Nhật Bản, Nam Hàn tăng cường các biện pháp chống bán phá giá khi Trung Quốc cố gắng giảm áp lực dư thừa công suất EV
Đối mặt với thách thức nghiêm trọng từ tình trạng dư thừa công suất, Trung Quốc đã viện đến phương pháp xuất cảng một lượng lớn hàng giá rẻ ra thị trường quốc tế. Trong số các mặt hàng này có xe điện (EV), một trong những sản phẩm đáng chú ý nhất bị ảnh hưởng, vốn nhận được khoản trợ cấp đáng kể từ chính quyền Trung Quốc. Việc này đang gây ra những lo ngại đáng kể trên toàn cầu.
Để giải quyết dòng sản phẩm tràn vào, Nhật Bản và Nam Hàn đã liên kết với Hoa Kỳ và các quốc gia Âu Châu để áp dụng các biện pháp chống bán phá giá.
Việc chính quyền Trung Quốc sử dụng các khoản trợ cấp nhà nước to lớn để hạ giá xe điện nội địa — mà Bắc Kinh gọi là phương tiện năng lượng mới (NEV) — được các quốc gia EU xem là hành vi bóp méo thị trường một cách không công bằng.
Hồi tháng Mười năm ngoái, Pháp cùng các nước khác đã kêu gọi EU tiến hành một cuộc điều tra chống trợ cấp kéo dài 13 tháng đối với xe điện nhập cảng từ Trung Quốc, điều có thể dẫn đến việc EU áp dụng thuế chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp đối với xe điện của các công ty Trung Quốc có liên quan.
Ông Elon Musk của Tesla cho biết các công ty xe Trung Quốc sẽ “hủy diệt” hầu hết các đối thủ cạnh tranh toàn cầu của họ nếu không có rào cản thương mại nào được thiết lập. Năm ngoái (2023), Tesla đã hạ giá để cạnh tranh với các đối thủ, nhưng ông Musk cảnh báo rằng Tesla đang đạt đến “giới hạn tự nhiên về việc giảm chi phí” với dòng sản phẩm hiện có của mình.
Các biện pháp chống bán phá giá của Nhật Bản
Hôm 26/02, chính phủ Nhật Bản đã ban hành sắc lệnh gia hạn thuế chống bán phá giá đối với mangan dioxide điện phân (EMD) nhập cảng từ Trung Quốc thêm năm năm nữa, cho đến ngày 25/02/2029.
EMD được sử dụng làm vật liệu cho điện cực dương trong pin và Trung Quốc là quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 64% sản lượng toàn cầu.
Nhận thấy các nhà sản xuất Trung Quốc đang bán phá giá EMD, chính phủ Nhật Bản đã áp dụng thuế chống bán phá giá này lần đầu tiên vào tháng 09/2008, với mức thuế từ 34.3% đến 46.5%.
Theo dữ liệu do Hiệp hội các Nhà sản xuất Xe hơi Nhật Bản (JAMA) công bố hôm 31/01, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản về khối lượng xe hơi xuất cảng vào năm 2023 và đã trở thành nước xuất cảng xe hơi lớn nhất thế giới.
Trung Quốc đã xuất cảng 4.91 triệu xe vào năm ngoái, tăng khoảng 58% so với năm trước.
Công ty tư vấn doanh nghiệp AlixPartners đã nói với giới truyền thông rằng trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2022, các khoản trợ cấp của Bắc Kinh cho xe điện và xe hybrid đã lên tới 57 tỷ USD, đó là chưa kể đến những ưu đãi của các chính quyền tỉnh và địa phương.
Do tình trạng dư thừa công suất trong sản xuất xe điện của Trung Quốc, một cuộc chiến giá cả khốc liệt về xe điện đã nổ ra tại thị trường Trung Quốc vào năm ngoái và lan rộng ra nước ngoài. Với mức giá cạnh tranh áp đảo, đại công ty năng lượng mới BYD của Trung Quốc đã phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Năm ngoái (2023), số lượng xe điện được giao hàng của BYD đã vượt qua Tesla, đứng đầu với thị phần 20.5%, trong khi Tesla đứng thứ hai với 12.9%.
