khoa của đế vương còn có cuốn Tư trị thông giám của Tư Mã Quang đời Tống mà khá nhiều người biết rõ, tên cuốn sách có ý nghĩa gì, nghĩa là có thể trợ giúp việc quản lý đất nước, làm tư liệu tham khảo thông dụng cho người quản lý đất nước. Nội dung tư liệu trong Tư trị thông giám vô cùng phong phú, nó hoàn toàn khác với các cuốn sách sử học khác, nội dung của nó gồm các sự việc điển hình mang tính chính diện và phản diện liên quan đến hưng vong, dẹp loạn của các triều đại trước đời nhà Tống. Sự kiện lớn hay nhỏ đều được phân tích kinh nghiệm và rút ra bài học trị quốc, cho nên có thể nói đây là một kho tàng lớn tổng hợp các bài học trị quốc rất có giá trị tham khảo.
Nhưng con người hiện đại lại dễ hiểu lầm, không nắm được yếu lĩnh của cuốn sách này. Bởi vì trong chương mở đầu bàn luận về lễ quân thần và luận về luân thường kỷ cương triều đình, Tư Mã Quang cho rằng cần giáo dục nhân đức cơ bản cho nho sinh, giáo dục là để người học hiểu đạo lý làm người, để trở thành người đức hạnh, lương thiện, sau đó lập chí báo quốc, đây cũng chính là tôn chỉ giáo dục làm người cơ bản.
Khi hiểu được tôn chỉ làm người phải trọng đức, chúng ta mới có thể lý giải được tại sao Tư Mã Quang lại coi trọng kỷ cương triều đình như vậy. Trong chương mở đầu luận lễ nghĩa kỷ cương triều đình, những người đời sau hoàn toàn bị tách ly khỏi giáo dục tứ thư ngũ kinh của nho giáo thì khó mà lý giải được điều này, rất có thể đó là nguyên nhân bị Trung Cộng phê phán là duy hộ lễ giáo phong kiến.
Kỳ thực bản thân lễ giáo vốn không có ý nghĩa châm biếm, lễ giáo phong kiến ngày nay mang nghĩa xấu cũng do Trung Cộng đã cắt đứt mối liên hệ của người Trung Quốc với tổ tiên, khiến người Trung Quốc tự hạ thấp, tự cười nhạo văn hóa của bản thân mình mà tự rời xa tất cả các kinh sách cổ đại, không nhìn ra được cái cốt lõi của sự thật mà cố ý bẻ cong một cách ác ý. Chúng dùng các tiểu thuyết văn học, tác phẩm điện ảnh để khắc họa hình ảnh những quan lại và nho sinh thời cổ đại thành những kẻ hủ bại, những người cố chấp nực cười, những kẻ ngu muội chỉ biết một mực bảo vệ lễ pháp và giáo điều làm người.
Thủ đoạn thâm độc này đã khiến cho người Trung Quốc tự rời xa tổ tiên mình, không nhận ra được trí tuệ vĩ đại của tổ tiên, không nhìn thấy sự tốt đẹp của ‘Lễ nghi chi bang’. Còn ngày nay, rất nhiều người Trung Quốc chỉ khi đến Nhật Bản mới cảm thấy kinh ngạc và ngưỡng mộ vì sao người Nhật Bản lại nho nhã, lễ nghĩa như vậy. Vốn dĩ những điều này đều từ Trung Quốc truyền tới Nhật Bản.
Thực ra, dùng lễ để giáo hóa dân chúng chính là dùng lễ giáo, khiến con người dùng lễ nghĩa để đối nhân xử thế, bản thân điều này căn bản không sai, sai ở chỗ sau khi Trung Cộng phê phán, đả kích toàn bộ Nho – Thích – Đạo, nền giáo dục cách làm người truyền thống càng bị mai một đi, cũng không còn ai biết đến tôn chỉ lấy đức làm gốc của giáo dục truyền thống nữa. Cứ nói đến lễ giáo thì con người hiện đại sẽ không thể lý giải được, cũng có thể tùy tiện giải thích sai lệch và bẻ cong.
