Trung Quốc và tham vọng giành lấy châu Phi
Làm việc ở châu Phi trong suốt thập niên qua, tôi đã nhìn thấy những dấu hiệu của chủ nghĩa đế quốc Trung Hoa ở khắp mọi nơi.
Công ty đầu tư mà tôi điều hành, chủ yếu nhận tài trợ từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ và Canada, sẽ phải đối đầu với các tổ chức được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hậu thuẫn trong các giao dịch kinh doanh và giao dịch tài chính. Trên thực tế, bằng các khoản vay được chính phủ trợ cấp và những chiếc ca táp đựng toàn tiền mặt, cuộc cạnh tranh này đã giúp [ĐCSTQ] làm chủ được tình thế. Các thỏa thuận của họ thường gắn liền với các kết quả chính trị.
Châu Phi đã trở thành vũ đài chính trong tham vọng toàn cầu của Trung Quốc là trở thành một cường quốc thuộc địa mới. Có thể cho rằng, không có quốc gia nào có sức ảnh hưởng lớn hơn — chí ít là trong thời kỳ hậu thuộc địa — tại lục địa Phi Châu này so với Trung Quốc, dù là theo nghĩa tốt hay nghĩa xấu.
Ngược lại, Hoa Kỳ đã hoàn toàn trượt khỏi mục tiêu và nhượng lại sân chơi này [cho Trung Quốc] bằng cách tập trung vào việc bóp nghẹt các khoản quyên góp và định hướng từ thiện sai lầm, thay vì dẫn đầu bằng nguồn viện trợ dựa trên thị trường, đầu tư thương mại, và giáo dục thực tiễn, nhằm chống lại sự tấn công dữ dội về tư tưởng và tài chính của ĐCSTQ.
Trung Quốc Cộng sản đã can dự vào châu Phi kể từ khi phi thực dân hóa và các phong trào độc lập trong những năm 1960 và 1970. ĐCSTQ là nhà cung cấp quân sự chính cho chính phủ cách mạng Tanzania và ủng hộ nhà độc tài Robert Mugabe ở Zimbabwe cũng như đảng thống trị theo chủ nghĩa Mao-Lenin ở Mozambique. Trung Quốc là nhà viện trợ số một cho chế độ chuyên quyền bất tài và trộm cắp kéo dài 20 năm của ông Joseph Kabila ở Cộng hòa Dân chủ Congo (nếu có thì đó là một cách gọi sai lầm; Congo vẫn là một điểm nóng bất ổn trong khu vực và gần như là ở trong trạng thái vô nhà nước và không thể quản lý được).
Sự can dự của Trung Quốc vào châu Phi cuối cùng đã chuyển từ việc thúc đẩy các cuộc cách mạng sang đầu tư vào cơ sở hạ tầng trọng yếu, đồng thời cho các chính phủ cũng như khu vực thương mại vay vốn. Sự hiện diện của Trung Quốc tại các thị trường tài chính và trong doanh nghiệp châu Phi hiện nay đã phủ sóng trên khắp lục địa này, đến mức trở thành khuôn mẫu sáo rỗng và một hình thức thuộc địa mới. Trung Quốc đã đầu tư hơn 300 tỷ USD vào châu Phi trong 15 năm qua, thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi hiện đạt gần 200 tỷ USD mỗi năm.
Ngày nay, ước tính có đến hơn 1 triệu người Trung Quốc đang làm việc ở châu Phi cho hơn 10,000 công ty Trung Quốc. Ngược lại, hầu hết trong số hàng ngàn người Mỹ làm việc ở châu Phi đều đang làm việc cho các chính phủ hoặc tổ chức phi chính phủ, chứ không phải trong các doanh nghiệp thương mại. Đây là một mất mát đáng tiếc cho châu Phi và Hoa Kỳ.
Đồng thời, Trung Quốc cũng đang tăng cường sự hiện diện quân sự và an ninh trên lục địa này. Ngày nay, Trung Quốc có hàng ngàn binh sĩ và quân nhân được khai triển khắp nơi ở một số quốc gia Phi Châu. Các công ty an ninh tư nhân Trung Quốc đã thành lập toàn bộ ngành công nghiệp bảo vệ các doanh nhân và khách VIP Trung Quốc, vốn có thể đóng vai trò bán quân sự trong trường hợp bất ổn.
Đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi là con dao hai lưỡi. Chắc chắn là châu Phi rất cần cơ sở hạ tầng quan trọng mà Trung Quốc đang đi đầu trong việc phát triển. Hệ thống đường sá và đường ray xe lửa tốt hơn, nguồn điện đáng tin cậy hơn và điện thoại di động giá cả phải chăng mang lại lợi ích cho nhiều người. Tuy nhiên, ẩn sâu trong những khoản đầu tư của Trung Quốc là những cái giá phải trả cao ngút trời. Thay vì thúc đẩy hơn nữa nền độc lập của châu Phi, thì tình trạng nợ nần ngày càng gia tăng có nguy cơ đẩy các quốc gia Phi Châu trở lại trạng thái nô lệ thuộc địa. Các dự án lớn này đã tạo ra hàng triệu việc làm nhưng đều do lao động du nhập người Trung Quốc đảm nhận, chứ không phải người Phi Châu ở địa phương. Kết quả là tình trạng thất nghiệp trong nước vẫn chỉ dậm chân ở mức trên 50% ở nhiều quốc gia. Nông nghiệp và các mặt hàng khác được xuất cảng sang Trung Quốc thay vì giúp giảm bớt tình trạng mất an ninh lương thực dai dẳng trên lục địa này.
Đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi là một nỗ lực của đế quốc. Trung Quốc tìm cách bảo đảm nguồn cung cấp đáng tin cậy các mặt hàng công nghiệp và nông nghiệp quan trọng với giá ưu đãi và cung cấp việc làm cho những người lao động thất nghiệp ở Trung Quốc. Tương tự như các mặt hàng đồng, than đá, và cobalt được khai thác để phục vụ sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc, hoạt động đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi cũng mang tính trục lợi. Tệ hơn nữa, các sản phẩm hoàn chỉnh của Trung Quốc được nhập cảng và bị buộc tiêu thụ ở các thị trường châu Phi, điều này làm suy giảm sản xuất trong nước và ngăn cản các ngành công nghiệp địa phương không thể cạnh tranh với trợ cấp của Trung Quốc. Đây là chủ nghĩa thực dân cổ điển.
Các hoạt động kinh doanh tham nhũng có hệ thống của Trung Quốc làm xói mòn những nỗ lực hợp pháp hướng tới trách nhiệm giải trình, tính minh bạch, và liêm chính cao hơn theo quy định của pháp luật. Hoạt động đầu tư và kinh doanh của Trung Quốc ở châu Phi thường đi kèm với hối lộ, dù bằng tiền mặt hay quà tặng [với giá trị] quá lớn, và các khoản lại quả xoay vòng để giành được hợp đồng và đấu thầu. Không giống như các doanh nghiệp Hoa Kỳ và châu Âu hoạt động ở châu Phi, vốn phải chịu sự thực thi mạnh mẽ của luật chống tham nhũng nghiêm ngặt, Trung Quốc không thực thi luật chống hối lộ hoặc chống tham nhũng. Chính phủ và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Phi Châu đều ngầm hiểu rằng người Trung Quốc kinh doanh theo lối cũ. Nhiều người từ chối khoản [hối lộ] đó, nhưng đối với những người khác, sự cám dỗ là quá lớn.
Trong thập niên vừa qua, Hoa Kỳ đã nỗ lực dù có phần muộn màng để đáp lại ưu thế đáng gờm của Trung Quốc ở châu Phi. Liệu mối quan tâm mới của phương Tây đối với châu Phi có phải là quá ít, quá muộn màng hay không, vẫn còn phải xem xét. Cũng đúng khi các quốc gia Phi Châu có những dè dặt ở sâu trong suy nghĩ về việc cho phép các cường quốc thuộc địa cũ của châu Âu quay trở lại bằng cửa sau. Và cho đến nay, cam kết của Hoa Kỳ cùng lắm vẫn chỉ là nửa vời mà thôi, quảng cáo thì rầm rộ mà thực chất nội dung thì chẳng có gì. Dù thế nào đi nữa, châu Phi cũng sẽ là một chiến trường quan trọng trong cuộc đấu tranh địa chính trị đang diễn ra với Trung Quốc trong nhiều năm tới.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times