Chân dung 7 nhân vật sẽ cai trị Trung Quốc
Bảy ủy viên sải bước trên thảm đỏ tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 23/10 với sự dẫn đầu của ông Tập Cận Bình tiết lộ thế hệ mới của ban lãnh đạo tối cao sẽ cai trị Trung Quốc.
Những quan chức quyền lực này sẽ trở thành các ủy viên trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Sau các cuộc họp kín với khoảng 370 đại diện Đảng bộ các cấp được tuyển lựa kỹ càng để ‘bầu ra’ ủy viên cho Ban Thường vụ khóa 20, thì Chủ tịch Tập đương nhiệm lại một lần nữa dẫn dắt cơ quan này.
Đội hình nhân sự sau khi Đại hội Đảng khóa 20 kết thúc thể hiện sự củng cố quyền lực hơn nữa của ông Tập, trong đó tất cả bốn ủy viên mới được bổ nhiệm đều là người được ông Tập đỡ đầu và là đồng minh của ông.
Sau đây là những thành viên sẽ điều hành Đảng trong nhiệm kỳ 5 năm tới.
Ông Tập Cận Bình
Ông Tập đã xác lập nhiệm kỳ tổng bí thư thứ ba kéo dài 5 năm của mình, một kỳ tích mà không ai có thể đạt được kể từ thời ông Mao Trạch Đông. Ông Mao đã cai trị đất nước trong 27 năm cho đến khi ông qua đời vào năm 1976.
Ông Tập vẫn sẽ là Chủ tịch Quân ủy Trung ương và gần như chắc chắn vẫn sẽ là Chủ tịch nước, một chức vụ sẽ được công bố vào kỳ họp của cơ quan pháp bù nhìn vào mùa xuân tới (2023). Ông đã xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ bằng cách sửa đổi hiến pháp vào năm 2018.
Việc không có người kế nhiệm khả dĩ cho nhà lãnh đạo 69 tuổi cho thấy ông có thể có ý định kéo dài nhiệm kỳ của mình hơn nữa, như thường lệ sẽ kết thúc vào năm 2027.
Lần đầu tiên ông Tập tham gia Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị là năm 2007, rõ ràng từ độ tuổi của ông và từ cấu trúc của ủy ban rằng ông sẽ thay thế lãnh đạo Đảng lúc bấy giờ là Hồ Cẩm Đào khi nhiệm kỳ của ông Hồ kết thúc vào năm 2012.
Bây giờ, năm trong số bảy thành viên Ủy ban Thường vụ, kể cả ông Tập, đều đã trên 65 tuổi, trong đó ông Đinh Tiết Tường (Ding Xuexiang), 60 tuổi, hiện là gương mặt trẻ nhất. Điều đó có nghĩa là không ai trong số họ đủ trẻ để đảm nhận vị trí lãnh đạo Đảng vào năm 2027. Tiêu chuẩn bất thành văn mấy chục năm nay của ĐCSTQ quy định rằng những người từ 68 tuổi trở lên vào thời điểm diễn ra Đại hội không thể tái đắc cử, mà sẽ về hưu.
Ông Lý Cường
Tiếp quản vị trí quan trọng thứ nhì trong Đảng là ông Lý Cường (Li Qiang), Bí thư Thành ủy Thượng Hải. Vị trí quyền lực nhất của trung tâm tài chính thường được xem là bước đệm cho cơ quan ra quyết định hàng đầu của ĐCSTQ. Người tiền nhiệm của ông Lý, ông Hàn Chính (Han Zheng), đã được tiến cử vào Ban Thường vụ hồi năm 2017.
Nhưng vào đầu năm nay, nhiều đồn đoán cho rằng sự nghiệp chính trị của ông Lý đã sụp đổ vì đợt phong tỏa COVID-19 ở Thượng Hải. Hai tháng bị giam hãm trong nhà, 25 triệu cư dân của thành phố này đã phải chật vật để có được thực phẩm và thuốc men, điều này khiến dân chúng phẫn nộ và kích khởi nhiều cuộc biểu tình quy mô nhỏ.
