Kế hoạch giảm khí CO₂ của Liên minh Âu Châu: Giảm 90% lượng khí thải vào năm 2040
Ủy ban Âu Châu dự định công bố mục tiêu về khí hậu cho đến năm 2040 vào ngày 06/02. Theo đó, dự kiến khí nhà kính sẽ được giảm đáng kể trong vòng 16 năm tới.
Mười một quốc gia trong Liên minh Âu Châu (EU) đã yêu cầu Ủy ban Âu Châu đặt ra các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng cho năm 2040. Trong một bức thư mà hãng thông tấn AFP thu thập được, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, và tám quốc gia khác đã kêu gọi Ủy ban Âu Châu gửi đi “một tín hiệu chính trị mạnh mẽ để làm gương cho các quốc gia khác có lượng phát thải khí nhà kính cao.”
Các quốc gia thành viên này đã gửi bức thư nói trên hôm 25/01. Mục tiêu chung về khí hậu cho đến năm 2040 cũng cần phải “bảo đảm rằng toàn bộ EU đang trên đường hướng tới trung hòa về khí hậu.”
EU đã cam kết giảm 55% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với năm 1990. Đến năm 2050, Liên minh Âu Châu muốn đạt được trạng thái trung hòa về khí hậu. Tuy nhiên, mục tiêu trung hạn cho năm 2040 vẫn chưa được xác định. Các bộ trưởng môi trường EU đã thảo luận về vấn đề này lần đầu tiên vào giữa tháng 01/2024.
Mục tiêu đại tiết kiệm
Hồi tháng 10/2023, Ủy viên Khí hậu EU Wopke Hoekstra đã đề nghị đến năm 2040 sẽ giảm lượng khí thải đi “ít nhất 90%” so với năm 1990. Ban Cố vấn Khoa học của Ủy ban Âu Châu khuyến nghị giảm từ 90 đến 95% lượng khí CO₂.
Ủy ban Âu Châu dự kiến sẽ bày tỏ quan điểm của mình về các kịch bản khác nhau cho năm 2040 vào ngày 06/02. Tuy nhiên, người ta chỉ mong đợi một đề xướng cụ thể từ Ủy ban nhiệm kỳ mới, mà ủy ban này sẽ được lập ra sau các cuộc bầu cử ở châu Âu vào đầu tháng Sáu.
Bức thư đã thu thập được chữ ký của các bộ trưởng khí hậu và môi trường từ mười một quốc gia, thể hiện những lời kêu gọi “mạnh mẽ” tới Ủy ban Âu Châu, thúc giục ủy ban “đề ra một mục tiêu khí hậu đầy tham vọng cho năm 2040.” Ngoài các bộ trưởng của Đức, Pháp, và Tây Ban Nha, thì các bộ trưởng của Áo, Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, Ireland, Luxembourg, Hà Lan, và Bồ Đào Nha cũng đã ký tên.
Bức thư bản thảo này cũng liệt kê những lợi thế có thể có của các mục tiêu khí hậu dự kiến. Các quốc gia tác giả cho rằng việc giảm ô nhiễm không khí có thể cứu sống hơn 250,000 người mỗi năm trong tương lai, như Euractiv đã loan báo. Đồng thời, điều này cũng giúp giảm khoảng một ngàn tỷ euro mỗi năm đối với chi phí chăm sóc sức khỏe liên quan trong Liên minh EU.
Ngoài ra, EU có thể tiết kiệm thêm 2.8 tỷ euro nữa trong giai đoạn từ năm 2031 đến năm 2050 thông qua việc giảm nhập cảng nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, việc kiểm tra lại số liệu này hiện chưa thể thực hiện được.
Trước những lo ngại của người dân được thể hiện rõ nhất trong các cuộc biểu tình của nông dân mới đây, mười một quốc gia EU đã kêu gọi một quá trình chuyển đổi “hợp lý và công bằng.” Quá trình chuyển đổi năng lượng phải “khả thi về mặt kinh tế” và “chỉ phát sinh chi phí có thể quản lý được” và giúp cho không ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời, quá trình này còn cần phải “tăng cường an ninh năng lượng và khả năng cạnh tranh công nghiệp.”
Sự chỉ trích đối với các mục tiêu khí hậu
Đầu tiên là sự chỉ trích đến từ các tổ chức môi trường. Chuyên gia Wijnand Stoefs từ tổ chức bất vụ lợi Carbon Market Watch tỏ ra thất vọng với mục tiêu 90%. Bởi vì mục tiêu này đã bao gồm khả năng giảm CO₂ thông qua các bể hấp thụ CO₂ chẳng hạn như rừng.
Theo chuyên gia Stoefs, các khu đất hấp thụ khí nhà kính (land sink) tại EU đã giảm trong nhiều năm qua. Việc tháo dỡ kỹ thuật vẫn đang ở giai đoạn đầu và có tác động đáng kể đến tính bền vững. Do đó, nên giảm thiểu sự phụ thuộc vào bất kỳ phương pháp loại bỏ CO₂ nào khỏi khí quyển.
Cũng có những lời chỉ trích tương tự đối với các mục tiêu khí hậu của Ủy ban vào năm 2030. Năm 2020, Ủy ban đã đề xướng giảm 55% lượng khí thải vào năm 2030 so với năm 1990. Điều này bao gồm việc loại bỏ CO₂ thông qua rừng. Một số tổ chức bất vụ lợi đã bày tỏ sự chỉ trích đối với biện pháp này. Họ mô tả đây là một “thủ thuật kế toán” nhằm mục đích thổi phồng các mục tiêu về khí hậu của EU.
Các quan chức của Ủy ban thừa nhận vào thời điểm đó rằng mục tiêu 55% sẽ không còn là thực tế nữa nếu không giảm CO₂. Theo họ, nếu vậy thì mục tiêu cuối cùng sẽ chỉ là giảm xuống khoảng 53% thay vì 55%.
Hungary ‘muốn thấy những mục tiêu thực tế’
Gần đây, Hungary đã đưa ra nhiều sự phản đối đối với mục tiêu 90%. Tháng Bảy tới, quốc gia Đông Âu này sẽ tiếp quản từ Bỉ vị trí chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU sau nhiệm kỳ sáu tháng. Bà Anikó Raisz, Bộ trưởng Môi trường Hungary đã đặc biệt nhấn mạnh rằng “những đặc điểm quốc gia cần phải được xem xét.”
Hungary nhập cảng hơn 80% lượng khí đốt từ Nga. Cho đến ít nhất là năm 2036, quốc gia này sẽ bị ràng buộc trong một hợp đồng dài hạn với Điện Kremlin. Bộ trưởng Raiz lưu ý rằng Hungary “muốn thấy những mục tiêu thực tế và có thể đạt được vào năm 2040.”
Bản tin có sự đóng góp từ AFP
Maurice Forgeng thực hiện
Mộc Miên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Tiếng Đức