Trung y dưỡng sinh: Sự thần bí của dược dẫn
Hiện nay nhiều người cảm thấy lo sợ, thứ nhất là về dịch bệnh không biết bao giờ kết thúc, liệu nhân loại có cách đối phó với nó hay không? Thứ hai là về suy thoái kinh tế, rối loạn cục bộ; người ta lo rằng có thể sẽ có những thảm họa khác.
Trên thực tế, dịch bệnh đã từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử hàng nghìn năm Trung Quốc. Ôn dịch luôn đồng hành với con người, và ôn dịch quy mô lớn thường xảy ra trong thời kỳ xã hội hỗn loạn. Tuy nhiên, con người cũng hết lần này đến lần khác từ trong tai nạn mà thoát ra, tìm ra phương pháp chữa trị, và cũng xuất hiện một vị danh y kiệt xuất trong từng thời kỳ.
Thần Nông nếm trăm loại thảo mộc
Truyền thuyết về Thần Nông nếm bách thảo vào thời kỳ cổ đại, kỳ thực chính là Thần Nông đã tìm kiếm các loại thảo dược có tác dụng chống lại bệnh dịch vào thời đó.
Sách cổ có ghi chép lại rằng xã hội thời đó rất hỗn loạn. Nghi lễ tế Thần, vốn là một hoạt động xã hội quan trọng của người xưa, đã mất đi các quy pháp, không còn hoạt động theo quy củ. Bầu không khí xã hội băng hoại, con người vi phạm chữ tín, bách tính coi thường minh ước, cho nên họa loạn tai họa liên tiếp giáng xuống.
“Hắc ám truyện”, sử thi đầu tiên thời Hán còn sót lại, đã ghi chép về giai đoạn lịch sử nặng nề này: “Thời bấy giờ, ôn dịch hoành hành khắp thiên hạ, các thôn các nhà đều chết không còn người, Thần Nông nếm bách thảo chữa bệnh, nhọc tâm mệt sức đi vào núi rừng”.
Thần Nông Giá ở Hồ Bắc, Trung Quốc là nơi núi sâu rừng già, chính là nơi năm đó Thần Nông đi tìm thuốc. Nói cách khác, biến cố đại dịch được lịch sử ghi nhận sớm nhất đã xảy ra ở Hồ Bắc vào thời điểm đó.
Cuối cùng, “Thần nông nếm thử trăm loại thảo mộc, bệnh dịch đã được hóa giải”. Thần Nông cũng đã ghi lại những loại thảo dược này trong “Thần Nông bản thảo kinh”.
Thánh y Trương Trọng Cảnh và cháo nóng
Một lần nữa đại ôn dịch lại phát sinh vào cuối thời Đông Hán. Khi đó cũng là thời kỳ loạn thế, chính cuộc rối ren, hoàng quyền sa sút, chư hầu cát cứ, chiến tranh bùng phát, đất đai bỏ hoang không canh tác, nạn dân chạy loạn khắp nơi.
Lúc này, danh y Trương Trọng Cảnh xuất hiện, ông được người đời sau gọi là Thánh y. Ngày nay, tại rất nhiều trường đại học Trung y đều tạc tượng của ông.
Trương Trọng Cảnh đã ghi lại trong “Thương hàn tốt bệnh luận” rằng: “Gia tộc họ Dư hơn 200 người từ Kiến An tới, chưa tới mười năm, hai phần ba số người đã chết, bảy phần mười là do thương hàn”. Qua đó, có thể thấy được mức độ thảm khốc của bệnh dịch khi đó.
Ông căn cứ theo từng giai đoạn bệnh khác nhau mà kê thuốc, hơn nữa còn kê thêm cả dược dẫn. Dược dẫn nằm ngoài đơn thuốc, có tác dụng dẫn thuốc thẳng tới chỗ có bệnh hoặc tăng cường tác dụng của thuốc.
Ví dụ, Trương Trọng Cảnh có một bài thuốc gọi là “quế chi thang”, điều trị các chứng đau đầu phát sốt, đổ mồ hôi trộm, nghẹt mũi, buồn nôn khi mầm bệnh mới xâm nhập cơ thể. “Sau khi uống thuốc một lát, húp một bát cháo nóng loãng để trợ lực cho thuốc”. Cháo loãng này chính là dược dẫn.
Dược dẫn cháo nóng có tác dụng gì?
