Vấn đề bản quyền của Threads và tại sao ứng dụng mới này của Meta không thể ra mắt ở châu Âu
Threads, sự đáp trả của Meta trước Twitter, đã ra mắt trên toàn thế giới trong tuần này, ngoại trừ tại các nước EU.
Ứng dụng mới liên kết với Instagram này hiện đã có mặt ở 100 quốc gia, nhưng cho đến nay vẫn chưa dự định ra mắt ở EU, có thể là do các quy định về quyền riêng tư trong khối EU.
Rõ ràng là có những lo ngại rất lớn về việc xử lý dữ liệu của các công dân EU, vì Meta đã bị các cơ quan giám sát bảo vệ dữ liệu của khối này phạt trong những tháng gần đây.
The Irish Times đưa tin, công ty Meta đã thông báo cho Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Ireland rằng họ không có kế hoạch ra mắt Threads ở châu Âu.
Cho đến nay, Meta vẫn chưa chính thức bình luận về các vấn đề được cho là với luật pháp EU. Tuy nhiên, công ty này không bị các cơ quan quản lý Ireland, cơ quan đóng vai trò thực thi quyền riêng tư hàng đầu của Brussels, ngăn cản.
Công ty Meta dường như đang tính toán làm cách nào để ra mắt ứng dụng của mình ở EU do các quy tắc nghiêm ngặt về bảo vệ dữ liệu.
Có thể các quy tắc về quyền riêng tư của EU cản trở Threads ở châu Âu
Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số sắp tới của EU hiện chắc chắn được xem xét. Dự luật này sẽ thực thi các quy tắc mới về cách các nền tảng “người gác cổng” (gatekeeper) trực tuyến có thể hoạt động ở châu Âu.
Hướng dẫn thêm về cách các công ty truyền thông xã hội có thể được Ủy ban Âu Châu chấp thuận về tư cách người gác cổng sẽ được công bố vào tháng Chín.
Trong khi đó, các phán quyết gần đây của tòa án ở EU dành cho Meta cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong việc ra mắt ứng dụng Threads.
Hồi tháng Một, các nhà chức trách EU cho biết rằng cơ sở pháp lý mà Meta đã sử dụng để xử lý dữ liệu cá nhân của mình từ người dùng Facebook và Instagram ở châu Âu để chạy các quảng cáo được nhắm mục tiêu là bất hợp pháp.
Meta đã bị phạt 435 triệu USD và đại công ty công nghệ này đã kháng cáo.
Sau đó, hôm 04/07, Tòa án Công lý Âu Châu (ECJ) đã phán quyết rằng Facebook của Meta không thể sử dụng “lợi ích hợp pháp” để biện minh cho việc xử lý dữ liệu người dùng để quảng cáo.
Điều này thực sự đã ngăn chặn mô hình quảng cáo được nhắm mục tiêu của Meta.
ECJ cũng phán quyết rằng các cơ quan giám sát của EU có thể xem xét các hành vi vi phạm quyền riêng tư dữ liệu của các công ty công nghệ trong các cuộc điều tra chống độc quyền.
Những quyết định này là một trong số các cuộc tấn công pháp lý của EU đối với nền tảng mô hình kinh doanh của Meta nói riêng và đối với các đại công ty công nghệ của Mỹ nói chung.
Meta cũng bị cấm chuyển dữ liệu người dùng Facebook từ EU sang Hoa Kỳ và bị phạt 1.3 tỷ USD sau một biện pháp trừng phạt của các cơ quan quản lý quyền riêng tư Âu Châu hồi tháng Năm.
Mức phạt này được đưa ra sau một cuộc điều tra kéo dài về việc Facebook chuyển dữ liệu cá nhân của người dân Âu Châu ra hải ngoại, một điều vi phạm luật riêng tư của EU.
Công ty Meta hiện đang thông qua các tòa án để xét lại phán quyết nói trên. Quartz đưa tin, nếu được giữ nguyên, phán quyết này có thể là hồi chuông báo tử cho Facebook ở EU.
Một số người dân Âu Châu đã có quyền truy cập trái phép vào ứng dụng mới của Meta
Các chuyên gia về quyền riêng tư dữ liệu cho biết họ không tin rằng các phán quyết mới nhất của tòa án được xem là yếu tố chính dẫn đến quyết định của Meta, vì một thỏa thuận mới giữa Brussels và Hoa Thịnh Đốn đang chờ ký kết sẽ tạo cơ sở pháp lý để chuyển dữ liệu sang Mỹ.
Tuy Meta ngừng hoạt động trong khối này, nhưng vẫn có nhiều công dân EU đã sử dụng Threads, trong đó một số người sử dụng một số giải pháp thay thế để tải ứng dụng về thiết bị của họ.
Điều này có nghĩa là Meta đang xử lý dữ liệu của công dân EU, ngay cả khi công ty này có ý định tránh làm vậy.