Sự thăng cấp chính trị của ông Lý cho thấy “tiêu chí của ông Tập Cận Bình là phải có liên hệ với ông ta, phải tuyệt đối trung thành với ông ta, và phải phục tùng ông ta,” ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), giáo sư của trung tâm nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Công nghệ Sydney, cho biết.
Vị cán sự 63 tuổi này là đồng minh thân cận của ông Tập. Thời ông Tập còn là bí thư tỉnh ủy tỉnh Chiết Giang, ông Lý được điều về làm Bí thư Thị ủy Ôn Châu, một thành phố lớn ở Chiết Giang. Năm 2004, ông Lý được thăng lên chức Thư ký trưởng tỉnh ủy Chiết Giang, trở thành cánh tay phải đắc lực của ông Tập.
Sau khi ông Tập lên nắm quyền tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc khóa 18 vào năm 2012, ông đã tiến cử ông Lý vào chức vụ Tỉnh trưởng tỉnh Chiết Giang. Ba năm sau, ông Lý trở thành Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô, vị trí cao nhất tại tỉnh ven biển giàu có tiếp giáp Thượng Hải. Năm 2017, ông Lý trở thành Bí thư Thành ủy Thượng Hải. Giờ đây, ông Lý được nhiều người dự đoán sẽ là thủ tướng tiếp theo của đất nước.
Ông Triệu Lạc Tế
Người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng Triệu Lạc Tế (Zhao Leji) là một trong hai người vẫn tiếp tục vị trí của mình trong Ban Thường vụ. Gần đây nhất, ông Triệu đã lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, động lực nằm sau chiến dịch của ông Tập nhằm loại bỏ bè cánh của đối thủ chính trị — cụ thể là các quan chức vẫn trung thành với cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân.
Người đàn ông 65 tuổi này cũng từng là Trưởng Ban tổ chức Trung ương, một cơ quan quyền lực chịu trách nhiệm bổ nhiệm công vụ viên cao cấp. Theo Viện Brookings, ông Triệu đã nâng đỡ cho nhiều đồng minh của ông Tập.
Ông Triệu bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình ở tỉnh Thanh Hải phía tây bắc, nơi ông sinh ra, và sau đó làm việc trong bộ máy hành chính của tỉnh. Ông trở thành Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hải vào năm 2003. Sau đó, ông Triệu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thiểm Tây trước khi đến Bắc Kinh vào năm 2012.
Ông Vương Hỗ Ninh
Một người khác vẫn giữ được vị trí trong cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là ông Vương Hỗ Ninh (Wang Huning), một nhà lý luận kỳ cựu.
Ông Vương, 67 tuổi, là một nhân vật chính trị hiếm hoi từng phục vụ ba vị Chủ tịch Đảng trong bối cảnh đấu tranh chính trị nội bộ khốc liệt và đợt cải tổ ban lãnh đạo cốt cán được tổ chức 5 năm một lần.
“Ông [Vương] không trung thành với bất kỳ nhà lãnh đạo nào,” ông Phùng nói với The Epoch Times. “Ông ấy chỉ là một nhà lý luận mà Đảng thấy hữu ích.”
Vị cựu giáo sư kiêm chủ nhiệm khoa luật tại Đại học Phúc Đán đã khởi thảo các tư tưởng cốt lõi cho ba nhà lãnh đạo, từ tư tưởng Ba đại diện của ông Giang Trạch Dân, đến Quan điểm Phát triển Khoa học của ông Hồ Cẩm Đào, đến Tư tưởng Tập Cận Bình.
“Sự hiện diện của ông Vương Hỗ Ninh cũng chỉ cho tôi thấy rằng hệ tư tưởng lệch lạc của Đảng và ông Tập sẽ tiếp tục và thậm chí còn sâu sắc hơn nữa”, ông Dylan Loh, giáo sư phụ tá tại Đại học Công nghệ Nam Dương, nói với Reuters.
