Trước làn sóng pin và xe điện giá rẻ từ Trung Quốc, Nam Hàn điều chỉnh chính sách trợ cấp EV
Trong một hành động quan trọng nhằm giải quyết những thách thức do làn sóng xe điện (EV) và pin giá rẻ của Trung Quốc tràn vào gây ra, Nam Hàn đã hưởng ứng các xu hướng toàn cầu khi sửa đổi chính sách trợ cấp xe điện của nước này. Phỏng theo các hành động của Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu, chương trình trợ cấp mua xe điện năm 2024 cập nhật của chính phủ Nam Hàn đã giảm bớt các ưu đãi tài chính đối với xe điện sử dụng chủ yếu pin lithium iron phosphate (LFP) do Trung Quốc sản xuất.
Bộ Môi trường Nam Hàn đã nêu chi tiết những điều chỉnh trong bản sửa đổi mới nhất đối với kế hoạch trợ cấp xe điện, được công bố hôm 06/02. Những chiếc xe có giá dưới 55 triệu won (khoảng 41,000 USD) hiện đủ điều kiện nhận trợ cấp tối đa 6.5 triệu won (khoảng 4,900 USD) từ ngân khố quốc gia.
Một khoản trợ cấp bổ sung lên tới 1 triệu won (khoảng 752 USD) được áp dụng cho các khoản giảm giá cụ thể đối với các loại xe. Việc phân bổ trợ cấp có tính đến một số yếu tố, bao gồm phạm vi lái xe trong một lần sạc, mật độ năng lượng của pin, khả năng tái chế của các bộ phận pin, và hiệu quả của hệ thống quản lý dịch vụ sau bán hàng của xe.
Một khía cạnh quan trọng của kế hoạch trợ cấp sửa đổi này là giảm trợ cấp cho xe điện sử dụng pin LFP chủ yếu do các nhà sản xuất Trung Quốc cung cấp. Loại pin này, cùng với pin lithium nickel-mangan-cobalt (NMC) — lựa chọn chính của các công ty pin Nam Hàn — là thành phần trọng tâm trong thị trường xe điện hiện tại.
Pin LFP rẻ hơn nhưng có mật độ năng lượng thấp hơn và phạm vi lái xe hạn chế hơn so với pin NMC. Giá trị tái chế của loại pin này cũng giảm dần theo thời gian.
Theo hướng dẫn trợ cấp mới, một số mẫu xe điện nhất định do Trung Quốc sản xuất mà sử dụng pin LFP, trong đó có Tesla Model Y, sẽ bị giảm đáng kể các ưu đãi tài chính. Chẳng hạn, khoản trợ cấp cho Tesla Model Y đã giảm hơn 62%, từ 5.14 triệu won (khoảng 3,900 USD) xuống còn 1.95 triệu won (khoảng 1,500 USD).
Chính sách điều chỉnh này cũng áp dụng cho cả xe buýt điện do Trung Quốc sản xuất, với việc trợ cấp giảm đáng kể tới 4.3 triệu won (khoảng 3,200 USD) so với năm trước. Thay đổi này xuất hiện sau khi có dữ liệu từ Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, và Giao thông vận tải Nam Hàn cho thấy xe buýt điện nhập cảng, chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc, đã lần đầu tiên chiếm hơn một nửa số xe buýt điện mới ghi danh ở Nam Hàn vào năm ngoái, tổng cộng là 1,528 chiếc (54.2%).
Hơn nữa, xe tải điện do Trung Quốc sản xuất, bao gồm cả xe của nhà sản xuất xe điện BYD, cũng sẽ phải đối mặt với việc giảm trợ cấp, với mức cắt giảm dự kiến khoảng 8 triệu won (khoảng 6,000 USD).
Tăng trợ cấp cho xe điện Nam Hàn trong bối cảnh xe điện nhập cảng từ Trung Quốc tăng mạnh
Một điểm đối lập đáng chú ý với chính sách giảm trợ cấp cho xe điện có pin do Trung Quốc sản xuất là việc Nam Hàn tăng cường trợ cấp cho xe điện nội địa sử dụng pin lithium NMC. Hành động này làm nổi bật chiến lược của Nam Hàn nhằm giúp ngành công nghiệp xe điện trong nước mạnh lên trong bối cảnh số lượng xe điện nhập cảng từ Trung Quốc gia tăng ngày một nhanh chóng.