Một số phương pháp bao gồm có quyền truy cập vào một trương mục cửa hàng ứng dụng bên ngoài EU, tải ứng dụng này vào thiết bị Android mà không dùng Google Play Store hoặc sử dụng mạng riêng ảo vốn có thể giả mạo một vị trí để có vẻ như người dùng đang sống ở một quốc gia nơi Threads có thể được tải xuống.
Bà Niamh Burns của Enders Analysis, một nhóm nghiên cứu truyền thông, nói với The Hollywood Reporter: “Việc Meta không ra mắt Threads ở EU có liên quan nhiều hơn đến việc đưa ra quan điểm về quy định Âu Châu hơn là lý do ra mắt về kinh doanh.”
Bà Burns lưu ý rằng việc thiết lập ứng dụng mới, bao gồm việc kết hợp Instagram và Threads để tạo ra một “lượng khán giả cố định,” sẽ không cho phép người dùng xóa trương mục Threads của mình mà không xóa Instagram.
Bà nói: “Đây là điều mà các nhà quản lý ở châu Âu không thích.”
Các nhà phê bình cảnh báo rằng chính sách quyền riêng tư của Threads thừa nhận rằng ứng dụng này nhằm mục đích theo dõi mọi thứ về người dùng ứng dụng; từ vị trí, việc làm và lịch sử duyệt web, đến dữ liệu tài chính và sức khỏe, nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho việc quảng cáo được nhắm mục tiêu.
Dữ liệu này sẽ được gửi đến “các nhà cung cấp dịch vụ” và “các đối tác phân tích,” còn được gọi là các công ty quảng cáo và tiếp thị bên thứ ba.
Trên thực tế, những yếu tố đó sẽ vi phạm tất cả các quy tắc về quyền riêng tư của EU.
Trù tính cho cạnh tranh
Sự cạnh tranh giữa Tổng giám đốc Twitter Elon Musk và Tổng giám đốc Meta Mark Zuckerberg ngày càng trở nên căng thẳng, sau khi ông Musk nhận thấy ứng dụng Threads của đối thủ gần giống với Twitter về mặt hình ảnh.
Tổng giám đốc Meta cho biết ông đã tạo ra Threads để đáp trả lại Twitter và hy vọng rằng ứng dụng của ông sẽ là một giải pháp thay thế cho một nền tảng đã chứng kiến cả những biện pháp cải tiến lẫn sự hỗn loạn, sau khi đối thủ của ông là ông Musk mua lại nền tảng này.
Ông Zuckerberg cho biết đã có hơn 30 triệu người ghi danh sử dụng Threads trong 24 giờ đầu tiên sau khi ra mắt.
ABC News đưa tin, trong vòng vài giờ sau khi Thread ra mắt, ông Musk đã đe dọa sẽ kiện ông Zuckerberg và hôm 06/07, Twitter đã gửi một bức thư ngừng hoạt động tới Meta qua ứng dụng truyền thông xã hội mới.
Twitter cáo buộc Meta đã thuê hàng chục nhân viên cũ của Twitter, những người vẫn có quyền truy cập vào các bí mật thương mại của nền tảng truyền thông xã hội này, và gọi Threads là “kẻ bắt chước.”
Một luật sư đại diện cho Twitter, ông Alex Spiro, đã cáo buộc Meta thuê các cựu nhân viên của Twitter để phát triển Threads, với ý định tham gia vào “hành vi chiếm đoạt có hệ thống, cố ý, và bất hợp pháp các bí mật thương mại của Twitter và các tài sản trí tuệ khác.”
Nhóm pháp lý của Twitter đã viết, “Với kiến thức đó, Meta đã cố tình chỉ định những nhân viên này phát triển, trong vài tháng, ứng dụng ‘Threads’ bắt chước của Meta với mục đích cụ thể là họ sử dụng bí mật thương mại của Twitter và tài sản trí tuệ khác để đẩy nhanh quá trình phát triển ứng dụng cạnh tranh của Meta, vi phạm cả luật tiểu bang và liên bang cũng như các nghĩa vụ đang tiếp diễn của những nhân viên đó đối với Twitter.”
Vài ngày sau khi đệ đơn kiện, Tổng giám đốc Twitter đã tấn công ông Zuckerberg bằng dòng tweet, “Zuck là một kẻ đê tiện.”
Giám đốc truyền thông Meta, ông Andy Stone, đã đăng một tuyên bố trên Threads liên quan đến vụ kiện, nói rằng: “Trong nhóm kỹ thuật của Threads không có ai là nhân viên cũ của Twitter — đó không phải sự thật.”
Luật bản quyền của Hoa Kỳ không quy định về các ý tưởng, vì vậy nếu vụ kiện này được tòa xét xử thì Twitter sẽ cần chứng minh rằng tài sản trí tuệ đã bị đánh cắp.
Đây không phải là lần đầu tiên Meta sao chép giống hệt các sản phẩm của đối thủ trong quá khứ; họ đã mắt tính năng Reels của Instagram vào năm 2020, rất giống với định dạng video ngắn 20 giây của TikTok.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times