TT Biden khẳng định cam kết ‘vững chắc’ với Israel trong chuyến thăm của TT Herzog
Trong một cuộc gặp tại Tòa Bạch Ốc với Tổng thống (TT) Israel Isaac Herzog, Tổng thống Joe Biden đã tái khẳng định cam kết ủng hộ liên minh Hoa Kỳ-Israel.
“Tình yêu của tôi dành cho Israel là sâu sắc và bền lâu,” ông Biden nói hôm 18/07 khi ngồi cạnh ông Herzog. “Và như tôi đã khẳng định với Thủ tướng [Benjamin] Netanyahu ngày hôm qua, cam kết của Mỹ với Israel là không thay đổi. Và cam kết này là vững chắc.”
Ông Herzog đang ở Hoa Thịnh Đốn nhân lễ kỷ niệm 75 năm thành lập nhà nước Israel. Ông cũng sẽ gặp Phó Tổng thống Kamala Harris và diễn thuyết trước một phiên họp chung của Quốc hội.
Sau cuộc gặp trực tiếp với ông Biden, ông Herzog đã có những đánh giá tích cực về cuộc gặp này.
Ông Herzog nói với các phóng viên: “Các bạn thân mến, tôi đã có một cuộc gặp tuyệt vời với Tổng thống Biden. Tổng thống Biden là một người bạn lớn của nhà nước Israel.”
“Tôi nhớ cái cách ông ấy đã hạ cánh bằng Không Lực Một (Air Force One) ở Israel hồi tháng Bảy năm ngoái. Khi ông ấy đang đi xuống Không Lực Một, ông ấy vẫy tay với tôi và nói, ‘Tôi về rồi. Tôi trở về nhà rồi đây.’ Và thực sự, Tổng thống Biden đã nhắc lại cam kết vững chắc, tình bạn và tình yêu của ông đối với nhà nước Israel cũng như sự ủng hộ của ông đối với nhà nước Israel.”
Những nhận xét của cả hai người đàn ông này có lẽ muốn chống lại những lời chỉ trích từ cả cánh hữu và cánh tả về những gì dường như là một chuyến thăm ngoại giao thông thường. Nhưng thay vì thế, điều này lại tạo ra một cơ hội cho các đối thủ chính trị đặt câu hỏi về thái độ của ông Biden đối với một đồng minh lâu năm của Hoa Kỳ và để các thành viên trong đảng của ông lên tiếng về những cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Các nhà phê bình cánh hữu
Hồi tháng Ba, ông Biden đã bị chỉ trích khi nói rằng ông sẽ không mời ông Netanyahu đến Tòa Bạch Ốc “trong thời gian tới” do những nỗ lực của ông nhằm cải tổ lại hệ thống tư pháp Israel. Kể từ đó, thủ tướng Netanyahu đã bỏ một số phần của đề xướng này.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) đã mời ông Herzog đến diễn thuyết tại một phiên họp chung của Quốc hội nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Israel. Ông Biden sau đó đã mời ông Herzog đến Tòa Bạch Ốc.
Các nhà phê bình cho rằng việc ông Biden không sẵn lòng mời ông Netanyahu đến Tòa Bạch Ốc là một hành động xem thường thủ tướng Israel, một cách giải thích mà ông McCarthy đồng thuận.
“Trong Quốc hội tiền nhiệm, chúng tôi đã mời ông Herzog đến nhân lễ kỷ niệm 75 năm. Vì vậy, việc Tổng thống Israel tới không liên quan gì đến ông Bibi Netanyahu,” ông McCarthy nói. “Nhưng tôi đã từng nói khi tôi trình bày tại Knesset ở Israel, nếu Tổng thống Biden coi thường Thủ tướng Netanyahu, thì tôi sẽ sẵn lòng mời ông Netanyahu đến Mỹ.”
Hôm 17/07, ông Biden và ông Netanyahu đã có cuộc điện đàm, trong một nỗ lực rõ ràng nhằm bác bỏ cách giải thích đó về các sự kiện. Hôm 18/07, Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre cho biết hai nhà lãnh đạo này sẽ gặp nhau vào một thời điểm nào đó trong năm nay.
Các nhà phê bình cánh tả
Đồng thời, một số thành viên cấp tiến của Quốc hội đã chỉ trích chuyến thăm của tổng thống Israel do lo ngại về cách đối xử của Israel đối với người Palestine.
Dân biểu Jamaal Bowman (Dân Chủ-New York) nói với The Epoch Times: “Tôi không nghĩ Israel đã đi đủ xa trong việc bảo vệ và nâng cao quyền và cuộc sống của người Palestine.”
Hôm 13/07, Dân biểu Cori Bush (Dân Chủ-Missouri) viết trên Twitter, “Chính phủ Israel phải chịu trách nhiệm cho việc thực thi một nhà nước phân biệt chủng tộc và lạm dụng tràn lan các quyền của người Palestine.”
Hôm 15/07, Dân biểu Pramila Jayapal (Dân Chủ-Washington) đã gọi Israel là một “nhà nước phân biệt chủng tộc,” một nhận xét mà sau đó bà đã xin lỗi.
Ông Bowman, bà Bush, và Dân biểu Ilhan Omar (Dân Chủ-Minnesota) và Alexandria Ocasio-Cortez (Dân Chủ-New York) đã tuyên bố các kế hoạch tẩy chay bài diễn văn của ông Herzog.
Hôm 18/07, các phóng viên đã hỏi bà Jean-Pierre về lý do tại sao Tòa Bạch Ốc không lên án nhận xét của bà Jayapal.
Bà Jean-Pierre nói: “Lời xin lỗi đó là điều nên làm. Và chúng tôi đã nói rất rõ ràng khi nói đến chủ nghĩa bài Do Thái, chính phủ này và toàn bộ chính phủ Biden-Harris đã từng nói rõ rằng khi Israel bị phân biệt vì ác cảm đối với người Do Thái, thì đó là chủ nghĩa bài Do Thái, và điều đó là không thể chấp nhận được.”
“Ngay bây giờ, quý vị có tổng thống đang gặp gỡ tổng thống Israel, một cuộc gặp rất quan trọng mà họ đang tổ chức … Và một trong những điều mà tổng thống sẽ làm rõ là mối quan hệ đặc biệt và cam kết của chúng ta với Israel, và cam kết này là vững chắc. Đó là điều không thể lay chuyển, và một lần nữa, tổng thống nhận thấy mối quan hệ đó rất sâu sắc. Và mối quan hệ này đã bắt đầu khi ông ấy lần đầu tiên bước vào chính phủ.”
Sau đó bà Jean Pierre đã được hỏi liệu bình luận của bà Bush trên Twitter có phải là bài Do Thái hay không, bà nói: “Tôi không thể nói thay cho các thành viên Quốc hội khác trong Hạ viện. Đó là việc của họ để họ nói [về] lý do tại sao họ chọn tẩy chay hoặc làm bất cứ điều gì họ đang làm hôm nay. Nhưng những gì chúng tôi có thể nói là cam kết của chúng ta, cam kết lâu dài của chúng ta với Israel, sự ủng hộ lâu dài của chúng ta đối với Israel. Và đó là điều mà tổng thống sẽ tiếp tục cam kết thực hiện.”
Bản tin có sự đóng góp của Jackson Richman và The Associated Press
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times