Tướng Mỹ: Nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập là ‘một thách thức lớn đối với thế giới tự do’
Theo lời của Tướng Không quân đã về hưu Robert Spalding, bằng việc nắm giữ nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang cho thế giới thấy tầm nhìn của ông ấy về Trung Quốc: một tầm nhìn hiếu chiến hơn và trái ngược với các giá trị của thế giới tự do.
Ông Spalding, từng là một giám đốc cao cấp về hoạch định chiến lược thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời chính phủ Tổng thống Trump, nói với nói với Newsmakers, một chương trình do The Epoch Times và NTD đồng sản xuất: “Trung Quốc sẽ hung hăng hơn nhiều, cả về quân sự lẫn chính sách ngoại giao, và tôi nghĩ đây sẽ là một thách thức lớn đối với thế giới tự do.”
Theo nhận định của ông, một ví dụ rõ ràng về một trò chơi quyền lực là việc ông Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm trực tiếp của ông Tập, bị hộ tống khỏi hội trường tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 hồi cuối tuần qua (22-23/10), khi ông Tập sắp xếp các vị trí lãnh đạo chủ chốt với những người trung thành.
Ông Hồ, chuẩn bị bước sang tuổi 80 vào tháng 12, đã được hộ tống ra khỏi hàng ghế đầu tiên, trước sự chứng kiến của hơn 2,000 người tham dự, bất chấp sự kinh ngạc hiện rõ trên khuôn mặt của ông. Có lúc, một nhân viên đã cố gắng đỡ ông rời khỏi chỗ ngồi của mình.
Theo ông Spalding, cảnh đó gợi lại những kỷ niệm về chuyến công du hồi năm 2016 của Tổng thống Barack Obama đến Trung Quốc để tham dự cuộc họp thượng đỉnh của khối G20, khi đó cựu tổng thống bị từ chối màn tiếp đón điển hình trên thảm đỏ và thay vào đó bị buộc phải đi qua phía sau để vào chỗ của mình.
Lúc đó, các quan chức Hoa Kỳ đã cho rằng “đó chỉ là vấn đề phục vụ hậu cần,” nhưng những nhận định như vậy “cho thấy một ấn tượng sai lầm về những gì Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ làm,” ông nói.
“Về phương diện biên soạn kịch bản, những sự kiện này được lên kịch bản hoàn hảo. Chúng được biên đạo hoàn hảo, mọi diễn biến đều được biết trước,” ông nói.
Ông Spalding nhận định, trong trường hợp của ông Obama, Bắc Kinh “muốn làm ông ấy bẽ mặt,” và trong trường hợp của ông Hồ, bằng cách cho một nhân viên phục vụ nâng đỡ và dẫn ông ấy rời đi, hiển nhiên đó là sự thị uy sức mạnh chính trị.
“Đó là thông điệp rằng ông Tập đang nắm quyền, và ông ấy sẽ không dung thứ cho bất cứ sự bất đồng nào với các chính sách của mình.”
Tuy nhiên, ông Spalding nhìn thấy được một phương diện lạc quan trong việc mở rộng quyền lực của ông Tập. “Tin tốt lành là chúng ta thực sự có thể thấy rất rõ ràng Trung Quốc sẽ là quốc gia như thế nào,” ông nói. “Đất nước này sẽ trở thành độc tài toàn trị. Đất nước này sẽ không dựa trên kinh tế thị trường.”
Theo ông Spalding, điều này có thể giúp thúc đẩy một sự thay đổi trong cộng đồng doanh nghiệp vốn đang phản kháng lại lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.
“Giờ đây, khi cộng đồng doanh nghiệp hiểu rằng không còn kiếm được tiền ở Trung Quốc nữa, thì quý vị sẽ phải đi đến một nơi khác” — tức là các xã hội tự do như Mỹ, ông nói.
Và ông Spalding tin rằng việc tái thiết sức mạnh kinh tế nên là một ưu tiên đối với Mỹ.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times