Cách thoát khỏi sự nhàm chán trong công việc
Bạn có nằm trong số đông những người uể oải vào buổi sáng thứ hai trước khi đi làm, và trong những ngày làm việc thì lại mong chờ mau chóng đến thứ sáu để được nghỉ? Làm thế nào chúng ta có thể thoát khỏi sự nhàm chán trong công việc?
Hãy thử làm một phép tính nhỏ, nếu bạn làm việc 8 tiếng một ngày, và một năm chúng ta làm việc khoảng 250 ngày, bạn có thể trung thành với công việc 40 năm, thế thì thời gian dành riêng cho công việc đã là 80,000 giờ, một phần khá nhiều trong cuộc đời bạn. Hẳn không ai trong chúng ta muốn trải qua khoảng thời gian ấy với những ký ức tẻ nhạt và buồn chán.
Một số người cho rằng mục tiêu của cuộc đời họ là phải có một sự nghiệp thành công, niềm vui trong công việc chỉ là “sản phẩm phụ” so với việc đạt được mức thu nhập mong muốn. Họ cho rằng khi thành công rồi thì niềm vui sẽ tự nhiên đến. Vậy nên họ chấp nhận một quá trình nỗ lực căng thẳng và áp lực công việc trong thời gian dài. Nhưng khi đạt được thành tựu đó rồi thì sao? Niềm vui liệu có kéo dài mãi, hay áp lực về những mục tiêu khác lại xuất hiện?
Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên nhìn nhận lại vấn đề quan trọng này. Nếu có thể bắt đầu mỗi ngày làm việc với cảm giác vui vẻ, thì điều đó có nghĩa là chúng ta đang thiết lập một cuộc sống tốt đẹp hơn, chứ không phải chỉ để sống sót sau 80,000 giờ mệt mỏi dành cho công việc trong suốt cuộc đời. Chúng ta cần xem lại chính mình để hoàn thiện bản thân, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Niềm vui là một tư duy chủ động
Ai cũng muốn hoàn thành tốt công việc của mình. Ngay cả khi công việc của chúng ta không phải điều gì đó quá to lớn như là nghiên cứu cách chữa trị ung thư hay phát minh công nghệ mới nào đó. Chỉ cần có quan điểm đúng đắn, công việc của chúng ta vẫn có thể được hoàn thành cùng với niềm vui.
Doanh nhân người Nhật Marie Kondo đã trở thành một cái tên quen thuộc đối với người Hoa Kỳ qua loạt chương trình Tidying Up. Bằng cách giúp người khác tìm thấy niềm vui thông qua một nhiệm vụ đơn giản như dọn dẹp đồ đạc, nhà cửa, Kondo đã đưa ra những minh họa ý nghĩa về việc tạo ra mục đích và niềm vui chân chính cho công việc.
Điều thú vị của một xã hội tự do là việc bạn có thể vui vẻ theo đuổi bất kỳ điều gì bạn quan tâm, cho dù đó là việc nuôi gà trong nhà hay việc khám phá công nghệ blockchain. Mặc dù tính chất công việc bạn đang làm có thể không có gì nổi trội, nhưng từ công việc của mình bạn cũng có thể khiến người khác và chính mình sống vui vẻ hơn một chút. Tất cả chúng ta đều có thể học hỏi từ Marie Kondo, để mang niềm vui đến gia đình, nơi làm việc và cộng đồng của mình.
Chúng ta thường tự hỏi, điều gì có thể mang lại niềm vui và ý nghĩa cho công việc? Đó có phải là việc tăng lương, thăng cấp, hay tăng bậc trong bảng xếp hạng các doanh nhân khởi nghiệp?
Niềm vui là một tư duy chủ động, không phải là việc nhìn vào bản thân và công việc của người khác hay các sự kiện và hoàn cảnh bên ngoài, cũng không có nghĩa là tự nói với bản thân: “Mình thật giỏi, thật thông minh và mọi người đều thích mình!”. Thật ra, niềm vui trong công việc giống như một sức mạnh tinh thần kiên cường và một hy vọng mạnh mẽ về tương lai.
Đương nhiên, công việc có những lúc khó khăn và vất vả, nhưng với quan điểm đúng đắn, bạn sẽ có lý do để kiên trì. Đơn giản vì công việc là một phần quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Đối với những người đã tìm được công việc yêu thích của mình, thì việc đi làm mỗi ngày cũng mang lại cho họ cảm giác tự nhiên như hơi thở vậy.
Tuy nhiên, sự thật là chúng ta không cần phải chờ đợi đến khi có được công việc mơ ước hay ý tưởng kinh doanh hoàn hảo thì mới có thể thấy vui vẻ, kiên cường và thiện chí. Chúng ta có thể tìm thấy niềm vui mỗi ngày, ngay cả khi xung quanh chúng ta toàn là những nhiệm vụ có vẻ cực kỳ bình thường như dọn dẹp hay phục vụ.
Hãy nhớ một điều rằng, dù bạn đang làm công việc nấu bữa tối cho gia đình, hay xây dựng những công trình hiện đại khiến mọi người sống thoải mái hơn, thì chúng ta đều có thể tiếp cận được góc độ vui vẻ của công việc.
