Nhà phân tích: Việc ông Tập củng cố quyền lực báo hiệu một Trung Quốc hung hãn hơn
Hồi tháng Chín, Tổng thống Biden đã tuyên bố trước Liên Hiệp Quốc rằng, Hoa Kỳ “không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”, dù là với chính quyền Trung Quốc hay với Nga.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích Trung Quốc, việc lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình củng cố quyền lực trong một cuộc cải tổ chính trị được tổ chức 5 năm một lần chắc chắn sẽ làm sâu sắc hơn sự cạnh tranh giữa hai quốc gia và làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh lạnh.
Ông Tập đã giành được nhiệm kỳ 5 năm cầm quyền lần thứ ba chưa từng có hôm 23/10 sau phiên bế mạc của Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ông Tập cũng đã thành công trong việc cài cắm đồng minh của mình vào các cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đảng.
Theo các nhà phân tích, sau sự củng cố quyền lực này thì Hoa Kỳ và phương Tây sẽ phải đối mặt với viễn cảnh về một Trung Quốc ngày càng hung hãn hơn. Điều này một phần là do ông Tập, nhà lãnh đạo quyền lực nhất của chế độ kể từ thời ông Mao Trạch Đông, hiện xem trọng hệ tư tưởng hơn là tìm cách giải quyết vấn nạn thực tế mà đất nước gặp phải.
“Khi chính trị và hệ tư tưởng hoàn toàn lấn át nền kinh tế, thì không gian hợp tác [giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn] sẽ thu hẹp lại,” ông Thẩm Vinh Khâm (Shen Jung-chin), giáo sư phụ tá tại Viện Nghiên cứu Hành chính thuộc Đại học York của Canada, nói với The Epoch Times. “Điều đó có nghĩa là sẽ có sự đối đầu và cạnh tranh khốc liệt.”
Xem trọng an ninh hơn kinh tế
Theo ông Thẩm, việc sử dụng từ “an ninh” và “chủ nghĩa xã hội” với tần suất cao trong báo cáo của Đại hội Đảng khóa 20 cho thấy an ninh quốc gia đang là vấn đề trọng tâm ở Trung Quốc. Năm nay là lần đầu tiên bản báo cáo này dành riêng một phần tập trung nhấn mạnh vấn đề an ninh quốc gia. Theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, báo cáo này đã có 91 lần đề cập đến từ “an ninh”, tăng từ 54 lần trong báo cáo Đại hội Đảng khóa 19.
Mặc dù báo cáo Đại hội Đảng khóa 20 cam kết rằng cải tổ thị trường vẫn là “chính sách căn bản của nhà nước”, nhưng ông Thẩm cho biết các đề cập đến “cải tổ”, “thị trường”, và “kinh tế” ít được nhấn mạnh hơn trong văn kiện mang tính bước ngoặt này so với báo cáo của khóa trước.
Ông Thẩm cũng lưu ý rằng trong phiên bản thuyết nói của báo cáo được ông Tập trình bày tại lễ khai mạc đại hội hôm 16/10, không có dòng nào đề cập đến việc nhà cầm quyền sẽ nới lỏng chính sách “zero COVID”, mặc dù biện pháp giải quyết đại dịch hà khắc này đã gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế Trung Quốc.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý ba của Trung Quốc tăng 3.9% so với cùng kỳ năm ngoái, khả quan hơn dự kiến nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu cả năm chính thức của Bắc Kinh là “khoảng 5.5%” — đây là mục tiêu thấp nhất của họ trong gần ba thập niên. Ông Thẩm cho hay, thành tích kinh tế yếu kém này được đưa ra trong bối cảnh đất nước đang gồng mình đối phó với cuộc khủng hoảng địa ốc, các đợt phong tỏa lặp đi lặp lại, và hạn chế COVID-19, cùng với nguy cơ của một cuộc suy thoái toàn cầu.
Sự bi quan đối với nền kinh tế Trung Quốc đã được phản ánh trong thành quả mà thị trường chứng khoán Trung Quốc đạt được sau khi ông Tập tuyên bố nhiệm kỳ thứ ba. Hôm 24/10, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 6.3%, mức thấp nhất kể từ tháng 04/2009. Chỉ số Hang Seng Tech Index giảm hơn 9%. Chỉ số Hang Seng China Enterprises, một thước đo chứng khoán Trung Quốc được niêm yết tại Hồng Kông, giảm 7.3%, đây là thành tích tồi tệ nhất sau một kỳ Đại hội Đảng kể từ năm 1994. Đây là ngày tồi tệ nhất đối với chứng khoán ở Hồng Kông kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, cùng lúc đó đồng nhân dân tệ trong nước cũng rớt giá, về mức thấp nhất kể từ tháng 01/2008.
Bất chấp nền kinh tế ì trệ của đất nước, bài diễn văn của ông Tập “tiết lộ rằng ĐCSTQ hiện đang đặt phát triển kinh tế ở vị trí thứ hai,” theo ông Thẩm.
“Hệ tư tưởng, đặc biệt là sự đối đầu với phương Tây, được nhấn mạnh hơn trong khuôn khổ [chính sách],” ông nói. “Một xu hướng như vậy thật đáng lo ngại.”