Ông Thái Kỳ
Là người mới gia nhập Ban thường vụ ưu tú, ông Thái Kỳ (Cai Qi) đã biết ông Tập hơn hai thập niên. Ông Thái làm việc dưới thời ông Tập khi ông giữ các chức vụ lãnh đạo ở tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Chiết Giang. Sau khi ông Tập lên nắm quyền, ông Thái đã được điều về thủ đô Bắc Kinh trước khi trở thành Bí thư Thành ủy của thành phố này vào năm 2017. Cũng trong năm đó, ông được bầu vào Bộ Chính trị, bất chấp sự phẫn nộ của công chúng về việc ông cưỡng bức trục xuất người lao động nhập cư ở ngoại ô Bắc Kinh.
Vào ngày 30/10 tới, ông Thái sẽ nhậm chức Bí thư thứ nhất của Ban Bí thư, giám sát hoạt động tuyên truyền và tư tưởng của Đảng.
Ông Đinh Tiết Tường
Là cánh tay phải của ông Tập, việc ông Đinh Tiết Tường (Ding Xuexiang) được bầu vào Ban Thường vụ không có gì ngạc nhiên đối với giới quan sát, mặc dù ông chưa từng là bí thư cấp tỉnh.
Mối quan hệ của ông Đinh với ông Tập có thể bắt đầu từ năm 2007. Ông Đinh là trưởng ban thư ký thành ủy đồng thời là phụ tá riêng của ông Tập trong khoảng thời gian ngắn ông Tập đảm nhiệm chức Bí thư Thành ủy Thượng Hải. Năm 2013, chỉ vài tháng sau khi ông Tập nhậm chức, ông Đinh được điều chuyển đến Bắc Kinh lần đầu tiên với tư cách là Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng, sau đó lên làm chủ nhiệm của văn phòng quyền lực chuyên quản lý các công việc hành chính của ban lãnh đạo Đảng.
Người đàn ông 60 tuổi này đã tháp tùng ông Tập trong nhiều chuyến công du ngoại quốc.
“Ông [Đinh] có lẽ đã dành nhiều thời gian bên ông Tập Cận Bình hơn bất kỳ quan chức nào khác trong 5 năm qua,” ông Neil Thomas, nhà phân tích cao cấp về Trung Quốc và Đông Bắc Á tại Tổ chức Á-Âu, nói với Reuters.
Ông Lý Hi
Ông Lý Hi (Li Xi), Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Đông dẫn đầu nền kinh tế Trung Quốc ở phía Nam, cũng là một gương mặt mới trong Ban Thường vụ. Theo Viện Brookings, mối liên hệ của người đàn ông 66 tuổi này với ông Tập có thể bắt nguồn từ mối liên hệ gián tiếp với người cha đã quá cố của ông Tập, ông Tập Trọng Huân, một nhà cách mạng của Đảng.
Ông Lý đã dành phần lớn thời gian trong ba mươi năm đầu tiên trong sự nghiệp của mình ở phía Tây Bắc Trung Quốc, ở tỉnh Cam Túc và tỉnh lân cận Thiểm Tây. Năm 2015, ông Lý được bổ nhiệm vào chức Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh, tây bắc Trung Quốc.
“Với tư cách là Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh, ông Lý Hi nổi tiếng với lập trường chống tham nhũng cứng rắn và nhiệt tình ủng hộ lời kêu gọi của ông Tập về thực thi kỷ luật Đảng nghiêm minh hơn,” ông Lý Thành (Cheng Li), giám đốc Trung tâm Trung Quốc John L. Thornton thuộc Viện Brookings, nói với Reuters.
Sau khi Đại hội Đảng khóa 20 kết thúc, ông Lý sẽ thay ông Triệu Lạc Tế làm lãnh đạo cơ quan chống tham nhũng. Các nhà phân tích cho rằng sự thăng tiến chính trị của ông Lý phản ánh kế hoạch của ông Tập trong việc tăng cường chống tham nhũng trong 5 năm tới.
Bản tin có sự đóng góp của Lạc Á, Ninh Hải Chung, Annie Wu, và Reuters
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times