Cựu Thủ tướng Nam Hàn cáo buộc ĐCSTQ đứng sau gian lận bầu cử của nước này
Ông Park Joo-hyun, một luật sư và chuyên gia về khủng bố mạng của Cảnh sát Nam Hàn, đã bắt được tín hiệu WiFi của Huawei trong một cuộc thanh tra đặc biệt vào ngày 07/04.
Tranh cãi xoay quanh các cuộc bầu cử Nam Hàn gần đây sau khi cựu Thủ tướng Hwang Kyo-ahn cáo buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Bắc Hàn đứng sau gian lận bầu cử và yêu cầu chính phủ Tổng thống (TT) Yoon Seok-yul tiến hành điều tra.
Hôm 10/04, Nam Hàn tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ thứ 22. Đảng đối lập lớn nhất, Đảng Dân Chủ Đồng hành (DPK), lại chiến thắng áp đảo, giành được 175 ghế. Cùng với các lực lượng cánh tả khác và các ghế của Đảng Cải cách Mới, do các cựu thành viên của Đảng Quyền lực Nhân dân tạo thành, họ đã hình thành nên một “phe siêu quy mô đối lập với chính phủ TT Yoon Suk-yeol” với tổng số 192 ghế.
Đảng cầm quyền, Đảng Quyền lực Nhân dân, chỉ xoay sở giành được 108 ghế. Đây là lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp vào năm 1987 đảng cầm quyền đã thua đảng đối lập với tỷ lệ lớn như vậy. Đảng Quyền lực Nhân dân hầu như không giữ được điểm cốt yếu để ngăn chặn việc đàn hặc tổng thống và những tu chính Hiến Pháp (100 ghế).
Cựu Thủ tướng: Đầy rẫy gian lận bầu cử
Ông Hwang, thủ tướng dưới thời Tổng thống Park Geun-hye và là tổng thống lâm thời sau khi bà Park bị đàn hặc, đã nêu lên những lo ngại về gian lận bầu cử trong nội bộ cơ quan bầu cử của Nam Hàn, Ủy ban bầu cử quốc gia (NEC). Việc này bao gồm cả các cáo buộc về gian lận phiếu bầu trước cuộc bầu cử và gian lận bầu cử.
Đầu năm 2022, ông Hwang thành lập nhóm dân sự “Quân đội Công lý Bầu cử” (EJA·Election Justice Army), bao gồm một trung tâm báo cáo bầu cử và một nhóm trợ giúp pháp lý. Nhóm này cung cấp các dịch vụ như giáo dục cử tri và đào tạo quan sát và đặt mục tiêu trở thành một nền tảng toàn quốc để ngăn chặn các hoạt động gian lận bầu cử.
Kể từ khi kết thúc cuộc bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ thứ 22 hôm 10/04, ông Hwang đã cáo buộc có sự gian lận bầu cử và tin rằng đứng đằng sau việc này có bóng dáng của ĐCSTQ và Bắc Hàn.
Hôm 27/04, tại một cuộc tập hợp trước Nhà Xanh, ông Hwang nói rằng Nam Hàn hiện bị vướng vào gian lận bầu cử và đứng trước bước ngoặt về việc có nên tiến tới chủ nghĩa xã hội hay không.
Ông Cho Kuk, cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp dưới thời Tổng thống Moon Jae-in, thừa nhận trong một phiên điều trần Quốc hội năm 2019 rằng ông là một người theo chủ nghĩa xã hội. Mặc dù vậy, ông vẫn được ông Moon bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Ông Cho đã đắc cử trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng Tư, và đảng mới của ông, Đảng Tái thiết Triều Tiên, do ông thành lập hai tháng trước cuộc bầu cử, đã giành được 12 ghế.
Hôm 26/04, ông Hwang đăng trên Facebook của mình với bài viết có tiêu đề “Bắc Hàn và Trung Quốc đứng sau NEC. Chúng ta hãy kêu gọi [chính phủ] điều tra,” tuyên bố rằng NEC là nguồn gốc của hành vi gian lận phiếu bầu trước cuộc bầu cử.