Đừng so sánh cuộc sống của mình với người khác
Một cách để phát triển niềm vui trong công việc là hãy phát triển các kỹ năng chuyên sâu của bản thân. Sự tự tin khi biết rằng mình hiểu biết hoặc làm tốt điều gì đó sẽ mang lại cho bạn sự hài lòng và niềm vui riêng trong công việc. Bằng cách tiếp tục học hỏi, chúng ta đang tự nhắc nhở bản thân rằng mình luôn có một điều gì đó để mong chờ, một điều gì đó để hy vọng.
Khi chúng ta để vuột mất những mục tiêu dài hạn mà mình từng nỗ lực theo đuổi, chúng ta có thể nhanh chóng cảm thấy chán nản và nhụt chí. Thế nhưng, việc liên tục học tập sẽ là liều thuốc giúp chúng ta vượt qua cảm giác bất lực, nó cũng là một cơ chế bảo vệ chúng ta khỏi mọi sự thất vọng, chán chường.
Một cách khác để đặt nền tảng cho niềm vui, cả về chuyên môn và cá nhân, là xây dựng một mạng lưới bạn bè. Hầu hết các chuyên gia kinh doanh đều chú trọng các mối quan hệ và hướng đến mục tiêu xây dựng một mạng lưới khách hàng. Tuy nhiên, việc xây dựng một nhóm đồng nghiệp có thể hợp tác, cố vấn, cung cấp lời khuyên và hỗ trợ tinh thần làm việc nhóm cũng là điều rất cần thiết.
Khi bạn thiết lập mối quan hệ bạn bè với những đồng nghiệp, bạn sẽ thấy ngày làm việc của mình thú vị hơn và công việc văn phòng dễ chịu hơn. Ngoài ra, chúng ta cũng cần củng cố các mối quan hệ ngoài công việc, chẳng hạn như quan hệ với gia đình, bạn bè…
Điều này không chỉ là một thành lũy giúp bạn chống lại sự cô đơn, mà còn là cách hướng chúng ta đến lối sống tinh thần lành mạnh hơn. Những mối quan hệ có ý nghĩa mang lại cho chúng ta niềm vui và hạnh phúc theo cách hoàn toàn khác với những cảm xúc do sự giàu có và việc được công nhận mang lại.
Bên cạnh đó, nếu có được niềm vui trong công việc, chúng ta sẽ có được hy vọng trong cuộc sống. Sự nghiệp của một người đôi khi cũng giống như nhịp điệu của việc xới đất, gieo hạt và thu hoạch. Những lúc khó khăn tại nơi làm việc chính là lời nhắc nhở chúng ta đánh giá xem mình đã đi đúng hướng hay chưa.
Tuy nhiên, nếu bạn cho rằng sẽ tìm thấy ý nghĩa và sự thỏa mãn trong cuộc sống khi cố gắng “tham công tiếc việc”, bạn có thể bị vỡ mộng. Lối suy nghĩ đó có thể khiến chúng ta nghĩ rằng mình cần phải chạy đua để trở thành người giỏi nhất, và không bao giờ có thể tìm ra khoảng trống để nghỉ ngơi hoặc nạp lại năng lượng. Nhưng sớm hay muộn thì viễn cảnh đó sẽ cướp đi niềm vui của chúng ta.
Mark Twain đã từng viết: “Sự so sánh sẽ giết chết niềm vui”.
Việc cạnh tranh có thể cần thiết cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta không cần phải chạy đua, cũng không nên đo lường bản thân với thành công của người khác. Chúng ta chỉ nên có chiến lược riêng cho bản thân, về cả kế hoạch lẫn tinh thần làm việc.
Bởi vì chúng ta thường chỉ nhìn thấy kết quả của những người khác mà không biết được họ đã bắt đầu từ đâu hoặc con đường dẫn đến thành công của họ như thế nào. Do đó, thay vì so sánh bản thân với người khác, chúng ta có thể làm việc hiệu quả hơn và tránh được sự đố kỵ bằng cách tập trung vào các vấn đề của chính mình.
Mặc dù trong sự nghiệp của chúng ta, sẽ có nhiều điều nằm ngoài tầm kiểm soát, chúng ta vẫn có quyền tự do để định nghĩa thành công cho mình, dù đó là về mặt tiền tệ hay về mặt ảnh hưởng xã hội. Hơn nữa, chúng ta cũng có thể tự do lựa chọn quan điểm về công việc và nơi làm việc.
Nếu bạn có thể tận hưởng niềm vui theo cách chủ động và tích cực nhất thay vì phản ứng lại các sự kiện hàng ngày, chúng ta sẽ định vị được tốt bản thân để kiểm soát cuộc sống và sự nghiệp. Như thế, chúng ta sẽ kiên cường hơn khi đối mặt với những thách thức cuộc sống và biết ơn nhiều hơn trước mọi thành công đạt được dù là nhỏ bé hay lớn lao.
Vì vậy, hãy tìm kiếm niềm vui tại nơi làm việc ngay hôm nay, có lẽ vào thời điểm đặt lưng xuống giường vào mỗi tối, bạn sẽ mãn nguyện chìm vào giấc ngủ ngon vì chắc hẳn bạn đã có một ngày làm việc vui vẻ, và cũng là thêm một ngày có ý nghĩa trong cuộc sống của chúng ta!
Ngân Hà
Xem thêm: