Vài ngày trước chuyến thăm của tổng thống Israel, TT Biden điện đàm với Thủ tướng Netanyahu về Iran và cải tổ tư pháp
Tổng thống (TT) Hoa Kỳ Joe Biden đã nói chuyện với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về nhiều vấn đề — chỉ vài ngày trước khi ông gặp Tổng thống Israel Isaac Herzog.
Ông Biden “nhấn mạnh cam kết kiên định, chắc chắn của mình đối với an ninh của Israel và lên án các hành động khủng bố gần đây nhắm vào công dân Israel,” theo thông báo của Tòa Bạch Ốc hôm 17/07.
Đáng chú ý, theo Tòa Bạch Ốc ông Biden và ông Netanyahu đã thảo luận về “sự phối hợp chặt chẽ [giữa Hoa Kỳ và Israel] để chống lại Iran, bao gồm cả việc thông qua các cuộc tập trận quân sự chung thường xuyên và đang diễn ra,” và liên minh Hoa Kỳ-Israel là chìa khóa để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Ông Biden “nhấn mạnh sự cần thiết” của một giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine “và cải thiện tình hình an ninh ở Bờ Tây.” Chỉ vài tuần trước, Israel đã tiến hành một chiến dịch chống khủng bố ở Jenin, một thành phố ở Bờ Tây, còn được gọi là Judea và Samaria, nổi tiếng là chứa chấp chủ nghĩa khủng bố Palestine.
Theo Tòa Bạch Ốc, TT Biden “đã hoan nghênh việc Israel sẵn sàng xem xét các bước mới để trợ giúp cho sinh kế của người Palestine, và công nhận các bước đầy hứa hẹn mà Chính quyền Palestine thực hiện nhằm tái khẳng định quyền kiểm soát an ninh ở Jenin và các khu vực khác của Bờ Tây.”
Ngoài ra, TT Biden bày tỏ lo ngại về việc Israel xây dựng các khu dân cư ở Bờ Tây, theo Tòa Bạch Ốc.
Ngoài ra, theo Tòa Bạch Ốc, ông Biden và ông Netanyahu đã đồng ý về việc xây dựng hòa bình Trung Đông. Gần ba năm trước, Israel đã bình thường hóa mối bang giao với Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), Bahrain, Morocco, và Sudan trong cái được gọi là Hiệp định Abraham.
Vấn đề tư pháp của Israel
Theo Tòa Bạch Ốc, khi nói về việc ông Netanyahu nỗ lực thay đổi cơ quan tư pháp của Israel, đặc biệt là tối cao pháp viện của nước này, thì TT Biden “đã nhắc lại, trong bối cảnh cuộc tranh luận hiện nay ở Israel về cải tổ tư pháp, về sự cần thiết phải đạt được sự đồng thuận rộng rãi nhất có thể, và các giá trị dân chủ chung luôn luôn và phải là dấu ấn của mối bang giao Hoa Kỳ-Israel.”
Được xem như một hành động làm mất thể diện của ông Biden đối với ông Netanyahu, cuộc điện đàm giữa ông Biden và ông Netanyahu diễn ra chỉ vài ngày trước khi ông Herzog đến thăm Hoa Thịnh Đốn, tại đây tổng thống Israel dự kiến sẽ gặp TT Biden tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 18/07 và có bài diễn văn trước phiên họp chung của Quốc hội vào ngày 19/07 nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Israel. Một số thành viên Đảng Dân chủ cấp tiến — các Dân biểu Ilhan Omar (Minnesota), Alexandria Ocasio-Cortez (New York), Jamaal Bowman (New York), và Cori Bush (Missouri) — nói rằng họ sẽ tẩy chay bài diễn văn đó.
Hồi tháng Ba, TT Biden cho biết ông sẽ không mời ông Netanyahu đến Tòa Bạch Ốc “trong thời gian tới” vì nỗ lực thay đổi bộ máy tư pháp Israel của ông Netanyahu. Đáp lại việc ông Biden không gặp gỡ ông Netanyahu trong thời gian tới, thì hồi tháng Năm Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) cho biết sẽ mời ông Netanyahu đến Quốc hội nếu TT Biden không thay đổi cách cư xử.
Hôm 17/07, ông McCarthy đã nhắc lại lời hứa đó khi được The Epoch Times hỏi liệu ông có cố gắng mời ông Netanyahu đến Quốc hội trước khi mời ông Herzog diễn thuyết hay không.
