Trung Quốc ưu tiên hợp tác xây dựng đường ống dẫn khí đốt với Trung Á hơn là với Nga
Lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đang ưu tiên hợp tác với Trung Á về đường ống dẫn khí đốt, sau khi ông thúc giục đẩy nhanh việc xây dựng đường ống thứ tư tới khu vực này trong một cuộc gặp với các nguyên thủ quốc gia từ năm quốc gia Trung Á hồi tháng Năm.
Trong khi đó, Nga đã thúc đẩy Trung Quốc, nhưng không thành công, trong việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt mới (Power of Siberia 2, hay PS-2) nối Nga và miền bắc Trung Quốc qua Mông Cổ, ngoài đường ống Power of Siberia 1 (PS-1) hiện tại chạy từ Siberia đến tỉnh Hắc Long Giang ở phía đông bắc Trung Quốc. Đường ống PS-1 đã vận chuyển khí đốt đến Trung Quốc từ năm 2019.
Hồi tháng Ba, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp ông Tập tại Moscow trong hai ngày đàm phán, trong đó có nói về đường ống PS-2 đã được Nga đề nghị từ lâu. Ông Putin đã gọi dự án này là “thương vụ của thế kỷ.” Tuy nhiên, tuyên bố chính thức ngắn gọn của ĐCSTQ sau cuộc đàm phán đó đã không đề cập đến đường ống PS-2, tiết lộ tính không cấp bách đối với dự án này của phía Trung Quốc.
Theo Financial Times, Thủ tướng Nga Mikhaïl Michoustine đã đến thăm Trung Quốc hồi cuối tháng Năm và gặp người đồng cấp Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) và ông Tập Cận Bình. Ông đã trở lại Moscow mà không nhận được bất kỳ xác nhận nào từ phía ĐCSTQ về đường ống mới PS-2.
Trong bối cảnh chi phí chiến tranh ngày càng tăng và thâm hụt ngân sách gia tăng do cuộc xâm lược kéo dài của Nga vào Ukraine, Điện Kremlin rất mong muốn có thêm thu nhập. Đối với Nga, việc xây dựng dự án đường ống PS-2 để tăng doanh số bán dầu cho Trung Quốc là một cách bù đắp cho việc nước này mất thị trường Âu Châu trong bối cảnh bị châu Âu trừng phạt.
Ông Lỗ Tư Tân (Lu Sibin), một nhà nghiên cứu tại Sáng kiến Chính sách Quốc phòng Đài Loan, cho rằng dự án đường ống PS-2 là một thành phần quan trọng trong mối bang giao Trung Quốc-Nga.
“Cốt lõi của mối bang giao Trung Quốc-Nga là liệu Trung Quốc có sẵn lòng cho phép Nga bán năng lượng cho Trung Quốc hay không,” ông Lỗ cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times. “Với việc ông Putin liên tục nhấn mạnh vào đường ống PS-2, thì chỉ khi đường ống này có tiến triển thì mối bang giao Nga-Trung mới thực hiện được.”
Ông Lỗ nói thêm rằng, “Nếu không có sự tiến triển, thì Nga và Trung Quốc sẽ quay trở về thời kỳ lạnh nhạt trước đây, khi mà trao đổi giữa các quan chức cấp trên rất nồng ấm, nhưng giữa các quan chức cấp dưới lại rất lạnh lùng, nghĩa là chính trị rất nóng, nhưng kinh tế nguội lạnh.”
Năm ngoái (2022), Nga đã bán 16 tỷ mét khối (bcm) khí đốt cho Trung Quốc qua PS-1, trong khi các đường ống dẫn dầu Trung Á vận chuyển 43.2 bcm khí đốt đến khu vực Tân Cương phía tây Trung Quốc.
Theo thống kê của hải quan Trung Quốc, khối lượng giao dịch thương mại của Trung Quốc với Nga năm ngoái (2022) đã tăng gần 30%, đạt mức cao kỷ lục 190 tỷ USD. Tuy nhiên, thương mại năm 2022 của Trung Quốc với Nga chỉ chiếm 3% tổng thương mại của Trung Quốc.