Cháo dễ tiêu, cơ thể người có thể hấp thu rất nhanh, có tác dụng bổ tỳ vị, nâng cao sức đề kháng. Cháo nóng khiến cho người đổ mồ hôi nhẹ, tà khí theo mồ hôi bài xuất ra ngoài, do đó khi bị cảm mà đổ mồ hôi thì thường là bệnh chuyển biến tốt. Lúc khí bệnh theo mồ hôi xuất ra, cơ thể sẽ mất nước, “cốc vi hãn chi nguyên” – tỳ vị là nguồn nguyên lai của mồ hôi, bởi vậy cháo có thể bổ sung chất lỏng cho cơ thể.
Sự thần kỳ của dược dẫn
Dược dẫn là một phương pháp chữa bệnh rất tốt và độc đáo của Trung y. Trước đây, người ta đến các tiệm thuốc bắc để bốc thuốc, nhân viên nhà thuốc sẽ gói các loại thuốc vào giấy, xếp chồng lên nhau và buộc lại bằng dây thừng. Đôi khi ngoài các loại thuốc này, còn có một túi giấy nhỏ bên trên đựng dược dẫn.
Có thể thấy, việc sử dụng dược dẫn diễn ra rất phổ biến.
Theo ghi chép trong hồ sơ bệnh án của triều đình nhà Thanh: Vào mùa hè năm 1880, Từ Hi Thái hậu mắc bệnh nặng, mấy ngày sau thậm chí còn đi ngoài ra máu; ngự y dùng dưỡng tâm “quy tỳ thang” để chữa trị, ngoài đơn thuốc còn kê thêm dược dẫn – đó là ba đồng cân Phục long can (đồng cân là đơn vị đo lường thời xưa, 10 đồng cân bằng một lạng). Phục long can là lớp đất vàng cháy xém ở trong lòng bếp đất đun bằng củi, thường được gọi là “táo tâm thổ” (đất trong lòng bếp). Sau khi Từ Hi Thái hậu uống thuốc, sang ngày thứ hai đã không còn đi ngoài ra máu, bệnh tình chuyển biến tốt.
Đi ngoài ra máu là tiêu hóa có vấn đề, sau khi “táo tâm thổ” đi vào kinh Tỳ vị, nó có thể dẫn thuốc vào kinh lạc thẳng tới chỗ bệnh, phát huy tác dụng trị liệu tốt hơn; Táo tâm thổ có tác dụng cầm máu và tiêu chảy, có thể làm giảm triệu chứng đi ngoài ra máu.
Sách “Y y bệnh thư” của Ngô Đường có viết: “Thuốc có dược dẫn kinh, giống như người không biết đường dùng người dẫn đường, ngày nay ở hiệu thuốc thường không có bán, phải tự chuẩn bị, gọi là dược dẫn”.
“Y học giai thê” của Trương Duệ cũng viết: “Trong thuốc có dẫn, giống như thuyền có mái chèo. Người xưa dùng thuốc, tất phải dùng dẫn, tất cả các phương thuốc xưa nay thì dược dẫn nhiều vô cùng, gặp thời thì dùng, mỗi bệnh đều có loại riêng”.
Có rất nhiều phương thuốc kinh điển trong Trung y có dược dẫn. Nhiều dược dẫn là đồ vật hàng ngày vẫn dùng trong sinh hoạt.
Ví dụ:
- Chữa đau đầu, dùng trà xanh làm dược dẫn;
- Nấc cụt, nôn mửa, dùng gừng làm dược dẫn;
- Tỳ vị hư nhược, dùng táo tàu làm dược dẫn;
- Sau sinh ứ huyết ít sữa, thường dùng sinh hóa thang, tốt nhất nên uống cùng với đường nâu để tăng tác dụng bổ huyết tán hàn, công hiệu khử ứ;
- Ăn không tiêu, dùng trà phổ nhĩ làm dược dẫn;
- Lục vị địa hoàng hoàn bổ thận, dùng muối làm dược dẫn;
- Phù thũng, dùng xích tiểu đậu làm dược dẫn;
- Liệt mặt, mắt miệng méo xệch, dùng máu lươn làm dược dẫn;
- Nhện được dùng để giải độc;
- Giun đất dùng chữa bệnh suyễn.
Ngọc bích cũng được dùng làm dược dẫn
Hoàng hậu của hoàng đế khai quốc triều Minh Chu Nguyên Chương từng bị bệnh nặng, có một lang trung tên là Lâu Anh được tiến cử đến điều trị. Ông kê ba đồng cân “lai bặc tử”, nhưng yêu cầu Hoàng thượng sử dụng miếng ngọc bích mà ông đeo bên thân làm dược dẫn. Mã hoàng hậu sau khi uống thuốc, bụng sôi ùng ục, đại tiện thông suốt, cả đêm ngủ ngon. Ngày hôm sau, Lưu Anh lại yêu cầu bà chỉ ăn một chút cháo và rau. Vài ngày sau, hoàng hậu khỏi bệnh.
