Ý công bố kế hoạch phát triển kinh tế nhằm hạn chế dòng người nhập cư bất hợp pháp từ châu Phi
Hôm thứ Hai (29/01), Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã kêu gọi thiết lập một liên kết đối tác mới với châu Phi khi bà công bố một kế hoạch được mong đợi từ lâu nhằm hạn chế dòng nhập cư từ lục địa này bằng cách thúc đẩy hợp tác kinh tế, và tạo ra một trung tâm năng lượng cho châu Âu.
Là người chủ trì hội nghị thượng đỉnh Ý-Châu Phi, một hội nghị kéo dài một ngày tại Thượng viện Ý ở Rome, bà Meloni đã đưa ra một loạt sáng kiến, với khoản tiền cam kết ban đầu là 5.5 tỷ euro (5.95 tỷ USD), bao gồm các khoản vay, trợ cấp, và bảo lãnh của nhà nước.
Bà Meloni cho biết chính phủ của bà cũng sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ từ khu vực tư nhân và các cơ quan quốc tế như Liên minh Âu Châu.
Bà Meloni cho biết, để thuyết phục được những người Phi Châu trẻ tuổi đầy bất mãn ngừng di cư về phía bắc, thì châu Âu phải giúp châu Phi thúc đẩy công nghiệp và nông nghiệp để củng cố nền kinh tế địa phương.
“Việc nhập cư hàng loạt một cách bất hợp pháp sẽ không bao giờ bị ngăn chặn, những kẻ buôn người sẽ không bao giờ bị xóa sổ, trừ khi chúng ta giải quyết được những nguyên nhân căn bản khiến mọi người phải rời bỏ nhà cửa của họ,” bà Meloni nói. “Đây chính xác là những gì chúng tôi định làm, một mặt, bằng cách tuyên chiến với ‘những kẻ buôn bán nô lệ’ của thiên niên kỷ thứ ba, mặt khác, chúng tôi mang đến cho người dân Phi Châu những cơ hội khác, việc làm, đào tạo, và những con đường di cư hợp pháp.”
Hội nghị thượng đỉnh Ý-Châu Phi, với sự tham dự của hơn hai mươi nhà lãnh đạo Phi Châu, các quan chức hàng đầu của Liên minh Âu Châu và Liên Hiệp Quốc, cùng các đại diện từ các tổ chức cho vay quốc tế, là sự kiện lớn đầu tiên trong nhiệm kỳ chủ tịch G-7 của Ý.
Bà Meloni, người được bầu làm Thủ tướng Ý vào tháng 10/2022, đã cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình rằng bà sẽ ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp.
Kế hoạch Mattei
Kế hoạch này, được bà Meloni đưa ra, được đặt theo tên của người sáng lập quá cố của tập đoàn dầu mỏ nhà nước Eni, ông Enrico Mattei.
“Kế hoạch Mattei … hoàn toàn phù hợp với dự án Cửa ngõ Toàn cầu Châu Âu trị giá 150 tỷ euro của chúng tôi. Đây là kế hoạch của chúng tôi dành cho châu Phi,” Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen chia sẻ tại hội nghị thượng đỉnh này, đề cập đến một dự án cơ sở hạ tầng được công bố vào năm 2021.
Bà Meloni nhấn mạnh rằng kế hoạch này nhằm mục đích mở rộng hợp tác giữa Ý và châu Phi trên tinh thần hợp tác bình đẳng.
Theo tuyên bố của chính phủ Ý, “Kế hoạch Mattei cho châu Phi” tập trung vào năm lĩnh vực chính: giáo dục và đào tạo, y tế, nông nghiệp, năng lượng, và nước.”
Bà Meloni cho biết kế hoạch này sẽ được khai triển đầu tiên ở một số quốc gia cận Sahara và Bắc Phi, và dần dần sẽ được mở rộng sang các quốc gia Phi Châu khác.