Cạnh tranh về giá cũng đã ảnh hưởng tới các loại xe sử dụng nhiên liệu, với gần như tất cả các hãng xe Mỹ, Nhật Bản, Âu Châu tại Trung Quốc đều bị rơi vào một cuộc chiến giảm giá, trong đó các hãng xe Nhật gặp khó khăn nghiêm trọng nhất. Kết quả là Mitsubishi Motors quyết định rút khỏi thị trường Trung Quốc.
Thị trường Nam Hàn
Tại Nam Hàn, xe điện Trung Quốc đã thống trị thị trường trong nhiều năm. Xe buýt điện do Trung Quốc sản xuất đã chiếm 54.1% thị phần Nam Hàn với tổng số 1,522 chiếc vào năm ngoái. Gần một nửa số xe tải điện hoạt động tại Nam Hàn là xe Trung Quốc, và hơn 90% lượng pin xe điện nhập cảng của Nam Hàn là pin Trung Quốc.
Hôm 06/02, Bộ Môi trường Nam Hàn đã đề ra kế hoạch cải tổ trợ cấp xe điện vào năm 2024. Đặc điểm quan trọng nhất của cuộc cải tổ này là cung cấp nhiều trợ cấp hơn cho xe điện hiệu suất cao và xem hiệu quả sử dụng pin cũng như giá trị tái chế như là tiêu chí chính để chi trả trợ cấp.
Chương trình mới giảm đáng kể trợ cấp cho các mẫu xe sử dụng pin lithium sắt photphat của Trung Quốc, trong khi trợ cấp cho các mẫu xe điện sử dụng pin Trung Quốc nói chung sẽ bị cắt giảm tới 40%.
Pin lithium sắt photphat (LFP) có giá thành thấp; tuy nhiên, lithium là thành phần kim loại duy nhất trong loại pin này có thể được tái chế sau khi sử dụng, khiến LFP kém tiết kiệm hơn, khó tái sử dụng hơn, và gây bất lợi hơn cho môi trường. Ngược lại, pin oxide lithium nickel-mangan-cobalt (NMC) do Nam Hàn sản xuất có thời gian sạc ngắn hơn và phạm vi hoạt động dài hơn cho cùng một công suất.
Các nhà phân tích trong ngành tin rằng khoản trợ cấp mới của Nam Hàn được thiết kế để điều chỉnh các chính sách của nước này cho phù hợp với Đạo luật Giảm Lạm Phát (IRA) của Hoa Kỳ và các chính sách đối ngoại khác, tất cả đều nhằm mục đích hạn chế hành vi bán phá giá của các công ty pin Trung Quốc.
Trước đây, IRA của Hoa Kỳ cho phép người mua xe điện nhận được khoản trợ cấp lên tới 7,500 USD, nhưng các khoáng chất quan trọng có trong pin xe điện phải được chiết xuất hoặc tinh chế tại Hoa Kỳ hoặc quốc gia mà Hoa Kỳ có hiệp định thương mại tự do, hoặc được tái chế ở Bắc Mỹ.
Để thúc đẩy làn sóng này, các nhà sản xuất Nam Hàn đã đẩy mạnh chương trình liên doanh “Made in USA”. Chính phủ Nam Hàn cũng đã phân bổ 5.3 tỷ USD để giúp các công ty Nam Hàn đầu tư vào Bắc Mỹ.
Lách thuế quan; tận dụng IRA của Hoa Kỳ
Để tránh mức thuế cao đối với xe điện nhập cảng trực tiếp từ Trung Quốc, các công ty xe Trung Quốc đang thành lập nhà máy ở các quốc gia có hiệp định thương mại với Hoa Kỳ.
Chẳng hạn, BYD đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy ở Thái Lan, Brazil, và Tây Ban Nha.
Gần đây, sau khi có tin BYD sẽ mở một nhà máy ở Mexico, Liên minh các Nhà sản xuất Hoa Kỳ (AAM) đã cảnh báo chính phủ Tổng thống Biden, kêu gọi ngăn chặn các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc xuất cảng sang Hoa Kỳ thông qua Mexico vì xe giá rẻ được trợ cấp bằng các chính sách và những nguồn tài lực của ĐCSTQ đe dọa đến sự sống còn của các nhà sản xuất xe hơi Hoa Kỳ.
