G20 công bố kế hoạch áp dụng tiền tệ và ID kỹ thuật số trên toàn thế giới
G20 công bố kế hoạch cho các chính phủ áp dụng thẻ căn cước và tiền kỹ thuật số
Các nhà lãnh đạo G20 đã đồng ý một kế hoạch là sẽ áp dụng thẻ căn cước (ID) và tiền kỹ thuật số cho người dân quốc gia của họ mặc dù có những lo ngại rằng các chính phủ sẽ sử dụng những thứ này để giám sát chi tiêu của người dân và đàn áp những người bất đồng chính kiến.
G20, hiện do Ấn Độ làm chủ tịch, đã thông qua tuyên bố cuối cùng về chủ đề này vào cuối tuần qua tại New Delhi.
Cuộc họp với sự tham gia của các nền kinh tế hàng đầu thế giới, đã công bố rằng họ đã đồng ý xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để khai triển thẻ căn cước và tiền kỹ thuật số.
Nhóm này cho biết các cuộc thảo luận đã được tiến hành để tạo ra các quy định quốc tế về mã kim, nhưng lại tuyên bố rằng tại hội nghị thượng đỉnh, “không có cuộc hội đàm nào về việc cấm mã kim.”
Nhiều nhà phê bình lo ngại rằng chính phủ và ngân hàng trung ương rồi cũng sẽ quản lý mã kim (cryptocurrency) và sau đó nhanh chóng thay thế bằng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC), vốn là loại tiền thiếu quyền riêng tư cũng như bảo mật.
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết, các cuộc thảo luận đang được tiến hành để xây dựng một khuôn khổ toàn cầu nhằm quản lý tài sản mã kim vì họ tin rằng mã kim không thể được quản lý một cách hiệu quả nếu không có sự hợp tác quốc tế tổng thể.
Bà Sitharaman cho biết trước cuộc họp G20: “Chủ tịch [G20] của Ấn Độ đã đưa ra bàn thảo các vấn đề chính liên quan đến quy định hoặc hiểu rằng cần có một khuôn khổ để giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản mã kim.”
Các hạng mục hàng đầu được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh New Delhi bao gồm “xây dựng Cơ sở hạ tầng Công cộng Kỹ thuật số, Nền kinh tế Kỹ thuật số, Tài sản mã kim, [Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương].”
Bà Gita Gopinath, phó giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết trong một video đăng trên X rằng, G20 “đã giúp hình thành một quan điểm toàn cầu về cách mà các nhà hoạch định chính sách cần giải quyết tài sản mã kim.”
Bà cũng cam đoan với Business Today rằng tại các cuộc thảo luận, “không có cuộc hội đàm nào về việc cấm mã kim, hay cho thấy sự đồng thuận toàn cầu chống lại các quy định đó.”
Tuy nhiên, một số đề nghị kêu gọi tăng cường kiểm soát mã kim, vốn được phi tập trung hóa và không hoạt động dưới sự kiểm soát của các ngân hàng trung ương.
Các nhà phê bình nói rằng những đề xướng này có thể cho phép các cơ quan chính phủ áp đặt hệ thống chấm điểm tín dụng xã hội và quyết định cách mà công dân của họ có thể chi tiêu tiền.
Chủ tịch Ủy ban Âu Châu nhấn mạnh lại sự cần thiết để có ID kỹ thuật số
Tại hội nghị thượng đỉnh, Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen đã kêu gọi thành lập một cơ quan quản lý quốc tế về trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống ID kỹ thuật số tương tự như sổ thông hành vaccine virus corona và ủng hộ hợp tác toàn cầu để giải quyết những thách thức do AI đặt ra.
Bà kêu gọi Liên Hiệp Quốc phải có một vai trò trong quy định về AI và gọi chứng nhận COVID-19 bằng kỹ thuật số của Liên minh Âu Châu là mô hình hoàn hảo cho cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số (DPI), kể cả ID kỹ thuật số.
“Rất nhiều người trong quý vị đây đã quen thuộc với chứng nhận COVID-19 bằng kỹ thuật số. EU đã phát triển mô hình này cho riêng mình. Mô hình này rất hữu ích và đáng tin cậy đến mức 51 quốc gia trên 4 châu lục đã áp dụng miễn phí,” Chủ tịch Von der Leyen cho biết.
“Ngày nay, WHO sử dụng chứng nhận này như một tiêu chuẩn toàn cầu để tạo thuận tiện cho việc di chuyển trong thời điểm có các mối đe dọa về sức khỏe. Tôi muốn cảm ơn Tiến sĩ Tedros một lần nữa vì sự hợp tác tuyệt vời này,” bà nói, đề cập đến Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Liên minh Âu Châu hiện đang cố gắng đệ trình một app “nhận dạng kỹ thuật số” trên toàn khối nhằm hợp nhất nhiều thông tin cá nhân khác nhau, trong đó có sổ thông hành, bằng lái xe, và hồ sơ y tế.
“Tương lai là kỹ thuật số. Tôi đã chuyển hai thông điệp tới G20. Chúng ta nên thiết lập một khuôn khổ AI an toàn, có trách nhiệm cho vấn đề khí hậu với một cơ quan tương tự như IPCC. Cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số là động lực thúc đẩy tăng trưởng. Các cơ sở này phải đáng tin cậy, có thể tiếp xúc và mở rộng với tất cả mọi người,” Chủ tịch von der Leyen nói trong một bài đăng trên mạng xã hội. IPCC là Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu.
