Ông Elon Musk: Đổi tên thương hiệu Twitter thành X là một bước đi hướng tới ‘app cho mọi thứ’
Ông Elon Musk cho biết việc đổi thương hiệu Twitter thành X chỉ là một bước để biến nền tảng truyền thông xã hội này thành cái mà ông gọi là “app cho mọi thứ.”
Ông Musk viết trong một bài đăng trên Twitter hôm 24/07, “X Corp đã mua lại Twitter để bảo đảm quyền tự do ngôn luận và là một bước thúc đẩy đến X, app cho mọi thứ. Đây không chỉ đơn giản là việc một công ty tự đổi tên cho mình, nhưng vẫn hoạt động như cũ.”
Hôm thứ Hai (24/07), Twitter đã bắt đầu thay thế logo con chim xanh mang tính biểu tượng của mình bằng một chữ cái cách điệu duy nhất là X. Trong khi đó, tên miền web X.com hiện chuyển hướng khách truy cập đến Twitter.com.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Musk chia sẻ tầm nhìn của mình về hướng phát triển của Twitter. Chỉ vài tuần trước khi hoàn tất giao dịch mua Twitter trị giá 44 tỷ USD của mình, ông đã tweet rằng “việc mua Twitter là một bước thúc đẩy để tạo ra X, app cho mọi thứ.”
Ông Musk nói thêm, “Cái tên Twitter đã có ý nghĩa khi quanh đi quẩn lại đây chỉ là những tin nhắn 140 ký tự — giống như tiếng chim hót líu lo — nhưng giờ đây quý vị có thể đăng hầu hết mọi thứ, kể cả video dài vài giờ.”
Chủ sở hữu Twitter tuyên bố sẽ sớm bổ sung thêm nhiều tính năng cho ứng dụng này.
“Trong những tháng tới, chúng tôi sẽ bổ sung các thông tin liên lạc toàn diện và khả năng điều hành toàn bộ thế giới tài chính của quý vị,” ông Musk nói thêm. “Cái tên Twitter không có ý nghĩa gì trong bối cảnh đó, vì vậy chúng tôi phải vĩnh biệt chú chim này.”
‘Hệ sinh thái đáng chú ý’
Kể từ khi tiếp nhận Twitter, ông Musk đã thực hiện một số thay đổi. Giờ đây, những người tạo nội dung đáp ứng các tiêu chí nhất định sẽ đủ điều kiện để nhận một phần doanh thu quảng cáo của công ty. Người dùng cũng có tùy chọn để được đánh dấu xác thực trong Twitter Blue, một chương trình ghi danh trả phí hàng tháng tự nguyện.
Hôm thứ Ba (25/07), ông Dinesh D’Souza, một tác giả kiêm nhà làm phim, đã nói trong podcast của mình rằng ông hình dung ứng dụng Twitter sẽ trở thành như thế nào, đặc biệt là ứng dụng sẽ phát triển như thế nào với các tùy chọn thanh toán.
Ông D’Souza nói: “Vì vậy, Twitter trở thành giống như ứng dụng tài chính, quý vị có thể ghi có cho trương mục tiền của mình trên một tính năng của Twitter, quý vị có thể thực hiện các giao dịch.”
Ông nói thêm, “Chắc là ông Elon Musk đang cố gắng khiến nhiều ngân hàng ngừng kinh doanh đây, vì xét cho cùng thì các ngân hàng đều có cơ sở vật chất truyền thống, họ có các giao dịch viên, họ tính phí giao dịch. Và ý tưởng ở đây là quý vị loại bỏ tất cả những thứ đó — quý vị khiến cho toàn bộ ngành đó dùng điện tử, và quý vị sẽ có tất cả mọi thứ tại chỗ.”
Ông dự đoán rằng Twitter sẽ cố gắng “hợp nhất tài chính của mọi người vào một ứng dụng duy nhất.”
Theo ông D’Souza, nếu ông Musk có thể hoàn thành các kế hoạch đầy tham vọng của mình đối với Twitter, thì sẽ không còn ai thắc mắc liệu người đứng đầu Tesla này đã trả quá nhiều tiền để mua nền tảng mạng xã hội này hồi năm ngoái.
Ông kết luận, “Nếu ông ấy có năng lực để phát triển Twitter thành hệ sinh thái tài chính, video, và truyền thông đáng chú ý như thế này, cũng như động từ tweet cũ độc đáo, mà tôi đoán bây giờ đổi tên mới nên sẽ được thay bằng động từ X, thì khi suy xét lại, có lẽ ông Elon Musk đã trả quá ít cho Twitter mới đúng.”
‘Mô hình hay’
Thật ra nhiều tháng trước vụ mua lại, ông Musk đã chia sẻ tầm nhìn của mình về Twitter.
Trong All-In Sumit hồi tháng 05/2022, ông Musk cho biết ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến của Trung Quốc WeChat có thể là “một mô hình hay” nếu ông có thể mua Twitter với giá hợp lý.
“Nếu quý vị ở Trung Quốc, thì về cơ bản cứ như là quý vị sống trên WeChat,” ông Musk nói. “Ứng dụng này làm được mọi thứ — giống như Twitter, cộng với PayPal, cộng với rất nhiều thứ, và tất cả được hợp nhất thành một, với một giao diện thực sự tuyệt vời.”
Ông cho biết thêm, “Đây đúng là một ứng dụng xuất sắc, và chúng ta không có ứng dụng nào như vậy bên ngoài Trung Quốc. Một ứng dụng như vậy sẽ rất hữu dụng.”
Ông John Mac Ghlionn, một nhà nghiên cứu và là cộng tác viên của Epoch Times, đã viết trong một bài bình luận phát hành hồi tháng Sáu rằng người Mỹ nên lo lắng nếu họ sắp sử dụng một “app cho mọi thứ” hay còn gọi “siêu ứng dụng” do ông Musk thiết kế. Ông đặt câu hỏi tại sao mọi người nên tin tưởng giao thông tin cá nhân của họ cho ông Musk.
Ông Ghlionn viết, “Khi xét đến mối liên hệ của ông Musk với Trung Quốc, thì bằng chứng là không thể chối cãi. Suy cho cùng, có hàng chục ngàn chiếc Tesla được sản xuất tại Trung Quốc mỗi tháng. Hơn nữa, Tencent Holdings Ltd., công ty đứng sau WeChat, sở hữu một cổ phần khá lớn trong Tesla.”
Tuy rằng một siêu ứng dụng mang lại sự tiện lợi tuyệt vời, nhưng ông Ghlionn cũng cảnh báo điều này cũng đi kèm với cái giá phải trả.
Ông giải thích: “Hãy tưởng tượng rằng nếu tin tặc có quyền truy cập vào trương mục siêu ứng dụng của quý vị. Tất cả mọi thứ, từ tin nhắn và hình ảnh riêng tư cho đến chi tiết trương mục ngân hàng của quý vị đều bị tiết lộ.”
“Đây chỉ là một số vấn đề mà một siêu ứng dụng có thể tạo ra. Ông Musk muốn biến X thành hiện thực, nhưng chúng ta có quyền đặt câu hỏi liệu chúng ta có thực sự muốn trở thành một phần trong giấc mơ công nghệ của ông ấy hay không. Về phần tôi thì không.”
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times