Nói một cách tương đối, thương mại song phương của Trung Quốc với năm quốc gia Trung Á đã tăng lên 70.2 tỷ USD trong năm 2022. Mặc dù khối lượng này vẫn chưa bắt kịp với Nga, nhưng con số này đã tăng đáng kể so với 460 triệu USD vào năm 1992.
Nga đã và đang gia tăng các rào cản thương mại và hạn chế xuất cảng một số sản phẩm nông nghiệp, dẫn đến chi phí cao hơn cho các nhà nhập cảng Trung Quốc đối với các sản phẩm như dầu hạt hướng dương và đậu nành. Ví dụ, Nga áp thuế xuất cảng 20% đối với đậu tương, ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất cảng đậu tương của Nga sang Trung Quốc, khiến Bắc Kinh phải tìm kiếm các giải pháp thay thế khác cho việc nhập cảng thực phẩm.
Một lý do khác khiến Bắc Kinh giữ khoảng cách với Moscow là họ lo ngại về các biện pháp trừng phạt của EU. Bắc Kinh muốn thận trọng và tránh dẫn đến việc các quốc gia Âu Châu kết luận rằng Trung Quốc trực tiếp ủng hộ việc Nga xâm lược Ukraine.
Trung Quốc chiếm 20% lượng hàng hóa nhập cảng của EU và 9% hàng hóa xuất cảng của EU vào năm 2022. Bắc Kinh không thể để mất châu Âu với tư cách là thị trường tiêu dùng lớn của họ và họ rất cần các công nghệ tân tiến của châu Âu. Vì vậy, việc chuyển hướng sang Trung Á là một giải pháp thay thế an toàn cho Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu hiện nay.
Nhập cảng lương thực và tài nguyên của Trung Quốc từ Trung Á năm ngoái (2022) đã tăng mạnh hơn 50% so với một năm trước đó (2021).
“Bắc Kinh hy vọng sẽ ở cùng với EU về mặt kinh tế,” ông Lỗ nói với The Epoch Times. “Đó là lý do tại sao các dự án Vành đai và Con đường của Bắc Kinh đi vòng quanh Nga.”
Bắc Kinh hướng về phương Tây
Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Trung Á từ ngày 18/05 đến ngày 19/05 tại thành phố lịch sử Tây An, phía tây nước này, mời năm nguyên thủ quốc gia từ các nước Trung Á đến dự.
Năm quốc gia — Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, và Turkmenistan — bao phủ một khu vực rộng lớn của châu Á trải dài từ biên giới phía tây của Trung Quốc đến Biển Caspi ở phía tây, Afghanistan ở phía nam, và Nga ở phía bắc. Các quốc gia này được xem là nằm trong phạm vi ảnh hưởng truyền thống của Nga vì đây là các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
Hội nghị thượng đỉnh này là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thiết lập mối bang giao chặt chẽ hơn với năm quốc gia trong khu vực trong bối cảnh Moscow can dự vào cuộc chiến kéo dài ở Ukraine. Bắc Kinh đã thảo luận với các đối tác Trung Á về các chủ đề như tăng tốc xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên thứ tư (Đường D), kết nối Trung Quốc và Trung Á vì lợi ích thương mại và an ninh quốc gia — một số chủ đề trong đó bị Nga phản đối hoặc không thích.
Ông Lưu Tiêu Tường (Liou Shiau-shyang), một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng Đài Loan chuyên về các nghiên cứu về Nga và khu vực Á-Âu, địa chính trị Bắc Cực, và sáng kiến “Một Vành đai Một Con đường” của Trung Quốc, cho biết, “Rõ ràng là Trung Quốc hy vọng sẽ sử dụng Đường D làm đòn bẩy để đàm phán với Nga về giá dầu.”
Ông Lưu nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 27/05 rằng, “Nếu nhìn về mặt địa lý từ cách phân bố khí đốt tự nhiên của Trung Quốc, đường ống phía tây [Đường D] cạnh tranh với PS-2 của Nga, vốn là một đường dẫn ở phía đông bắc.”
