Tòa Bạch Ốc gọi cuộc biểu quyết cải tổ tư pháp gây tranh cãi của Israel là ‘đáng tiếc’
Hôm 24/07, Tòa Bạch Ốc đã đưa ra một tuyên bố cho biết họ thất vọng vì Knesset (Quốc hội Israel) đã biểu quyết cùng ngày hôm đó để thông qua một dự luật gây nhiều tranh cãi — do Thủ tướng Benjamin Netanyahu và liên minh cầm quyền của ông hậu thuẫn — làm giảm quyền lực của Tòa án Tối cao trong việc thách thức các quyết định của Quốc hội.
Dự luật này nằm trong gói các thay đổi về tư pháp rộng lớn hơn mà ông Netanyahu và nhóm các nhà lập pháp của ông đang thúc đẩy. Điều này đã chia rẽ Knesset làm hai phe cũng như làm dấy lên các cuộc biểu tình khắp toàn quốc.
Mặc dù cuộc kiểm phiếu chính thức cho thấy điều khoản này được thông qua với 64 phiếu thuận và không có phiếu chống, nhưng cuộc bỏ phiếu này được thực hiện sau khi khoảng một nửa Knesset hô vang “nhục nhã” rồi bước ra ngoài. Cùng ngày hôm đó, một cuộc bỏ phiếu sớm hơn (cuộc bỏ phiếu theo thủ tục) đã thông qua với 64 phiếu thuận và 56 phiếu chống.
Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre cho biết: “Là một bằng hữu lâu năm của Israel, Tổng thống Joe Biden đã bày tỏ công khai lẫn riêng tư quan điểm của mình rằng để có thể tồn tại lâu dài trong một nền dân chủ thì những thay đổi lớn phải nhận được sự đồng thuận rộng rãi nhất có thể.”
“Thật không may là cuộc bỏ phiếu ngày hôm nay đã diễn ra với đa số chênh lệch ít nhất có thể.”
Ông Biden đã cảnh báo và khuyên ông Netanyahu hành động để đạt được sự đồng thuận rộng rãi về việc thay đổi tư pháp trước khi đi đến biểu quyết.
Các cuộc biểu tình đã khuấy động mạnh mẽ đường phố Israel. Các doanh nghiệp đã đóng cửa. Cảnh sát xịt vòi rồng vào những người biểu tình.
Một đám đông đã cố gắng tiến vào khu vực cấm gần tòa nhà Knesset nhưng đã bị cảnh sát chặn lại.
Sự rối loạn như thế cũng khiến tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia được ban bố — vì rất nhiều quân nhân trù bị trong quân đội cũng đang tham gia biểu tình.
Trong khi những người biểu tình đại diện cho một bộ phận tiêu biểu trong xã hội, chủ yếu đến từ tầng lớp trung lưu thế tục của đất nước, thì những người ủng hộ ông Netanyahu thường là nghèo hơn, sùng đạo hơn, và sống ở các khu định cư ở Bờ Tây hoặc các vùng nông thôn xa xôi.
Nhiều người ủng hộ ông là người Do Thái Mizrahi thuộc giai tầng lao động, xuất thân từ các nước Trung Đông, và đã bày tỏ thái độ thù địch với những gì họ gọi là tầng lớp tinh hoa của Ashkenazi, tức là người Do Thái Âu Châu.
Bất ổn chính trị
Ông Netanyahu lập luận rằng luật này là cần thiết để ngăn chặn các thẩm phán không qua bầu cử lấn át các nhà lập pháp do dân cử và cản trở ý chí của cử tri.
Những người chỉ trích luật này thì nói rằng luật làm suy yếu nền dân chủ của Israel và mang lại cho ông Netanyahu quyền lực độc đoán.
Các đồng minh khác của Israel đã cùng với chính phủ Tổng thống Biden lên tiếng phản đối cuộc biểu quyết.
Liên quan đến những cáo buộc rằng ông Netanyahu đang tìm cách giành được quyền lực độc tài, thủ tướng này đang phải hầu tòa vì các cáo buộc tham nhũng nhưng ông phủ nhận tất cả các cáo buộc này.
Những người chỉ trích cho rằng những nỗ lực của thủ tướng là nhằm làm xói mòn và suy yếu quyền lực của các thẩm phán. Điều này có thể hữu ích khi bản kết án và bản án tù về những cáo buộc nói trên có thể được kháng cáo lên Tòa án Tối cao của nước này.
Thêm bất ngờ cho sự kiện là việc ông Netanyahu, 73 tuổi, đã có mặt để trực tiếp bỏ phiếu một ngày sau khi ông được lắp máy trợ tim. Thủ thuật này được thực hiện 11 ngày sau khi ông bị ngất, một tình huống mà ông cho rằng là do bản thân đã ra ngoài dưới trời nắng nóng khiến cơ thể bị mất nước.
Bệnh viện thực hiện cấy ghép máy tạo nhịp tim cho ông tuyên bố rằng ca phẫu thuật đã diễn ra suôn sẻ và bệnh nhân đã khỏe lại.
Thật vậy, hôm 24/07, thủ tướng trông có vẻ khỏe mạnh tại Knesset.
Ông Netanyahu nhấn mạnh rằng, “Chúng tôi đã thông qua luật sửa đổi với lý do hợp lý để chính phủ dân cử có thể hướng dẫn chính sách phù hợp với quyết định của đa số người dân cả nước.”
“Thực hiện mong muốn của cử tri không phải là mục đích cuối cùng của nền dân chủ, mà đó là bản chất của nền dân chủ.”
Lãnh đạo phe đối lập Yair Lapid nói: “Thật là một ngày buồn. Đây không phải là một chiến thắng cho liên minh. Đây là sự hủy diệt nền dân chủ của Israel.”
Trong những năm gần đây, Israel ở trong tình trạng hầu như liên tục thay đổi về chính trị. Nước này đã tổ chức năm cuộc bầu cử để bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Bà Jean-Pierre cho biết: “Chúng tôi hiểu rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra và có thể sẽ tiếp tục trong những tuần và tháng tới để tạo ra một thỏa hiệp rộng lớn hơn ngay cả trong lúc Knesset ngừng họp.”
“Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ủng hộ những nỗ lực của Tổng thống Isaac Herzog và các nhà lãnh đạo khác của Israel khi họ tìm cách củng cố sự đồng thuận rộng rãi hơn thông qua đối thoại chính trị.”
Phe đối lập cấp tiến mạnh mẽ của Hoa Kỳ
Ông Biden phải đối mặt với áp lực mạnh mẽ từ các nghị sĩ Quốc hội trong chính đảng của ông, đặc biệt là các nhà lập pháp cấp tiến cứng rắn — trong số đó có các Dân biểu Hoa Kỳ Alexandria Ocasio-Cortez (New York), Ilham Omar (Minnesota), và Rashida Tlaib (Michigan) — phải mạnh tay với Israel vì những gì họ cho là sự ngược đãi người Palestine.
Ba dân biểu Hoa Kỳ này là thành viên của một nhóm gồm một số nhà lập pháp cấp tiến đã tẩy chay bài diễn văn mà ông Herzog đã trình bày trước một phiên họp chung của Quốc hội hôm 19/07.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times