Thiếu sự ủng hộ từ công chúng
Khảo sát quốc gia về CBDC năm 2023 của Viện Cato từ tháng Năm cho thấy chỉ 16% người Mỹ ủng hộ việc áp dụng CBDC. Tối thiểu 68% số người được hỏi cho biết họ sẽ phản đối CBDC nếu chính phủ bắt đầu giám sát việc mua hàng của họ.
Hầu hết các thành viên Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa đều lo ngại rằng chính phủ có thể kiểm soát việc mọi người chi tiền vào việc gì và có thể sẽ ngăn chặn quyền truy cập vào trương mục ngân hàng của họ.
Chính phủ chuẩn bị hướng đi cho CBDC
Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva đã ca ngợi những người đồng cấp Ấn Độ của mình thông qua X (trước đây là Twitter) vì đã đi đầu trong việc “thiết lập lộ trình cho các quy định về mã kim.”
Bà cho biết IMF cũng đang “đóng góp vào các đề xướng về một khuôn khổ chính sách toàn diện.”
Trong một thông cáo báo chí khác, bà Georgieva cho biết, “còn rất nhiều việc ở phía trước, trong đó gồm cả lĩnh vực tiền kỹ thuật số và tài sản mã kim.”
“Để đạt được mục tiêu này, G20 đã giao nhiệm vụ cho các tổ chức liên quan cải thiện quy định và giám sát tài sản mã kim — IMF đang đóng góp vào các đề xướng về khuôn khổ chính sách toàn diện — và thúc đẩy cuộc tranh luận về cách mà tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương có thể tác động đến nền kinh tế và hệ thống tài chính toàn cầu,” bà nói thêm.
Giám đốc IMF đề nghị rằng thay vì công nhận tài sản mã kim là tài sản hợp pháp, thì các chính phủ nên tạo ra các tiến trình cấp phép và ghi danh cho các tổ chức phát hành tài sản mã kim và tập trung vào việc giải quyết các hoạt động của họ theo cách tương tự.
Một số nền kinh tế lớn, trong đó có Nhật Bản và Nga, sẽ khai triển CBDC thí điểm trong năm nay.
Nigeria đã ra mắt eNaira, một CBDC được phát hành đầu tiên trên thế giới, nhưng có vẻ như đồng tiền này không được ưa chuộng.
Chưa đến 0.5% công dân cho biết họ đã sử dụng tiền kỹ thuật số, và những nỗ lực của chính phủ nhằm khuyến khích việc sử dụng đồng tiền này đã thất bại.
‘Stack của Ấn Độ’
Trong một báo cáo viết cho hội nghị thượng đỉnh G20, Ngân hàng Thế giới cũng ca ngợi việc Ấn Độ sử dụng cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số để “tăng cường hòa nhập tài chính” và cung cấp hàng hóa và dịch vụ công cộng.
Hệ thống DPI của Ấn Độ có tên là India Stack, bao gồm ID kỹ thuật số Aadhaar và nền tảng thanh toán kỹ thuật số UPI có thể tiếp xúc, đã được trích dẫn làm ví dụ trong báo cáo.
G20 tin rằng các DPI có thể phục vụ người dân không chỉ trong lĩnh vực tài chính mà còn trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, và phúc lợi xã hội.
“India Stack minh họa cho cách tiếp cận này, kết hợp ID kỹ thuật số, thanh toán có thể tiếp xúc, sổ cái thông tin xác thực kỹ thuật số, và tổng hợp trương mục. Chỉ trong sáu năm, app này đã đạt được tỷ lệ tài chính toàn diện đáng chú ý là 80% – một kỳ tích mà lẽ ra phải mất gần 5 thập niên nếu không có cách tiếp cận của DPI,” Nữ hoàng Maxima của Hà Lan, người viết lời ngỏ của báo cáo, cho biết.
Nữ hoàng là Người ủng hộ Đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về Tài chính Toàn diện cho Phát triển (UNSGSA) và là một trong những diễn giả tại cuộc họp thường niên của Ngân hàng Thế giới IMF tại Hoa Thịnh Đốn hồn năm ngoái (2022).
“Nếu được thiết kế phù hợp, CBDC có thể hứa hẹn sẽ trợ giúp một hệ thống tài chính kỹ thuật số phù hợp với tất cả mọi người. Tuy nhiên đó là một chữ ‘nếu’ quan trọng,” Nữ hoàng Maxima cho biết và nói thêm rằng, “Nếu được thiết kế và khai triển có tính đến sự hòa nhập, CBDC có thể mang đến nhiều lựa chọn để mở rộng khả năng tiếp cận cho những người không có trương mục ngân hàng và phục vụ những người dễ bị tổn thương và người nghèo.”
Tuy nhiên, những tuyên bố ủng hộ kế hoạch này của bà đã bị một số người trong cuộc tranh luận về số hóa ở Hà Lan chỉ trích vì vi phạm quy tắc liên quan đến vai trò của chế độ quân chủ Hà Lan trong chính trị.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times