IONIQ 6 của Hyundai Motor nổi lên là mẫu xe nhận được khoản trợ cấp cao nhất trong số các mẫu xe điện, với khoản trợ cấp 6.9 triệu won (khoảng 5,200 USD). Tương tự, các khoản trợ cấp đáng kể đã được phân bổ cho các mẫu xe điện khác của Nam Hàn, chẳng hạn như Kia EV6 và Tores EVX của KG Mobility, lần lượt nhận được 6.84 triệu won (khoảng 5,100 USD) và 4.57 triệu won (khoảng 3,400 USD).
Dòng xe điện do Trung Quốc sản xuất tại thị trường Nam Hàn đã tăng mạnh. Năm ngoái đánh dấu một thay đổi đáng kể khi Trung Quốc vượt qua Hoa Kỳ để trở thành nguồn nhập cảng xe điện lớn thứ hai của Nam Hàn. Với mức giá cạnh tranh và sự phổ biến của các mẫu xe như Tesla Model Y và nhiều mẫu xe BYD khác nhau, các dự báo trong ngành cho thấy có thể không lâu nữa Trung Quốc sẽ trở thành nhà nhập cảng xe điện hàng đầu vào Nam Hàn. Sự thay đổi sắp xảy ra này có nguy cơ làm thay đổi những động lực thị trường hiện do Hyundai và Kia dẫn đầu.
Thị trường xe điện chuyển dịch trong bối cảnh xe nhập cảng từ Trung Quốc tăng
Sự hiện diện ngày càng tăng của xe điện Trung Quốc cũng đang tác động đến nền kinh tế định hướng xuất cảng của Nam Hàn. Thâm hụt thương mại trong xuất cảng xe điện sang Trung Quốc đã tăng đáng kể vào năm ngoái (2023), vượt quá mốc 524 triệu USD — tăng hơn gấp ba lần so với mức thâm hụt 156.49 triệu USD của năm trước đó (2022).
Một yếu tố góp phần đáng kể vào khoản thâm hụt này là Tesla Model Y. Sau khi ra mắt tại Nam Hàn hồi tháng Chín, mẫu xe này đã nhanh chóng thăng hạng về doanh số bán xe nhập cảng bằng cách tận dụng trợ cấp của chính phủ thông qua việc giảm giá chiến lược. Chỉ trong bốn tháng, mẫu này đã bán được 13,885 chiếc xe, đạt được một phần đáng kể trợ cấp xe điện từ chính phủ Nam Hàn.
Hơn nữa, sự gia nhập chính thức được mong đợi của BYD, nhà sản xuất xe điện hàng đầu của Trung Quốc, vào thị trường Nam Hàn sẽ tạo thêm một lớp cạnh tranh nữa. Các nguồn tin trong ngành cho biết BYD có thể sẽ ra mắt mẫu một sedan điện tại Nam Hàn ngay trong quý 3 năm nay. Tập đoàn Môi trường Nam Hàn (KECO), trực thuộc Bộ Môi trường của nước này, hiện đang đánh giá về hiệu suất của xe sedan BYD, một điều kiện tiên quyết để đủ điều kiện nhận trợ cấp xe điện của Nam Hàn.
Ngành xe hơi Nam Hàn vẫn luôn rất tích cực lên tiếng về việc cải tổ hệ thống trợ cấp xe điện, ủng hộ việc giảm trợ cấp cho xe điện sử dụng pin do Trung Quốc sản xuất. Lập luận xoay quanh quan điểm cho rằng việc phân bổ tiền của người đóng thuế Nam Hàn để trợ cấp cho xe điện do Trung Quốc sản xuất sẽ gây phản tác dụng, đặc biệt là khi chính quyền Trung Quốc vốn dĩ đã ưu đãi xe điện trong nước, và đã phải chịu sự giám sát của EU vì các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Ngoài ra, ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc đang vấp phải những thách thức do sản xuất dư thừa. Ban đầu được thúc đẩy mở rộng mạnh mẽ do trợ cấp, vấn đề này đã dẫn đến doanh số bán hàng trong nước giảm và năng lực sản xuất vượt mức.
Do đó, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang ngày càng tìm đến các thị trường quốc tế, bao gồm cả Nam Hàn, để xả hàng tồn kho dư thừa với giá cạnh tranh, càng làm tăng thêm áp lực cạnh tranh trên thị trường xe điện Nam Hàn.
