Hoạt động gián điệp tình báo con người của ĐCSTQ ở Hoa Kỳ
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tức giận khi Hoa Kỳ cáo buộc sinh viên của họ làm gián điệp, mặc dù họ thường xuyên sử dụng sinh viên để làm việc này.
Bắc Kinh cáo buộc Hoa Kỳ sách nhiễu sinh viên Trung Quốc, với một số bị thẩm vấn về hoạt động gián điệp và một số người khác bị trục xuất. Tuy nhiên, những nghi ngờ không phải là vô căn cứ, dựa trên Luật Tình báo Quốc gia của Trung Quốc, trong đó bắt buộc công dân phải trợ giúp ĐCSTQ thu thập thông tin tình báo.
Theo Cục Điều tra Liên bang, chính quyền Trung Quốc quyết tâm đạt được các mục tiêu phát triển vào năm 2025 bằng cách sử dụng hoạt động gián điệp trên diện rộng. Điều này bao gồm đánh cắp bí mật trong 10 ngành công nghiệp chiến lược nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của Trung Quốc và thống trị các lĩnh vực này trong tương lai. Cộng đồng Tình báo Hoa Kỳ xác định ĐCSTQ là mối đe dọa gián điệp chính, thường bao gồm việc tuyển dụng sinh viên làm đặc vụ.
Dự án năm 2025 này được nhà nước hậu thuẫn, kết hợp các nguồn lực của khu vực quân sự và tư nhân trong sự kết hợp quân sự – dân sự. Bằng cách sử dụng giám sát vệ tinh, tội phạm mạng, và thu thập thông tin tình báo con người, ĐCSTQ tìm cách thu thập thông tin một cách sâu rộng. Các công ty và tổ chức giáo dục của Hoa Kỳ được coi là mục tiêu dễ bị tấn công của hoạt động gián điệp, khi các sinh viên tốt nghiệp và kỹ sư Trung Quốc thường xuyên tham gia vào các nghiên cứu quan trọng, dù là hợp tác với các công ty tư nhân Hoa Kỳ, chính phủ Hoa Kỳ hay kết hợp cả hai.
Các đặc vụ tình báo Trung Quốc thường xuyên theo đuổi các mục tiêu như vậy thông qua nhiều cuộc tấn công phối hợp bằng nhiều công cụ khác nhau. Mặc dù một số đặc vụ làm việc từ xa, thực hiện xâm nhập và tội phạm mạng để đánh cắp thông tin bí mật hoặc độc quyền, nhưng điều này chỉ chiếm một phần nhỏ trong chiến lược của họ. Nhiều đặc vụ tập trung vào việc thu thập thông tin công khai bằng cách tiến hành tìm kiếm trên web và quét các bài đăng trên mạng xã hội trên các nền tảng như Facebook, Twitter, Instagram, và TikTok. Các điệp viên cũng được biết là lợi dụng các ứng dụng hẹn hò hoặc trang web việc làm để nhắm mục tiêu vào những cá nhân cụ thể có thể sở hữu hoặc có quyền truy cập vào thông tin mà họ tìm kiếm.
Các đặc vụ này thường làm việc cho Bộ An ninh Nhà nước hoặc Cục 2 của Bộ Tổng Tham mưu (2PLA), còn được gọi là Cục Tình báo GSD. GSD được giao nhiệm vụ thu thập và phân tích thông tin tình báo quân sự và chính trị, tương tự như Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ. Cơ quan này kết hợp các chức năng tương tự như Cơ quan Tình báo Không gian Địa lý Quốc gia và Văn phòng Trinh sát Quốc gia, gồm các chức năng trinh sát không gian và vệ tinh.
Khả năng thu thập Thông tin Tình báo Con người (HUMINT) của 2PLA gồm các hoạt động HUMINT công khai và bí mật. Các nhân viên tình báo thường tuyển dụng các cá nhân từ các doanh nghiệp nhà nước hoặc các tổ chức học thuật. Hơn nữa, 2PLA giám sát còn các tùy viên quân sự Trung Quốc đóng tại các Đại sứ quán Trung Quốc trên toàn thế giới. Năm 2019, sự tham gia của 2PLA bị phơi bày khi chính phủ Hoa Kỳ phát hiện Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston tiến hành các hoạt động gián điệp, gồm cả việc quản lý các sinh viên Trung Quốc được tuyển dụng làm đặc vụ.