“Thần nông bản thảo kinh”, “Bản thảo cương mục” và các kiệt tác y dược cổ đại khác có ghi chép:
“Ngọc bích có vị mặn, tính lạnh, có tác dụng trừ nóng trong, giải phiền muộn, dưỡng tim phổi, thông cổ họng, dưỡng tóc, dưỡng ngũ tạng, an thần, lưu thông huyết mạch, cải thiện tai mắt”.
Ngọc bích chứa nhiều loại khoáng chất, đi vào kinh tỳ và kinh tâm; Mã hoàng hậu bị rối loạn tỳ vị dẫn đến lòng dạ phiền đầy, ngọc có thể dẫn thuốc vào tỳ vị.
Ngoài ra, còn có các loại thuốc dùng bên ngoài, như dán vào rốn, bôi bên ngoài, thậm chí còn dùng động tác hình thể đặc biệt để vận hành khí huyết, đưa thuốc vào chỗ có bệnh.
Dược dẫn thực sự rất đa dạng.
Ngô Hựu Khả và chân ngôn
Vào cuối thời nhà Minh, một trận đại ôn dịch khác lại xuất hiện do một bệnh truyền nhiễm nặng gây ra.
Lúc bấy giờ, triều Minh sắp diệt vong, chính quyền lung lay, dân chúng nổi dậy, xã hội rơi vào tình thế rối ren.
Khi đó, rất nhiều hộ gia đình cả nhà chết hết, các gia đình kế bên cũng chết, không có người thu gom xác. “Kinh sư đại dịch, người chết không đếm xuể”. “Có mười phòng thì chín phòng trống, thậm chí có hộ không còn ai, không có người gom xác”. Một số bệnh nhân chết trong vòng một đến hai ngày, có bệnh nhân mắc bệnh buổi sáng buổi tối đã chết, có người tự dưng ngã xuống đất chết.
Hai người uống trà trong quán, một người đứng dậy đưa trà, thân thể còn chưa đứng thẳng đã tắt thở rồi. Có người đi làm ruộng về, vừa bước vào cổng liền chết. Thấy gia chủ đã tử vong, hai tên trộm nửa đêm đến trộm đồ, đang lúc chuyển đồ đột nhiên cả hai đều mất mạng.
Sự thảm khốc của ôn dịch khiến mọi người kinh tâm động phách.
Khi ấy xuất hiện một đại y học gia cứu giúp bách tích tên là Ngô Hựu Khả. Ông đã chế ra phương thuốc chống dịch “Đạt nguyên ẩm”, và viết cuốn “Ôn dịch luận”, cho rằng: “Ôn dịch gây ra bệnh, không phải gió, lạnh, nhiệt, ẩm, mà là giữa trời đất có một luồng khí lạ”, còn gọi là “lệ khí” (khí chướng độc)“. Bệnh dịch là do lệ khí xâm nhập vào cơ thể qua mũi và miệng, dùng thuốc có thể hồi phục.
Đạt nguyên ẩm cũng có một loại dược dẫn nhưng không được lưu truyền lại. Ngô Hựu Khả là một đạo nhân, dược dẫn đó là câu khẩu quyết trong pháp môn tu của ông, hay còn được gọi là “chân ngôn”.
Cho dù như thế nào, phương thuốc này đã cứu rất nhiều người, đó là sự thật. Tác phẩm “Ôn dịch luận” của ông cũng đã trở thành một bộ luận thuật quan trọng sớm nhất về các bệnh truyền nhiễm cấp tính ở Trung Quốc, lưu truyền hậu thế, công lao to lớn không kể xiết.
Phương thuốc Đạt nguyên ẩm bao gồm 7 vị thuốc hợp lại mà thành: tân lang (6g), hậu phác (3g), thảo quả (1.5g), tri mẫu (3g), thược dược (3g), hoàng cầm (3g), cam thảo (1.5g).
Tân lang trừ chướng khí, hậu phác trừ lệ khí, thảo quả trừ phục tà, bạch thược, tri mẫu thanh nhiệt dưỡng âm, hoàng cầm vị đắng tính lạnh, thanh nhiệt trừ ẩm, cam thảo điều hoà toàn bài thuốc.
Khoa học đang phát triển, vaccine vẫn đang được nghiên cứu. Tuy vậy, còn có những kho báu vô tận trong kho tàng của Trung y bác đại tinh thâm.
Xian Hui - Bác sĩ Trung y với hơn 30 năm kinh nghiệm lâm sàng, điều trị các bệnh Trung y khó chữa.
Lâm Mộc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