Các nhóm khủng bố và Trung Quốc phát triển mạnh, ảnh hưởng của Hoa Kỳ suy giảm vào lúc châu Phi bất ổn
Trong bối cảnh Trung Đông một lần nữa bị nhấn chìm trong các cuộc chiến tấn công khủng bố, thì châu Phi cũng phải đương đầu với tình trạng bạo lực gia tăng. Mặc dù hàng năm, khu vực này vẫn nhận được hàng tỷ USD viện trợ ngoại quốc từ Hoa Kỳ, nhưng các nhóm liên kết với al-Qaeda và nhóm khủng bố ISIS vẫn có chỗ đứng ở tại khắp châu lục này.
Cho đến năm 2023, khu vực Sahel — một vùng đất rộng lớn gần kề Sahara, trải dài từ Đại Tây Dương đến Ấn Độ Dương — chiếm 43% tổng số ca tử vong do khủng bố gây ra trên toàn thế giới. Đây là mức tăng 7% so với năm trước đó (2022), và chưa có dấu hiệu giảm bớt.
Toàn bộ khung cảnh hỗn loạn này khiến các địch thủ của Mỹ như Trung Quốc và Nga có chỗ đứng vững chắc hơn trên lục địa Phi Châu — một lục địa giàu tài nguyên thiên nhiên quan trọng cho ngành thương mại và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, nhưng cũng là một nơi ẩn náu của những kẻ khủng bố tìm cách tấn công Mỹ cùng các đồng minh của chúng ta. Người dân nơi đây cũng xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp hơn, thay vì chịu đựng nạn khủng bố, bạo lực, và những kẻ độc tài. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực này đã suy giảm kể từ khi chính phủ Tổng thống Biden nắm quyền và tiến hành một chiến lược Phi Châu hết sức mềm yếu.
Được thành lập như một phe cánh của Boko Haram — nhóm khủng bố khét tiếng với vụ bắt cóc 276 nữ sinh Nigeria năm 2014 (trong đó 98 em vẫn đang bị giam cầm) — tổ chức ISIS West Africa Province hiện vẫn đang hoạt động tại đông bắc Nigeria và tại khu vực lân cận Lake Chad. Với một lực lượng ước tính khoảng 5,000 chiến binh, ISIS tấn công bất cứ ai phản đối cách diễn giải cực đoan của Salafi về Hồi Giáo, đồng thời tự chi trả cho các hoạt động của mình bằng cách bắt cóc và tống tiền người dân địa phương.
Phía tây của khu vực này là Jama’at Nasr al-Islam wal-Muslimin, một nhóm khủng bố liên kết với al-Qaeda, hoạt động tại Mali, Niger, Togo, Benin, và Burkina Faso. Nhóm này tập trung tấn công vào các lực lượng an ninh và các nhân vật chính trị. Năm 2019, nhóm khủng bố này đã tấn công một căn cứ của Liên Hiệp Quốc tại Mali, sát hại 10 binh sĩ gìn giữ hòa bình và khiến 25 người khác bị thương.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã xác định Boko Haram lẫn Jama’at Nasr al-Islam wal-Muslimin là các tổ chức khủng bố ngoại quốc.
Trung Phi cũng không phải là một ngoại lệ. Ở các quốc gia như Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Uganda, và Rwanda, các nhóm liên kết với ISIS như Lực lượng Dân chủ Đồng minh đã đe dọa các lực lượng an ninh, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, và thường dân.
Ở vùng Sừng châu Phi, nhóm khủng bố al-Shabaab tiếp tục hoạt động tại Somalia, Kenya, Ethiopia, và Mogadishu. Chính phủ liên bang Somalia vẫn đang cố gắng ngăn chặn nhóm khủng bố hiện đang kiểm soát nhiều dải đất rộng lớn này. Nhóm Al-Shabaab được biết đến rộng rãi sau vụ tấn công khét tiếng vào một trung tâm thương mại ở Kenya khiến 60 người thiệt mạng hồi năm 2013. Mục tiêu của nhóm này là thiết lập một nhà nước Hồi Giáo cực đoan trong khu vực.
Sau sự kiện Tổng thống đương thời Barack Obama lật đổ ông Libya Muammar al-Gaddafi, một nhân vật chính trị đầy quyền lực, hồi năm 2011, thì kho vũ khí và chiến cơ đồ sộ của quốc gia này đã được chuyển đến khu vực Sahel, đặc biệt là ở Mali và Niger, mang lại lợi ích cho các nhóm khủng bố trong khu vực. Điều này kéo theo sự bất ổn về chính trị và các xung đột ở địa phương, dẫn đến các cuộc khủng hoảng nhân đạo, suy thoái kinh tế, và những dòng người di cư lũ lượt đào thoát lên phía bắc vào châu Âu.