Ba đường ống song song ở Trung Á — được đặt tên là các Đường A, B, và C — cung cấp khí đốt tự nhiên từ Turkmenistan, Kazakhstan, và Uzbekistan đến Horgos, một thành phố ở khu vực Tân Cương phía tây Trung Quốc giáp với Kazakhstan.
Đường thứ tư — Đường D — được Trung Quốc đề nghị vào năm 2014 để vận chuyển khí đốt từ Galkynysh của Turkmenistan đến huyện Ô Kháp (Wuqia) thuộc Tân Cương, là đường ống lớn thứ hai thế giới thuộc loại này. Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, Đường D dự kiến sẽ cung cấp 30 bcm khí đốt mỗi năm cho Trung Quốc. Tuy nhiên, tuyến đường này đã bị cản trở bởi vấn đề giá cả và các rào cản xây dựng kể từ năm 2014.
Trung Quốc, Kyrgyzstan, và Uzbekistan đã ký một thỏa thuận vào ngày 14/09/2022 về việc xây dựng một tuyến đường sắt nối ba nước. Tuyến đường sắt này dài 280 km chạy từ đèo Torugart ở biên giới Trung Quốc đến Jalalabad ở miền Tây Kyrgyzstan, sẽ tiêu tốn 4.1 tỷ USD, và dự kiến sẽ rút ngắn hành trình từ Trung Quốc đến châu Âu xuống còn 900 km và thời gian di chuyển là 8 ngày. Tuyến đường sắt đi vòng qua Nga này mang lại cho Trung Quốc một con đường trực tiếp và an toàn để đi vào châu Âu.
Theo hãng thông tấn tài chính quốc doanh Yicai Global của Trung Quốc, tuyến đường sắt này được cho là sẽ khởi động trong năm nay.
Ngoài ra, Bắc Kinh đang khuyến khích các doanh nghiệp Trung Á giao dịch trên các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc. Gần 300 doanh nghiệp Trung Á đang bán sản phẩm của họ trên các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc.
Nỗ lực thay thế Moscow ở Trung Á
Ông Tập đã bày tỏ tham vọng thiết lập ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực chiến lược đó tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Á này.
Ông Tập nói với các nguyên thủ quốc gia của năm quốc gia kể trên trong một bài diễn văn tại Hội nghị thượng đỉnh hồi giữa tháng Năm: “Chủ quyền, an ninh, độc lập, và toàn vẹn lãnh thổ của các nước Trung Á phải được bảo vệ.”
Ông nói: “Trung Quốc sẽ giúp các nước Trung Á tăng cường xây dựng năng lực thực thi pháp luật, an ninh, và quốc phòng, trợ giúp các nỗ lực độc lập của họ để bảo vệ an ninh khu vực và chống khủng bố, đồng thời hợp tác với họ để thúc đẩy an ninh mạng.”
Vị lãnh đạo Trung Quốc này cũng thể hiện sự quan tâm của mình đối với Afghanistan, vốn là một khoảng không [quyền lực] sau khi Hoa Kỳ rút quân khỏi nước này, đồng thời nói thêm rằng Trung Quốc và năm quốc gia nên “cùng nhau thúc đẩy hòa bình và tái thiết Afghanistan.”
Ông Tập và nguyên thủ quốc gia của năm quốc gia đã ký Tuyên bố Tây An của Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á. Họ đã đồng ý về việc thiết lập một quy định gặp gỡ hai năm một lần cho những người đứng đầu sáu quốc gia này.
Ông Lưu Tiêu Tường cho rằng đây là những bước đi rất quan trọng của ông Tập Cận Bình trong hội nghị thượng đỉnh lần này, cho thấy ý định của ông Tập Cận Bình là bỏ qua Nga và trực tiếp kết nối với năm nước Trung Á, thiết lập ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực này.
Các nhà quan sát và các chuyên gia hải ngoại cũng có những quan điểm tương tự về tham vọng của ĐCSTQ nhằm thay thế Nga ở Trung Á.