Theo hiệp định thương mại Hoa Kỳ-Mexico-Canada (USMCA), xe và phụ tùng do Mexico sản xuất đủ điều kiện được hưởng ưu đãi và trợ cấp lên tới 7,500 USD cho người mua đối với xe điện. Các công ty có trụ sở tại Trung Quốc có thể hưởng lợi từ USMCA bằng cách sản xuất phương tiện và phụ tùng ở Mexico. AAM kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ đóng “cửa hậu thương mại” này.
Trong khi đó, CATL (Contemporary Amperex Technology Co. Ltd.) của Trung Quốc đang hợp tác với Ford để thành lập một nhà máy sản xuất pin tại Hoa Kỳ. Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã kêu gọi điều tra liên doanh mà họ cho rằng là hiện thân cho nỗ lực của Trung Quốc nhằm tận dụng các khoản tín thuế IRA này.
Làm ngập thị trường thế giới
Ngành công nghiệp xe điện chỉ là một khía cạnh của vấn đề dư thừa công suất của Trung Quốc. Nhiều ngành công nghiệp ở Trung Quốc đang phải chật vật với tình trạng dư thừa công suất, và họ đang cố gắng bán sản phẩm của mình ra thị trường quốc tế.
Thứ trưởng Ngân khố đặc trách các Vấn đề Quốc tế Hoa Kỳ Jay Shambaugh đã dẫn đầu một phái đoàn quan chức Bộ Ngân khố tới Trung Quốc hồi tháng trước. Trong số các chủ đề mà họ đưa ra thảo luận có các khoản trợ cấp của Trung Quốc mà các quan chức tin rằng sẽ góp phần tăng thêm vấn đề nguồn cung dư thừa của Trung Quốc và khiến việc bán phá giá trở thành một lựa chọn hấp dẫn.
Nói với Financial Times, Thứ trưởng Ngân khố Shambaugh cho biết Hoa Kỳ lo ngại rằng các khoản trợ cấp và các chính sách tập trung vào nguồn cung của Trung Quốc “đều đang hướng tới việc công suất dư thừa ở Trung Quốc … cuối cùng sẽ tràn ra thị trường thế giới.”
Ông Shambaugh nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất lo ngại. “Phần còn lại của thế giới sẽ phản ứng, và họ sẽ không làm điều đó theo một cách chống Trung Quốc kiểu mới, mà họ chỉ đang phản ứng với chính sách của Trung Quốc.”
Chuyên gia về Trung Quốc Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan) nói với The Epoch Times rằng việc sử dụng các khoản trợ cấp to lớn để thúc đẩy sản xuất trong nước và tạo thuận lợi cho việc bán phá giá hàng hóa ra ngoại quốc là hành động nhất quán với chiến lược của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ông Đường là nhà bình luận cấp cao của NTD, The Epoch Times, và Đài Phát thanh Hy vọng.
Ông nói: “ĐCSTQ sử dụng phương pháp này để thống trị thị trường và hình thành sự phụ thuộc độc quyền để họ có thể đạt được nhiều lợi thế đàm phán hơn trong chính trị cũng như lợi ích lớn hơn về kinh tế.”
Ông Đường nói rằng nếu Hoa Kỳ hành động chống bán phá giá, “thế giới sẽ đẩy nhanh quá trình tách rời kinh tế khỏi Trung Quốc trong năm nay… [hành động] của chính ĐCSTQ đã khiến Trung Quốc bị cô lập khỏi thế giới tự do, trong khi nền kinh tế của nước này bị suy thoái nghiêm trọng.”
Ông cảm thấy rằng tuyên bố của ĐCSTQ về “lưu thông nội địa” — dựa vào nhu cầu trong nước để thúc đẩy sản xuất và kinh tế — là một cái cớ để tự lừa dối chính họ và những người khác, sau khi bị các nhà đầu tư ngoại quốc bỏ rơi.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times