EU nhắm vào 6 đại công ty công nghệ trong quy định mới nhất về nội dung trực tuyến
Apple, Amazon, Microsoft, cũng như Alphabet — công ty mẹ của Google, Meta — công ty mẹ Facebook, và ByteDance — công ty mẹ của TikTok nằm trong số những công ty mới được phân loại là “người gác cổng” trên không gian mạng vào ngày 06/09.
Điều đó có nghĩa là họ bị giám sát ở mức độ cao nhất theo Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) của EU, vốn được ban hành với các quy định sâu rộng tập trung vào việc cải thiện sự lựa chọn của người dùng và giúp việc cạnh tranh trở nên công bằng hơn.
Bộ quy tắc mới này sẽ dần dần được áp dụng theo từng giai đoạn để tạo điều kiện cho các công ty công nghệ tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về tính minh bạch, nội dung, và quyền riêng tư của người dùng.
Các đại công ty công nghệ hoạt động trong khối 27 quốc gia này đang nhận được lệnh yêu cầu cấm một số hoạt động nhất định nhắm đến người dùng và ngăn chặn sự lan truyền rộng rãi của nội dung “có hại.”
Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen tuyên bố rằng mục đích của luật này là “bảo đảm rằng môi trường trực tuyến luôn là một không gian an toàn.”
Luật Internet của EU đang được thi hành
Có hiệu lực từ ngày 25/08, luật mới sẽ buộc các nền tảng trực tuyến lớn gỡ bỏ bất kỳ nội dung nào mà giới quan chức ở Brussels cho là “thông tin sai lệch” hoặc “ngôn từ thù hận.”
Ủy viên Âu Châu Thierry Breton, người thực thi chính sách mạng Internet của EU, cho biết trong một bài đăng trên X, trước đây là Twitter: “Các công ty trực tuyến có ảnh hưởng nhất giờ đây sẽ phải tuân theo các quy định của EU chúng tôi.”
Ông Breton cho rằng luật mới mang lại cho người tiêu dùng nhiều lợi ích.
“DMA hướng tới mục đích là người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn,” ông nói. “Ít trở ngại hơn cho các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn. Mở những cánh cổng đó để gia nhập thị trường Internet.”
Ủy ban Âu Châu phân loại các công ty là “người gác cổng” nếu họ cung cấp cầu nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng qua “các dịch vụ nền tảng cốt lõi,” chẳng hạn như trình duyệt tìm kiếm Chrome của Google và App Store của Apple.
Ngoài việc bảo vệ người tiêu dùng Âu Châu khỏi “thông tin sai lệch” và “ngôn từ thù hận,” luật còn đòi hỏi các công ty công nghệ phải minh bạch hơn về thuật toán của họ cũng như về cách họ sử dụng quảng cáo để nhắm đến người dùng.
Người tiêu dùng giờ đây sẽ có quyền truy cập vào các thuật toán quảng cáo khuyến nghị của nền tảng, qua đó họ sẽ có quyền từ chối đồng thời có thể dễ dàng báo cáo nội dung bất hợp pháp theo DMA.
Các biện pháp bảo vệ dành cho trẻ vị thành niên liên quan đến việc thiết kế lại hệ thống, quyền riêng tư, và các đánh giá rủi ro về sức khỏe tâm thần sẽ được thực hiện nghiêm ngặt hơn, ngoài ra các quảng cáo nhắm đến trẻ em từ giờ cũng bị cấm.
Các đại công ty công nghệ cũng phải giải quyết các rủi ro về nội dung, thực thi các điều khoản, giải quyết các báo cáo mà người dùng gửi tới Brussels, cũng như công bố các đánh giá rủi ro hàng năm trong khi tuân thủ các cảnh báo xóa nội dung vi phạm.
Tất cả các công ty được liệt kê là người gác cổng đều có thời hạn sáu tháng để bắt đầu tuân thủ các yêu cầu của DMA, mà cuối cùng sẽ được mở rộng để áp dụng cho tất cả các dịch vụ kỹ thuật số bắt đầu từ tháng 02/2024.
Châu Âu trấn áp quyền tự do ngôn luận
Vị ủy viên này thông báo rằng Brussels rất xem trọng việc tuân thủ luật.
Ông Breton cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội: “Tôi và các cơ quan của tôi sẽ thực thi kỹ càng Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA), đồng thời sử dụng đầy đủ các quyền hạn mới của mình để điều tra và trừng phạt các nền tảng nếu có lý do xác đáng.”
“Tuân thủ DSA không phải là một hình phạt. Đây là cơ hội để các nền tảng củng cố lại độ tin cậy của họ.”
Các đại công ty công nghệ cũng sẽ buộc phải tài trợ cho một tòa án thường trực về thông tin sai lệch gồm khoảng 230 nhân viên của Hội đồng Âu Châu, những người sẽ quyết định nội dung nào được xem là nội dung được chấp thuận.
Những người bị phát hiện vi phạm DSA có thể phải đối mặt với số tiền phạt rất lớn, lên tới 6% doanh thu toàn cầu của họ và những người liên tục vi phạm quy định này có thể bị cấm kinh doanh hoàn toàn ở EU.