Ông giới thiệu 4 nhân vật của Đảng Dân Chủ Đồng hành, gồm có ông Go Han-seok, cựu phó chủ tịch Viện vì Dân Chủ của Đảng này từng làm gián điệp cho Bắc Hàn, ông Kim Min-seok, thành viên hiện tại của Đảng Dân Chủ Đồng hành, ông Yang Jeong-cheol, cựu chủ tịch Viện vì Dân chủ, và ông Jo Hae-joo, cựu thành viên thường trực của NEC.
Theo bài đăng của ông Hwang, ông Go, từng bị các công tố viên Nam Hàn giam giữ vì làm gián điệp cho Bắc Hàn, có sự hiểu biết sâu sắc về Bắc Hàn và Trung Quốc. Ông thậm chí còn xuất bản sách về dữ liệu lớn (big data) và các cuộc bầu cử Hoa Kỳ. Sau khi được trả tự do, ông Go theo học tại Trường Harvard Kennedy và làm “Giám đốc Phát triển Kinh doanh Internet và Công nghệ Thông tin của SK Trung Quốc” tại Bắc Kinh trong 4 năm trước khi trở về Nam Hàn để trở thành phó chủ tịch Viện vì Dân chủ của Đảng Dân Chủ Đồng hành. Ông Kim Min-seok, chủ tịch đương thời của Viện này, cũng tốt nghiệp Trường Harvard Kennedy.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội lần này, đồng minh thân cận của ông Cho, ông Yang Jeong-cheol, người từng là nhà hoạch định chính của Đảng Dân Chủ Đồng hành trong cuộc bầu cử Quốc hội (nhiệm kỳ thứ 21) vừa qua, đã đắc cử. Vài tháng trước cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua, ông Yang Jeong-cheol đã đến thăm Trung Quốc để ký một thỏa thuận chính sách với Trường Đảng Trung ương của ĐCSTQ. Theo bài đăng trên Facebook, cả ông Yang và ông Go đều làm việc tại Viện vì Dân chủ.
Ngoài ra, ông Hwang cho biết ông Jo Hae-joo, một cựu thành viên thường trực của NEC, người từng làm việc cho chiến dịch tranh cử của ông Moon, đã đưa máy kiểm đếm phiếu điện tử vào các cuộc bầu cử ở Nam Hàn.
Ông Hwang đặt câu hỏi: “Tại sao ông Jo Hae-joo lại tiến hành nghiên cứu với ông Go Han-seok, người bị tình nghi là một gián điệp của [Bắc Hàn] và đang vi phạm Đạo luật An ninh Quốc gia?”
Ông Hwang cho rằng người ta có thể nhận thấy bóng dáng của Bắc Hàn và ĐCSTQ đằng sau tất cả những điều này.
Trên Facebook, ông còn cáo buộc thêm rằng cuộc bỏ phiếu trước bầu cử hôm 10/04 là gian lận.
“Tôi tin chắc rằng những kẻ lừa đảo này thành thạo các hoạt động bầu cử và đã liên kết khéo léo việc xử lý dữ liệu với dữ liệu lớn. Đã có sự can thiệp hết sức bí mật của nhân lực bên ngoài để thay đổi, bổ sung phiếu bầu,” ông nói. “Với một lực lượng hùng hậu ở hậu trường tham gia vào, thì sẽ không chỉ là kết nối mạng với NEC.”
Ông nói: “Có thể có yếu tố thứ năm [gián điệp của kẻ thù giấu mặt bên trong hàng ngũ của đối phương] hoạt động bí mật trong đảng cầm quyền và chính phủ.”
Trong một bài đăng khác trên Facebook hôm 10/04, ông Hwang viện dẫn sự can thiệp của ĐCSTQ vào cuộc bầu cử Quốc hội Canada và tin rằng Bắc Kinh cũng sẽ can thiệp vào cuộc bầu cử Quốc hội Nam Hàn.