Các nhóm liên kết với Al-Qaeda và ISIS là nguyên nhân gây hỗn loạn, và sau đó họ sẽ lợi dụng sự hỗn loạn này. Họ chiêu mộ những thanh niên thất nghiệp và ở địa phương, đồng thời truyền bá hệ tư tưởng cực đoan của họ ra ngoài châu Phi.
Kể từ tháng 01/2020, đã có 13 nỗ lực đảo chính ở Châu Phi — trong đó sáu cuộc đảo chính thành công — qua đó phản ánh sự bất ổn toàn cầu ngày càng tăng kể từ khi ông Joe Biden trở thành tổng thống và chính phủ của ông lựa chọn chú trọng quảng bá các hệ tư tưởng về khí hậu, giới tính, và chủng tộc ở hải ngoại.
Ông Omar Touray, chủ tịch Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi cho biết, “Việc tước bỏ các lợi ích dân chủ diễn ra song song với tình trạng bất ổn mà đôi khi Tây Phi và khu vực Sahel vẫn đang phải đối mặt.”
Trong khi đó, tình trạng bất ổn trong khu vực, chế độ độc tài, và nạn tham nhũng ở các quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào đã thu hút sự chú ý của các cường quốc bất hảo trên thế giới. Dưới vỏ bọc “chống khủng bố,” tổ chức Wagner Group bán quân sự của Nga giúp đỡ cho các chế độ độc tài khi cung cấp các “cố vấn an ninh” và các lực lượng an ninh, vốn đang chiến đấu chống lại các nhóm khủng bố này để đổi lấy quyền khai thác ở các mỏ sinh lợi, đặc biệt là các mỏ vàng.
“Lẽ ra chỉ có một số vũ khí và người hướng dẫn, tuy nhiên khi người Nga đến đây và chứng kiến tình trạng hỗn loạn của quốc gia chúng tôi, thì họ cho rằng họ cũng có thể làm kinh doanh, thành lập công ty, mua nguyên liệu thô, khai thác mỏ. … Họ đã tới đây. Họ đã chứng kiến. Họ đã lợi dụng điều này,” Đức Hồng y Dieudonne Nzapalainga, tổng giám mục thủ đô Bangui, Cộng hòa Trung Phi, cho biết.
Với tình trạng bạo lực do bọn khủng bố hậu thuẫn đang lan ra phần lớn châu Phi, các công ty Tây phương không hề muốn đầu tư vào đây; điều này mở ra cho Trung Quốc một con đường rõ ràng để trở thành ngân hàng của lục địa này. Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc — chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng đặc trưng trị giá hàng ngàn tỷ dollar của Bắc Kinh nhằm thay thế vị trí siêu cường toàn cầu của Hoa Kỳ — đã giúp nước này có thể tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên của châu Phi, trong đó có một nửa trữ lượng vàng của thế giới và 90% coban của thế giới, một thành phần thiết yếu của pin lithium-ion.
Tại [thành phố cảng] Djibouti, Trung Quốc đã xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở hải ngoại, nằm trên một trong những tuyến đường vận chuyển mang tính chiến lược nhất trên thế giới, khiến quốc gia này có thể tiếp cận các tuyến hàng hải nối biển Địa Trung Hải với Ấn Độ Dương thông qua Kênh đào Suez.
Trong khi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng mở rộng, thì ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực lại thu hẹp kể từ khi chính phủ Tổng thống Biden ban hành chiến lược châu Phi được quảng bá rầm rộ của họ — một chiến lược ưu tiên nghị trình hệ tư tưởng, tách nhu cầu kinh tế của châu Phi khỏi lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.
Chủ nghĩa khủng bố ở châu Phi là một thách thức phức tạp và nhiều mặt. Tất nhiên, việc đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, cơ sở hạ tầng, và các ngành tạo công ăn việc làm sẽ giúp giải quyết những mối bất bình liên quan đến xã hội, chính trị, và kinh tế của thường dân, những người thường xuyên bị bọn khủng bố lợi dụng. Tuy nhiên, việc phương Tây không viện trợ hiệu quả cho người châu Phi để đánh bại các nhóm khủng bố này khiến cho việc phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội gần như không thể thực hiện được.
Muốn đảo ngược tình thế, chính phủ Hoa Kỳ buộc phải áp dụng một chiến lược châu Phi mới, trong đó ưu tiên hậu thuẫn an ninh mạnh mẽ (chứ không phải hệ tư tưởng cấp tiến), cần ngoại giao về thương mại nhiều hơn để chống Trung Quốc và các tác nhân xấu khác xâm nhập vào lục địa này, cũng như cần một cách tiếp cận viện trợ ngoại quốc có lợi hơn cho các hệ quả về an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Được tái bản dưới sự cho phép của The Daily Signal, một ấn phẩm của Quỹ Di sản.
Tuệ Chân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times