Hoa Kỳ và đồng minh chống lại xe điện giá rẻ của Trung Quốc giữa những lo ngại về an ninh
Trong nỗ lực phối hợp nhằm giải quyết thách thức do xe điện (EV) và pin EV giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập thị trường toàn cầu, những điều chỉnh trợ cấp gần đây của Nam Hàn phù hợp với các hành động lớn hơn mà Hoa Kỳ và các đồng minh đã thực hiện.
Qua các biện pháp lập pháp như Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA), Hoa Kỳ đặt mục tiêu giảm thiểu ảnh hưởng của các sản phẩm Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất pin bằng cách thúc đẩy xe hơi sản xuất ở Bắc Mỹ bằng các ưu đãi về thuế, qua đó gạt bỏ một cách hiệu quả các linh kiện Trung Quốc.
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo đã nhấn mạnh những tác động đối với an ninh quốc gia của xe điện Trung Quốc trong cuộc trò chuyện bên lề Hội đồng Đại Tây Dương vào hôm 31/01.
Bà nêu rõ mối lo ngại về khả năng thu thập dữ liệu vốn có của xe điện và xe tự lái, theo đó các loại xe này thu thập “một lượng lớn thông tin về tài xế, vị trí của xe, và môi trường xung quanh xe.”
Bà hỏi, “Chúng ta có muốn tất cả những dữ liệu đó được truyền về Bắc Kinh không?”
Mối lo ngại này là một phần lý do đằng sau việc chính phủ Tổng thống Biden dự định áp thuế bổ sung đối với xe Trung Quốc để bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân Hoa Kỳ.
Ngoài ra, một bản tin gần đây trên tờ Financial Times nhấn mạnh rằng các quan chức Hoa Kỳ đã có lời cảnh báo nghiêm khắc tới Bắc Kinh. Hoa Kỳ cùng đồng minh sẵn sàng hành động quyết đoán nếu Trung Quốc tìm cách giải quyết vấn đề dư thừa công suất công nghiệp bằng cách làm ngập thị trường toàn cầu bằng hàng hóa giá rẻ.
Tuyên bố của bà Raimondo xảy ra cùng thời điểm chính phủ Hoa Kỳ tiến hành chiến lược rộng lớn hơn: áp thuế quan nặng hơn đối với một số mặt hàng nhập cảng nhất định của Trung Quốc, trong đó có xe điện, như một biện pháp đối phó trước các mối đe dọa mà họ nhận thấy.
Một diễn biến khác càng củng cố hơn nữa lập trường của Hoa Kỳ là, các cuộc thảo luận gần đây giữa ông Jay Shambaugh, Thứ trưởng Bộ Ngân khố đặc trách các Vấn đề Quốc tế của Hoa Kỳ, và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong (He Lifeng) đã tập trung vào vấn đề thực tiễn công nghiệp của Trung Quốc.
Gặp gỡ quan chức Trung Quốc này hồi đầu tháng Hai, ông Shambaugh đã bày tỏ những lo ngại rõ ràng về việc Trung Quốc xuất cảng hàng hóa giá rẻ như một giải pháp cho tình trạng dư thừa công suất trong công nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực quan trọng đối với tương lai của công nghệ xanh như xe điện, tấm quang năng, và pin lithium. Cuộc đối thoại nêu bật những lo ngại về các chính sách công nghiệp và kinh tế vĩ mô của Trung Quốc, vốn được xem là đang góp phần khiến sự mất cân bằng trên thị trường toàn cầu gia tăng bằng cách ưu tiên cung hơn là cầu.
Vấn đề này vượt ra ngoài biên giới Hoa Kỳ và EU cũng đang thực hiện các bước đi dứt khoát để bảo vệ thị trường và các ngành công nghiệp của họ. EU đã khởi xướng một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với lĩnh vực xe điện của Trung Quốc, xem xét kỹ lưỡng tác động của trợ cấp nhà nước đối với sự bóp méo thị trường và khả năng cạnh tranh của ngành sản xuất xe điện Âu Châu.
Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, lưu ý rằng cuộc điều tra có thể sẽ dẫn đến việc áp thuế đối với xe điện Trung Quốc, phản ánh mối lo ngại về làn sóng xe giá rẻ tràn vào từ Trung Quốc, do các khoản trợ cấp đáng kể của nhà nước này hậu thuẫn.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times