Ông đề cập đến một bài báo gần đây của The Washington Post có tiêu đề “Trung Quốc được cho là can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Canada như thế nào,” nói rằng “Đối với an ninh của Trung Quốc, Canada hay Nam Hàn quan trọng hơn?” điều này cho thấy rằng đối với an ninh khu vực của ĐCSTQ, vị trí chiến lược của Nam Hàn quan trọng hơn của Canada.
“Ở Canada, riêng ĐCSTQ đã hai lần can thiệp vào các cuộc bầu cử Quốc hội. Họ sẽ không gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Quốc hội của chúng ta chăng?” ông đặt câu hỏi.
Nhà khoa học: Gian lận bầu cử vi phạm các nguyên lý thống kê
Việc bỏ phiếu trong cuộc bầu cử ở Nam Hàn bao gồm bỏ phiếu tại điểm bỏ phiếu và bỏ phiếu trước cuộc bầu cử. Bỏ phiếu trước cuộc bầu cử bao gồm bỏ phiếu tại điểm bỏ phiếu thuộc phạm vi khu vực pháp lý và bỏ phiếu ngoài khu vực pháp lý.
Ông Hur Byung-ki, một tiến sĩ kỹ thuật tham gia vào quá trình phát triển phi đạn sớm nhất của Nam Hàn cho biết, theo các nguyên lý thống kê, tỷ lệ bỏ phiếu của Đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền và Đảng Dân Chủ Đồng hành đối lập lớn nhất trong cả việc bỏ phiếu tại điểm bỏ phiếu và bỏ phiếu trước cuộc bầu cử trong phạm vi khu vực pháp lý phải tương tự nhau. Tuy nhiên, những con số do NEC đưa ra lại mâu thuẫn với các nguyên lý thống kê.
Ông giải thích rằng theo dữ liệu do NEC công bố, chỉ riêng ở Seoul, có tổng cộng 425 “dong” (bộ phận hành chính của Nam Hàn). Tỷ lệ bỏ phiếu tại điểm bỏ phiếu của Đảng Dân Chủ Đồng hành ở tất cả các dong này thấp hơn hơn 10% so với tỷ lệ bỏ phiếu trước cuộc bầu cử trong khu vực pháp lý này, trong khi tỷ lệ bỏ phiếu tại điểm bỏ phiếu của Đảng Quyền lực Nhân dân cao hơn 10% so với tỷ lệ bỏ phiếu trước cuộc bầu cử trong khu vực pháp lý này.
Tình huống ở Seoul là phổ biến ở hầu hết các khu vực của Nam Hàn. Hôm 25/04, ông nói với The Epoch Times: “Điều này vi phạm nghiêm trọng các nguyên lý thống kê và không thể xảy ra một cách tự nhiên trừ phi bị làm sai lệch.”
Luật sư: Phát hiện các tín hiệu WiFi của Huawei
Hôm 07/04, ông Park Joo-hyun, một luật sư và là chuyên gia khủng bố mạng của Cảnh sát Nam Hàn, viết trên Facebook rằng với vai trò là một thành viên của Đội Phòng chống Gian lận Bầu cử trong một cuộc thanh tra đặc biệt của Ủy ban bầu cử Thủ đô Seoul ngày hôm đó, lần đầu tiên ông bắt được tín hiệu WiFi của Huawei.
Ngoài ra, trong quá trình kiểm đếm phiếu, số phiếu lẽ ra phải tăng lên cho đến cuối cùng. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm đếm phiếu này, đã xuất hiện tình trạng giảm số phiếu bầu.
Theo thông tin bỏ phiếu được NEC công bố hôm 10/04, số phiếu bầu ngày hôm đó là 14,367,809 lúc 5 giờ 40 phút chiều, nhưng giảm xuống còn 6,273,801 lúc 6 giờ 25 phút chiều và sau đó lại tăng lên 14,641,031 lúc 6 giờ 52 phút chiều.