Theo The Economist, với việc Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan và Nga vướng vào Ukraine, Trung Quốc xem đây là “một cơ hội để mở rộng ảnh hưởng” ở Trung Á.
CNN đưa tin cho hay, bà Jennifer Brick Murtazashvili, Giám đốc Trung tâm Quản trị và Thị trường (CGM) tại Đại học Pittsburgh tin rằng Trung Quốc đặc biệt lo ngại về tình hình bất ổn ở Afghanistan.
Ông Lỗ Tư Tân nói rằng trong số năm quốc gia Trung Á, Kazakhstan có ý nghĩa đặc biệt đối với Trung Quốc, vì Kazakhstan giáp với khu vực Tân Cương của Trung Quốc và kết nối chặt chẽ với Tân Cương về hậu cần và tài nguyên nước.
Ông Lỗ tin rằng ông Tập hy vọng sẽ ổn định được tình hình chính trị và xã hội ở năm quốc gia này để bảo đảm an toàn cho lãnh thổ của mình.
“Ông Tập có thể bắt đầu bằng cách thiết lập sự hợp tác trong tội phạm tài chính, rửa tiền, và tội phạm quốc tế [với năm quốc gia Trung Á này],” ông Lỗ nói, đồng thời cho biết thêm rằng mục tiêu duy nhất của ĐCSTQ là nhắm vào những người bị ĐCSTQ xem là mối đe dọa, chẳng hạn như Người Duy Ngô Nhĩ và lực lượng chống ĐCSTQ ở những khu vực này.
Ông Lỗ nói: “Sẽ có sự chia sẻ thông tin tình báo [với năm quốc gia đó] về vấn đề này, và có thể ĐCSTQ sẽ thiết lập mối liên hệ giữa các đơn vị an ninh của các quốc gia Trung Á với quân đội và hệ thống an ninh quốc gia của ĐCSTQ.”
Hợp tác tạm thời nhưng phân hóa ngày càng lớn
Với việc Trung Quốc đang cố gắng giành thêm ưu thế trong khu vực quyền lực truyền thống của Nga, thì Moscow được cho là đã bắt giữ ông Alexander Shiplyuk, người đứng đầu Viện Cơ học Lý thuyết và Ứng dụng Khristianovich (ITAM) ở Siberia, cùng hai chuyên gia công nghệ hỏa tiễn siêu thanh khác, cáo buộc họ tiết lộ bí mật cho Trung Quốc.
Ông Lưu tin rằng hành động của Nga là một tín hiệu cho thấy nước này không hài lòng với các hành động của Trung Quốc ở Trung Á và là để cảnh cáo Trung Quốc. Tuy nhiên, tạm thời Nga sẽ chấp nhận những nỗi bất bình nhất định và khó có thể tìm kiếm thêm địch thủ nào vào thời điểm này trong lúc họ đang rối ren vì Ukraine và bị phương Tây trừng phạt.
“Cả Trung Quốc và Nga đều sẽ không trở mặt vì Trung Á khi họ phải đối diện với các mối đe dọa lớn hơn,” ông Lưu nói. “Giờ đây, mối đe dọa lớn nhất mà Trung Quốc đang đối mặt là sự ngăn chặn của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đối với Nga, các mối đe dọa chính hiện nay là NATO và cuộc xung đột Nga-Ukraine.”
Ông Lỗ Tư Tân tin rằng Nga và Trung Quốc sẽ duy trì mối quan hệ hợp tác tương đối với điều kiện Trung Quốc thực hiện cam kết của họ đối với đường ống PS-2 và đầu tư vào vùng Viễn Đông của Nga.
Ông Lỗ nói: “Nếu Trung Quốc không làm vậy, thì ông Putin sẽ thất vọng về Trung Quốc. Ông ấy sẽ siết chặt an ninh Trung Á và nâng cấp hơn nữa sự hợp tác của Nga với Ấn Độ và Việt Nam, vốn đang có mối quan hệ rất xấu với Trung Quốc ở giai đoạn hiện tại.”
Bản tin có sự đóng góp của Tống Đường và Dịch Như
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times