Trong báo cáo của đại hội, nhà cầm quyền cộng sản ám chỉ các quốc gia phương Tây đang tăng cường thực hiện các hành động nhằm chống lại các hành động gây hấn của Bắc Kinh bằng cách cảnh báo về những thách thức từ “một tình hình quốc tế khó khăn và phức tạp”. Báo cáo nói rằng “các nỗ lực từ bên ngoài nhằm trấn áp và kiềm chế Trung Quốc có thể leo thang bất cứ lúc nào”, nhưng không đề cập đích danh Hoa Kỳ hay các quốc gia khác.
Trong nhiệm kỳ của ông Tập, bang giao Trung-Mỹ đã xấu đi vì một loạt vấn đề, bao gồm các hành vi vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và Hồng Kông của nhà cầm quyền Trung Quốc, các hành động bành trướng chống lại Đài Loan, cũng như đánh cắp công nghệ tràn lan. Nhưng những căng thẳng như vậy vẫn khác với những căng thẳng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi Hoa Kỳ xa cách với Liên Xô, ông Thẩm lưu ý. Ngược lại, Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh có liên kết thương mại sâu sắc, phần lớn bắt nguồn từ các chính sách cải tổ kinh tế của nhà cầm quyền Trung Quốc được thực hiện trong những năm 1980.
Ông Thẩm nói, “Tuy nhiên, bây giờ, dường như ông Tập đang đi theo một hướng khác.”
Quyền cai trị độc tôn
Ông Tập, với gương mặt mỉm cười và vẫy tay, đã dẫn đầu đoàn ủy viên sáu người mặc đồ sẫm màu bước lên bục sân khấu trải thảm đỏ tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 23/10, gửi đi một thông điệp về gọng kìm ngày càng siết chặt của ông đối với Đảng và đất nước.
Ông Tập và sáu người đàn ông này chính là xương sống của Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định tối cao của Đảng, một nhóm hiện gồm toàn những nhân vật trung thành với ông Tập.
Sau kỳ đại hội kéo dài một tuần lễ, ông đã xác lập nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba của mình với tư cách là Tổng bí thư ĐCSTQ, một kỳ tích mà chưa người tiền nhiệm nào của ông đạt được kể từ thời cựu lãnh đạo Mao Trạch Đông, người đã cai trị đất nước trong 27 năm cho đến khi ông qua đời vào năm 1976. Việc không có người kế nhiệm tiềm năng để thay thế nhà lãnh đạo 69 tuổi này cho thấy rằng ông có thể có ý định kéo dài thêm nhiệm kỳ của mình, vốn sẽ kết thúc vào năm 2027.
Nhiệm kỳ mới phá vỡ tiền lệ của ông Tập nằm trong dự tính của nhiều người. Nhưng ngay cả các nhà phân tích kỳ cựu cũng không khỏi ngạc nhiên khi biết rằng thế hệ mới của tầng lớp cai trị Đảng lại bị thống trị bởi các đồng minh và người được vị lãnh đạo 69 tuổi này đỡ đầu.
Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), một chuyên gia về Trung Quốc sống tại Úc và nguyên là phó giáo sư tại Đại học Sư phạm Thủ đô ở Bắc Kinh, cho biết: “Ông Tập hiện đang kiểm soát hoàn toàn Ban Thường vụ Bộ Chính trị.”
Ngoại trừ hai quan chức cao cấp vẫn giữ chức vụ trong ban thường vụ, ông Lý nhấn mạnh rằng cả bốn thành viên mới được bổ nhiệm đều là đồng minh của ông Tập.
Theo ông Lý, những quan chức cao cấp này đã được bổ nhiệm vào các vị trí cao nhất của Đảng vì họ luôn nghiêm chỉnh thi hành các quyết định của ông Tập, bất kể công lao của họ là gì.
Nhà phân tích này lấy trường hợp của ông Lý Cường (Li Qiang), từng là cánh tay phải đắc lực của ông Tập, làm ví dụ. Với tư cách là Bí thư Thành ủy Thượng Hải, việc ông Lý thực hiện nghiêm chính sách zero COVID hà khắc khiến người dân và nền kinh tế của thành phố phải tìm mọi cách để chống chọi trong bối cảnh phong tỏa kéo dài hai tháng. Bị giam hãm trong nhà hoặc tại các trung tâm cách ly, 25 triệu cư dân của thành phố đã phải rất khó khăn để có được thực phẩm và được chăm sóc y tế, điều này khiến dân chúng phẫn nộ và châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình quy mô nhỏ. Những hạn chế gắt gao trong trung tâm tài chính này cũng gây ra thiệt hại lớn cho nền kinh tế của đất nước cũng như làm tổn hại nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sau sự kiện đó, có nhiều lời đồn đoán cho rằng sự nghiệp chính trị của ông Lý đã sụp đổ. Nhưng ông Lý hiện đang tiếp quản vị trí quan trọng thứ nhì trong Đảng và được cho là sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo.
Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), giáo sư của trung tâm nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Công nghệ Sydney cho biết: “Tiêu chí [bổ nhiệm quan chức] của ông Tập Cận Bình là phải có liên hệ với ông ta, phải tuyệt đối trung thành với ông ta, và phải phục tùng ông ta.”
Do đó, tiền đồ chính trị của các quan chức này phụ thuộc vào sự hỗ trợ tiếp tục của ông Tập.
Bản tin có sự đóng góp của Dịch Như, Lâm Sầm Tâm, Lạc Á, và Naveen Athrappully
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times