“Trong Quốc hội tiền nhiệm, chúng tôi đã mời ông Herzog đến nhân lễ kỷ niệm 75 năm. Vì vậy, việc Tổng thống Israel tới không liên quan gì đến ông Bibi Netanyahu,” ông McCarthy nói. “Nhưng tôi đã nói khi tôi ở Israel và có bài diễn văn tại Knesset (Nghị viện Israel), nếu Tổng thống Biden coi thường Thủ tướng Netanyahu, tôi sẽ sẵn lòng mời ông Netanyahu đến Mỹ.”
Ông McCarthy không cho biết liệu ông Netanyahu có diễn thuyết tại một phiên họp chung của Quốc hội hay không nếu ông đến thăm, mặc dù đã được The Epoch Times hỏi liệu điều đó có xảy ra hay không.
Cuộc thảo luận giữa ông Biden và ông Netanyahu diễn ra một tuần sau khi CNN phát sóng cuộc phỏng vấn với ông Biden, trong đó tổng thống Mỹ mô tả nội các của ông Netanyahu là cực đoan.
“Đây là một trong những thành viên nội các cực đoan nhất mà tôi từng thấy. Tôi tính trở về mãi từ thời bà Golda Meir và — quý vị biết đấy, không phải là bà ấy cực đoan, nhưng tôi tính từ thời đại đó,” TT Biden nói với ông Fareed Zakaria.
Bà Meir là thủ tướng của Israel từ năm 1969 đến năm 1974, còn ông Biden bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên tại Thượng viện Hoa Kỳ vào năm 1973. Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo không cho biết liệu ông Biden có nhắc lại quan điểm đó hay dẫn chiếu những nhận xét đó hay không.
‘Nhà nước phân biệt chủng tộc’
Cuộc điện đàm giữa ông Biden và ông Netanyahu diễn ra một ngày sau khi Chủ tịch Nhóm Cấp tiến của Quốc hội (Congressional Progressive Caucus), bà Pramila Jayapal (Dân Chủ-Washington), gọi Israel là “quốc gia phân biệt chủng tộc.” Sau đó, bà Jayapal đã rút lại lời nói này, mặc dù không trực tiếp đưa ra lời xin lỗi về những bình luận mà bà đã đưa ra tại một hội nghị cấp tiến.
Hôm 16/07, bà Jayapal nói với những người biểu tình ủng hộ Palestine tại hội nghị thường niên của tổ chức cấp tiến Netroots Nation rằng: “Là một người đã xuống đường và tham gia rất nhiều cuộc biểu tình, tôi muốn quý vị biết rằng chúng tôi đã và đang đấu tranh để làm rõ rằng Israel là một quốc gia phân biệt chủng tộc.”
Bà tiếp tục nói: “Rằng người dân Palestine xứng đáng có quyền tự quyết và quyền tự trị, rằng giấc mơ về một giải pháp hai nhà nước đang rời xa chúng ta, rằng điều đó thậm chí còn cảm thấy như không thể thực hiện được.”
Tuy nhiên, bà Jayapal sau đó đã đảo ngược chiều hướng, nói rằng quốc gia Do Thái này không phân biệt chủng tộc, nhưng ông Netanyahu và chính phủ của ông thì có.
“Tại một hội nghị, tôi đã cố gắng xoa dịu một tình huống căng thẳng trong một phiên thảo luận nơi các đồng thành viên Quốc hội đang bị phản đối. Lời nói rất quan trọng và vì vậy điều quan trọng là tôi phải nói rõ tuyên bố của mình,” bà nói trong một tuyên bố, mà vốn không phải là một lời xin lỗi thẳng thắn.
Bà Jayapal nói tiếp: “Tôi không tin ý tưởng xem Israel là một quốc gia phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, tôi tin rằng chính phủ cánh hữu cực đoan của ông Netanyahu đã thực hiện các chính sách phân biệt đối xử và nói trắng ra là phân biệt chủng tộc, và rằng có những kẻ phân biệt chủng tộc cực đoan đang thúc đẩy chính sách đó trong nội bộ giới lãnh đạo của chính phủ đương nhiệm.”
“Tôi tin rằng tất cả chúng ta, những người đang cố gắng biến thế giới của chúng ta thành một nơi công bằng và bình đẳng hơn, có bổn phận phải lên tiếng và lên án những chính sách này và vai trò thúc đẩy chúng của chính phủ đương nhiệm của ông Netanyahu.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times