Năng lượng
Phần quan trọng của sáng kiến này là năng lượng và cơ sở hạ tầng, trong đó Ý đang tìm cách đóng vai trò là cửa ngõ vào thị trường Âu Châu. Khí đốt tự nhiên từ châu Phi đã trở nên thiết yếu sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, khiến việc đa dạng hóa nguồn cung cấp trở thành ưu tiên hàng đầu của Liên minh Âu Châu.
Công ty Eni cho biết Algeria, Ai Cập, và Libya sẽ là những nhà cung cấp khí đốt chính của Ý trong vài năm tới.
Bà Meloni nói rằng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nhằm mục đích đưa Ý trở thành “trung tâm cung cấp năng lượng tự nhiên cho toàn châu Âu” và giúp “các quốc gia Phi Châu chú tâm đến việc sản xuất năng lượng để đáp ứng nhu cầu của chính họ và sau đó xuất cảng phần dư thừa sang châu Âu.”
Tuy nhiên, việc này đòi hỏi phải xây dựng cơ sở hạ tầng mới để kết nối hai châu lục, bà Meloni nói. Bà nói thêm, Ý đã làm việc với Liên minh Âu Châu về kết nối điện giữa Ý và Tunisia và “Hành lang phía Nam H2 mới để vận chuyển hydro từ Bắc Phi đến Trung Âu, đi qua Ý.”
Kế hoạch này cũng đề nghị mở rộng việc sử dụng năng lượng tái tạo và tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng. Bà Meloni cho biết, một sáng kiến trong lĩnh vực này là một dự án ở Kenya nhằm phát triển chuỗi cung ứng nhiên liệu sinh học, sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 400,000 nông dân vào năm 2027.
Nông nghiệp
Theo tuyên bố, mục tiêu chính của các giải pháp về nông nghiệp trong kế hoạch này là phát triển chuỗi nông sản-thực phẩm nhằm giảm tình trạng suy dinh dưỡng, bằng việc tập trung vào phát triển nông nghiệp gia đình, và bảo tồn di sản rừng.
Bà Meloni nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nông nghiệp ở châu Phi vì lục địa này có diện tích đất trồng trọt chiếm 60% diện tích đất trồng trọt của thế giới, mà tiếc là phần đất đó đó thường không được sử dụng.”
Bà Meloni cho biết, công nghệ và nghiên cứu là rất cần thiết để giúp nền nông nghiệp Phi Châu đạt năng suất cao.
Tuy nhiên, mục tiêu của việc thúc đẩy nông nghiệp không chỉ là để bảo đảm “an ninh lương thực” mà còn hướng tới mục tiêu về chất lượng và an toàn của thực phẩm, bà Meloni cho biết.
Trong số các sáng kiến nông nghiệp, bà Meloni nêu cụ thể một dự án ở Ai Cập mà sẽ đầu tư vào máy móc, hạt giống, công nghệ, phương pháp canh tác mới và đào tạo nghề để phát triển diện tích đất trồng lúa mì, đậu nành, ngô, và hoa hướng dương.
Bà Meloni cho biết thêm, một dự án khác đã được khai triển ở Tunisia, nơi Ý đang nâng cấp các trạm lọc nước tái chế và đã được khử muối để tưới cho diện tích 8,000 ha (gần 20,000 mẫu Anh).
Một số ý kiến
Khi hội nghị thượng đỉnh này, các nhà lập pháp phe đối lập và đảng xanh của Ý đã trù định tổ chức một cuộc họp phản đối tại Hạ viện Ý để chỉ trích Kế hoạch Mattei là một “lời hứa suông” của chủ nghĩa thực dân mới nhằm tìm cách khai thác lại tài nguyên thiên nhiên của châu Phi.
Phó Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Amina Mohammed tán dương Ý vì đã tập trung vào các lĩnh vực chính là hệ thống năng lượng và lương thực, nói rằng những lĩnh vực này bổ sung cho cách tiếp cận đã được Liên minh Phi Châu vạch ra. Nhưng bà có hơi thất vọng vì về tổng thể, các mục tiêu năm 2030 trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc, vốn được sự đồng ý của toàn thế giới, đang “thiếu hụt một cách đáng tiếc” ở châu Phi.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters và The Associated Press
Vân Sa lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times