Phá bỏ lời dối trá về Tam Tự Kinh
Muốn phá bỏ lời dối trá này thực ra rất đơn giản, chỉ cần tìm hiểu qua về triều Tống ngay từ đầu đã cho học sinh học cuốn sách giáo khoa Tam tự kinh, hơn nữa chỉ cần học sáu câu đầu (Nhân chi sơ, Tính bản thiện; Tính tương cận, Tập tương viễn; Cẩu bất giáo, Tính nãi thiên) là hiểu ngay rằng nền giáo dục chính thống của nho sinh đầu tiên phải hiểu vì sao cần được giáo dục.
Sáu câu này đã nói rõ mục đích của giáo dục là giữ gìn bản tính thiện lương của con người, giúp cho bản tính thiện lương này không chịu ảnh hưởng, tác động của xã hội mà bị che lấp. Không được giáo dục thì con người sẽ rời xa bản tính, rời xa sự thiện lương trời ban cho. Có thể thấy đây là tôn chỉ căn bản của nền giáo dục thời xưa. Mà lễ giáo chính là phương thức bề ngoài và thông dụng để duy trì đạo đức, con người cần được trang bị những lễ giáo và luân lý làm người cơ bản này mới có thể thành công trong xã hội, mới có thể biết cách đối nhân xử thế cơ bản. Các dân tộc, quốc gia khác nhau tất nhiên có lễ nghĩa và phép tắc khác nhau, nhưng đều có mục đích cơ bản chung là giúp con người đối xử thiện với nhau.
Vì vậy, nếu không đứng trên tôn chỉ đạo đức để nói về lễ nghĩa và phép tắc, cho dù bản thân người viết hiểu rõ tôn chỉ căn bản của lễ nghĩa và phép tắc là nhân đức, thì người đời sau do bị tà đảng lợi dụng mà sẽ giải thích sai lệch và công kích người viết. Vì vậy trước tiên cần phải làm rõ điểm này, nếu không cũng sẽ bị Trung Cộng lừa dối mà thù hận truyền thống.
Có thể thấy, dù viết sách hay làm người, dù làm nghề nghiệp nào đều phải luôn nhớ chữ đức này. Đây cũng chính là lý do ngay từ đầu tôi lựa chọn Trinh Quán Chính yếu để bàn về đế vương học. Không chỉ có Đường Thái Tông hiểu rõ đức là tôn chỉ của đạo lý này, mà những người chỉnh lý sách sử, những người viết sử cũng hiểu rất rõ đạo lý này, cho nên thời kỳ thịnh thế thiên cổ đời Trinh Quán nhà Đường không phải ngẫu nhiên, đó là nhờ quân thần đều hiểu rõ đạo lý lớn này. Sự nghiệp trị quốc của Thái Tông nhờ nắm vững yếu lĩnh về chữ đức này, nắm vững yếu lĩnh trị quốc của bậc thánh vương nên mới không ngừng thăng hoa, thịnh trị, chỉ nhìn qua vấn đề cũng có thể nhanh chóng thấy được điểm mấu chốt và đưa ra kết luận.
Tư Mã Quang phân chia con người thành bốn đẳng cấp
Vậy thì Tư Mã Quang có biết được tầm quan trọng của chữ đức không? Đương nhiên ông biết, ông phân chia con người thành bốn loại người, cũng tức là bốn đẳng cấp, sự phân chia này hoàn toàn dựa trên chữ đức: Cấp cao nhất là bậc thánh nhân, là người có đức có tài, nghĩa là đức cao thì tài trí cũng cao; cấp tiếp theo là bậc hiền nhân, đức cao nhưng tài trí có phần kém hơn; loại thứ ba là kẻ ngu dốt, không có đức cũng không có tài, tuy rằng không có đức nhưng vì không có tài trí nên không thể làm nên việc ác nào lớn, không gây tác hại lớn đối với xã hội; loại cuối cùng là tiểu nhân, đặc điểm của tiểu nhân là có tài nhưng không có đức.