Số phiếu bầu trước cuộc bầu cử là 14,017,445 lúc 5 giờ 40 phút chiều, nhưng giảm xuống còn 5,983,305 lúc 6 giờ 25 phút chiều và sau đó lại tăng lên 13,208,710 lúc 6 giờ 52 phút chiều.
Trên Facebook, ông Hwang nói rõ rằng sau cuộc bầu cử hôm 10/04, ông nhận được hàng loạt báo cáo từ những người giám sát kiểm đếm phiếu.
Ông tin rằng hệ thống và các thiết bị bỏ phiếu trước bầu cử được thiết kế để gian lận bầu cử, đồng thời lưu ý rằng hệ thống bỏ phiếu trước bầu cử và hệ thống bỏ phiếu tại điểm bỏ phiếu là khác nhau.
Số phiếu bầu sớm không thể được xác thực bằng mắt ngoại trừ các lá phiếu ở trong thùng phiếu. Ngược lại, vào ngày bầu cử, các phương pháp xác thực bao gồm chữ ký trong sổ ghi danh cử tri và nhật ký số sê-ri lá phiếu.
Ông Hwang nói rằng trong ngày bầu cử, các thùng nhựa được sử dụng trực tiếp làm thùng phiếu, nhưng ngược lại đối với bỏ phiếu sớm, thùng phiếu được làm bằng túi vải, nhưng do không thể tự đứng thẳng nên được, thế là chúng được đặt trong những thùng nhựa được sử dụng để chống đỡ, nên có vẻ như tất cả các thùng phiếu đều giống nhau, nhưng túi vải lại dễ dàng được mở ra.
Ngoài ra, camera giám sát tại các địa điểm bỏ phiếu sớm bị che khuất, số sê-ri bên dưới mã vạch trên phiếu bầu sớm đều bị làm hỏng.
Ông Hwang lưu ý rằng Đạo luật Bầu cử Công cộng của Hàn Quốc yêu cầu các quan chức bỏ phiếu sớm phải sử dụng con dấu cá nhân, một yêu cầu được đảng cầm quyền và chính phủ đưa ra cho NEC. Tuy nhiên, NEC đã hoàn toàn phản đối và thay vào đó sử dụng con dấu in của chính mình.
“Điều này không khác gì việc bỏ ngỏ cho việc tùy tiện giả mạo các lá phiếu bỏ phiếu sớm,” ông nói. “Làm sao người ta có thể không nghi ngờ rằng hệ thống và thiết bị bỏ phiếu sớm được thiết kế để thuận tiện che giấu số lượng phiếu bầu sớm và tạo thuận tiện cho việc lồng ghép bỏ phiếu gian lận?”
Cơ quan tình báo: NEC có nhiều lỗ hổng
NEC của Nam Hàn là một cơ quan hợp hiến độc lập chịu trách nhiệm quản lý các cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý cấp quốc gia. Cơ quan này hoạt động tách biệt với Quốc hội, các cơ quan hành chính, tòa án, và tòa án Hiến Pháp. Tuy nhiên, hoạt động của NEC gặp phải nhiều vấn đề.
Theo một cuộc điều tra năm 2023 của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Nam Hàn, NEC đã hoàn toàn trốn tránh các cuộc thanh tra nhân sự trong 7 năm, bỏ bê việc tự giám sát, và thiếu sự kiểm soát từ bên ngoài, dẫn đến nhiều trường hợp tuyển dụng không công bằng. Trong tổng số 162 lượt tuyển dụng, thì 104 lượt không tuân thủ quy trình tuyển dụng công bằng, chiếm 64%.
Năm 2023, Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) của đất nước này, cộng tác với Cơ quan An ninh & Internet Nam Hàn và NEC, đã tiến hành một cuộc thanh tra an ninh hệ thống bầu cử. Kết quả cho thấy các hệ thống quản lý bỏ phiếu và kiểm đếm phiếu của NEC có nhiều lỗ hổng bảo mật mạng, khiến chúng dễ bị các thế lực ngoại quốc tấn công.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times