Vòng đầu tiên của quy tắc DSA đang được áp dụng cho 19 nền tảng kỹ thuật số lớn, bao gồm các ứng dụng truyền thông xã hội, trang web, và nhà bán lẻ trực tuyến, với ít nhất 45 triệu người dùng hoạt động trong khối.
Một số nền tảng phải tuân thủ quy định mới này là Alibaba AliExpress, Amazon Store, Apple AppStore, Bing, Booking.com, Facebook, Instagram, Google Maps, Google Play, Google Search, Google Shopping, LinkedIn, Pinterest, Snapchat, TikTok, X, Wikipedia, YouTube, và Zalando.
Ông Breton viết trên X: “Những nền tảng mang tính hệ thống này đóng một vai trò rất, rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, và đây thực sự là lúc để châu Âu, để chúng ta, đặt ra các quy tắc của riêng mình.”
Ông cảnh báo các nền tảng rằng ông sẽ “rất, rất nghiêm ngặt” trong việc thực thi luật này.
Ông Brenton nói: “DSA ở đây để bảo vệ quyền tự do ngôn luận trước những quyết định tùy tiện, đồng thời để bảo vệ công dân và nền dân chủ của chúng ta khỏi những nội dung bất hợp pháp.”
“Các phòng ban của tôi và tôi từ bây giờ sẽ rất, rất nghiêm khắc trong việc kiểm tra xem các nền tảng hệ thống có tuân thủ DSA hay không. Chúng tôi sẽ điều tra và trừng phạt họ, nếu họ không tuân thủ.”
Tuy nhiên, những lời đe dọa lặp đi lặp lại này của ông Breton hầu như đều nhận lấy sự chỉ trích và chế nhạo trên nền tảng X.
Nhiều nhà phê bình ủng hộ quyền tự do ngôn luận xem các quy định mới này là con đường để các quan chức theo khuynh hướng cấp tiến ở Brussels kiểm duyệt những tiếng nói trái chiều trên không gian mạng toàn cầu.
“Vì vậy, hãy làm rõ vấn đề ở đây. Theo ông thì, BẤT CỨ ĐIỀU GÌ xuất phát từ các chính phủ độc tài của phương Tây đều bị kiểm duyệt, cấm đoán. Ông mới chính là người có tội. Và những người như ông mới là phản nhân loại, phản văn minh, phản lại chính cuộc sống,” một nhà bình luận người Bulgaria cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội.
Một nhà bình luận khác phơi bày cách nói nước đôi theo phong cách Orwell của vị ủy viên này:
“‘Tuân thủ không phải là một hình phạt, mà là cơ hội.’ Nghe chẳng có tý chuyên chế nào nhỉ. Nghe như một câu bình thường mà một người yêu tự do sẽ nói.”
6 công ty đều sẽ tuân thủ các quy tắc mới
Cả sáu công ty được chỉ định gần đây đều công khai tuyên bố rằng họ sẽ tuân thủ các quy định mới của EU.
Giám đốc Pháp lý của Google, ông Oliver Bethell cho biết trong một bài đăng blog rằng mục đích của công ty “là thực hiện những thay đổi đáp ứng các quy định mới đồng thời bảo vệ trải nghiệm người dùng và cung cấp các sản phẩm hữu ích, sáng tạo, và an toàn cho người dân ở châu Âu.”
Ông Bethell nói: “Điều này có nghĩa là phải tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu, kỹ sư, và nhà thiết kế sản phẩm để có được sự cân bằng phù hợp.”
Phát ngôn viên của Apple nói với The Hill rằng họ “rất lo ngại về những rủi ro về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu mà DMA gây ra cho người dùng của chúng tôi.”
Phát ngôn viên này cho biết: “Trọng tâm của chúng tôi sẽ là cách giảm thiểu những tác động này và tiếp tục cung cấp những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất cho khách hàng Âu Châu.”
Meta đã tuyên bố rằng họ sẽ nghiên cứu thông báo của Hội đồng Âu Châu và sẽ tuân thủ, trong khi ByteDance nói với hãng thông tấn The Associated Press rằng họ không đồng ý với nhiều quy định trong bộ quy tắc mới.
Microsoft và Amazon đều đã công khai chấp nhận DMA và tuyên bố rằng họ sẽ làm việc với Hội đồng Âu Châu để thực hiện luật này.
Sự tham gia miễn cưỡng của nền tảng mạng xã hội X của ông Elon Musk với những quy định mới đang gây ra một số lo ngại trong khối.
Các nhà giám sát của EU cho biết ông Musk đã không tuân thủ DMA và không thực hiện nghiêm túc cuộc chiến chống lại “thông tin sai lệch” của Brussels.
Ông Musk đã đăng bài vào tháng trước rằng X đang “nỗ lực” tuân thủ bộ quy tắc này sau khi tham gia một “bài kiểm sức chịu đựng” về việc tuân thủ của EU vài tháng trước.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times