Tư Mã Quang coi loại người có tài nhưng không có đức là loại người tiểu nhân thấp nhất, vì những người này gây nguy hại nhiều hơn loại người ngu dốt. Lấy ví dụ một bác sỹ có tay nghề phẫu thuật cao, anh ta dùng “tay nghề phẫu thuật cao” này vào việc “giết người, hại người”. Nếu nhìn vào giáo dục ngày nay chỉ trọng kỹ thuật mà không trọng đức, những sinh viên đại học có tay nghề cao này của chúng ta nên xếp vào loại người nào đây?
Nhà nghiên cứu Hán học người Nhật Bản Nobuyuki Kaji từng nói rằng, nền giáo dục hiện đại đã tạo ra một lô những tiểu nhân. Nhìn chủ nghĩa sùng bái đồng tiền ngày nay, nhìn những con người tâm địa lạnh lùng, những hiện tượng đạo đức biến dị ngày nay, thì luận điểm này Nobuyuki Kaji không phải là lời nói suông để hù dọa người ta. Năm xưa Tư Mã Quang viết cuốn sử thư này trên cơ sở người đã tiếp nhận nền giáo dục căn bản của nho giáo, lúc đó người ta không cần phải nói về đức vẫn có thể hiểu được, vì thế mới dùng lối viết mở đầu đã giảng về luân thường đạo lý.
Pháp luật không coi trọng đức tất sẽ thành pháp luật xấu
Nghĩ lại, rất nhiều lĩnh vực đều vì không đề cao chữ đức mới dẫn đến sai lệch, ví dụ pháp luật nếu rời xa đức thì sẽ không phân biệt thiện ác đúng sai, cũng có thể bị người có quyền lực tùy tiện giải thích và quy định ra pháp luật xấu. (Sở dĩ lễ giáo bị công kích cũng là do Trung Cộng không nói cho mọi người biết tôn chỉ lễ giáo của tổ tiên người Trung Quốc là lấy đức làm gốc, từ đó nó có thể tùy ý giải thích sai lệch và bóp méo) pháp luật vốn dĩ là biện pháp cưỡng chế để duy trì đạo đức cơ bản của nhân loại, từ đó duy trì trật tự xã hội.
Vậy pháp luật xấu là gì, người xưa có đức, có thể phân biệt rõ thiện ác đúng sai thì sẽ rất dễ nhận ra vấn đề. Nhưng pháp luật ngày nay đã rời xa đức, có quy định pháp luật đã biến dị thành để bảo vệ cho hành vi vô đạo đức, làm bại hoại luân thường đạo lý và hôn nhân gia đình. Con người đều đã trở nên hồ đồ, rời xa đạo đức một cách không có nguyên tắc, lấy cớ tự do nhân quyền tuyệt đối để duy hộ các loại sở thích và hành vi biến dị (như hôn nhân đồng tính…).
Rời xa đức thì nhân loại sẽ rơi vào đường cùng không lối thoát. Xã hội hỗn loạn, nhân sinh lạc lối, chỉ có quay về với đức mới có thể tìm được gốc rễ vấn đề, không bị rơi vào giáo điều, hủ bại, một người lấy nhân nghĩa làm căn bản, khi nhìn nhận vấn đề sẽ rất sâu sắc, vì thế bậc đế vương có tố chất đức này có thể đưa ra quyết sách sáng suốt, trở thành minh quân. Do vậy, đoạn thứ hai của Trinh Quán Chính yếu bắt đầu bàn luận thế nào là minh quân.
Xem thêm:
Đàm luận về ‘Trinh Quán Chính Yếu’ – Sách giáo khoa dành cho đế vương (P12)
Tam Tự Kinh: Đọc sách luận bút (P1)
Tác giả: Lưu Như
Theo Chanhkien.org