Mặc dù mối đe dọa gián điệp của ĐCSTQ đã được các quan chức Hoa Kỳ biết rõ, nhưng Cơ quan Tình báo Trung ương có phần gặp khó khăn trong việc chống lại mối đe dọa này. Vào năm 2021, CIA đã thành lập Trung tâm Sứ mệnh Trung Quốc, thực hiện một mức độ mở rộng và cấp bách tương tự như sự gia tăng các nỗ lực chống khủng bố sau ngày 11/09.
Tuy nhiên, không giống với thời kỳ đó, có rất ít dấu hiệu cho thấy Quốc hội đã tăng ngân sách hoặc tăng cường sức mạnh nhân sự cho CIA. Khoản phân bổ cụ thể cho CIA trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng trị giá 874.2 tỷ USD cho năm tài khóa 2024 không được tiết lộ. Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm một phần nhỏ so với nguồn tài trợ dành cho Ngũ Giác Đài nền tảng thu thập vệ tinh tân tiến của quốc gia.
Khi Trung Quốc cộng sản xuất hiện như mối đe dọa quân sự hàng đầu, Bộ Quốc phòng nhận được ngân sách vượt quá 800 tỷ USD. Tuy nhiên, khi chính quyền Trung Quốc là mối đe dọa tình báo hàng đầu, thì nguồn tài trợ của CIA cũng phải lớn, nhưng trên thực tế, đó chỉ là một phần nhỏ của Bộ Quốc phòng.
Xét về khả năng phản gián kỹ thuật đáng gờm của chế độ này và sự can dự của họ với toàn dân, trong đó có cả sinh viên, kỹ sư, và doanh nhân, việc bảo vệ chống lại gián điệp của ĐCSTQ là một thách thức đặc biệt.
Nhã lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình khuyến khích công chúng không chỉ do thám cho Bắc Kinh mà còn do thám lẫn nhau, gợi nhớ đến thời đại Mao Trạch Đông và Cách mạng Văn hóa. Bước thụt lùi này cho thấy ĐCSTQ không có ý định tham gia một cách có trách nhiệm vào trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và được chấp nhận rộng rãi. Họ cũng ngụ ý rằng cộng đồng tình báo của ĐCSTQ không phải đối mặt với những hạn chế về tài chính và pháp lý như Hoa Kỳ.
Bắc Kinh tỏ ra phẫn nộ trước cáo buộc về “thẩm vấn, sách nhiễu, và hồi hương vô căn cứ đối với sinh viên Trung Quốc,” viện cớ về các mối đe dọa gián điệp. Tuy nhiên, mối lo ngại này không phải là không có cơ sở. Do Luật Tình báo Quốc gia của Trung Quốc, những sinh viên này đủ điều kiện trở thành đặc vụ ngoại quốc theo luật Hoa Kỳ.
Điều 7 của Luật Tình báo Quốc gia quy định rằng “Tất cả các tổ chức và công dân phải ủng hộ, trợ giúp, và hợp tác với các nỗ lực tình báo quốc gia … bảo vệ bí mật hoạt động tình báo quốc gia mà họ biết.”
Ngoài ra, Điều 14 quy định rằng “Tất cả các tổ chức và công dân phải ủng hộ, trợ giúp, và hợp tác với các nỗ lực tình báo quốc gia … bảo vệ bí mật hoạt động tình báo quốc gia mà họ biết.” Và Điều 14 viết, “Các cơ quan tình báo nhà nước … có thể yêu cầu các cơ quan liên quan, các tổ chức, hoặc công dân ủng hộ, trợ giúp, và hợp tác cần thiết.”
Yêu cầu này nhằm trợ giúp ĐCSTQ thu thập thông tin tình báo và giữ bí mật công việc tình báo phù hợp với định nghĩa của Đạo luật Ghi danh Đại diện Ngoại quốc (FARA) của Hoa Kỳ về đại diện ngoại quốc là “bất kỳ người nào ở Hoa Kỳ hoạt động với tư cách là người được ủy quyền, đại diện, nhân viên, hoặc người giúp việc, hoặc mặt khác là hành động theo lệnh, yêu cầu, hoặc dưới sự chỉ thị hoặc kiểm soát của chính phủ ngoại quốc hoặc bất kỳ quan chức nào của chính phủ đó.”
ĐCSTQ không ngần ngại chuyện do thám Hoa Kỳ; họ chỉ ghét việc bị buộc tội làm gián điệp.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times